Người Ngái (tiếng Khách Gia: 𠊎等人) còn có tên gọi khác là Khách Gia, Hẹ (Hakka), Ngái Hắc Cá, Ngái Lầu Mần, Sín, Đàn (Đản), Lê, Xuyến… là một trong 54 dân tộc sinh sống tại Việt Nam. Tên tự gọi chung là Sán Ngái (nghĩa là người miền núi). Mặc dù có ngôn ngữ bản địa là tiếng Hoa và có nguồn gốc từ Quảng Đông song người Ngái hiện không được chính phủ Việt Nam phân loại là người Hoa.
Tiếng nói của tộc Ngái thuộc nhóm ngôn ngữ Hán (ngữ hệ Hán-Tạng). Tộc này dùng nhiều thổ ngữ khác nhau của tiếng Hán phương Nam song xưa kia ít người biết chữ. Ngày nay, đa số trẻ em đến tuổi đi học đều biết chữ quốc ngữ và tiếng phổ thông.
Người Ngái có nhiều gốc khác nhau và thiên di tới Việt Nam làm nhiều đợt. Quá trình này diễn ra suốt thời kỳ Trung và Cận đại.
Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Ngái ở Việt Nam chỉ còn 1.035 người, có mặt ở 27 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố. Người Ngái cư trú tập trung tại các tỉnh:
– Thái Nguyên (495 người, chiếm 47,8% tổng số người Ngái tại Việt Nam)
– Bình Thuận (157 người, chiếm 15,2% tổng số người Ngái tại Việt Nam)
– Đồng Nai (53 người)
– Bắc Kạn (48 người)
– Tuyên Quang (43 người)
– Đắk Lắk (37 người)
– Cao Bằng (30 người)
Người Ngái giữ các cây rơm trên dàn cao để tránh mối mục và gia súc phá hoại. (ảnh KT)
Người Ngái sống chủ yếu bằng nghề làm ruộng trồng lúa. Ở vùng hải đảo, ven biển thì đánh cá là chính. Họ có truyền thống đào kênh, mương, đắp đập, tạo hồ nước, đắp đê biển, có những nghề thủ công như dệt chiếu, làm mành trúc, rèn, mộc, nung vôi, làm gạch ngói.
Việc gieo trồng mùa vụ trong năm của họ căn cứ vào các hiện tượng tự nhiên như: tiếng chim hót, lá cây rụng, hoa nở… Họ xây các mương đập dài vài chục km để tưới tiêu. Người Ngái ở Sài Gòn làm các nghề tiểu thủ công nghiệp như giày dép, tập trung ở quận 11, Tân Bình, Tân Phú. Các tiểu thương Chợ Lớn, một số đã thành những doanh nghiệp lớn trong ngành giày dép,cao su…
Theo phong tục của tộc Ngái, trong gia đình, người chồng quyết định mọi việc lớn, con trai được coi trọng, con gái không được chia gia tài khi cha mẹ chết và phải về nhà chồng sau khi cưới. Xưa kia, trai gái Ngái được cha mẹ dựng vợ gả chồng phải trải qua hai lần cưới: Lễ Thành Hôn và Lễ Nhập Phòng. Để cưới vợ cho con, nhà trai chủ động chọn tìm đối tượng dạm hỏi. Khi có thai, phụ nữ Ngái kiêng cữ rất cẩn thận: không ăn ốc, thịt bò, dê, không may vá hay mua quần áo. Sau khi sinh con 60 ngày đối với con đầu, 40 ngày đối với con thứ, người sản phụ mới được đến nhà mẹ đẻ của mình.
Văn hoá vật chất của người Ngái ở vùng trung du đã cải biến rất nhiều. Nhưng người phụ nữ vẫn giữ được chiếc áo kiểu cổ cao, xẻ nách truyền thống.
Họ nhà vợ, đại diện là ông cậu có vai trò quan trọng trong gia đình người Ngái. Ông cậu gọi là “Khảo”, được coi như người cha của các chị em gái trong gia đình. Khi các cháu gái sinh con, “Khảo” đặt tên cho các cháu ngoại.
