Mc tiệc cưới, học làm mc đám cưới, video đám cưới hay nhất: ₪ Dân tộc Ra Glai
Showing posts with label ₪ Dân tộc Ra Glai. Show all posts
Showing posts with label ₪ Dân tộc Ra Glai. Show all posts

Friday, August 19, 2016

Tah rughơm - làn điệu Dân ca độc đáocủa người Raglai ở Khánh Hòa (Hứa Ban Mai)

Cùng với các loại hình văn học - nghệ thuật truyền thống khác, dân ca có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa của người Raglai ở Khánh Hòa. Người Raglai ở Khánh Hòa có nhiều làn điệu dân ca như: Alơu, Du, Majieng, Ritu, Siri, Tah rughơm, Sangơi, Mađu, Akhacađam..., mỗi làn điệu có từng nội dung và đặc điểm diễn xướng riêng, song tất cả đều mộc mạc, gần gũi. Trong số các làn điệu dân ca trên đây, làn điệu Alơu, Du, Majieng, Ritu, Siri… khá phổ biến, được đồng bào yêu thích và hát ở nhiều nơi. Bên cạnh đó, Tah rughơm lại là một làn điệu dân ca ít được đồng bào Raglai nhắc đến, hoặc nhắc đến nhưng không dám hát bởi nó ẩn chứa những điều đặc biệt đối với đồng bào nơi núi rừng, nương rẫy.

1. Môi trường diễn xướng và nội dung của làn điệu Tah rughơm
Tah rughơm là một làn điệu dân ca cổ xưa của người Raglai. Do có một sự ràng buộc nào đó về mặt tâm linh nên đồng bào không dám hát làn điệu Tah rughơm, vì vậy ngày nay số người biết về làn điệu dân ca này rất hạn chế.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Thế Sang tuy chưa được nghe hát làn điệu Tah rughơm, song ông cũng có được một vài thông tin về làn điệu do đồng bào kể lại. Theo ông Nguyễn Thế Sang tìm hiểu, Tah rughơm là điệu hát đối đáp nam nữ - khúc hát về tình yêu. Nhân vật nam đóng vai TAXER, tức là CỌP NGƯỜI, khi đến với con người thì CỌP trở thành CON NGƯỜI, nhưng khi vào rừng lại hóa ra CỌP. Ông bà Raglai xưa truyền lại rằng: thuở xa xưa có đôi nam nữ yêu nhau, họ yêu hết gan hết bụng mà không thể nào lấy được nhau làm vợ làm chồng chỉ vì người nam là TAXER. Người nữ Raglai biết chắc chắn rằng không thể lấy được TAXER, nhưng vẫn yêu. Còn TAXER cũng không thể quên được mối tình chung thủy. Do đó, họ vẫn gặp nhau và mỗi lần gặp nhau là một lần TAXER phải tiễn người yêu về làng, cuộc chia tay nào cũng bịn rịn…

Theo thông tin của ông Nguyễn Thế Sang, Tah rughơm là điệu hát nói về mối tình trong trắng, cao thượng mà dang dở. Do vậy, khi hát nghe rất thống thiết và đến đoạn chia tay nhau, người nữ phải hát đối lại, hát ngược lại để tiễn TAXER về rừng, nếu không thì thương quá, nhớ quá! Phải hát đối lại như vậy để TAXER ra về được yên lòng, nếu không thì có thể “bị quở, bị bắt”...!

Cũng là làn điệu Tah rughơm, nhưng chúng tôi lại được ông Mấu Quốc Tiến - một người con của đồng bào dân tộc Raglai, đồng thời là nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cung cấp thông tin theo vấn đề khác. Ông Mấu Quốc Tiến cho biết, trong tiếng Raglai từ  “ruh”có nghĩa là cọp, “ghơm” là sấm sét, tức là nói đến cọp là nói đến sấm sét, rất ghê gớm. Như vậy, Tah rughơm là làn điệu hát về cọp với hai bài: Cọp đến và Cọp đi.

Người Raglai luôn coi mình là người con của núi rừng, họ tôn kính núi rừng vì bao đời nay họ gắn bó với núi rừng, sinh ra từ núi rừng và chết đi cũng ở núi rừng. Đồng bào quan niệm, Giàng nơi núi rừng rất linh thiêng, Giàng có thể cứu giúp con người hay trừng phạt con người. Từ những quan niệm này mà người Raglai gọi những con vật thiêng của núi rừng là Ông, là Bà như Ông Voi, Bà Voi. Khác với nhiều dân tộc, người Raglai không hành nghề săn bắn. Một con heo nếu bị sa bẫy bảo vệ mùa màng thì con heo đó không được làm của tư để đổi gạo, áo…vì đây là của trời cho nên miếng thịt phải được chia cho mọi gia đình. Không được bắt con vật ở rừng để cúng kính ông bà. Bởi vậy, việc giữ nương rẫy của người Raglai ở đây chỉ là để muông thú không phá hoại mùa màng, họ coi muông thú là con vật thiêng của núi rừng thiêng nên không bắn giết mà chỉ đuổi bằng tiếng kèn, tiếng sáo, hay những thanh đá kêu.  

Cọp là con vật thiêng của rừng thiêng và được đồng bào Raglai tôn kính gọi là Chúa Sơn Lâm. Nếu con người làm những việc sai trái thì cọp sẽ thế Trời, thế Giàng để trừng phạt. Xưa kia, vùng Thành Sơn và Sơn Lâm của huyện Khánh Sơn xuất hiện nhiều cọp, cọp hoành hành rất ghê gớm. Trong thời kỳ chống Pháp, cọp đã bắt rất nhiều người. Theo người Raglai, khi làm nhà cần chú ý đến hướng của người nằm sao cho đầu gối biển, chân gác núi vì cọp chỉ bắt người đằng đầu chứ không bắt đằng chân. Người Raglai cho rằng, nếu con người hiền với cọp thì cọp sẽ hiền lại, nếu con người ác với cọp thì cọp ác lại.

Như vậy, theo những gì mà chúng tôi ghi nhận được qua điền dã thì làn điệu Tah rughơm thực chất là hát về cọp. Vì người Raglai coi cọp là con vật thiêng nên họ “kiêng” hát làn điệu Tah rughơm, nếu có cũng chỉ hát trong hội mùa, trong lúc đông người, trong cuộc vui tập thể. Ông Mấu Quốc Tiến cho biết thêm: “theo các cụ, nếu đi rừng mà hát bài này một mình, hát không đủ câu, họ (cọp) đến mà không có đồ để nạp thì họ sẽ giận dữ, bắt người, bắt heo, bắt gà”

Ông Mấu Quốc Tiến “mạnh dạn” hát bài Cọp đến với lời ca được ghi theo ký tự tiếng Raglai như sau: 
“Vrai rai dighơm sađơm grơm manhĩ changđìq mũ changđơm grơm nãu manhĩ. Carang vang seq chưq khal valìq main si anghùq yư ghơu awan. Chapa wa wơn  va yuơn pathau main si garau va yuơn tuviaq. A pui si asaq mãq mal valìq main si culìq main sujau. Main si garau va liưq ralong lumah pu prong lumah cuơn. Avih thut anau va vilan vahrơu anãq urang catrơu va yuơn tuviaq. Anãq urang catrơu cong wang tubuaiq pròq jang huaiq pròq jang titua, anĩ tinhã pa hara inã lakieng. Uliơr oh truh laduh tacuai main si vinãi sabai tasi, nhơm jơng cuhìq nhơm jơng sijau. Main si garau va yuơn tuviaq apui si asaq mãq mal valìq” .

