Đối với đồng bào Ba Na, nghề dệt thổ cẩm là một nét văn hoá độc đáo có từ rất lâu đời. Họ đã dệt nên những tấm chăn, thảm vải, những bộ trang phục trong cuộc sống thường ngày cũng như trong lễ hội mang những nét đặc trưng riêng của người Ba Na.
Trước kia, đồng bào Ba Na trồng bông chung trong rẫy lúa, trong kinh nghiệm sản xuất bà con thường chọn những vùng rừng có nhiều cây quýt gai trồng bông thì năng suất bông rất cao, giống bông truyền thống có thời gian sinh trưởng kéo dài. Từ giữa tháng 5, tháng 6 (âm lịch) hàng năm bà con đưa hai loại giống lúa và bông trỉa cùng một lúc, đến cuối tháng 11 âm lịch lúa được thu hoạch, còn lại cây bông phải đến giữa tháng giêng năm sau mới thu hái, cây bông được thu từ ba đến bốn đợt đến cuối tháng ba thì xong. Gặp lúc mưa thuận gió hoà, nếu một rẫy lúa suốt được 10 gùi thóc thì lượng bông cũng thu được từ 4 đến 5 gùi.
Bông đem về nhà được phơi nắng trên các mái sàn và cho xe cán (Btác) để tách hạt bông ra, mỗi ngày một người có thể tách được khoảng 3 gùi. Sản phẩm bông sẽ đưa vào khung kéo (Kpanh) để làm xơ sợi bông, cuối cùng những bó sợi này được đi qua shire kéo để tạo thành sợi vải có màu trắng, sợi vải được căng ra và có dùng sáp ong để làm trơn chúng.
Việc tạo màu cho sợi vải hoàn toàn dựa vào các loại cây trên rừng. Lấy cây chàm giã nát ngâm nước ba ngày đêm rồi cho vào một ít vôi bột, đưa búp vải vào quậy đều, sau một đêm vớt ra sẽ có những sợi vải màu đen (chính vì làm công việc này mà phụ nữ Ba-na ngày trước từ khuỷu tay trở xuống đều bị thâm đen). Muốn có chỉ màu vàng thì nhuộm bằng củ Ktrơn, muốn có màu đỏ thì dùng vỏ cây Kxan.
Nghệ thuật dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Ba Na
Nghệ thuật trang trí của người Ba Na rất phong phú và độc đáo, thể hiện trên các loại hoa văn, hoạ tiết sống động trên trang phục, đồ đan. Hoạ tiết thổ cẩm được sử dụng nhiều ở thổ cẩm (áo, váy, chăn, đồ đan). Người Ba Na thường sử dụng các màu: đen, đỏ, trắng, tạo ấn tượng mạnh mẽ. Hoạ tiết đối xứng phản ánh quan niệm về vũ trụ, lý âm dương, trời đất lấy thiên nhiên làm hình mẫu, thổ cẩm của người Ba Na không khác nào cảnh thiên nhiên thu nhỏ. Đó là cách điệu của hình học, cảnh núi rừng… mỗi người con gái Ba Na đều có nghệ thuật trang trí độc đáo thể hiện qua nghề dệt thổ cẩm truyền thống.
Hoa văn trên thổ cẩm làm màu sắc sặc sỡ, chủ yếu là chạy dọc theo chiều tấm vải, màu đen là màu chủ đạo gây ấn tượng mạnh mẽ về phong cách, đây chính là những hoa văn phản ánh đường nét văn hóa truyền thống và đời sống sinh hoạt hàng ngày của người Ba Na. Thổ cẩm tươi sáng, rực rỡ bay bổng như ước mơ, khát vọng. Mỗi màu lại có tiếng nói riêng, màu đen tượng trưng cho đất rừng trù phú, màu đỏ của khát vọng và tình yêu.
Việc dệt được một tấm vải là cả một quá trình lao động công phu và tỉ mỉ của người con gái Ba Na. Vải được dệt với khổ rộng từ 50-80cm, trung bình một ngày, một người dệt được từ 0,8-1m chiều dài. Để dệt xong một cái váy hoặc áo, đồng bào Ba Na mất từ 30 – 35 ngày (hoặc có thể lâu hơn), dệt xong tấm chăn người phụ nữ phải mất trung bình khoảng ngày dệt, một cái áo khoác của đàn ông cũng phải mất đến 2 ngày lao động liên tục.
Trong quá trình dệt vải, công đoạn bắt hoa văn là khó nhất, đòi hỏi người làm phải thật chú ý, tỉ mỉ và khéo léo mới có thể tạo ra sản phẩm ưng ý. Hoa văn làm nhanh nhất là 1 tuần. Vào ngày lễ hội truyền thống của dân làng, cô gái nào có bộ váy áo đẹp sặc sỡ thì được đánh giá là người chăm chỉ, giỏi giang; nếu là con gái chưa chồng thì được trai làng để ý đến.
Chính vì vậy, con gái đồng bào Ba Na đã tập làm quen với khung cửu từ khi còn bé. Họ đã được các mẹ, các bà dạy cách dệt vải để trước khi về nhà chồng, họ phải tự dệt cho mình những bộ trang phục thật đẹp.
Ngày nay, đồng bào Ba Na sử dụng vải công nghiệp để may quần áo, tuy nhiên, nghề dệt thổ cẩm truyền thống vẫn được gìn giữ và phát huy. Những người phụ nữ lớn tuổi đang cố gắng bảo tồn nét đẹp này bằng cách tự làm ra sản phẩm để dùng, sau đó là bán cho những nơi khác và thậm chí là cho khách du lịch.
Minh Châu (sưu tầm)