Khi tộc Ngái có người chết họ tổ chức đám ma chu đáo. Sau khi chôn cất được cúng vào dịp 21 ngày, 35 ngày, 42 ngày, 49 ngày, 63 ngày, 70 ngày, 3 năm thì làm lễ đoạn tang. Người Ngái quan niệm chết tức là linh hồn chuyển sang sống trong một thế giới khác. Vì thế họ thường chôn theo người chết những đồ tuỳ táng mà khi sống người ta vẫn dùng. Tang lễ có nhiều công đoạn phức tạp: báo tang, nhập quan, chôn cất, mở mả…
Tộc Ngái tin vào sự tồn tại của hai phần trong con người (thể xác và linh hồn) cũng như sự tồn tại của các thần thánh, linh hồn người). Họ thường thờ cúng nhiều đối tượng như tổ tiên, thần, Phật, ma rừng, vong hồn thập loại chúng sinh… Nghi thức cúng mỗi đối tượng khác nhau cùng các loại lễ vật khác nhau. Ðã tồn tại một lớp người chuyên hành nghề tôn giáo. Họ ăn mừng Tết Nguyên Đán vào đầu mỗi năm mới. Ngoài ra có các tết khác như Hàn Thực (3-3 âm lịch), Ðoan Ngọ (5-5 âm lịch), Vu Lan (15-7 âm lịch), Cơm Mới (10-10 âm lịch).
Sơn nữ Ngái.
Người Ngái thường lập thôn xóm ở sườn đồi, thung lũng hoặc ven biển, trên đảo. Nhà phổ biến là nhà ba gian hai chái. Họ ở nhà đất với nhiều kiểu kiến trúc và chất liệu lợp mái khác nhau. Bộ phận ở ven biển và hải đảo thường sống ngay trên thuyền. Cư dân ở miền núi quen dùng gùi đeo, sọt gánh, lúc di chuyển. Còn ở miền biển thì dùng thuyền, xuồng ba lá.
Trang phục Ngái giống người Hoa (Hán). Ngoài quần áo, họ còn đội nón, nón các loại tự làm từ lá, mây tre, đồng thời đội khăn, che dù. Y phục thường không thêu thùa. Nam giới mặc quần lá toạ, áo có 2 hoặc 3 túi. Phụ nữ mặc áo 5 thân dài quá mông, cài khuy vải bên nách phải, thích tết tóc cuốn quanh đầu.
Người Ngái có một kho tàng văn nghệ dân gian phong phú với các bộ môn nghệ thuật như dân ca, dân vũ và đặc biệt là loại văn học truyền miệng. Họ có nhiều truyền thuyết, truyện cổ tích, thành ngữ, tục ngữ… thể hiện quan niệm của họ về thế giới quan, nhân sinh quan đến nay còn giàu ý nghĩa nhân bản. Người Ngái có lối hát giao duyên nam nữ, gọi là Sường Cô, rất phong phú. Có thể hát đối nhau 5 đến 7 đêm liền vẫn không bị trùng lặp. Tục ngữ của họ có ý nghĩa răn dạy về kinh nghiệm làm ăn, về cách sống. Nhiều trò chơi được ưa thích như múa sư tử, múa gậy, chơi rồng rắn, chơi cù, chơi khăng, đuổi bắt, đánh cầu lông gà, đá cầu chinh và vài trò chơi tập thể khác.
Dưới đây mình có các các bài:
– Tìm lại cội nguồn người Ngái
– Lễ kỳ yên dân tộc Ngái, Bắc Giang
– Kiểu nhà ‘Phòng thủ’ của người Ngái xưa
– Nét ẩm thực độc đáo của người Ngái-Thái Nguyên
Cùng với 6 clips tổng thể văn hóa truyền thống dân tộc Ngái/Hẹ/Hakka để các bạn tiện việc tham khảo và thưởng thức. Vì không có clip nào của dân tộc Ngái do Việt Nam sản xuất nên mình giới thiệu các clips dân tộc Ngái do Trung Hoa sản xuất đến các bạn.
Một ngôi nhà của người Ngái ở thôn Tam Thái.