Lời ca của bài hát Cọp đến  tạm dịch nghĩa tiếng Việt là:
“Gió ngàn thổi tiếng vi vu, cọp thiêng đến, cọp thiêng của nơi rừng thiêng, cọp thiêng của đất, của trời, của sấm kêu. Cọp đột nhiên hoành hành chính là ông trời giáng hạ trừng phạt chúng ta, như trời cho sét đánh. Sợ cọp bắt giết hại nên người giả con vật để tránh nhưng không thể nào tránh được, hãy đừng có đùa với Chúa Sơn Lâm. Cọp của rừng thiêng để cho ăn nhiều thịt khéo ăn nhầm cả con người. Người có lỗi sẽ bị trời sai quan lớn bắt tội. Người để mất giống má mùa màng thiêng liêng sẽ đáng phạt, hết năm cũ sang năm mới không nghi lễ ăn đầu lúa và tết lúa mới sẽ bị cọp thế trời dạy đời. Con người như sóc đi kiếm ăn, cũng phải ra khỏi nhà, rất nguy hiểm vì sự rình rập của nanh vuốt. Xin cúi đầu chào Chúa Sơn Lâm, con vật của rừng thiêng. Không đùa chơi với nanh vuốt, tránh sự trả thù nhau giữa loài người và cọp”.

Ông Mấu Quốc Tiến - người hát bài Cọp đến của làn điệu Tah rughơm

2. Một vài đặc điểm âm nhạc
- Về cấu trúc
Với cảm hứng tự nhiên, người Raglai đã hình thành cấu trúc bài hát Cọp đến của làn điệu Tah rughơm từ việc nhắc lại nhiều lần trên cơ sở một nét giai điệu chủ đạo ban đầu. Mỗi lần nhắc lại, nét giai điệu chủ đạo ban đầu được làm mới bằng những biến hóa đơn giản, cũng có khi là sự nhắc lại nguyên dạng.

Ví dụ sau đây cho thấy nét giai điệu chủ đạo gồm 7 nhịp đầu tiên, sau đó nét giai điệu được nhắc lại nguyên dạng (từ nhịp 8 đến 14)

Hưa Ban Mai (sưu tầm)

Nghi lễ truyền thống của người Raglai (Đỗ Mai Chử)

Trong tổ chức đời sống văn hoá tinh thần của người Raglai có nhiều nghi lễ truyền thống chứa đựng giá trị bản sắc văn hoá độc đáo. Trong đó, có nghi lễ ăn lúa mới (Mbeng Akaok Padai), nghi lễ cưới hỏi và nghi lễ bỏ mả (Ngap Padhi). Thông qua, việc thực hiện nghi lễ người Raglai mang những bộ mả la ra trình diễn nghệ thuật âm nhạc. Có thể nói rằng, chính nghi lễ là cái nôi nuôi dưỡng và làm hồi sinh cội nguồn văn hoá tộc người Raglai.
Người Raglai ở Việt Nam
Tộc người Raglai đã sinh sống lâu đời ở các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ. Theo tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Raglai ở Việt Nam có dân số 122.245 người, có mặt tại 18 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố. Người Raglai cư trú tập trung tại các tỉnh: Ninh Thuận (58.911 người, chiếm 48,2% tổng số người Raglai tại Việt Nam), Khánh Hòa (45.915 người, chiếm 37,6% tổng số người Raglai tại Việt Nam), Bình Thuận (15.440 người) và Lâm Đồng (1.517 người). Tộc người Raglai thuộc nhóm ngôn ngữ Malayo-Polinésien (Mã Lai-Đa Đảo), cùng chung nhóm này có tộc người Chăm, Rađê, Churu và Gia Rai. Văn hoá tộc người Raglai có nhiều nét tương đồng với tộc người Chăm. Hàng năm, khi người Chăm tổ chức lễ hội Katê trên các đền tháp Champa thì người Raglai mang Y Trang xuống cúng lễ. Ngược lại, khi người Raglai tổ chức lễ hội Po Nai Tangya thì người Chăm đến tham dự cùng nhau phối hợp hành lễ chung. Bởi vậy, trong dân gian lưu truyền câu nói: “Chăm sa-ai Raglai adei” (Người Chăm là anh còn người Raglai là con gái út). Hiện nay, người Chăm và người Raglai vẫn còn bảo tồn chế độ mẫu hệ, hôn nhân cư trú bên nhà vợ.

Nghi lễ ăn lúa mới
Nghi lễ ăn lúa mới là một trong những nghi lễ lớn và quan trọng của người Raglai được tổ chức theo chu kỳ 3 năm hoặc 7 năm một lần tuỳ thuộc vào điều kiện kinh tế gia đình. Nhằm tưởng nhớ về tổ tiên và cầu xin thần linh sự che chở, phù hộ trong năm mới vụ mùa mới được bội thu, cây trồng, vật nuôi sinh sôi và nẩy nở, gia đình được ấm no và hạnh phúc.Để chuẩn bị cho lễ ăn lúa mới gia đình bàn bạc với nhau thật kỹ lượng, chọn ngày lành tháng tốt, mời thầy cúng để tiến hành nghi lễ. Không gian lễ là một cái nhà hình chữ nhật được dựng tạm ngoài trời bằng các nguyên vật liệu có sẵn trong tự nhiên như tre, tranh, nứa. Khi gần đến ngày lễ ăn lúa mới các thành viên trong gia đình phân công nhau vào rừng tìm đến các con sông, con suối để bắt con cua và con cá trầu (cá lốc) làm lễ vật dâng cúng. Con cua thì luộc, con cá trầu thì nướng ăn cùng với cơm được vun đầy đặt trên một cái mâm nhỏ làm bằng tre ở trên có cắm 3 đôi đũa.  Đại diện cho gia đình, thầy cúng tấu trình với thần linh và mời tổ tiên về sum họp với gia đình cùng nhau uống rượu cần, ăn cơm, đánh mả la và ca múa. Lời khấn của thầy cúng có đoạn: “Mong tổ tiên hãy nhận cho những lễ vật của con cháu dâng lên và xin hãy phù hộ cho mùa màng được tươi tốt, cây trồng, vật nuôi và con người luôn khoẻ mạnh”. Khi tổ tiên đã nhận lễ vật xong, tiếng mả la được đánh lên, người ta mang cây nêu và mô hình nhà kho lương thực ra ngoài nhà lễ đến một bãi đất trống, để tiễn đưa tổ tiên về với thế giới của ông bà theo quan niệm của người Raglai. Trên đường về những đứa trẻ dùng chảo, nồi bẻ giả làm mả la đánh suốt dọc đường. Sau đó, có 4 đứa trẻ 2 nam và 2 nữ được mời vào nhà lễ để ăn cơm lễ, uống rượu và trả lời câu hỏi của thầy cúng về việc tổ chức ăn lúa mới như thế nào? Những đứa trẻ được dặn dò trả lời là việc tổ chức nghi lễ ăn lúa mới rất tốt. Nghi thức cuối cùng trong chuỗi nghi thức ăn lúa mới là việc cúng 3 ông táo. Những vật lễ dâng cúng được giữ lại một ít phân chia đều cho các ông táo như cơm, canh, thịt và rượu... Cuộc sống của người Raglai có no ấm hay không là nhờ vào các ông táo.Lễ ăn lúa mới của người Raglai mang tính chất như ngày Tết của gia đình. Đây là dịp để tổ tiên và con cháu trong gia đình sum họp, chúc phúc cho nhau. Lễ ăn lúa mới là một nét sinh hoạt văn hoá mang tính cộng đồng của người Raglai, làm hồi sinh những giá trị văn hoá dân gian, nhắc nhở thế hệ sau luôn nhớ về cội nguồn dân tộc.

