Thiếu nữ Bana
Bana là một trong những dân tộc bản địa sinh sống lâu đời trên Cao nguyên trung phần miền Tây của Tổ quốc. Cho đến nay, chưa có một công trình nghiên cứu nào cho biết chính xác về ý nghĩa tên gọi và lịch sử chuyển cư ban đầu của người Bana.
Bana là dân tộc lớn nhất nói tiếng Môn - Khơ me ở Tây Nguyên, số dân hiện nay ước tỉnh khoảng trên 20 vạn người. Địa bàn cư trú của người Bana trải rộng từ Kon Tum, Gia Lai xuống một số huyện miền núi các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa. Theo Niên giám thống kê của Chi cục Thống kê tỉnh Gia Lai năm 2006, người Bana ở Gia Lai có 144.645 người. Và theo Niên giám thống kê của Chi cục Thống kê tỉnh Kon Tum năm 2002, người Bana ở tỉnh này có 21.000 người.
Cũng như nhiều dân tộc bản địa khác ở Tây Nguyên, do nhiều hoàn cảnh về địa lý cũng như lịch sử, cho đến nay, người Bana vẫn sống trong một xã hội tiền giai cấp và được chia làm nhiều nhóm địa phương khác nhau. …”
Theo điều tra của các nhà dân tộc học thì người Bana hiện nay gồm có các nhóm sau: Nhóm Bana Kon Tum ở xung quanh thị xã Kon Tum, nhóm Tơ Lô ở An Khê, Mang Yang (tỉnh Gia Lai), nhóm Rơngao ở quanh thị xã Kon Tum, Đắc Tô (tỉnh Kon Tum), nhóm Giơlơng ở huyện Kon Plông, thị xã Kon Tum tỉnh Kon Tum. Theo các tác giả của cuốn sách “Fônclo Bâhnar” ba nhóm Bana ở An Khê (nay là thị xã An Khê, huyện Kbang và huyện Công Chơro) là Bơnâm, Tơlô và Konkơđeh.
Công cụ sản xuất chủ yếu dùng bằng cào, cuốc, dao, rìu, rựa. Trong đó, cuốc bàn là một loại công cụ rất phổ biến, còn dao, rìu, rựa thường dùng để phát rẫy. Hiện nay, đồng bào đã biết dùng liềm để gặt lúa. Ngoài ra, đồng bào đã biết khai hoang những thửa ruộng nước, để trồng cây lúa nước với sự động viên và đầu tư của Nhà nước.
Cũng như nhiều dân tộc bản địa khác, chăn nuôi tuy phát triển nhưng chưa được áp dụng sức trâu bò vào sản xuất rộng rãi. Sản xuất nông nghiệp lúa rẫy và lúa nước cũng chủ yếu bằng cuốc và bằng tay. Người Bana rất chú trọng việc chăn nuôi trâu bò, heo, gà, dê... Song, tất cả đàn gia súc ấy không những không áp dụng vào sản xuất hay chế biến thực phẩm để cải thiện đời sống thường nhật của con người, mà chủ yếu được sử dụng vào việc cúng tế trong các ngày lễ hội.
Việc săn bắn của người Bana trước đây rất phổ biến, nhưng gần đây đã thưa dần. Việc tăng thêm nguồn lương thực, thực phẩm bằng hình thức hái lượm ở đây cũng có một vị trí hết sức quan trọng, chẳng thua kém gì các tộc người khác sống trên mảnh đất Tây Nguyên.
Ngoài hoạt động nông nghiệp, người Bana còn có một số nghề thủ công nhằm tạo ra những sản phẩm tự cung, tự cấp. Thông thường đàn ông từ già đến trẻ ai cũng biết đan lát, đàn bà ai cũng biết dệt vải.
Hình thái tổ chức xã hội của người Bana là plei (làng), làng là đơn vị cư trú của các gia đình phụ hệ nhưng người phụ nữ vẫn đóng vai trò quan trọng trong mọi việc của gia đình. Mỗi gia đình là một đơn vị kinh tế cá thể, có tư liệu sản xuất riêng do quyền chiếm hữu rẫy nương được đảm bảo. Mỗi làng có từ 20 đến 70 hộ gia đình. Giữa làng có một ngôi nhà rông – nơi sinh hoạt văn hoá cộng đồng. Để điều chỉnh công việc trong làng là hội đồng già làng, đứng đầu là chủ làng. Già làng là người thay mặt cho cả làng quyết định các công việc chung như việc làm nhà rông, dời chuyển làng, tổ chức lễ hội, sản xuất, chiến đấu đến việc xử phạt những cá nhân hay gia đình vi phạm những điều trái với luật tục. Những người trộm cắp, cướp của, giết người, loạn luân, hiếp dâm... đều bị xử phạt rất nặng. Theo mức độ của các hành vi vi phạm, những người phạm luật có thể bị xử phạt theo các hình thức sau đây: Tội nặng được xử lý theo lối sỉ nhục hoặc bị đuổi ra khỏi làng. Tội nhẹ, bắt bồi thường gà, dê, lợn, trâu bò..., để làng làm lễ cúng Yàng Nam nữ đến tuổi trưởng thành được tự do hôn nhân nhưng phải được sự đồng ý của gia đình hai bên.
Theo phong tục, không cho phép nam nữ ăn ở với nhau trước lúc lấy nhau. Hôn nhân một vợ một chồng đã bền vững.