Tìm lại cội nguồn người Ngái
Đưa chúng tôi đến thăm bản người Ngái, anh cán bộ văn hóa xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên phân trần rằng, bản thân anh cũng không rõ lắm về dân tộc này. Điều đó cũng dễ hiểu, bởi hàng chục năm qua, giới nhân chủng học đã bàn cãi nát nước về dân tộc Ngái. Có người cho rằng, người Ngái chính là người Hoa, hay một nhánh của người Hoa dựa trên những nét tương đồng về văn hóa cũng như phong tục.
Cho đến cuối những năm 70 của thế kỉ trước, qua những công trình nghiên cứu công phu của các nhà nghiên cứu đã định danh người Ngái trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Đồng thời chỉ ra rằng, người Ngái với người Hoa là 2 cộng đồng độc lập, khác biệt cả về ngôn ngữ, phương thức sản xuất…
Năm 1999, số dân của dân tộc Ngái là 4.841 người, gồm có các nhóm địa phương: Ngái Hắc Cá, Sín, Đản, Lê. Song tên gọi mà người Ngái ưa thích nhất là Sán Ngái, mang nghĩa là “người miền núi”. Tên gọi ấy không chỉ mang hàm ý về địa hình nơi họ sinh sống, mà còn như lời khẳng định rằng, dân tộc mình là một trong những nhóm người có công khai phá, dựng xây nên các bản làng trên vùng cao của các địa phương có dân tộc Ngái trú chân. Cho tới năm 2009, bằng nhiều nguyên nhân khác nhau, dân số của cộng đồng này đã có sự sụt giảm đáng kể khi chỉ còn chưa đầy 1.500 người. Hiện diện ở Tam Thái có khoảng hơn 400 người, chiếm gần một nửa số người Ngái ở Việt Nam. Nơi đây được ghi nhận là xóm người Ngái tập trung đông nhất, còn ở các địa phương khác, bà con sống xen kẽ với các dân tộc anh em xung quanh.
Cụ Hoa Huân năm nay đã 91 tuổi, nhưng cụ vẫn còn nhớ rất rõ cuộc di cư cùng gia đình từ Hà Cối, Quảng Ninh lên Thái Nguyên, khi đó cụ mới 11 tuổi. Thấm thoắt đã 80 năm! “Bố tôi sinh ra ở Trung Quốc, di cư sang Việt Nam. Tôi sinh ra ở Hà Cối. Năm tôi 11 tuổi thì bắt đầu đến Thái Nguyên. Không nhớ là đã đi bao nhiêu ngày, nhưng khi đến vùng đất này thì dừng lại, vì ở đây đất đai tươi tốt, lại có nhiều mỏ thép, dễ làm ăn” – Cụ Huân kể lại.
Núi Cái và núi Hột ở thôn Tam Thái đã đón những bước chân di cư từ biển về rừng ấy. Chúng tôi đến thăm nhà họ Trần, một trong ba dòng họ đầu tiên của người Ngái đến khai phá và lập nghiệp ở đất này. Trao đổi với chúng tôi, anh Trần Văn Cường, chủ hộ, cho biết: Vào năm 1920, ba hộ người Ngái thuộc ba dòng họ Thẩm, họ Trần và họ Lâm từ Hà Cối, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh về đây lập nghiệp, rồi kết hôn với người Sán Dìu và các tộc người khác để phát triển dần cho đến hôm nay.
Sự biến thiên của lịch sử cũng đã làm Tam Thái không còn giữ lại được không gian thôn bản đặc trưng của người Ngái ngày nào. Xưa kia, ở đây hầu hết là nhà trình tường với hai dạng nhà chữ Điền và nhà chữ Môn, với các công trình phụ nằm dọc hai bên dành cho bếp, chuồng gia súc… nối tiếp nhau thành một vòng khép kín. Ở giữa là sân, giống như một cái giếng trời rộng và chỉ có một cửa ra vào. Vật liệu dùng để xây nhà là những viên gạch rất to, được làm từ đất trộn nhuyễn với rơm rồi đóng khuôn, phơi nỏ (khô).