Nghi lễ cưới hỏi
Người Raglai theo chế độ mẫu hệ, hôn nhân định cư bên nhà vợ. Cũng giống như người Chăm, lễ cưới của người Raglai diễn ra vào ngày thứ tư. Tuy nhiên, về cách thức tổ chức và các nghi thức lễ cưới thì khác nhau. Người Raglai có tín ngưỡng thờ đa thần nên trong lễ cưới không chịu ảnh hưởng bất kỳ yếu tố tôn giáo nào. Trước ngày cưới chính thức một ngày, bên nhà gái lo chuẩn bị tiếp đón chàng rể mới và họ hàng nhà trai. Họ mời thầy cúng làm đại diện gia đình để cúng ché rượu cần khấn báo về việc tổ chức lễ cưới, cầu mong thần linh và tổ tiên cho đôi vợ chồng trẻ sống hạnh phúc bên nhau. Khi đã cúng ché rượu cần xong, nước rượu đầu tiên được rót vào một cái tô lớn dùng để cúng cơm. Lễ vật cúng cơm cầu mong cho đôi vợ chồng làm ăn giàu có, cuộc sống ấm no và hạnh phúc gồm có 1 con gà luộc để nguyên con, trầu cau, cơm, canh và rượu cần.  Đến ngày cưới đã hẹn, nhà trai tự tổ chức đi qua nhà gái, dẫn đầu họ hàng nhà trai là chàng rể. Khi gần đến nơi, nhà gái cử đại diện ra bắt tay chào đón vào nhà. Chú rể và một số thành viên quan trọng trong gia đình được mời vào trong nhà ngồi. Sau khi, hai họ nhà trai và nhà gái đã chào hỏi và chúc phúc cho vợ chồng trẻ, người ta bưng ra một mâm cơm gồm có 1 con gà luộc, cơm, canh, trầu cau và thuốc lá. Cô dâu và chú rể cùng nhau dùng tay bốc cơm ăn trong sự chứng giám của cha mẹ, họ hàng và bạn bè. Từ đây, họ đã thành vợ thành chồng chính thức được sự cho phép của gia đình. Lễ cưới của người Raglai phản ánh vai trò quan trọng của người phụ nữ trong chế độ mẫu hệ. Do đó, cần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống góp phần làm giàu bản sắc văn hoá các tộc người bản địa.

Nghi lễ bỏ mả
Nghi lễ bỏ mả tiếng Raglai gọi là “ngap padhi” là một lễ tục đánh dấu kết thúc vòng đời của một con người. Sau một thời gian chôn cất, người Raglai làm nghi lễ Padhi để chia tay, chấm dứt mối quan hệ giữa người chết và người sống. Nhằm mục đích tiễn đưa linh hồn về với thế giới tổ tiên. Nghi lễ Padhi do các Pajau thực hiện, để thực hiện Padhi người ta đến mộ người chết để rước linh hồn về nhà. Ngày đầu tiên của lễ Padhi, các Pajau sẽ trình báo cho linh hồn người chết biết các lễ vật dâng cúng cho ma. Sau đó, tiếng Mả la được đánh lên để chúc mừng linh hồn người chết về ở ngôi nhà mới dành cho ma. Pajau làm nghi thức ban gạo cho ma, gia đình và những người đến dự lễ Padhi cũng ban gạo cho người người chết.Pajau là thầy cúng của người Raglai thường mang áo dài, xẻ tà từ eo lưng xuống đến chân, trên đầu có quấn khăn vải màu, tay múa nhẹ nhàng, chậm rãi theo nhịp Mả la hòa quyện với tiếng Hari. Ông Pajau ở chính giữa cầm một cây tre (Agai Tuah) có gắn 1 chiếc nhẫn và sáp ong dùng để chỉ đường, hướng dẫn cho ma nhận lễ vật dâng cúng.

Các Pajau trong Lễ bỏ mả của người Raglai

Vào buổi sáng sớm khi tiếng gà còn chưa gáy, Kagor (Ahaok)-Mô hình ngôi nhà hình con thuyền được thanh niên khiêng ra đặt ở trên mộ của người chết. Các Pajau thực hiện nghi thức mời rượu, cúng cơm cho ma. Tại ngôi nhà mới, các Pajau ban hạt giống cho ma, có 2 người phụ nữ cầm 2 đầu khăn màu trắng hứng những hạt rơi từ trên trời xuống. Cây xanh, cây ăn quả, được trồng xung quanh nhà mồ làm khu vườn trang trí cho ngôi nhà mới của ma.Kết thúc nghi lễ Padhi người ta mang các lễ vật như rượu cần, trầu cau, rượu, chuối cúng tại nhà lễ (Kajang). Sau nghi thức này, gia đình không còn thực hiện bất cứ một lễ tục nào nữa. Ông Pajau thực hiện nghi thức bẻ đôi cây tre (Agai Tuah) và bỏ vào trong giỏ đan bằng tre đựng thức ăn cho ma. Những thanh niên khoẻ mạnh trong làng khiêng chiếc giỏ thức ăn mang ra để ở nhà mồ. Đến đây, nghi thức Padhi đã thực hiện xong. Mọi sự liên hệ giữa người chết và người sống coi như chấm dứt. Lễ hội Padhi là một nghi thức đánh dấu sự chấm dứt mối liên hệ giữa người chết và người sống. Đây là nghi thức thiêng liêng và quan trọng trong đời sống tâm linh của người Raglai.  Họ xem lễ tục Padhi như một ngày sum họp cộng cảm để chia tay với một thành viên trong cộng đồng của mình. Đồng thời, cũng là dịp để cho các bạn trẻ vui chơi, làm quen với nhau rồi thành vợ thành chồng tái sinh thêm những thành viên mới. Tóm lại, quá trình diễn ra nghi lễ truyền thống là dịp để cộng đồng người Raglai sinh hoạt chung với nhau. Đồng thời, là cơ hội để phô diễn những loại hình nghệ thuật biểu diễn ngoài trời. Không gian sinh sống của người Raglai gắn liền với núi rừng nên còn bảo tồn nhiều tín ngưỡng bản địa của các dân tộc ở Đông Nam Á như tín ngưỡng thờ Yang Sri (thần lúa) qua việc tổ chức nghi lễ ăn lúa mới để cầu mùa màng bội thu và sự no ấm. Nghi lễ hôn nhân của người Raglai phản ánh nét đặc trưng của chế độ mẫu hệ với quyền làm chủ trong gia đình và quyền thừa kế tài sản thuộc về các chị em gái được luật tục bảo vệ. Ngày nay, mặc dù người Raglai không có hoạt động nghề biển nhưng kí ức về biển xuất hiện nhiều trong các câu chuyện cổ tích. Đặc biệt, trong lễ bỏ mả nhất định phải làm Kagor (Ahaok) là mô hình chiếc thuyền đặt trên nhà mồ. Khi đó, linh hồn người chết mới trở về với thế giới ông bà, tổ tiên được. Tức là, trở về với biển cả bao la. Nếu biết khai thác và phát huy những bản sắc văn tộc người Raglai để thúc đẩy sự phát triển du lịch địa phương đúng mức, sẽ làm sống lại nhiều giá trị văn hoá tinh thần của người Raglai. Góp phần làm phong phú văn hoá Việt Nam trong cộng đồng quốc gia đa tộc người.
 Đỗ Mai Chử (sưu tầm)

