Người Thái đen Mường Lò. |
Cập nhật: Thứ sáu, 4/10/2013 | 2:50:13 PM
YBĐT - Lịch là một trong những di sản văn hóa có giá trị cao của người Thái còn tồn tại đến ngày nay cùng với lịch sử tộc người Thái. Nó đã được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bởi các ông "mo" hay "po mự" (người chuyên xem ngày lành, tháng tốt trong một vùng).
Cách đây trên nghìn năm, khi Tạo Xuông, Tạo Ngờn từ Mường Ôm, Mường Ai dẫn đoàn người Thái thiên di đến vùng đất mới Mường Lò đã có người chuyên lo tính ngày tốt xấu, họ có sổ xem ngày lành tháng tốt và xem bói toán gọi là "pặp mự".
Đến đời Lạng Tượng, cháu của Tạo Xuông khi đem quân đi mở mang bờ cõi ra các vùng Tây Bắc đã mang theo cả ông Mo, ông Nghè với sổ “pặp mự” để phục vụ cho việc tính ngày tháng trong mọi công việc. Như vậy, tổ tiên của người Thái đen biết dùng lịch để phục vụ đời sống đã trên ngàn năm nay.
Ngày nay, người Thái đen ở các huyện Thuận Châu, Sông Mã, Mường La, Mai Sơn, thành phố Sơn La (tỉnh Sơn La); Tuần Giáo, Mường Ẳng, Điện Biên, Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên); Tân Uyên, Than Uyên (tỉnh Lai Châu); Mường Lò, Văn Chấn (tỉnh Yên Bái)... vẫn đang dùng rất phổ biến lịch Thái trong đời sống hàng ngày. Hầu hết mọi người đều biết dùng và vận dụng vào mọi khía cạnh sinh hoạt.
Ở mỗi vùng, mỗi bản đều có các ông "mo" hoặc “po mự" để lo việc xem ngày tốt, xấu cho những ai có nhu cầu như các ngày cưới vợ, gả chồng, dựng nhà, lên nhà mới… Các ông mo thường có cuốn sổ cổ làm căn cứ cho việc tính toán lịch và chọn ngày, chọn giờ phục vụ cho nhân dân có nhu cầu.
Người Thái khi tiến hành một công việc hệ trọng nào đấy thường quan tâm đến một số ngày như vễn ók (ngày sinh), vễn tỗng (ngày cúng tổ), mự kảu kôn (ngày bố mẹ mất), mự hùa đỏn (ngày đưa hồn bố mẹ lên nhà), mự xành phãy pá (ngày thiêu xác bố mẹ)… Những ngày này người ta tính theo ngày của lịch Thái và không được tiến hành các công việc hệ trọng. Kể cả những công việc thông thường vẫn luôn chú ý để tránh những ngày đó. Người Thái có câu cửa miệng:
Vễn ók nhã lỗng, vễn tỗng nhã khửn.
(Ngày sinh không xuống, ngày giỗ không lên)
Vễn ók nhã pày đồng, vễn tỗng nhã pày xỏn
(Ngày sinh không vào rừng sâu, ngày giỗ không đi xúc cá).
Trước năm 1990, để đáp ứng nhu cầu của nhân dân, một số nhà nghiên cứu đã thử biên soạn để in ấn phát hành lịch Thái phục vụ nhân dân nhưng vì việc tính toán và chế bản rất phức tạp, với phương pháp làm thủ công tốn nhiều thời gian và công sức mà kết quả vẫn không được như mong muốn.
Năm 1990, đồng tác giả cuốn “Lịch của người Thái đen Sơn La” - ông Cà Văn Chung đã mạnh dạn đề xuất và biên soạn lịch Thái cho cuốn Nông lịch của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La. Mới đầu chỉ dạng sổ tay, nội dung gồm bốn loại lịch: dương lịch, âm dương lịch (quen gọi là âm lịch), lịch theo hệ đếm can chi và lịch Thái đen.
