Nhà ở của người Pu Péo
Từ lâu người ta đã xác định rằng người Pu Péo là một trong những cư dân lâu đời nhất ở vùng cao cực bắc Hà Giang. Họ cũng được xem là một tộc người chỉ duy nhất có mặt sinh sống ở Hà Giang. Người Pu Péo chủ yếu cư trú tại xã Phố Là (huyện Đồng Văn); Sủng Tráng và Phú Lũng (huyện Yên Minh) và một số ít còn lại sống ở xã Yên Cường (huyện Bắc Mê). Theo số liệu thống kê năm 2005 thì dân số tộc người Pu Péo ở Hà Giang có khoảng 602 người. Tính đến 31/12/2007 có khoảng 663 người.
Cũng như các dân tộc khác, dân tộc Pu Péo có những nét văn hoá truyền thống độc đáo đóng góp không nhỏ vào kho tàng văn hoá vật thể, phi vật thể của cộng đồng 22 dân tộc ở Hà Giang. Ngành nghề thủ công truyền thống được lưu truyền và phát triển như nghề dệt, đồ mộc, mây tre đan, làm ngói máng, phát triển chăn nuôi trâu, bò dùng làm sức kéo và coi đây là nguồn tài sản lớn và là vốn tích luỹ của đồng bào. Lương thực chính của người Pu Péo thường là lúa, gạo, mèn mén. Nhà ở người Pu Péo thường là hướng Nam và Đông Nam, nhà thường nằm dưới chân đồi và nhìn ra ruộng vườn. Khi chọn đất làm nhà người ta thường đào một cái hố nhỏ ở giữa khu đất chọn rồi bỏ xuống đó mấy hạt ngũ cốc rồi úp một chiếc bát lên trên, sau ba ngày mở ra vẫn còn nguyên vẹn là đất có thể ở được. Nhà thường có một của chính và một cửa phụ bên gian bếp. Trong nhà người Pu Péo thường có hai bếp, một bếp để thờ tổ tiên gọi là “bếp thiêng”. Bếp thiêng thường đặt một ấm đồng đun nước dùng để cùng và mỗi ngày phải nổi lửa một lần, bếp thiêng được bố trí một gian riêng bên phía đông. Bếp thứ hai là bếp nấu ăn hàng ngày, được bố trí bên gian phía tây.
Người Pu Péo được biết đến như là chủ nhân của những chiếc trống đồng cổ xưa đã được sưu tầm và lưu giữ. Tại các bảo tàng, do biến động của lịch sử đến nay những chiếc trống đồng đã không còn hiện diện trong đời sống nữa. Hiện nay trong dân chỉ còn kể đến một vật dụng thiêng có ý nghĩa từ xa xưa để lại đó là những chiếc ấn đồng, nồi đồng, chậu đồng và trong các gia đình Pu Péo thường có một đầu sư tử khắc bằng đá để ở cổng ra vào hoặc đặt trên nóc nhà đúng như một vật thiêng để canh giữ nhà hoặc trừ tà.
Trong quan hệ gia đình, dòng họ, làng bản, người Pu Péo không sống thành làng bản riêng, họ cư trú xen kẽ và quan hệ gẫn gũi với các tộc người khác. Mặc dù định cư từ lâu đời nhưng bản làng thường xuyên phân tán, chỉ có từ 5-7 hộ, điều này thấy rõ tính cô kết làng bản không cao. Tuy nhiên dòng họ đối với người Pu Péo lại rất nổi bật đó là một tổ chức tông tộc truyền thống, lấy huyết thống cha làm cơ sở kết nối, người Pu Péo gồm các họ như họ Củng, Tráng, Lù, Lèng, Vàng, Thào, Chúng, Lùng, Pủ, Pề... Mô hình gia đình Pu Péo là gia đình nhỏ, phụ quyền một vợ một chồng. Trong gia dình thường tồn tại 2-3 thế hệ, người cha là người đứng đầu, làm trụ cột. Trong cộng đồng chấp nhận việc hôn nhân con cô – con cậu, con dì – con già. Con trai của chị, em gái có thể lấy con gái của anh em trai nhưng con trai của anh, em trai không lấy được con gái của chị em gái vì phải tuân thủ nguyên tắc không trao đổi hôn nhân. Nếu vợ chết người chồng có thể lấy chị hoặc em gái của vợ nhưng cấm hai anh em trai lấy hai chị em gái. Trước đây thường xảy ra ép hôn, tảo hôn duy trì “nội hôn tộc người”. Tuy nhiên việc này gần đây đã gần được khắc phục do nhận thức của đồng bào về nguy cơ suy thoái giống nòi.
Lễ cười người Pu Péo được tiến hành qua nhiều bước như thăm dâu, dạm hỏi, xin dâu, đón dâu và lễ lại mặt, ngày cưới của cô dâu chủ rể đều được mặc trang phục truyền thống, trong ngày cười đoàn đón dâu của nhà trai đi theo số chẵn từ 14 – 16 người, lễ vật mang theo gồm 5 sọt xôi (1 sọt để ăn đường) 01 tấm vải đỏ khoảng 2m, chuỗi hạt cườm, 1 đôi bát và một con gà trống. Khi đến nhà gái, nhà gái kê một chiếc bàn con (trên bày rượu và nước chè) ngay cửa chính, lúc này hai họ cử đại diện hát đối đáp và mời rượu, mời nước. Sau đó nhà trai làm các thủ tục cúng tổ tiên họ nhà gái, trao lễ vật...