"Báu vật sống" của núi rừng (Hoàng Sa Vẳn)

Sử thi của người Raglai thường được diễn xướng trong các dịp sinh hoạt văn hoá cộng đồng.

Đồng bào dân tộc Raglai ở Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa có một nền văn hóa truyền thống độc đáo, nhiều giá trị, đặc biệt về âm nhạc và sử thi. Người Raglai gọi sử thi là Akha Jukar (chuyện hát bằng văn vần) để phân biệt với Akha ter (chuyện kể bằng văn xuôi). Ngày trước, người Raglai đã kể chuyện sử thi thì phải kể đến kỳ hết mới thôi. Một đêm chưa xong, thì đêm sau, đêm sau nữa…
kể cho kỳ hết, nghe cho kỳ hết. Cũng như con người, nhân vật sử thi cũng phải đi hết cuộc đời mình. Sử thi không chỉ là nghệ thuật mà chính là cuộc đời… Nhưng nguyên tắc ấy nay đã phai nhạt và mất đi, cũng như nhiều nét văn hóa độc đáo khác của người Raglai. Lớp trẻ hôm nay ít quan tâm đến sử thi, những tiếng ru của người Raglai đang bị thay bằng những bản nhạc trẻ. Không để sử thi Raglai rơi dần vào quên lãng”, niềm trăn trở ấy đã thôi thúc nghệ nhân dân gian Mấu Quốc Tiến hơn 25 năm rong ruổi qua từng thôn làng của người Raglai và ghi lại những câu hát sử thi Raglai.
Đến bây giờ, khi tuổi đã ngoài ngũ tuần, tài sản quý giá nhất ông có được là 4 bộ sử thi đã được biên soạn, xuất bản và hơn 300 băng ghi âm của 4 bộ sử thi Raglai khác. Là cán bộ Phòng Truyền thống của Trung tâm Văn hóa- Thể thao huyện Khánh Sơn, ông Tiến chính là người đi đầu trong việc sưu tầm và bảo tồn văn hóa Raglai ở nơi đây. Miệt mài hơn 25 năm sưu tầm, ông chia sẻ về niềm đam mê ấy: “Thế hệ chúng tôi lớn lên cùng lời ru của bà, của mẹ. Lúc đưa nôi, hay nằm trên lưng mẹ lên rẫy, từng tiếng ru dìu dặt, dịu dàng ngấm dần vào tâm hồn, để rồi khi lớn lên những âm sắc ấy vẫn không sao phai nhạt trong tâm trí. Cả cuộc đời qua những năm kháng chiến, hòa bình, hội nhập kinh tế, đời sống đồng bào ngày càng phát triển ấm no, hạnh phúc... tôi chứng kiến và lo ngại là nền văn hóa Raglai ngày càng mai một. ...”

Để tìm lại lời ru, chuyện kể một thời nuôi lớn tâm hồn mình và bảo tồn sử thi Raglai không để rơi dần vào quên lãng, ông Tiến đã cất công sưu tầm lại những lời ru ấy từ các già làng, các bà, các mẹ. Từ năm 1985, ông Tiến bắt đầu tiến hành việc sưu tầm sử thi Raglai cùng với sự giúp sức của cụ Nguyễn Thế Sang, cụ Trần Vũ (nguyên là Cán bộ Văn hóa của tỉnh, huyện). Năm 1987, tác phẩm đầu tiên “Bảo tồn chữ viết và văn hóa Raglai” của ông Tiến đã được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam đánh giá cao, mở đầu cho một loạt kế hoạch bảo tồn văn hóa Raglai của ông. Năm 1999, phối hợp với Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam, tác phẩm “Akhàt jucar Raglai” đầu tiên của ông được xuất bản. Trong 10 năm kế tiếp, 3 bộ sách “Udai- Ujac,“Amã Chisa - Amã cuvau Vongcơi,” “Awơi nãi tilơr” ra đời. Tổng cộng 4 bộ sử thi được xuất bản dày hơn 10.000 trang giấy, viết bằng 2 thứ tiếng Raglai và tiếng Việt. Ông Tiến đã sưu tầm được 8 bộ sử thi, ngoài 4 bộ đã xuất bản thành sách, còn 4 bộ được ghi ở hơn 300 băng thu âm đang nằm ở Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam chưa được gỡ ra và dịch lại. Để sưu tầm lại 8 bộ sử thi trên quả không dễ dàng chút nào, với chiếc cassette cầm tay, tuần nào ông cũng đến các làng bản để gặp các mẹ, thu lại các bản sử thi qua trí nhớ của họ. Lúc đầu còn nhiều người biết, còn nhiều người nhớ nên việc thu âm còn thuận lợi nhưng những năm gần đây công việc trở nên rất khó khăn. Các bà, các mẹ bây giờ tuổi đã cao, trí nhớ mai một, sức khỏe yếu lắm, rất nhiều người đã khuất núi. Huyện Khánh Sơn chỉ còn hai bà nắm rõ sử thi Raglai nhưng đều đã yếu rồi.

Không chỉ là sử thi, để thế hệ trẻ hiểu hơn về văn hóa Raglai, ông còn sưu tầm và dịch ra hai thứ tiếng Raglai và Việt một loạt các tác phẩm khác được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam cấp bằng chứng nhận như “Truyện cổ Raglai,” “Tri thức bản địa của người Raglai,” “Thành ngữ, tục ngữ Raglai,” “Khánh Hòa diện mạo văn hóa một vùng đất”… Hiện tại ông Tiến còn là người dịch thuật, phụ trách chương trình tiếng dân tộc Raglai ở Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh Khánh Hòa.

