Cây đàn tính tẩu của ông Nông Văn Nhay |
Những ai đã có dịp ngược đường Mộc Châu, Yên Châu, Tuần Giáo… vào mùa xuân, ấn tượng mạnh mẽ nhất có lẽ phải là màu trắng hoa Ban. Đi trên đường, chợt ngước nhìn núi, một đám mây trắng cứ ùn lên trước mắt, đó là rừng Ban đang ra hoa… "Hoa Ban nở, hoa Ban tàn/ Tình ta đẹp như hoa Ban/ Còn dài lâu thì như hoa nào/ Hỡi người ta yêu?" (Dân ca Thái).
Tình sử của chàng Khưn và nàng Ban như một khúc hát đẹp về lòng chung thủy trong huyền thoại. Không lấy được nhau, chàng Khưn chết hóa thành chim Khưn, nàng Ban chết hóa thành hoa Ban, chim Khưn chỉ hót khi mùa Ban nở… Đó cũng là mùa hội xuân, mùa hội hoa Ban.Trong những đêm hội xuân không thể vắng âm thanh cây Tính Tẩu (đàn bầu). Như tên gọi, Tính Tẩu có hai dây, bầu đàn làm bằng quả bầu khô. Cần đàn làm bằng các loại gỗ mịn thớ, dai và nhẹ.
Chuyện xưa kể rằng, ở một bản nọ có chàng trai nghèo tên là Khua Pớng, hàng ngày Khua Pớng phải đi kiếm cá ở những con suối trên rừng. Một lần, chàng lạc đến đầu nguồn con suối. Đang ngơ ngác, Khua Pớng bỗng giật mình vì nghe văng vẳng bên tai có những âm thanh trầm bổng lạ kỳ. Chàng ngạc nhiên thấy những âm thanh đó là do một con nhện then (trời) đang gẩy sợi tơ cùng với một quả bầu khô ca hát. Đợi nhện trời đi khuất, Khua Pớng khẩn cầu quả bầu. Đêm hôm đó chàng ngủ một giấc say,sáng dậy đã thấy cây Tính Tẩu ấy bên người.Từ đó cây Tính Tẩu luôn cùng chàng ca hát.Từ miền Tây Bắc đến rừng núi miền Trung và cả Tây Nguyên đều nghe được tiếng Khèn dìu dặt gọi mời. Lúc như tiếng gió gào trên đỉnh núi, lúc như tiếng suối chảy trong rừng. Khèn có nhiều loại: Khèn sáu ống của người H'mông, Khèn bè có từ mười hai đến mười bốn ống của người Vân Kiều, người Thái. Khèn bầu nậm còn gọi là Đinh Năm của người Êđê, Khèn mười ba ống mà người Gia Rai, Ba Na gọi là Đinh Tắc.
Tiếng Khèn của chàng trai người Thái (Ảnh: Sỹ Đức)
Mùa xuân, trai gái H'mông náo nức vui hội Gầu Tào, đó là ngày hội của tình yêu. Các cô gái H'mông trong chiếc váy hoa rực rỡ, thẹn thùng giương ô, đứng từng tốp trên bãi cỏ xanh. Chàng trai H'mông mạnh khỏe trong bộ quần áo mới còn nguyên nếp gấp, ôm khèn thổi và bắt đầu nhảy múa. Nếu ưng, cô gái sẽ đáp lại bằng tiếng hát trong trẻo hoặc bằng tiếng đàn Môi nhè nhẹ. Chiếc ô sẽ mở ra che cho hai người ngồi tâm sự trên bãi cỏ ven rừng…Đàn môi là chiếc đàn gần gũi của chàng trai Thái, cô gái H'mông. Người Mường nói, đàn môi là tiếng nói của tình yêu… Mùa xuân, khi dòng nước xanh của con sông Đà, sông Bôi, sông Bùi, sông Bưởi làm quay những chiếc guồng con, cũng là những lúc rừng núi thơm ngát hoa. Hoa nở rực rỡ, đó cũng là lúc bản Mường vào hội.
Trên bãi bằng, những chàng trai, cô gái Mường xinh đẹp đang đứng hát Thường Rang, Bọ Mẹng. Tiếng đàn Môi nhắc gái trai Mường chuyện xưa về cây đàn Môi rạch được bụng Trăn thần, cứu thoát nàng Út Mơ, người con gái Mường biết gẩy đàn Môi hay hơn tiếng chim rừng, có đôi môi đỏ như hoa đào và làn da trắng như hoa Sở…
Tây Nguyên là xứ sở của các cây đàn lạ, nào đàn T'rưng, đàn đá, đàn Kinh Khung, đàn B'rổ, Tinh Ninh, K'ni, sáo A Lai, dàn chiêng A ráp của người Ba nar, Gia Rai, dàn chiêng K'nác của người Ê đê… Không thể không kể đến cây đàn KLong Pút của các thiếu nữ Xê Đăng. Loại nứa tốt nhất để làm đàn cũng chỉ mọc ở chân núi Ngọc Linh, quê hương của hai anh em KLong và Pút…Thời xa xưa, một gia đình Xê Đăng sinh được hai người con. Người con trai tên là Pút, nghĩa là cao vời vợi. Người con gái tên KLong, tên một loại nứa nhỏ, đẹp mọc trong rừng. Ngày ngày Pút ra rẫy trồng lúa, bẫy chim, săn thú. KLong ở nhà dệt vải. Một sớm, cô nhóm bếp thổi cơm, trời mưa to, bếp nhóm rồi lại tắt. Cô bé vụng về dẫm vỡ cả ống nứa thổi lửa. Cô vội chặt ống khác. Nhưng cô gái chặt mãi mà không được ống nào ưng ý. Đến khi làm được ống thổi lửa thì những ống hỏng đã xếp thành đống giữa sàn.
Lửa cháy, gió lùa qua ống nứa thành những tiếng trầm bổng lạ kỳ. Gió lặng, cô vỗ tay thay cho gió. Khúc nhạc nứa khiến cô gái say mê quên cả thổi cơm. Người anh ở rẫy về thấy thế đã gọt nứa thành cây đàn phát ra khúc nhạc nứa kì diệu. Từ đó cây đàn được gọi là KLông.
Mùa xuân buôn làng Tây Nguyên cứ trầm bổng trong tiếng đàn Klông Pút, T’rưng… Những tiếng đàn ấy như nâng giọng hát bay bổng của con trai, con gái Tây Nguyên trong không gian mênh mông của cao nguyên khi tết đến xuân về và bâng khuâng trong lời dân ca nhắn nhe thổ lộ:
"Anh đã giỏi về làm cái nương cái rẫy
Anh đã giỏi về làm gùi
Anh đã giỏi về đánh giặc
Mà anh không giỏi về đàn
Em là con gái
Có ưng nhưng không ưng hết cả đời cho anh"…/.