Dấu ấn người H'Mông qua trang phục truyền thống (Mai Văn Kháng) - Mc tiệc cưới, học làm mc đám cưới, video đám cưới hay nhất

Monday, June 13, 2016

Dấu ấn người H'Mông qua trang phục truyền thống (Mai Văn Kháng)

Đối với người dân tộc Mông, trang phục là cái mặc, cũng là của cải gia truyền, ai nấy đều phải bảo tồn và phát huy sao cho ngày càng đẹp càng quý, phản ánh được rõ nét truyền thống văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng, cá tính và sự giàu có của tộc người.

Đồng bào dân tộc Mông đã cư trú ở nước ta từ lâu đời, sinh sống chủ yếu trên các rẻo cao thuộc khu vực miền núi Tây Bắc và Đông Bắc. So với các dân tộc khác, người Mông còn giữ nguyên được nhiều phong tục tập quán, vật dụng cổ truyền độc đáo, một trong đó là việc dệt vải, thêu may các bộ trang phục dân tộc đặc sắc, rực rỡ nhất vùng. 


Trang phục của người dân tộc Mông cũng là một nét văn hóa độc đáo trong văn hóa của họ

Một bộ trang phục cổ truyền của phụ nữ gồm váy hình nón cụt, xếp nếp, phần mông bó chặt, phần thân váy xòe rộng. Áo có cổ lật ra phía sau gáy. Thắt lưng buông hai dải dài phía sau. Tấm vải che đằng trước váy. Vuông vải che ở phía mông. Khăn quấn đầu. Xà cạp và tấm áo khoác ngoài không có tay, có cổ lật ra phía sau gáy.


một chiếc váy với cạp có những họa tiết sáp ong

Có thể nói hoa văn, họa tiết là yếu tố quan trọng nhất tạo nên vẻ đẹp trang phục Mông. Tuy thế mọi hoa văn ở đây đều hết sức mộc mạc, bắt nguồn từ các câu chuyện cổ, thơ ca về cội nguồn dân tộc, phong cảnh thiên nhiên nơi người dân tộc Mông sinh sống, các loại cây trồng, vật nuôi và sản phẩm nông nghiệp quen thuộc. Thường thấy các họa tiết dưới dạng ô nằm ngang với đường viền là hình vuông, chữ thập, đinh, công cách quãng kết hợp với hình quả trám, tam giác, tròn, xoáy đơn, xoáy kép (dấu móc hoặc chữ S), răng cưa, đường cong, đường lượn sóng… Bên trong là các hình ngôi sao năm cánh, sáu cánh, tám cánh, hoa bí, hoa tỏi, hoa cà, hoa mận, hoa đào, hoa sen, mạng nhện, cánh bướm, vảy cá, lá ngải cứu, cành tùng, búp tre, lưỡi câu, núi sông, đuôi rồng, con ốc, con rắn, sừng dê… Những họa tiết này đều có màu sắc tươi sáng, nhất là màu đỏ vừa tạo cảm giác ấm áp, hưng phấn cho người mặc khi đi giữa rừng, trên núi cao, vực thẳm trong điều kiện khí hậu lạnh lẽo vừa khiến người Mông nổi bật trước đám đông và choáng ngợp mọi không gian, môi trường cho dù trên nương rẫy, giữa buổi chợ hay lễ hội.

Đi chơi nào

Phụ nữ Mông Trắng trồng lanh, dệt vải lanh, váy màu trắng, áo xẻ ngực, thêu hoa văn ở cánh tay, yếm sau. Cạo tóc, để chỏm, đội khăn rộng vành.
Phụ nữ Mông Hoa mặc váy màu chàm có thêu hoặc in hoa văn bằng sáp ong, áo xẻ nách, trên vai và ngực đắp vải màu và thêu. Phụ nữ thường để tóc dài, vấn tóc cùng tóc giả. 
Phụ nữ Mông Ðen mặc váy bằng vải chàm, in hoa văn bằng sáp ong, áo xẻ ngực.
Phụ nữ Mông Xanh mặc váy ống. Phụ nữ Mông Xanh đã có chồng cuốn tóc lên đỉnh đầu, cài bằng lược móng ngựa, đội khăn ra ngoài tạo thành hình như hai cái sừng.

Trang phục của người dân tộc  Mông đen

Ngoài chức năng giữ ấm và làm đẹp, trang phục H’Mông còn hàm chứa mục đích tâm linh sâu sắc. Với quan niệm ngày Tết hay lễ hội mà mặc đồ cũ sẽ xui xẻo cả năm nên mọi nhà đều cố gắng để có được những bộ quần áo mới. Và phải chuẩn bị trước đó rất lâu. Vào tháng giêng, khi nam giới vào rừng săn thú thì phụ nữ cũng bắt đầu kỳ may vá truyền thống tới tận tháng chạp – lúc đã có thể thu hoạch lúa và sửa soạn ăn Tết cổ truyền đón mừng năm mới. Người H’Mông cũng tin mỗi sợi vải đều ảnh hưởng xấu hoặc tốt đến con người nên ngay từ khâu se sợi, cán vải đã làm rất cẩn thận, từ tốn bởi nếu que lăn và phiến đá là bị nứt vỡ, sợi lanh bị đứt thì khi sợi dệt thành vải, người mặc sẽ có nguy cơ bị sa ngã, li biệt.


Em bé người dân tộc Mông hoa xúng xính trong váy áo mới

Trang phục cũng là tín hiệu giúp nhận biết tộc người. Những bộ áo váy đẹp luôn có sức lôi cuốn là vật dẫn đường giúp linh hồn tổ tiên lên cõi vĩnh hằng và ngược lại cũng trở về được với con cháu. Người dân tộc Mông quan niệm chết cũng như sống đều cần ăn mặc đẹp vì nó sẽ giúp người quá cố được trọng vọng ở thế giới bên kia. Khi về nhà chồng, nàng dâu phải tặng bố mẹ chồng áo quần đẹp để diện trong ngày nhập quan về trời. Khi về già, các cụ già đều chuẩn bị trang phục đẹp để mặc khi mất, trên đó được vẽ, thêu rất đẹp và đính nhiều vật quý.

Vào dịp lễ tết hay hội hè, người dân tộc Mông luôn mặc bộ trang phục truyền thống của mình để vui chơi

Ngườidân tộc Mông rất gắn bó với trang phục truyền thống. Hàng ngày, dù lạnh dù nóng, làm gì ở đâu như đốt đồng, nấu nướng, xay ngô, trông em hay tham gia các trò chơi dân gian mọi người vẫn mặc trang phục truyền thống, ít khi vận mượn của dân tộc khác. Khi làm đồng hay việc nhà, ai nấy có thể mặc áo quần mộc mạc, nhạt màu, ít hoa văn và không đeo nhiều trang sức, nhưng đi hội thì phải thật lộng lẫy, có bao nhiêu áo váy, vòng bạc đều diện hết. Áo quần khi thay ra giặt được treo trên sào ngay ngoài cửa hoặc các mỏm đá. Áo quần cần cất đi được cuộn lại buộc dây ở giữa và gác lên nóc.

 Mai Văn Kháng (sưu tầm)

Share with your friends