Không biết tự bao giờ, dân tộc Giáy có quan niệm, khi trong nhà có người già ốm đau lâu ngày, người ta phải tìm thầy xem số mệnh. Khi thầy bấm số nói bị “gẫy cầu” thì con cháu phải làm lễ “bắc cầu” hay phải “cấy mệnh”.
Chuẩn bị cho lễ “bắc cầu”, con cháu chọn ngày tốt, giờ tốt, rồi vào rừng chặt hai cây gỗ đẽo thành hai tấm bề rộng khoảng 8 cm, dài 60 cm. Đồ cúng gồm: Một đôi gà, vịt, xôi nhiều màu, bánh bỏng, trứng vịt nhuộm màu, rượu trắng. Khi làm lễ, người ta khâu những chiếc túi vải nhỏ để đựng ít gạo,
muối, mỡ và đan chiếc bồ nhỏ để đựng khoảng nửa cân thóc. Sau khi mời ông mo, bà then làm lễ xong, con cháu buộc các thứ đó vào hai cây trúc có độ dài 1 m rồi đem dắt lên phía trong của mái nhà sau. Các thứ đồ đó cứ để như thế, lễ, tết thì thắp lên đó một nén nhang. Chỉ đến khi nào người có cầu qua đời thì mới dỡ xuống đốt cùng với đồ vật khi đoạn tang.Đối với trẻ nhỏ thường xuyên ốm đau, chậm lớn, người ta cũng làm lễ “bắc cầu”. Lễ cúng gần giống như người già, nhưng đồ cúng của trẻ nhỏ thì đưa ra đường bắc lên trên một rãnh nước nhỏ có nhiều người qua lại. Mục đích của việc này là xin vía mọi người “làm ơn” ban cho đứa bé được khỏe mạnh, chóng lớn. Thân cầu là tấm gỗ có độ rộng cũng như người già và độ dài tùy theo rãnh nước của nơi bắc cầu. Làm lễ cúng ở trong nhà xong, đưa cầu ra đường bắc. Hai đầu cầu cắm hai cây trúc nhỏ, trên cây trúc treo giấy vàng và kéo sợi chỉ từ cây trúc bên này cầu qua cây trúc bên kia cầu.
Khi đang làm lễ bắc cầu, nếu có người từ nơi khác đến gặp thì được người nhà đứa trẻ mời uống chén rượu và phải nhận làm bố nuôi, mẹ nuôi. Sau khi làm lễ xong, bố nuôi hoặc mẹ nuôi phải vào nhà con nuôi ăn cơm, uống rượu chúc phúc cho đứa trẻ, buộc chỉ cổ tay, đưa lì xì và có trường hợp đặt lại tên cho đứa trẻ. Từ đó, đứa trẻ lớn lên coi bố mẹ nuôi và các anh chị em nhà bố mẹ nuôi như anh em ruột thịt của mình. Khi bố nuôi hoặc mẹ nuôi qua đời, trẻ phải để tang và có mâm cỗ phúng viếng.
Còn “cấy mệnh” nghĩa là cúng cho đứa trẻ đoản mệnh. Lễ vật cúng giống như lễ “bắc cầu”, nhưng có thêm vài cây trúc đào cả rễ, cả đất để bên cạnh mâm cúng. Khi cúng xong thì đem những cây đó đi trồng vào một góc vườn của gia đình và phải chăm cho cây trúc sống, phát triển tốt thì đứa bé sẽ khỏe mạnh, nhanh lớn như cây trúc.
Ngọc Thảm (sưu tầm)