Người Mường ở Ninh Bình và những yếu tố văn hoá truyền thống (Ngô Cao Thắng) - Mc tiệc cưới, học làm mc đám cưới, video đám cưới hay nhất

Wednesday, June 22, 2016

Người Mường ở Ninh Bình và những yếu tố văn hoá truyền thống (Ngô Cao Thắng)

Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có khoảng trên hai mươi nghìn người Mường, cư trú vừa tập trung, vừa rải rác và xen kẽ với đồng bào Kinh, thuộc huyện miền núi Nho Quan (gồm các xã: Thạch Bình, Xích Thổ, Yên Quang, Văn Phương, Cúc Phương, Kỳ Phú, Phú Long và Quảng Lạc). Dân tộc Mường ở Ninh Bình gồm có bốn nhóm cộng đồng, theo tên gọi riêng là: Mường Vang ở các xã Thạch Bình, Xích Thổ, Yên Quang; Mường Rậm ở các xã Cúc Phương, Văn Phương; Mường Bơ ở xã Quảng Lạc; Mường Kỳ Lão ở các xã Kỳ Phú, Phú Long.

Các di sản văn hoá truyền thống (vật thể và phi vật thể) của người Mường ở Ninh Bình rất phong phú, đặc sắc, được lưu tồn từ lâu đời.
Về nhà ở, từ xa xưa, nhà truyền thống của người Mường vốn là nhà sàn Mường (có dáng dấp, kiến trúc riêng so với nhà sàn của các dân tộc anh em khác).   Nhà sàn chính là hiện thân của đời sống người Mường và văn hoá Mường.
Người Mường vốn có trang phục riêng của cả nam và nữ khá độc đáo, góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng của sắc phục cổ truyền Việt Nam. Bộ trang phục nữ giới thường gồm có áo cánh dài tay, thân áo khá cộc, yếm; váy là cả một tấm vải khá rộng được quấn gọn quanh eo, dài gần tới sát gót chân, có dải nẹp váy khá rộng bản, được thêu các hoạ tiết hoa văn đặc sắc, công phu; khăn đội đầu thường là một tấm vải màu trắng, nổi bật vì sự tương phản màu sắc với mái tóc đen. Bộ trang phục nam giới thì khá đơn giản, thông thường là bộ áo quần “ta”, tựa như áo quần trước kia của nông dân người Kinh, có màu nâu hoặc gụ. Bảo tồn trang phục dân tộc Mường, đặc biệt là trong các dịp lễ hội đáp ứng nhu cầu cơ bản, thiết yếu, góp phần bảo tồn di sản văn hoá truyền thống của một dân tộc.
Truyền thuyết dân gian của người Mường rất phong phú, đặc biệt là các truyện cổ tích. Đó là một phần quan trọng trong kho tàng truyện cổ dân gian của người Việt cổ. Có nhiều truyền thuyết về nguồn gốc của người Mường hay đúng hơn là nguồn gốc của một cộng đồng Mường, về nguồn gốc, lai lịch của các sự vật, hiện tượng thường được người Mường lý giải gắn liền với sự sống, quá trình sinh trưởng của các loài vật (như voi, chó săn, cá chép…). 
Lịch Mường là một hệ lịch riêng, được ấn định gần giống với âm lịch nhưng mang những nét độc đáo riêng, được lưu tồn từ lâu đời theo lối truyền khẩu và được áp dụng một cách tự giác. Theo truyền thuyết thì lịch Mường cổ xưa do nhà vua ban ra. Cách thức tính ngày tháng trong hệ lịch Mường là dựa trên cơ sở chiêm nghiệm tự nhiên thông qua những hiện tượng diễn ra thường xuyên theo chu kỳ nhất định, đặc biệt là đối với những vật nuôi, cây trồng quen thuộc hoặc những hiện tượng thiên nhiên vẫn thường diễn ra trong môi trường sống. 
Kho tàng dân ca Mường gồm có hát đúm, hát rằng thường, hát sắc bùa, hát ru… Hát đúm là loại dân ca giao duyên. Hát ru để ru con ngủ cũng tựa như hát ru ở các dân tộc anh em khác. Hát sắc bùa là những bài hát chúc tết vào mỗi dịp đầu xuân, với làn điệu riêng. Đặc biệt, hát rằng thường được người Mường vận dụng trong nhiều hoàn cảnh, tình huống trong đời sống hàng ngày, song phổ biến nhất là trong mỗi dịp làm quen, giao tiếp, biểu lộ tình cảm, tình yêu nam nữ. Hát rằng thường, hát sắc bùa có kết hợp các yếu tố “thiêng” và “tục”, nghĩa là trong mỗi cuộc hát có kết hợp những nghi lễ tín ngưỡng dân gian. Hầu hết các loại dân ca Mường khi hát đều không thể thiếu tiếng cồng chiêng ngân nga phụ họa, vì cồng chiêng từ lâu đời đã đi sâu vào tâm thức và không thể thiếu vắng trong mọi sinh hoạt văn hoá văn nghệ của dân tộc Mường. Hát đúm giao duyên là những điệu hát dành cho nam nữ thanh niên, các đôi trai gái vào những dịp nông nhàn, đặc biệt là vào mùa xuân…
Ngô Cao Thắng (sưu tầm)

Share with your friends