Nghệ nhân Mấu Quốc Tiến với những tác phẩm sử thi Raglai được in thành sách

Để bảo tồn và phát huy văn hóa Raglai, huyện đã mở nhiều lớp dạy sử thi cho con em Raglai và các cán bộ huyện, xã. Tuy nhiên, do hạn hẹp về kinh phí, huyện tiếp tục đề nghị tỉnh hỗ trợ việc mở lớp dạy sử thi Raglai, văn hóa Raglai trong thời gian tới. Ghi nhận sự đóng góp của ông Mấu Quốc Tiến cho nền văn học dân gian, đầu năm 2012, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam đã phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian cho ông Tiến. Có được vinh dự này, ông Tiến phấn khởi lắm. Mỗi ngày, những bước chân của “Người giữ hồn sử thi Raglai”  Mấu Quốc Tiến lại thêm phần miệt mài hơn. Ông lại rong ruổi khắp thôn làng để tìm, ghi chép, lưu giữ những lời ru của núi rừng với ước muốn làm sao để những Akhàt Jucar, Udai- Ujàc, Amã Chisa - Amã cuvau Vongcơi, Awơi nãi tilơr… không chỉ lưu giữ trên văn bản mà mãi vang lên trên nương, rẫy, trong những đêm bên bếp lửa ấm áp của người Raglai.

Những nỗ lực của ông đang góp phần làm cho nền văn hóa văn nghệ dân gian Raglai luôn được bảo tồn và phát triển rực rỡ, lung linh sắc màu. Ông được mọi người cảm phục, yêu mến gọi là “báu vật sống” của núi rừng Khánh Sơn.

 Hoàng Sa Vẳn (sưu tầm)

Ấn tượng với căn nhà dài của đồng bào Raglai (Hoàng Minh Thắng)

Nhà dài của đồng bào Raglai.

(Dân Việt) Chúng tôi có dịp ghé thăm những căn nhà dài (hay còn gọi nhà sàn) của đồng bào dân tộc Raglai huyện miền núi Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận. Những căn nhà được thiết kế với lối kiến trúc độc đáo của đồng bào nơi đây.

Những người dân Raglai cho biết, trước đây người dân thường sinh sống  làm ăn xung quanh các vùng đồi núi, gần các khu vực khe suối nên dựng những căn nhà dài để tiện cho sinh hoạt trong gia đình. Căn nhà xây dựng ít tốn chi phí, tận dụng sẵn có những cây cối trong rừng để làm, mỗi căn nhà làm trong thời gian ngắn, kết cấu căn nhà dễ làm, giản đơn và cũng tùy điều kiện kinh tế của mỗi gia đình.

Quan sát thực tế, tôi thấy các căn nhà có kết cấu tương đối vững chắc. Xung quanh nhà được bao bọc những loại tre, cây nứa hoặc cây lồ ô, có cửa ra vào, phía trên thường gắn liền với những ống tre để tận dụng nguồn nước mưa dùng cho sinh hoạt trong gia đình. Căn nhà dài được người Raglai dùng để ở, ngoài ra còn dùng để chứa đựng các loại bắp, đậu, khoai mì.

Mỗi căn nhà bao gồm phần trụ, phần sàn nhà, phần mái được lợp bằng tranh, có bậc thang đi lên, diện tích mỗi căn nhà được xây dựng từ 50 – gần 70m2.

Nhà dài được xây dựng nhiều tại các xã Phước Hòa, Phước Đại, Phước Trung, Phước Tiến huyện Bác Ái. Ngày nay, những căn nhà dài này vẫn được người đồng bào dân tộc Raglai duy trì gìn giữ, bảo tồn. Nhà sàn cũng là nơi quây quần của của các gia đình mỗi khi có dịp lễ hội và cũng là nơi giao lưu cho các thanh niên trai tráng trong làng.

Bậc thang lên nhà.

Cửa ra vào.

Hoàng Minh Thắng (sưu tầm)

Âm nhạc công chiên của dân tộc Raglai ở Khánh Hòa (Hoàng Phước Liên)

 Tộc người Raiglai là cư dân bản địa cư trú lâu đời trên địa bàn miền núi các tỉnh cực Nam Trung bộ, thuộc nhóm ngữ hệ Nam Đảo (Poleniesien). Hiện có khoảng 100 nghìn người, sống tập trung ở các huyện miền núi thuộc các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận. Theo thống kê dân số năm 2009, tỉnh Khánh Hòa có khoảng 40 nghìn người Raglai đang cư trú ở hai huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và các huyện phụ cận như Ninh Hòa, Diên Khánh, Cam Lâm, thị xã Cam Ranh.

Người Raglai có quá trình lịch sử lâu đời và có nền văn hóa dân gian phong phú, đặc sắc. Do soongs trong môi trường miền núi xa xôi, lại phải trải qua nhiều năm trong bom đạn chiến tranh, nên đời sống kinh tế của người Raglai ở Khánh Hòa đến nay vẫn còn lắm khó khăn. Một số đặc trưng về văn hóa như trang phục, nhà ở đã bị mai một đi rất nhiều. Song có điều đáng mừng là hầu hết những di sản văn hóa phi vật thể của Ông Bà vẫn được truyền thừa và gìn giữ khá nguyên vẹn, như các lễ hội truyền thống của dân tộc, các bản trường ca (Akhat-Jucar), đặc biệt hệ thống dân ca, dân nhạc vẫn được gìn giữ khá nguyên vẹn. Tuy nhiên do nhiều lí do khác nhau, đến nay vẫn chưa có công trình nguyên cứu nào mang tính khoa học toàn diện về người Raglai. Vì vậy, tộc người Raglai và văn hóa của họ, trong đó có âm nhạc dân gian Raglai vẫn còn khá xa lạ đối với giới chuyên môn cũng như với cộng đồng các dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam.
            Trong bài viết này, chúng tôi chỉ xin được đề cập một cách hết sức tổng quát về “âm nhạc của tộc người Raglai ở Khánh Hòa” mà chúng tôi có dịp tiếp cận và thu được với mong muốn cùng nhau trao đổi, nghĩ suy và tìm cách bảo tồn, phát huy nó trong đời sống hiện nay.