Với kiểu kiến trúc đó cho thấy lối sống khép kín, độc lập của họ. Còn hiện hữu lúc này, dù không còn giữ được kiến trúc cũ, nhưng người Ngái ở Tam Thái vẫn giữ kiểu nhà truyền thống là một tổ hợp gồm nhà chính để ở, nhà bếp và chuồng gia súc được xây dựng riêng biệt. Họ vẫn lập thôn xóm ở sườn đồi, thung lũng hoặc ven biển, trên đảo. Cách bài trí trong nhà vẫn được người Ngái gìn giữ theo lệ xưa với bàn thờ gia tiên, bàn thờ thổ công được đặt ngay trong gian chính ngôi nhà.
Với người anh em dân tộc Ngái, có thể nói, phong cách ẩm thực dưới góc nhìn văn hóa sẽ tiết lộ rất nhiều điều. Theo quan sát của chúng tôi, cách nấu cơm của người Ngái cũng không khác gì người Hà Nhì. Đây có lẽ là kiểu nấu cơm phổ biến của các dân tộc cư trú ở vùng Hoa Nam. Theo nhiều tài liệu dân tộc học, người Ngái ở Việt Nam có nguồn gốc từ người Hẹ hay Khách Gia ở Phúc Kiến, Quảng Đông di cư theo đường biển vào Quảng Ninh, Hải Phòng từ nhiều thế kỷ trước.
Đồng bào Ngái chế biến món khâu nhục truyền thống.
Theo phong cách ẩm thực Quảng Đông, một trong tám phong cách ẩm thực tiêu biểu Trung Quốc, thì thường nghiêng về các món chiên, rán và hầm. Phong cách ẩm thực của người Ngái cũng nghiêng mạnh về các món chiên, rán và hầm với nhiều dầu mỡ, mang đậm vị cay và ngọt.
Dẫu các bản làng Ngái ở Tam Thái hay Lục Nam (Bắc Giang), Lục Hồn, Hà Cối (Quảng Ninh) đang ngày một neo người hơn do nhiều năm qua, dân số của dân tộc này không tăng, song các bản làng người Ngái vẫn khá khang trang, trù phú. Họ gieo trồng thời vụ theo mùa dựa vào kinh nghiệm truyền thống và những dấu hiệu thiên nhiên như tiếng chim, mùa hoa nở, lá cây rừng. Họ cũng rất sáng tạo trong việc đắp đập dẫn nước, làm hồ trữ nước cho mùa vụ. Họ cũng rất giỏi những nghề thủ công như dệt chiếu, làm mành trúc, rèn, mộc, nung vôi, làm gạch ngói… Tỷ lệ đói nghèo của dân tộc Ngái tại các địa phương thường chỉ trong khoảng 15 đến 20%.
Mặc dù ngày nay, người Ngái không còn mặc trang phục truyền thống, nhưng theo lời cụ Hoa Huân thì trang phục của họ giống với người Hoa (Hán). Phụ nữ Ngái thường mặc áo 5 thân, cài khuy lệch về bên phải. Nam giới mặc áo màu chàm, có túi, quần lá tọa. Đồng bào cũng thường đan các loại mũ, nón làm từ mây tre, lá cọ để sử dụng lúc đi làm và che ô, quàng khăn vào những dịp quan trọng.
Coi trọng các hình thức phân chia gia đình, dòng họ cũng như các hình thái sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, người Ngái rất coi trọng việc thờ cúng tổ tiên và các loại ”thần”, ”ma”… Các gia đình đều có bàn thờ tổ tiên, thôn xóm nào cũng có đền, chùa. Đạo Khổng, đạo Lão, đạo Phật ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống của bà con, Trong các thôn xóm bao giờ cũng có một người trưởng tộc, có quyền quyết định, điều hành mọi việc lớn, nhỏ trong thôn.
Điều đáng mừng là, bà con ở Tam Thái vẫn còn sử dụng được tiếng Ngái trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày cũng như trong các làn điệu dân ca, hát giao duyên, được gọi là Sường cô hay Xướng ca. Hình thức sinh hoạt văn hóa này khá lãng mạn, với những ca từ trong sáng, tình cảm và bao hàm nhiều nội dung răn dạy cách ứng xử, kinh nghiệm làm ăn.
