Điệu múa trống chiêng của người dân tộc Hà nhì
Trong quan hệ hôn nhân, người Hà Nhì ít chịu sự ràng buộc của những lễ giáo phong kiến. Nam nữ thanh niên được tự do yêu đương, tìm hiểu nhau trước khi cưới. Người Hà Nhì có hai hình thức cưới: do bố mẹ đi hỏi và không qua lễ hỏi.
Cưới do bố mẹ đi hỏi: sau khi trai gái tìm hiểu nhau người con trai nói với bố mẹ ý định của mình và xin bố mẹ lo liệu việc cưới. Tùy từng vùng việc cưới xin có các phong tục tập quán khác nhau. Ở Bát Xát, lễ dạm hỏi gồm ba bước. Lần đầu người mối mang một chai rượu, quả trứng và hai gói cơm nếp sang nhà gái nói chuyện về việc cưới xin. Lần hai, ông mối mang thêm một đồng bạc trắng biếu cô dâu tương lai. Lần thứ ba, ông mối sang xin nhà gái định ngày cưới. Mỗi cặp vợ chồng đều trải qua hai lần cưới.
Cưới lần thứ nhất: Người con trai rủ vài người bạn đến nhà người yêu hay một nơi nào đấy đã hẹn sẵn. Khi gặp nhau, người con gái trả lại bạn trai một đồng bạc trắng mà người làm mối đã đưa sang hôm dạm. Họ đưa nhau về nhà trai chào bố mẹ và cúng tổ tiên. Hôm đó nhà trai cũng như nhà gái đều làm bữa cơm thân mật mời bà con hàng xóm mừng hạnh phúc cho hai con. Từ đó, cô dâu ở hẳn bên nhà chồng. Sáng hôm sau, nhà trai sang nhà gái với lễ vật gồm trai rượu, cơm nếp và một quả trứng để hỏi về đồ thách cưới trong lễ cưới lần hai.
Cưới lần thứ hai: Trước kia nghi lễ này khá tốn kém, nhà gái thường ăn uống tiếp khách trong một ngày, nhà trai hai ngày. Số lượng tiền gạo chi tiêu cho ngày cưới khá lớn. Vì tốn kém như thế nên người Hà Nhì chỉ tổ chức đám cưới khi gia đình làm ăn khám khá. Nhiều người 50, 60 năm sau khi đã có con cháu mới đủ khả năng tổ chức lễ cưới lần hai. Có người cho đến lúc chết vẫn chưa cưới xong. Với những trường hợp này lúc chết trước khi làm ma, người ta phải làm lễ cưới tượng trưng với lễ vật là một con gà và ba gói xôi.
Người dân tộc Hà Nhì còn có hình thức cưới không qua lễ hỏi. Trai gái yêu nhau tự định ngày cưới. Người con trai nói trước với bố mẹ mình điều đó, còn người con gái có thể không nói cho bố mẹ biết vì lễ cưới này thường xảy ra khi bố mẹ cô gái không đồng ý cuộc hôn nhân. Lễ cưới được tổ chức giống như lễ cưới lần thứ nhất của hình thức cưới có đi hỏi. Trong trường hợp này không cần tổ chức lễ cưới lần hai nữa.
Lý văn Sùng (sưu tầm)