Dân tộc Giáy Lai Châu có một số nhạc cụ rất đặc trưng, thường được sử dụng trong các dịp hiếu, hỷ. Các loại nhạc cụ có thể kể đến là: Kèn, trống, nhị và sáo…
Trống được coi là một nhạc cụ rất độc đáo của dân tộc Giáy, được làm bằng gỗ và da động vật. Tang trống được làm từ những thanh gỗ ghép lại với nhau tạo thành hình tròn, các tang trong có chiều dài khoảng 30cm, đường kính của trống khoảng 40cm.
Xung quanh được đai lại để cho các thanh gỗ không bị rời nhau. Lấy da động vật phơi khô rồi căng lên miệng trống, da được gắn với tang trống bằng những cái chốt bằng tre đóng trực tiếp vào thân trống. Trống được căng da một mặt, còn mặt kia thì để trống. Theo Người Giáy tại xã San Thàng thì trống được làm từ da con hoẵng hoặc nai thì khi đánh sẽ kêu to và hay hơn trống được làm từ da trâu, bởi vì da trâu nó dày quá. Hiện nay gia đình ông vẫn giữ được một cái trống không biết có niên đại từ khi nào, chỉ biết được tổ tiên truyền lại. Cách đánh trống là 2 người khiêng trống, ngửa mặt trống lên, sau đó một người khác lấy dùi được làm bằng gỗ, đầu dùi có quấn vải để đánh vào trống tạo lên tiếng vang âm khắp làng bản. Trống thường được sử dụng trong đám hiếu để tiễn người quá cố về với tổ tiên.Đội kèn bản Tả Sin Chải, xã San Thàng gồm có bốn người, trong đó có hai người thổi kèn, một người đánh chũm choẹ, còn một người đánh trống.
Trong nhạc cụ dân tộc Giáy thì kèn cũng là một trong những nhạc cụ cơ bản. Kèn có độ dài khoảng 45-55cm, thân kèn được làm bằng cây sặt hoặc gỗ. Một đầu dây để thổi còn đầu kia được nắp cái loa hình phễu để tăng độ âm của kèn. Đầu dùng để thổi lắp một miếng kim loại mỏng như lưỡi gà để phát ra âm thanh, trên thân kèn cũng có 7 lỗ: 6 lỗ bên trên để dùng cho 2 bàn tay bấm vào 1 lỗ bên dưới. Cách sắp xếp này giống như sáo. Nếu thân kèn được làm bằng cây sặt thì việc khoan lỗ rất dễ dàng còn làm bằng gỗ thì phải làm từng đoạn một sau đó mới gắn vào nhau.
Loại nhạc cụ nữa phải kể đến là sáo, sáo thường dùng trong lễ hội, phụ cho hát, múa, công đoạn làm sáo và thổi sáo đòi hỏi người sử dụng phải có kỹ thuật cơ bản thì sáo thổi mới hay và đúng bài bản. Sáo được làm từ cây sặt - loại cây như cây tre nhưng nhỏ hơn, dóng dài cho nên phù hợp với làm sáo. Người thợ khi đi chọn cây sặt làm sáo phải chọn cây không được non quá, đốt phải dài và thẳng, không bị nứt, sâu. Sau đó cắt sát đến 2 đầu đốt của dóng, để hở 2 đầu, lấy lá đồng bịt một đầu và dùng mũi dao nhọn sắc để đục lỗ. Sáo có tổng tất cả là 8 lỗ, một lỗ cách đầu bịt khoảng 5-7cm, tiếp theo thẳng hàng với lỗ để thổi là 6 lỗ nữa. Lỗ đầu tiên cách khoảng 10-15cm, các lỗ này cách nhau từ 2-3cm, các lỗ phải tròn đều nhau. Cuối cùng là một lỗ nằm đối diện với hàng lỗ vừa đục nằm ở khoảng giữa của lỗ dùng để thổi và lỗ đầu tiên của hàng 6 lỗ cùng nhau. Theo như giải thích thì các lỗ ở trên cây sáo đó ứng với các nốt nhạc, ngoài ra phải làm một lá đồng mỏng để gác vào lỗ để thổi. Tiếng sáo là do hơi thổi tác động trực tiếp trên thành lỗ sáo, tạo nên những tiết tấu rất đặc sắc mang âm hưởng riêng.
Còn chũm chọe thì hình dáng nhỏ hơn cái chiêng, gồm 2 cái, cũng được làm bằng đồng nhưng mỏng hơn và có khác biệt là không làm lồi ở giữa mà là mặt phẳng, ở mặt sau có chỗ cầm để 2 cái đánh mặt phẳng vào nhau tạo lên tiếng kêu.
Nhị thường được sử dụng trong lễ hội và đám hiếu, nhị có hình dáng là một cái bầu được làm bằng ống tre, thân gỗ được gắn vào khoảng giữa của ống tre, thân được làm bằng gỗ có độ dài khoảng 60-70cm, thân gỗ được gắn vào khoảng giữa của bầu, độ dài khoảng 16-22cm đường kính khoảng 10cm. Thân nhị được gắn vào khoảng giữa ống tre, ở đầu trên gắn 2 tay nắm để buộc dây của nhị, đầu bên dưới thì được vòng qua miệng của ống tre và chỗ dây nhị đi qua sẽ được đặt một miếng bẹ cây vầu để dây nhị khi đánh sẽ dẫn qua đó vào ống tre tăng độ âm của nhị. Hai tay nắm có thể tăng được để tăng dây nhị cho căng. Cần của nhị được làm bằng tre dài khoảng 50cm, to như ngón tay út, dây được buộc tạo cho cần có độ cong, dây của cần phải nằm giữa hai dây nhị. Dây của thân nhị được làm từ đuôi ngựa, sau này dùng cước, dây cần của nhị được làm bằng đuôi ngựa. Người kéo nhị phải đòi hỏi kết hợp nhịp nhàng giữa tay bấm nốt và tay kéo mới có thể tạo ra những âm điệu.
Hiện nay cộng đồng người Giáy ở bản Tả Sin Chải xã San Thàng vẫn phát huy được vai trò của các nhạc cụ dân gian trong ngày lễ, tết năm mới, hội xuống đồng, hội tòng quân …với 1 đội kèn gồm có bốn người. Trong đó lấy nhịp điệu của người thổi kèn làm chuẩn, người đánh trống và chũm choẹ phải theo đúng nhịp điệu của người thổi kèn. Tuy nhiên, những nhạc cụ này đang bị mai một đi rất nhiều từ những nghệ nhân chế tác đến nghệ nhân sử dụng. Chính vì thế việc bảo tồn phát huy các nhạc cụ và truyền cách sử dụng lại cho thế hệ sau là hết sức cần thiết.
Diệu Nga (sưu tầm)