Đồng thời còn chú thích thêm ngày đầu của tháng Thái đen - (tháng Thái đen không trùng với tháng âm lịch và tháng Thái trắng) để người đọc biết được tháng của người Thái đen. Ngoài ra có đăng tải một số câu ca dao, tục ngữ liên quan đến thời tiết các tháng, thời vụ gieo trồng… Việc làm này đã được nhân dân và nhiều cấp ngành ủng hộ nhiệt tình.
Những năm sau, lịch được chuyển sang lịch tờ treo tường gồm từ 5 đến 7 trang (tùy năm) kèm theo nội dung chỉ đạo sản xuất của Sở Khoa học và Công nghệ. Từ đó đến nay, lịch Thái được phát hành đều đặn hàng năm; nó đã trở thành nhu cầu không thể thiếu được trong nhân dân. Một số cơ quan khác như Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trung tâm Nước sạch - Vệ sinh môi trường cũng đã đưa lịch Thái - (do ông Chung cung cấp) vào tờ lịch chỉ đạo sản xuất của mình.
Từ năm 2007 đến nay ông Chung cũng đã phối hợp với các Nhà xuất bản Công an nhân dân, Nhà xuất bản Hà Nội, Nhà xuất bản Văn hoá thông tin, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia phát hành lịch block có lịch Thái trên địa bàn Sơn La và vùng lân cận, được nhân dân nhiều nơi rất ủng hộ. Ngoài ra, ông Chung cũng phối hợp với Công ty cổ phần In Sơn La phát hành nhiều loại lịch tờ cũng được nhiều người dân tộc Thái ưa chuộng. Điều này đã nói lên rằng, người dân rất cần lịch của dân tộc mình, hay nói cách khác, lịch Thái là một nét văn hóa không thể thiếu được đối với đời sống của người Thái.
Cũng xuất phát từ nhu cầu của nhân dân, ông Chung đã tin học hóa lịch Thái, tạo ra chương trình cài đặt cho máy tính để xem lịch Thái hàng ngày, để tra cứu giờ, ngày, tháng, năm trong 400 năm (1800 - 2200), để soạn lịch hàng năm theo yêu cầu… Đồng thời chương trình cũng cho ta tìm hiểu về lịch, lịch Thái, các cách tính lịch trong đời sống. Đấy cũng là bước tiến bộ quan trọng của công trình này so với những công trình trước đó.
Lịch của người Thái đen Tây Bắc cũng dùng hệ đếm can, chi có người gọi "mự me mự lụk" (ngày mẹ ngày con), có người gọi "mự phạ mự đìn" (ngày trời ngày đất), người thì cho rằng chỉ có "mự" (10 ngày) và "chỡ" (12 giờ), kết hợp mự với chỡ theo từng cặp thì được hệ đếm 60 đơn vị. Người Thái đen Tây Bắc cũng sử dụng 12 con vật tượng trưng cho 12 chi của hệ đếm.
Đó là: voi, trâu, hổ, ong, rắn, thuồng luồng, ngựa, dê, khỉ, gà, chó, lợn. Nhiều con vật giống với lịch Á Đông nhưng có bốn con vật khác là: voi thay cho chuột; ong thay cho mèo, thỏ; rắn thay cho rồng; thuồng luồng thay cho rắn. Lịch của người Thái đen Tây Bắc là loại lịch căn cứ vào sự thay đổi của mặt trăng, mỗi một chu kỳ thay đổi của mặt trăng là một tháng.
Tiếng Thái gọi tháng là "bườn" trùng với tên gọi mặt trăng, tức là một tháng có nghĩa là một trăng. Người Thái đen Tây Bắc từ xa xưa cũng cho rằng một năm có 12 tháng: bườn Chiêng, bườn Nhi, bườn Xàm, bườn Xí, bườn Hả, bườn Hốc, bườn Chết, bườn Pét, bườn Cảu, bườn Xíp, bườn Xíp ết, bườn Xíp xòng. Tháng cũng có tháng thiếu (đắp xiểu) 29 ngày và tháng đủ (đắp no) 30 ngày. Hiện nay tháng của lịch Thái đang chênh lệch so với tháng âm-dương lịch Việt Nam là 6 tháng.