Thậm chí, có thể ngẫu hứng sáng tác thêm lời mới cho Sường cô nên trai gái Ngái có thể hát đối nhau 5 đến 7 đêm liền vẫn không bị trùng lặp. Kho tàng văn học dân gian cũng khá phong phú, nhiều trò chơi như múa sư tử, múa gậy, rồng rắn rất vui nhộn, song ngày nay, bà con ít sử dụng nên bị mai một nhiều.
Một giá trị văn hóa phi vật thể không thể không nhắc đến của người Ngái chính là lễ Kỳ Yên thường được tổ chức vào dịp đầu năm mới, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng sinh sôi, tươi tốt, mọi nhà, mọi người được bình an, vạn sự như ý… Lễ cúng độc đáo này được chuẩn bị khá cầu kì và đặc biệt không thể thiếu bức tranh Tam Thanh Ngọc đế (các vị thần linh), thanh la, tù và, dao…
Người chủ lễ mặc áo cà sa, đội mũ hòa thượng dẫn đầu một đoàn người từ 5 đến 10 thanh niên khỏe mạnh đi vòng quanh sân lễ theo hình bát quái, vừa đi vừa múa hát. Lời bài hát mang nội dung báo cáo với thần linh về kết quả sản xuất một năm qua của bà con dân tộc, cũng như mong cho một năm mới mọi nhà, mọi vật đều hưng thịnh. Nếu đến với Lục Nam vào những ngày đầu năm mới, bạn sẽ dễ dàng được chứng kiến lễ Kỳ Yên rộn ràng tiếng thanh la, tù và…
Chọn đất này làm quê hương đã qua ba thế kỷ, thế nhưng, mãi đến năm 1979, người Ngái mới chính thức được công nhận là một dân tộc. Trên chặng đường thiên di của mình, trải qua nhiều biến cố lịch sử, có lúc, người Ngái phải tự xóa nhòa mình vào nhiều cộng đồng dân tộc anh em. Thế nhưng, với những món ăn truyền thống mãi còn truyền đời, người Ngái vẫn minh chứng cho sự hiện diện của mình trong đại gia đình 54 dân tộc anh em trên đất Việt.
Lễ Kỳ Yên dân tộc Ngái, Bắc Giang.
Lễ Kỳ Yên dân tộc Ngái, Bắc Giang
Lễ Kỳ Yên thường được người Ngái tổ chức vào dịp đầu năm mới, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng sinh sôi, tươi tốt, mọi nhà mọi người được bình an, vạn sự như ý…
Là một trong 54 dân tộc sinh sống tại Việt Nam, sử dụng nhóm ngôn ngữ Hán thuộc ngữ hệ Hán-Tạng, người Ngái có tên tự gọi là Sán Ngái, có nghĩa là người miền núi hoặc Xuyến. Ngoài ra họ còn có các tên gọi khác là Ngái Hắc Cá, Lầu Mần, Hẹ, Sín, Đàn, Lê.
Với khoảng gần 3 vạn người sinh sống tại xã Đồng Cốc, Lục Ngạn, Bắc Giang, người Ngái thường sống ở ven đường, cạnh sông suối, có nước, có ruộng. Vốn văn hóa truyền thống, dân gian của người Ngái có lối hát giao duyên nam nữ, gọi là Sường cô rất phong phú. Họ có thể hát đối nhau từ 5 đến 7 đêm liền vẫn không bị trùng lặp.
Ngoài ra, họ có một kho tàng văn nghệ dân gian phong phú với loại hình nghệ thuật như dân ca, dân vũ và đặc biệt là loại văn học truyền miệng. Họ có nhiều truyền thuyết, truyện cổ tích, thành ngữ, tục ngữ… thể hiện quan niệm của họ về thế giới quan, nhân sinh quan đến nay còn giàu ý nghĩa nhân văn. Họ thích chơi cù, chơi khăng, đuổi bắt, đánh cầu lông gà, đá cầu chinh và vài trò chơi tập thể khác.