Cô dâu, chú rể trong ngày cưới
Lễ cưới được diễn ra ở nhà gái là một ngày. Sáng hôm sau một người bạn của cô dâu cõng cô dâu ra khỏi cổng để về nhà chồng (kể từ đó cô dâu được đối xử như khách và cũng không được làm những công việc tại nhà bố mẹ của mình) không còn là người của bố mẹ đẻ mình nữa. Khi về đến nhà trai cô dâu, chú rể khấu vái tổ tiên để được nhận chính thức cô dâu là người nhà mình. Một điều đáng chú ý trong bữa tiệc cưới ở họ nhà trai, tất cả các thức ăn được bày lên một nong lớn, mọi người cùng vui vẻ chúc tụng cùng ăn uống. Sau khi cưới 3 ngày, cô dâu, chú rể mang theo xôi, thịt trở về bên ngoại làm lế “lại mặt”. Lễ lại mặt còn diễn ra sau đó vào các dịp 7 ngày, 13 ngày và 1 tháng sau khi cưới.
Về tục lệ ma chay, khi trong nhà có người chết người ta thường đặt nghiêng các hũ thờ trên bàn, tắt lửa bếp lò và kê đá làm bếp nấu ở nửa trước gian giữa. Quan tài được đặt ở nửa sau gian giữa. Trước khi đi mai táng, thầy cúng cúng bái đưa người chết về quê cũ, người ta cắm một ngôi sao năm cánh bằng tre ở cửa chính sau khi đưa người chết đi để ngắn không cho ma trở lại nhà, phần mộ thường đặt trên rừng, huyệt đào nông và chỉ được đào khi quan tài đã mang tới cửa rừng. Trước khi lấp đất các con trai phải lần lượt từ người anh cả bước lên nắp quan tài quỳ lạy. Sau đó cuốc tượng trưng ở hai bên thành huyệt rồi dùng cuốc gõ lên nắp quan tài, mỗi người phải đi ba bước và phải thực hiện nghi thức đó ba lần, họ hàng cũng lần lượt làm tương tự. Mộ được đắp cao và xếp ba hòn đá ở đầu, giữa và đuôi mộ. Sau cùng thấy cúng có bài cúng gọi hồn những người đi đưa đám ma về nhà. Trẻ em phải mang ngôi sao năm cánh bằng tre để hồn không đi theo người chết, cuốc xẻng đào huyệt phải để ngoài chuồng trâu 3 ngày sau mới được đem vào dựng ở gần nhà.
Sau 3 ngày, 7 ngày và 13 ngày con trai mang lễ ra mộ cúng nhưng mỗi lần lại đặt mâm cúng xa mộ hơn. Trong khoảng thời gian này người ta dựng lại các hũ thờ và nếu người chết là ông bố người người ta dựng thêm hũ mới. Sau 1 tháng người nhà mang lễ đến cúng ở đoạn giữa đường từ nhà đến mộ, cúng xong về nhà từ đó mỗi năm chỉ cúng một lần vào tết thanh minh. Trên bàn thờ người Pu Péo là những hũ nhỏ thờ tổ tiên trong phạm vi 3 đời, mỗi hũ tượng trưng cho một đời. Những người chết bất đắc kỳ tử coi là ma ngoài không đưa lên bàn thờ vì vậy bao giờ cũng có hai mâm cỗ cúng, một cho tổ tiên, một cho ma ngoài. Những vật hiến sinh bao giờ cũng được đem cúng bái hai lần, một lần trước khi giết và một lần sau khi đã nấu chín.
Người Pu Péo để tang cha mẹ 3 năm, trong tang không được cưới hỏi, ngoài đám tang người Pu Péo còn làm ma khô. Lễ ma khô được làm trong 3 ngày 2 đêm, tuỳ từng điều hiện có thể làm ma khô ngay sau đám tang hoặc có thể sau.
Các ngày lễ tết của người Pu Péo cũng là các ngày lế tết của các dân tộc trong vùng. Riêng tết Nguyên đán có tục gói bánh chưng đem ăn vào tối 29 để tiễn năm cũ và ăn bánh chưng trắng vào tối 30 để đón mừng năm mới. Mùng một tết trai gái nô nức cùng nhau đi gánh “nước vàng, nước bạc” để cầu may, người Pu Péo còn có một lễ rất quan trọng là Lễ cúng thần rừng vào ngày 6 tháng 6 (âm lịch) các lễ vật được bày ra ở cạnh gốc một cây to thuộc khu rừng cấm (rừng thiêng) lễ cúng nhằm để cám ơn thần rừng đã phù hộ che chở cho họ.
Tuy cộng đồng người Pu Péo chỉ còn rất ít nhưng họ rất ít nhưng họ rất tự hào về văn hoá truyền thống của mình về một kho tàng truyện cổ và dân ca đang được lưu giữ. Mặc dù cho đến nay số người có thể hát hoặc kể truyện cũng thưa dần nhưng may mắn thay đã được nhà nghiên cứu Lê Trung Vũ sưu tầm biên soạn in thành hai tập dân ca Pu Péo – NXB VHDT1993 và truyện cổ Pu Péo – NXB VHDT 1998. Kho tàng truyện cổ với những truyền thuyết, cổ tích giàu tính nhân văn sâu sắc, kho tàng dân ca là một hệ thống làn điệu được thể hiện phản ánh trong các sinh hoạt khác nhau như hát phong tục, hát sinh hoạt, hát dao duyên người Pu Péo coi dân ca như mạch sống của giống nòi, người trẻ “nối tài người già” thường truyền dạy hát vào giờ thiêng giờ giao điểm của năm cũ và năm mới.
Phùng Mai (sư tầm)