Đặc biệt người Bana có “tục nối dây”, chồng chết, vợ phải lấy em chồng; vợ chết, chồng phải lấy em vợ. Việc li dị có xẩy ra nhưng rất hiếm và phải được sự đồng ý của gia đình cũng như hội đồng già làng. Vi phạm tội loạn luân, ngoại tình bị xử phạt rất nặng. Người Bana rất tôn kính người già, người cao tuổi và cũng rất yêu quý trẻ con, rất hiếm thấy người lớn bắt nạt, đánh đập hay hù doạ trẻ nhỏ...
Người Tây Nguyên nói chung, người Bana nói riêng đều quan niệm “Vạn vật hữu linh ”. Tất cả các sự vật hiện tượng trong tự nhiên và chính bản thân con người đều có linh hồn. Trong thế giới có một lực lượng vô hình ảnh hưởng quyết định tới cuộc sống của con người đó là Yang. Các Yang thường được đồng bào nhắc tới nhiều là: Yang Dak (Thần nước), Yang Công (Thần núi), Yang Nam (Thần nhà), Yang Rông (Thần nhà rông), Yang Chiêng (Thần cồng chiêng), Yang T’rưng v.v. đặc biệt Bok Keidei là vị thần tối cao. ở đây, mối quan hệ giữa người với các Yang rất bình đẳng, tác động qua lại, gắn bó với nhau một cách bền vững tạo nên vẻ đẹp hồn nhiên của cuộc sống.
Văn hoá - Nghệ thuật: Nói đến văn hoá dân gian Bana, là phải nói đến tinh thần thượng võ, đức tính cần cù trong lao động sản xuất, kiên cường, bất khuất trong đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, bảo vệ buôn làng, bảo vệ giống nòi; là tình yêu thiên nhiên, cỏ cây, hoa lá; sự đam mê hoạt động sáng tạo nghệ thuật của những con người mộc mạc, nguyên sơ nhưng tinh tế, kín đáo.
Những giá trị văn hoá ấy, được biểu hiện thông qua các sinh hoạt lễ hội, múa, văn học, âm nhạc, nghệ thuật tạo hình...
Lễ hội: hoạt động Lễ hội ở đây còn mang tính nguyên hợp. Không gian lễ hội diễn ra từ trong mỗi gia đình, nhà rông, nương rẫy và xung quanh khu nghĩa địa. Lễ hội gắn liền với cuộc sống của mỗi con người, cộng đồng plei trong quá trình hoạt động thực tiễn, lịch sử.
Múa: hoạt động nhảy múa người Bana gọi là Soang. Từ ngàn đời nay người Bana không chỉ thích ca hát mà còn đam mê nhảy múa. Nhảy múa gắn liền với Lễ hội, gắn liền với âm nhạc, gắn liền với văn học, mỹ thuật, phong tục tập quán. Người Bana, trẻ già, trai gái, nam nữ ai cũng biết múa và múa rất đẹp. Tiêu biểu cho nghệ thuật múa truyền thống của người Bana là các điệu: soang Khiêl, soang Tap sơgơ, soang Grong Atâu…
Văn học: người Bana có một kho tàng văn học dân gian vô cùng phong phú, đủ các thể loại, từ hát ru (plung), ca dao, tục ngữ (Pơ đứk), hát giao duyên (Avơng) dến Trường ca - Sử thi (Hơamon)… Đăm Noi là một trường ca nổi tiếng.
Một đặc điểm nổi bật của văn học dân gian Bana là thường gắn liền với âm nhạc trong tất cả các thể loại, từ thơ cho đến văn xuôi - hát kể.
Âm nhạc: âm nhạc của người Bana phát triển khá cân đối giữa nhạc hát và nhạc đàn. Hệ thống nhạc cụ phong phú, đầy đủ các âm sắc khác nhau, gồm bốn họ nhạc cụ cơ bản:
- Họ nhạc cụ dây: Kơni, Goong hay còn gọi là Tinh ning, Brõ…
- Họ nhạc cụ hơi: Ala, Tơdiep, Hi hơ (Ding yơng), Klông put…
- Họ nhạc cụ tự thân vang: T’rưng - Glơng glơi, Ching ding (chiêng ống lồ ô, tre, nứa), Chiêng (cồng chiêng)…
- Họ nhạc cụ màng rung: các loại trống (Sơgơ) bịt da…
Nghệ thuật tạo hình: Là những đường nét hoa văn được trang trí trên trang phục nam nữ, trên cán dao, trên gùi, trên nhà rông, trên nhà mồ, là “Rừng tượng mồ”; là những bức tranh trên mái nhà rông, trên mái nhà mồ...Đó là những tác phẩm điêu khắc phản ánh những cảnh sinh hoạt thường nhật của đồng bào như: nhảy múa, uống rượu, đánh cồng chiêng và tả những cảnh nam nữ ái ân... Đằng sau những đường nét hoa văn, đường nét chạm khắc, nét vẽ ấy là cả một tâm hồn luôn hướng tới những giá trị : Chân - Thiện - Mỹ.
Văn hoá dân gian Bana là sản phẩm vật thể và phi vật thể vô giá của đồng bào Bana nói riêng, các dân tộc Việt Nam nói chung.
Nét độc đáo của văn hoá Bana, nghệ thuật Bana thể hiện ở tính nguyên hợp, ở tính cộng đồng dân chủ và bình đẳng, nó gắn liền với cuộc sống của con người. Chủ thể sáng tạo nghệ thuật đồng thời là người thưởng thức nghệ thuật đã tạo ra một không gian văn hoá đặc biệt, hướng con người tới những mục tiêu cao đẹp.
Hồng Hạnh (sưu tầm)