"Mẹ lúa" đi rước hồn lúa về nhà để cầu mong một năm mới bộ thu.
Trên suốt dọc đường đi, nếu gặp người quen, họ cũng không chào hỏi, bởi người ta quan niệm nếu hỏi chuyện, hồn lúa sẽ hoảng sợ mà đi mất.
Người dân tộc La Chí đã sống định canh định cư thành từng bản từ rất lâu, chủ yếu ở các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Tuyên Quang. Thường mỗi gia đình đều sinh sống ở nhà sàn và có một ngôi nhà đất liền kề để làm bếp. Ngôi nhà sàn được dựng lên thường có 3 gian, chỉ có một cầu thang lên xuống ở gần phía giáp nhà đất.
Đối với người dân tộc này, lễ mừng cơm mới có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Họ thường tổ chức lễ mừng cơm mới khi những nương lúa hè thu bắt đầu chín rộ, tổ chức long trọng để tạ ơn tổ tiên, trời đất đã giúp đỡ gia đình có một mùa màng bội thu, con cháu được thóc đầy nhà, lợn bò đầy sân và mong muốn một mùa tới sẽ được nhiều may mắn, thuận lợi.
Với tập tục có từ lâu đời, người La Chí thường chọn ngày Dậu để đi ngắt lúa, chuẩn bị để ngày Tuất sẽ tổ chức lễ mừng cơm mới. Thường thì trước ngày chuẩn bị nghi lễ, người phụ nữ trong nhà được ví như "mẹ lúa" nên phải dậy từ rất sớm chuẩn bị mọi thứ để đi ngắt lúa. Người La Chí quan niệm rằng những bông lúa đầu tiên có ý nghĩa rất thiêng liêng bởi đây là nghi lễ rước hồn lúa về nhà, gia đình sẽ được thuận lợi, may mắn.
Vì vậy khi đi ngắt lúa, "mẹ lúa" sẽ kiêng không cho người khác biết, họ thường lặng lẽ đi và cũng tránh gặp những người lạ. Trên suốt dọc đường nếu gặp người quen, họ cũng không chào hỏi mà lặng lẽ đi tiếp, bởi người ta quan niệm nếu hỏi chuyện, hồn lúa sẽ hoảng sợ mà đi mất, mùa màng năm đó sẽ thất bát, gia đình sẽ không gặp may mắn.
Khi đến ruộng lúa hái những bông đầu tiên, bao giờ người phụ nữ cũng khấn cầu nhỏ "Hồn gạo, hồn thóc đừng có chạy”, rồi ngắt ba bông lúa gói vào một lá chuối, cất giữ cẩn thận trong gùi. Sau đó họ mới tiếp tục ngắt những bông lúa tiếp theo, cho đến khi đầy giỏ, đủ một bữa để cầu cơm mới..
Khi rước được hồn lúa về nhà, người mẹ cất giữ trong kho thóc một cách cẩn thận để tránh cho những đứa trẻ trông thấy, họ sợ sau này nấu cơm sẽ bị sống, đó là điềm không may mắn cho cả gia đình. Đêm đến, khi chồng, con cái đã ngủ say, người mẹ mới tỉnh dậy, lấy các bông lúa đã ngắt đem sấy trên bếp mới ra sấy trên bếp rồi cho vào cối giã, sàng, sảy thành gạo để chuẩn bị đồ cơm.
Những hạt thóc nếp được cho vào cối giã rồi trộn với nước của một số loại lá cây rừng vào chõ đồ chín, khi xôi chín có các màu sắc rất đẹp như màu tím, vàng, đỏ... Riêng rơm, trấu của cơm mới phải cất cẩn thận trong địu tre vì sợ trâu ăn, lợn ăn phải hồn lúa sẽ sợ mà bỏ đi, dẫn tới mùa vụ kế tiếp làm ăn không gặp may mắn, năng suất thấp.
Người phụ nữ trong nhà sẽ chuẩn bị thức ăn để làm lễ mừng cơm mới.
Lễ vật để dâng lên tổ tiên, các vị thần thường có rượu, thịt trâu, thịt gà, cá suối nướng hay chim nướng... Sau khi đã chế biến các món ăn, họ bày biện dâng lên bàn thờ tổ tiên. Người phụ nữ cao tuổi nhất trong nhà sẽ mặc trang phục truyền thống để làm lễ dâng cúng. Những ngày này, người dân không tự cúng mà thường sẽ mời một thầy cúng trong làng đến cầu khấn giúp.
Bà "mẹ lúa" sẽ tiến hành nghi lễ gặt lúa tượng trưng, diễn tả động tác gặt lúa, giã gạo và lẩm nhẩm cúng khấn cầu mong được tổ tiên dạy bảo, mong cho một mùa sau sẽ bội thu hơn mùa trước. Đây cũng là dịp để các nam thanh nữ tú trong bản thi hát giao duyên, hát đối và giao duyên với nhau, thể hiện một nét văn hóa truyền thống đặc trưng của người dân tộc. Dù ngày nay đời sống đã nhiều thay đổi, song người La Chí vẫn giữ nguyên tập tục này.
Anh Phương