Trong các tác phẩm cổ và ca dao của người Thái đã dùng tháng để chỉ khí hậu thời tiết, chẳng hạn: “Bườn Chiềng phồn líu li, Bườn Nhi ti phồn ti báu, Bườn Xàm nặm dàm ta, Bườn Xí nặm hí kõn, Bườn Hả phồn xắng lãu, Bườn Hốc phạ lằng lạnh kữm nào, Bườn Chết lỗm chệt lỗm chu, Bườn Pét đét lạnh hương lỗm òn, Bườn Kảu phạ xảu hương mốn mũa, Bườn Xíp bók píp hưa nãư đồng, Bườn Xíp ết nặm nõng, Bườn Xíp xòng nặm mả” (có thể tạm dịch như sau: tháng giêng mưa rả rích, tháng hai nơi mưa nơi không, tháng ba nước đầy bến, tháng tư nước rỉ phai, tháng năm mưa giã từ bông lau, tháng sáu sấm suông lạnh cóng, tháng bảy gió cuộn gió lùa, tháng tám giá hanh khô, tháng chín trời sầu gió lạnh, tháng mười hoa "píp" rộ rừng ngàn, tháng mười một mưa lũ, tháng mười hai nước tràn).
Người Thái đen Tây Bắc dùng hệ đếm thập phân để đếm ngày trong tháng từ 1 đến 29 hoặc 30, tên gọi các ngày là: kăm nưng, xòng kăm, xàm kăm... đến xão kảu hoặc xàm xíp kăm. Ngày đầu tháng là ngày bắt đầu có trăng, cuối tháng là ngày không trăng (gọi là bườn đắp). Cách đếm 30 ngày này đã có từ xa xưa, vì người Thái có ca dao về trăng tròn trăng khuyết.
Ngày đầu tháng là: “Kăm nưng bườn phặc, xòng kăm pền phắc mák khàm, xàm kăm bườn hiếng…” (mồng một trăng ấp, mồng hai như trái me non, mồng ba trăng nghiêng…).
Đến giữa tháng: xíp hả mỗn chộc, xíp hốc mỗn chẹn, xíp chết kìn pết mết tồ… (mười rằm tròn lòng cối, mười sáu tròn trịa, mười bảy ăn vịt hết con mới mọc…) hoặc: xíp hả bườn tốc, xíp hốc bườn háng… (mười lăm trăng lặn, mười sáu trăng treo…).
Những câu ca này cũng rất sát với sự thay đổi của mặt trăng, đồng thời chứng tỏ người Thái đen Tây Bắc đã sử dụng cách đếm ngày từ 1 đến 29 hoặc 30 từ rất xa xưa...
Lịch là một trong những giá trị văn hóa còn tồn tại đến ngày nay cùng với lịch sử tộc người Thái, là một trong những thành tựu văn hóa độc đáo, xuất phát từ sản xuất nông nghiệp có được những kinh nghiệm về thiên nhiên, thời tiết, mùa vụ. Lịch của người Thái đen Tây Bắc được hình thành từ cơ sở thực tiễn và cơ sở thiên văn.
Bằng việc quan sát các hiện tượng thiên nhiên, cây cỏ xung quanh mình mà người Thái có cách tính lịch cổ điển nhất, đó chính là những cơ sở thực tế cổ xưa nhất để con người làm nên lịch phục vụ chính cuộc sống của mình. Lịch của người Thái đen Tây Bắc cùng với những giá trị văn hóa khác làm nên bản sắc của một tộc người rất đáng trân trọng và giữ gìn.
Trần Vân Hạc - Cà Văn Chung