1. Trong một bài viết về âm nhạc dân tộc, khi đề cập đến tính dân tộc trong nền âm nhạc truyền thống Việt Nam, giáo sư nhạc sĩ Tô Vũ có viết:"Những đặc điểm lớn, mang tính Việt Nam, có thể xuất phát từ các yếu tố thổ ngơi, địa lí…vừa từ sự sống chung, giao lưu văn hóa nghệ thuật lâu đời bên nhau trong cộng đồng và những nét đăc trưng dân tộc có thể có nguồn gốc từ ngôn ngữ, tập quán sinh hoạt mà tạo ra cái “hồn nghệ thuật” là đặc thù của từng dân tộc. Cũng trong bài viết này ông đã nhấn mạnh rằng : “để phát hiện ra từng đặc trưng âm nhạc của từng dân tộc, người ta không chỉ dựa trên sự quan sát hời hợt, một cuộc điền dã “cưỡi ngựa xem hoa”, nhất là đối với những dân tộc có sự sống chung lâu đời và giao lưu khăng khít với các dân tộc khác, khiến cho những đặc trưng của dân tộc mình dễ bị lẫn vào những đặc điểm lớn và chung của cả cộng đồng".
Những điều nêu trên xem ra là khá phù hợp và xác đáng đối với việc nghiên cứu âm nhạc của tộc người Raglai ở Khánh Hòa.
Khảo sát thực địa chúng ta cho thấy, người Raglai ở Khánh Hòa có mối quan hệ và giao lưu văn hóa lâu đời, rõ nét với các tộc người cùng chung ngữ hệ như Chăm, Êđê,Churu và nhất là người Việt, và trong quá trình cộng sinh, cộng cư ấy nhiều yếu tố văn hóa đặc thù của họ đã bị lẫn vào cái chung của cộng đồng. Ngày nay, nếu quan sát kỹ các mặt đời sống sinh hoạt cua người Raglai ta sẽ thấy nhiều điểm tương đồng với người chăm như sắc phục, một số nhạc cụ hoặc những nét gần gũi với người Êđê như các lễ hội nhạc cụ…và tất nhiên có rất nhiều điều rất giống với người Việt.
      Chúng tôi còn nhớ, trong cuộc “liên hoan văn hóa _thể thao dân tộc Raglai 3 tỉnh Khánh Hòa,Ninh Thuận ,Bình Thuận năm 2005” đươc tổ chức tại thành phố Nha Trang, một số điều diễn ra trong thực tế đã làm cho chúng tôi hết sức ngỡ ngàng. Vì tuy cùng tộc người và cùng ngôn ngữ, song khi nghe các nghệ nhân Raglai ở Bình Thuận và Ninh Hải_Ninh Thuận  hát ca, nói chuyện thì nhóm nghệ nhân ở Khánh Hòa đã không hiểu hết ; cách diễn tấu nhạc cụ và trang phục cũng có nhiều dị biệt. Hỏi vì sao thì các nghệ nhân chỉ biết cười và lắc đầu. Đành suy luận,có phải đó chính là hệ quả của quá trình cộng sinh lâu dài của các nhóm tộc người Raglai với các tộc người có nền văn hóa ổn định hơn trong khu vực như Chăm,Êđê chăng? Và có phải vì thế mà có một số nhà dân tộc học chia tộc người Raglai thành Raglai bắc (cư trú tại Khánh Hòa), Raglai nam (cư trú tại Ninh Thuận ) và Raglai (cư trú tại Bình Thuận) chăng? Đặt những câu hỏi trên, chúng tôi chỉ muốn khẳng định rằng, khi nghiên cứu về âm nhạc của tộc người Raglai ở Khánh Hòa chúng ta phải làm thật kỹ công tác điền dã và cần thiết phải làm cuộc đối chiếu tay đôi, tay ba với các nền âm nhạc chăm, Êđê và có khi cần phải đối chiếu với cả âm nhạc của tộc người Rai đang ở cách xa với người Raglai ở Khánh Hòa muôn sông ngàn núi