Tết Nguyên đán được người dân tộc Ngái tổ chức vào đầu mỗi năm mới. Ngoài ra họ còn có các tết khác như Hàn Thực (3-3 âm lịch), Ðoan Ngọ (5-5 âm lịch), Vu Lan (15-7 âm lịch), Cơm Mới (10-10 âm lịch). Đặc biệt có Lễ Kỳ Yên mang nét văn hóa tín ngưỡng tâm linh đặc sắc, tiêu biểu. Lễ Kỳ Yên thường được người Ngái tổ chức vào dịp đầu năm mới, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng sinh sôi, tươi tốt, mọi nhà mọi người được bình an, vạn sự như ý.
Chuẩn bị cho lễ cúng gồm có bức tranh Tam thanh Ngọc đế (các vị thần linh), thanh la, tù và, dao, gà, lợn… Lễ có ít nhất 2 người và nhiều nhất là 10 người. Người đội mũ phật, mặc áo cà sa dẫn đầu là người thầy đưa các học trò của mình lên báo cáo thần linh. Ba nén hương được thắp lên cùng với một hồi tù và được thổi lên cũng là lúc lễ cúng được bắt đầu.
Người thầy dẫn đầu đoàn đi vòng quanh theo hình bát quái, vừa đi vừa múa, vừa hát trong tiếng thanh la, báo cáo với thần linh về kết quả sản xuất của một năm qua của bà con dân tộc, cũng như mong cho một năm mới mọi nhà mọi vật đều hưng thịnh.
Ngày nay lễ kỳ yên của người Ngái đã được làm đơn giản hơn rất nhiều (không còn linh đình như trước có giết trâu, giết bò mà thay thế bằng một con gà, lợn hoặc thủ lợn…
Lối kiến trúc nhà phổ biến của người Ngái khi xưa là “nhà phòng thủ”. Kiến trúc nhà cho thấy lối sống khép kín, độc lập của các gia đình người Ngái (Thái Nguyên).
Là dân tộc khá ít người trong cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam, người Ngái trên địa bàn Thái Nguyên chỉ có khoảng gần 500 nhân khẩu, sống xen kẽ với các dân tộc khác. Tuy chỉ chiếm số lượng khá nhỏ trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Thái Nguyên nhưng người Ngái có nhiều nét văn hóa đặc trưng, độc đáo.
Cách đây mấy chục năm, người Ngái ở Thái Nguyên vẫn giữ kiến trúc nhà ở truyền thống là kiểu nhà nhiều mái khép kín. Các căn phòng nhà chính, nhà bếp, nơi nuôi nhốt trâu bò, gia súc… nối tiếp nhau thành 1 vòng khép kín; mỗi căn như thế lại có 1 mái riêng. Ở giữa là sân, giống như một cái giếng trời rộng và chỉ có 1 cửa ra vào.
Nhà không phải tường trình, mà xây bằng gạch đất. những viên gạch rất to. Mỗi một viên gạch xây được 1 hàng bức tường, làm bằng đất trộn với rơm, sau đó nhào nhuyễn, đóng khuôn. Nhà người Ngái rất là liên hoàn, người Ngái gọi là nhà phòng thủ.
Những ngôi nhà truyền thống của người Ngái, đóng cửa lại là mọi sinh hoạt diễn ra trong phạm vi nhà mình, từ bếp núc đến tất tật mọi thứ, không phải ra khỏi nhà. Hai bên cổng có những lỗ châu mai. Có chó sủa hay tiếng động, người ta nhìn qua lỗ châu mai xem có ai không. Nếu là khách quen thì mở cửa, lạ thì thôi. Tối đến, chủ nhà sập cửa, mỗi nhà thành một thế giới riêng. Nhà có điều kiện thì làm cửa gỗ, nhà không có điều kiện thì làm cửa tre.