2.  Cũng như hầu hết các dân tộc Tây Nguyên, đời sống văn hóa và tín ngưỡng của người Raglai ở Khánh Hòa luôn có sự gắn bó máu thịt với âm nhạc, trong đó âm nhạc cồng chiêng bao giờ cũng giữ vai trò chủ đạo. Cồng và chiêng là nhạc cụ được pha chê bằng đồng pha với các hợp kim khác như gang, chì , bạc và có khi còn pha với cả vàng nhằm tạo nên âm sắc đẹp và độ vang xa cho tiếng chiêng. Những bộ chiêng quý như thế, ngày nay chỉ còn giữ lại trong những câu chuyện kể của người già về một thời của kí ức.
      Từ xưa đến nay, các tộc người Tây Nguyên không tự chế cồng chiêng mà đều đặt mua từ các nước Lào và Campuchia và cả người Kinh và sau đó về chỉnh sửa âm thanh cho phù hợp với tai nghe dân tộc mình rồi đưa vào sử dụng. Căn cứ vào xuất xứ, người Tây Nguyên chia cồng chiêng ra làm ba loại: chiêng Joan-do người Lào chế tác (có khi được mua từ Mianma); chiêng Kur- do người Campuchia chế tác. Trong đó chiêng Lào được người Tây Nguyên quý nhất.
      Từ các đặc điểm chế tác và các tiêu chí âm thanh, các nhà âm nhạc học đã xếp cồng chiêng Tây Nguyên vào loại nhạc khí tự thân rung (Idiphone), loại có núm thì gọi là cồng, gọi không núm thì gọi là Chiêng. Cách gọi trên có phần áp đặt, bởi vì mỗi dân tộc Tây Nguyên đều có cách gọi tên riêng cho loại nhạc cụ này.
      Người Raglai không dùng công mà chỉ dùng chiêng và họ gọi là Char (phát âm gần giống như “Sa” của tiếng Việt). Trong thực tế người Raglai ở Khánh Hòa cũng có “bộ Char” của mình là “Mã la” theo cách gọi của  người Việt. (Sau đây xin gọi Char là Mã la).
      Cũng như các dân tộc đồng bào Tây Nguyên, người Raglai không chỉ xem cồng chiêng là nhạc cụ đơn thuần mà nó còn biểu thị sức mạnh tâm linh, là vật thiêng được từng gia đình gìn giữ như bảo vật. Họ tin rằng mỗi chiếc chiêng đều có một vị thần (Yang) trú ngụ. Dàn chiêng càng cổ xưa thì âm sắc càng đẹp thì sức mạnh của tàn càng  lớn. Vì vậy, để có được một dàn chiêng quý, thời xưa người Tây Nguyên phải đi thật xa để mua, có dàn phải đổi bằng hàng chục con trâu, có lúc phải đổi bằng voi mới được một dàn chiêng  quý. Vì vậy, đối với người Raglai, dàn chiêng không chỉ biểu thị cho sự giàu có và hơn thế nữa biểu thị cho sự giúp đỡ, bảo vệ thần linh đối với người sỡ hữu.
       Từ quan niệm trên, dàn cồng chiêng luôn được giữ gìn cẩn thận, nó chỉ được sử dụng trong những ngày trọng đại của gia đình và làng buôn. Mỗi tiếng chiêng vang mang cả lời ước nguyện của cả cộng đồng gởi tới thần linh, và giải thích vì sao cồng chiêng luôn xuất hiện trong hầu hết các sinh hoạt cộng đồng và tâm linh của đồng bào Tây Nguyên. Mỗi điệu chiêng chỉ vang lên trong một không gian văn hóa riêng biệt để bày tỏ ước nguyện riêng biệt đến thần linh. Cho nên chỉ cần tiếng chiêng, người ta có thể biết được ở nơi nào đó xảy ra việc gì. Hồn của chiêng bao giờ cũng cũng gắn với một không gian văn hóa cụ thể. Sự lẫn lộn về bài bản chiêng vì vậy cũng là điều cấm kị.
3. Dàn Mã la của người Raglai có số lượng bao nhiêu chiếc đến nay vẫn còn phải tìm hiểu tiếp tục. Trong các sinh hoạt văn hóa, người Raglai nói chung và người Raglai ở Khánh Hòa nói riêng thường dùng bộ mã la 5 chiếc để diễn tấu độc lập hoặc đikèm với các nhạc cụ khác hoặc dùng để đẹm them trong các bài nhạc cụ dân ca. Dàn Mã la 5 chiếc của người Raglai ở Khánh Hòa thuộc hệ thống 5 âm không có bán cung và nghiêng về điệu thứ. Điều đó phù hợp với hệ thống năm âm không có bán cung và nghiêng về điệu thứ. Điều đó phù hợp với hệ thống thang âm phổ biến của các bài dân ca Raglai. Năm “mặt chiêng” trong bộ Mã la Raglai được lấy tên theo trật tự của một gia đình mẫu hệ và âm chủ của một dàn Mã la là chiêng mẹ. Tên gọi các mặt chiêng như sau.
1. Char Yna_Chiêng mẹ
2. Char Ato_Chiêng cha
3. Char Malóa_Chiêng con gái lớn
4. Char Dướp_Chiêng con gái thứ
5. Char Pen_Chiêng con gái út
Cách tổ chức và gọi tên cho dàn mã la như trên rất phổ biến ở các Plơi Raglai thuộc hai huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) và đã được hầu hết những người có hiểu biết ít nhiều về văn hóa Raglai đồng ý. Trong công trình “trang phục cổ truyền của người Raglai”, tác giả Hải Liên –nguyên chủ tịch hội văn hóa dân tộc tỉnh Ninh Thuận-có kể, ông đã từng thấy bà con người Raglai ở Ninh Sơn diễn tấu dàn Mã la 9 chiếc. Bản thân tôi cũng từng đươc nghe một vài người già Raglai bảo rằng, bộ Mã la đầy đủ của Raglai phải có 12 chiếc …Thế nhưng, trong quá trình tìm hiểu âm nhạc Raglai, chúng tôi vẫn chưa được tận mắt thấy được những bộ char như vậy.
Gần đây- từ ngày 03 đến ngày 05 tháng 09 năm- chúng tôi đã được tham dự Lễ Bỏ mả do gia đình anh Mấu Xuân Danh (ở xóm 4, thôn dốc trầu, xã ba cụm bắc,huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa) tổ chức bỏ mả cho vợ là Cao Thị Bông theo đúng nghi thức cổ truyền.Theo quy định, lễ Bỏ Mả của người Raglai bao giờ cũng phải có dàn Mã la diễn tấu điệu tumaya suốt quá trình tế lễ.
Đội Mã la của xã  Ba cụm bắc phục vụ cho lễ Bỏ Mả hôm ấy gồm 9 chiếc chiêng và một chiếc trống da nai(Xa gơ). Khi diễn tấu vòng tròn cùng với chủ nhang ,thì đội Mã la được phân bổ như sau : Từ chiếc chiêng thứ nhất, đến chiếc chiêng thứ 6 làm thành cụm đầu, kế đến là chiếc trống đi xen vào giữa, sau đó là 3 chiếc chiêng còn lại đi sau cuối.
Mỗi chiếc chiêng có một tên gọi riêng và đi cùng cặp:Char Ana( chiêng Mẹ),Char t’rua (con trai), Char Pacho 2(con gái thứ 2), Char Paloa 1 (con gái thứ 3), Char Paloa 2(con gái thứ 4), Char Pudu 1(con gái thứ 5), Char Pudu 2 (con gái thứ 6), Char Puda (con gái thứ 7), và chiếc trống Saigor (vai ông).
So sánh với cách tổ chức và tên gọi các mặt chiêng, ta thấy hoàn toàn khác với dàn Mã la 5 chiếc mà lâu nay mọi người vẫn biết. Được biết, ở Ba Cụm Bắc dàn Mã la 9 chiếc chỉ được sử dụng trong khi diễn tấu điệu Tumaya tại lễ bỏ mả. Trong các cuộc sinh hoạt văn hóa và lễ thức khác thì người Raglai ở Ba Cụm Bắc cũng sử dụng dàn Mã la 5 chiếc. xin được nêu ra hiện tượng này để chúng ta cùng suy nghĩ.
4. Mã la của người Raglai được diễn tấu theo hình thức tập thể. Mỗi nghệ nhân đảm trách 1 chiếc, hòa với nhau để tạo nên một diệu chiêng hoàn chỉnh. Người Raglai có khá nhiều điệu chiêng riêng và mỗi điệu dành cho một dịp lễ: Lễ cưới, cuộc vui thì đánh điệu Ru-wo, Lễ Ăn đầu lúa mới thì chơi điệu Ato-pa-kruc, điệu Sa-va-lu-o, Lễ Bỏ mã thì phải đánh điệu Tu-ma-ya… Có cả các điệu chơi theo tiếng chim rừng (Ato-pa-ra-vu), chơi theo tiếng gà rừng gáy (Ato-pa-rai-manh), chơi theo tiếng chim cu (Ato-ka-to-rau-ma-nhi). Các điệu chiêng Raglai có điệu chiêng khá rõ nét, tiết tấu vừa phải cho người nghe cảm giác nhẹ nhàng pha chút cảm giác buồn chứ không rạo rực cháy bỏng như các điệu chiêng của các dân tộc anh em Ê-đê vốn cùng chung ngữ hệ. Mỗi điệu chiêng Raglai có độ dài từ 4 đến 8  nhịp 4/4, lặp đi lặp lại nhiều lần và kết bài theo quy định của người giữ chiêng mẹ
Nếu người Ê- đê đánh chiêng trong tư thế ngồi thì người Raglai lại diễn tấu Mã la trong tư thế vừa đi vừa nhún nhảy rất độc đáo. Vì thế mà người Raglai còn gọi cách diễn tấu Mã la là múa Mã la. Đối với người Raglai thì Mã la là nhạc cụ chỉ dành cho nam giới, khi diễn tấu họ không dùng dùi mà dùng bằng tay tạo nên âm thanh dịu dàng, mềm mại. Nhà báo Bảo Trân- trưởng văn phòng đại diện Báo Lao động tại Nha Trang trong một bài viết đã diễn đạt quan niệm người Raglai ở Khánh Hòa về vấn đề này như sau: “Mã la (Char) là đàn bà nên chỉ đàn ông mới hiểu. Đàn ông Raglai dùng phần mền nhất của bàn tay vỗ nhẹ lên Mã la, âm điệu nhanh chậm và trầm bổng như hơi thở, nhịp tim của mỗi người… Tiếng Mã la bay lên đỉnh núi, tỏa xuống lá rừng, đọng trong sương sớm… kết thành hoa trái”.Tưởng không còn gì hơn để nói.
Khảo sát thực tế, khi diễn tấu Mã la bao giờ các nghệ nhân cũng đi vòng tròn theo chiều ngược kim đồng hồ. Điều đó cho thấy các Mã la hình thức dâng cúng thần linh, ông bà chứ không phải là âm nhạc đời thường. Chính vì vậy mà chỉ cần sử dụng Mã la người ta vẫn có thể cúng Yang và các nghệ nhân luôn tuân thur nghiêm ngặt quy định về bài tiết diễn tấu trong từng cuộc lễ. Ngày nay, trong quy định truyền thống, các nghệ nhân có thể sử dụng Mã la để phục vụ cho những cuộc hội hè và cả biểu diễn trên sân khấu, nhưng tại các cuộc lễ truyền thống thì những quy định của cha ông vẫn luôn được giữ gìn nghiêm ngặt.
Tiếng Mã la linh thiêng là thế, nhưng phải đang đối mặt với sự mai một từng ngày. Nhiều người già Raglai đã rất buồn khi thấy con em mình ngày càng ít quan tâm các giá trị tâm linh của ông bà. Số thanh niên biết đánh Mã lai ở các Ploi ngày càng ít đi, tiếng Mã la ngày càng thưa dần trong những buổi sinh hoạt cộng đồng. Không ít cuộc lễ của người Raglai dược tổ chức mà không có sự tham dự của đội Mã la. Không gian văn hóa Raglai thiếu tiếng Mã la và ngày càng phổ biến, và đây là vấn đề lớn đang được đặt ra trong công tác bảo tồn và chấn hưng văn hóa dân tộc.