Bên cạnh các nghề thủ công như: nghề mộc, dệt chiếu, làm mành trúc, các làng người Ngái còn nổi tiếng với nghề làm gạch ngói, nung vôi. Vì thế, dễ hiểu tại sao bào con có thể làm ra những viên gạch mà một viên gạch xây được cả bức tường. Tường hoàn toàn bằng gạch vồ, không nung. Đóng gạch xong, họ chồng lên, rồi dùng bùn làm vữa để bít mạch. Khi dựng nhà, người Ngái rất chú ý đua mái ra, bởi nếu không, nước mưa hắt vào lâu ngày sẽ làm đổ tường. Dưới mái hiên rộng ấy, thành luôn chuồng trâu bò. Kiến trúc nhà cho thấy lối sống khép kín, độc lập của các gia đình người Ngái.
Ngày nay, người Ngái ít sống tập trung mà sống cùng các dân tộc khác và tiếp thu nhiều phong tục tập quán của cộng đồng xung quanh. Hầu hết các gia đình người Ngái ở Thái Nguyên ở nhà xây giống người Kinh.
Củ cải muối là một trong những món ăn được nhiều gia đình người Ngái ưa thích.
Nét ẩm thực độc đáo của người Ngái, Thái Nguyên
Tuy chỉ chiếm số lượng khá nhỏ trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Thái Nguyên nhưng người Ngái có nhiều nét văn hóa đặc trưng độc đáo, đặc biệt là trong lĩnh vực ẩm thực.
Là dân tộc khá ít người trong cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam, người Ngái trên địa bàn Thái Nguyên chỉ có khoảng hơn 400 nhân khẩu, sống xen kẽ với các dân tộc khác. Tuy chỉ chiếm số lượng khá nhỏ trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Thái Nguyên nhưng người Ngái có nhiều nét văn hóa đặc trưng, đặc biệt là trong lĩnh vực ẩm thực.
Do hoạt động chủ yếu của người Ngái là nông nghiệp nên lương thực chính của họ là gạo tẻ, gạo nếp, bên cạnh đó là ngô và một vài loại ngũ cốc khác. Trong bữa ăn ngoài cơm, người Ngái còn ăn một số món ăn mang đậm tính dân tộc: Miến, mì, xíu mại được chế biến từ gạo hoặc dong riềng. Thực phẩm ăn kèm là các loại thịt, trứng và cá. Đối với thịt và cá người Ngái thường rán, xào hoặc rim nhưng cách rim của họ cũng đặc biệt. Trước khi rim bao giờ họ cũng cho thực phẩm vào rán vàng rồi đổ nước mắm hoặc xì dầu cùng các phụ liệu gia vị như đường, tỏi, ớt vào đun đến khi cạn nước.
Rau xanh - món ăn không thể thiếu trong bữa cơm hàng ngày của người Ngái.
Tuy nhiên, món ăn không thể thiếu trong bữa cơm hàng ngày của người Ngái lại là các loại rau xanh: rau muống, cải, su hào… Trong các món rau, củ cải muối là một trong những món ăn được nhiều gia đình người Ngái ưa thích.
Các món ăn của người Ngái bao giờ cũng nhiều dầu mỡ, đậm cay, ngọt. Trong quá trình chế biến thức ăn, các loại gia vị như hành, tỏi, ớt, gừng, rau thơm hầu như không thể thiếu.
Người Ngái rất cận trọng trong việc chế biến các món ăn. Theo quan niệm của họ, trong quá trình chế biến thức ăn việc sử dụng gia vị một cách tương hợp không chỉ gắn với khẩu vị mà đó còn là một trong những cách phòng, chữa bệnh. Hơn thế nữa theo người Ngái một số món ăn ngoài việc bổ sung chất dinh dưỡng cho cơ thể còn thể hiện vốn tri thức dân gian phong phú.
Chế độ ăn uống của người Ngái phụ thuộc vào nông lịch và đặc điểm khí hậu từng mùa. Mỗi bữa ăn là một dịp sinh hoạt cộng đồng đối với người Ngái. Trong các ngày lễ, tết hay các dịp sinh hoạt cộng đồng gia tộc với quy mô khác nhau: vào nhà mới, đầy năm cho con, mừng thọ cha mẹ các bữa ăn được tổ chức trang trọng với nhiều món ăn mang đậm bản sắc dân tộc.
Minh Hằng (sưu tầm)