Hoàng Phước Liên (sưu tầm)

Khám phá vũ điệu núi rừng của người Raglai (Đàm Minh Phượng)

Ở Khánh Vĩnh, Nha Trang có một vùng đồi núi mà sinh sống ở đó chủ yếu là người Raglai – những người được mệnh danh là nghệ sĩ của núi rừng.
Người dân tộc Raglai có một loại nhạc cụ đặc biệt được gọi là mã la nhưng họ lại tạo ra đàn chapi để mô phỏng lại tiếng của mã la. Họ chơi đàn chapi như để nói lên sự buồn,
vui hay nỗi nhớ về âm thanh của những chiếc mã la.
Mời các bạn cùng S-Vietnam khám phá vũ điệu núi rừng rộn rã của người Raglai trong tiếng mã la vui nhộn:

 Đàm Minh Phiếu (sưu tầm)

Tục "ngủ cùng", tỏ tình nhưng cấm ân ái của người Raglai (Lý Thị Ninh)

Vợ chồng Ama Tách kể về tục ngủ thảo.

Người Raglai ở Bác Ái, Ninh Thuận có nhiều nghi lễ đặc sắc như lễ cưới, lễ bỏ mã, lễ mừng lúa mới… đặc biệt nơi đây còn lưu giữ tập tục ngủ thảo độc đáo.
Raglai là một dân tộc thuộc huyện vùng cao Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận có ngôn ngữ và nét văn hóa gần giống với dân tộc Chăm. Họ sống chủ yếu quanh đồi núi, ở trong những ngôi nhà sàn, làm nương rẫy, có lối sống mang tính cộng đồng và nhiều nghi lễ, lễ hội đặc sắc.

Dưới ánh trăng sáng trên những ngọn triền đồi, bên ánh lửa bập bùng của núi rừng, những cô gái chàng trai Raglai tụ tập bên bãi đất trống của làng, bên ché rượu cần nồng ấm họ cùng nhau ca hát, nhảy múa. Từng đoàn người nhảy vòng quanh ánh lửa, đôi mông lắc lư, tay nhịp nhàng vỗ nhẹ chiếc Mã La tạo nên những âm thanh vang vọng núi rừng. Cuộc sống vui vẻ bình dị cứ thế diễn ra theo ngày tháng của người Raglai.

Sau lễ hội, tiếng Mã La bắt đầu ngừng vang, những thanh niên Raglai lần lượt tìm cho mình một chàng trai, cô gái rồi cùng nhau về một mái nhà sàn cao ráo. Trong đêm tối họ nằm sát bên nhau trao gửi những lời yêu thương, tỏ tình, bắt đầu tìm hiểu về nhau để tiến đến một lễ cưới nếu hai bên cùng đồng ý. Đó là tập tục ngủ thảo độc đáo của người Raglai.

Ngủ thảo là ngủ chung với nhau để tỏ tình, để hiểu nhau, rồi yêu nhau, mức độ ngủ thảo chỉ đến độ ngủ chung, trò chuyện và nắm tay, đặc biệt kiêng kị quan hệ ân ái. Nếu cặp đôi nào phạm phải điều kiêng kị này sẽ bị làng phạt vạ bằng cách lấy roi mây đánh khắp cơ thể. Nếu con trai vi phạm bằng những hành động vượt phạm vi nắm tay và bị nhà gái lên án, sẽ bị nhà gái và cộng đồng làng phạt vạ bằng một con bò, một con heo và gà cho cả làng. Già làng sẽ cho làm mâm cỗ chuộc lỗi với thần linh và thông báo đến mọi người trong làng cùng biết về vi phạm của chàng trai và chàng trai sẽ bị đuổi khỏi làng.

Người Raglai quan niệm cuộc sống của họ được linh hồn tổ tiên và thần linh giám sát nên những việc như quan hệ tình dục trước hôn nhân, ăn cắp vặt…. đều sẽ bị thần linh và tổ tiên nhìn thấy, quở phạt. Do đó, họ luôn có lối sống hiền hòa, chân chất và ngay thẳng. Yếu tố về niềm tin tâm linh đã trở thành một phương thức giáo dục rất hiệu quả dù họ sống trên những đồi núi hoang sơ.

Ngôi nhà sàn truyền thống của người Raglai.

Người Raglai rất quan trọng hôn nhân đôi lứa nên đó để tiến đến ngủ thảo họ phải tìm hiểu trước cô gái hay chàng trai về tuổi tác, gia tộc, tính cách và lối sống. Nếu đã biết được đối phương thì dù là gái hay trai vẫn có thể lên tiếng mời đối phương về nhà ngủ thảo và chỉ ngủ ở nhà của cô gái hoặc một nhà sàn chung của làng. Ở đó họ không phân chia hay ngăn cách, ai đến trước thì tự tìm cho mình một chỗ ngủ để cùng tâm tình.

Với những gia đình có cô gái vừa lớn đủ tuổi cặp kê thì ngôi nhà sàn truyền thống được phân làm nhiều khu ngăn, nơi ngủ của bố mẹ, nơi tiếp khách, nơi ăn uống và nơi dành cô gái tiếp chàng trai trong những đêm ngủ thảo. Ở đó các trai gái Raglai nói chuyện và thao thức suốt đêm, đến sáng ai về nhà nấy. Những hôm sau nữa chuyện tình ngủ thảo lại tiếp tục diễn ra đến khi nào chàng trai và cô gái ưng cái bụng thì gia đình nhà gái sẽ làm lễ bắt chồng cho cô gái.

Một gia đình người Raglai ở Bác Ái.

Nếu sau đêm ngủ thảo cả chàng trai và cô gái đều không ưng, họ sẽ không tìm đến nhau nữa. Những đêm hội khác lại diễn ra, họ lại bắt đầu tìm cho mình những người khác để cùng ngủ thảo, tâm tình và trò chuyện. Chẳng biết tục ngủ thảo đã có từ bao lâu nhưng nó đã trở thành một nét đẹp rất riêng và độc đáo của người Raglai, sau những niềm vui lớn của cộng đồng là niềm vui, hạnh phúc của đôi lứa trai gái Raglai.
 Lý Thị Ninh (sưu tầm)