Phong tục đón Tết của người Cao Lan ở Đoan Hùng (Vi Đức Hồi) - Mc tiệc cưới, học làm mc đám cưới, video đám cưới hay nhất

Saturday, June 11, 2016

Phong tục đón Tết của người Cao Lan ở Đoan Hùng (Vi Đức Hồi)

Người dân tộc Cao Lan Vui hát Sình ca trong dịp Tết

Người dân tộc Cao Lan (còn gọi là dân tộc Sán Chay) ở huyện Đoan Hùng hiện có trên 6000 người, sinh sống quần tụ ở 6 làng thuộc các xã: Ngọc Quan, Hùng Long, Yên Kiện, Minh Phú, Tây Cốc và Vân Đồn. Cũng như các dân tộc khác, dân tộc Cao Lan ở Đoan Hùng có nhiều phong tục truyền thống mang bản sắc riêng trong đó có tục lệ đón Tết nguyên đán, làm phong phú thêm cuộc sống tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số trên đất Đoan Hùng.

Mỗi dịp tết đến xuân về, người Cao Lan chuẩn bị đón Tết rất chu đáo, sau một năm lao động vất vả, cần mẫn, đây là dịp để họ nghỉ ngơi, vui chơi, thăm hỏi và chúc tụng nhau những điều tốt lành. Thời gian ăn tết của người Cao Lan kéo dài từ 25 tháng Chạp đến hết rằm tháng Giêng âm lịch. Trong những ngày cuối năm này, mọi người đều tất bật với công việc chuẩn bị đón Tết, việc đầu tiên là mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, chủ nhà thắp một nén hương thơm lên bàn thờ để mời tổ tiên về ăn tết cùng con cháu. Tiếp đó là việc chuẩn bị để làm các loại bánh trái ngày Tết. Bánh chưng là thứ bánh không thể thiếu được của mỗi gia đình, bánh không chỉ để ăn trong những ngày Tết mà còn làm quà biếu họ hàng nội ngoại. Bánh chưng được làm từ gạo nếp, nhân đỗ xanh, thịt lợn ba chỉ, gói bằng lá chuối, bên ngoài bọc lá dong, cho vào nồi nấu kỹ trong một ngày để bánh rền. Bánh có hình trụ dài, dẻo có thể vắt được trên vai khi lên rẫy (nên còn gọi là bánh vắt vai). Một loại bánh nữa được ưa chuộng là bánh gai, bánh làm bằng bột gạo nếp trộn với lá gai và mật mía rồi cho vào cối giã nhuyễn, gói bằng lá chuối khô, bên trong là nhân đỗ xanh sau đó cho vào trõ, sôi tới chín, bó 5 chiếc thành một cầu bánh để lên bàn thờ thắp hương, số còn lại để ăn dần trong những ngày tết. Cùng với các loại bánh làm bằng gạo nếp, người Cao Lan còn làm bún, món ăn phổ biến trong các dịp lễ tết, do được làm hoàn toàn thủ công nên bún của người Cao Lan rất trắng, mềm, mượt, khi ăn chan canh cá dấm hoặc nước hầm xương và rau húng rất thơm ngon...


Điệu múa chim gâu, xúc tép trong dịp Tết

Với người Cao Lan từ xưa đến nay, Tết nguyên đán không chỉ là sự ăn ngon, mặc đẹp mà ngày Tết còn là dịp để gắn kết các thành viên trong mỗi gia đình, dòng tộc và cả cộng đồng làng xã, mọi người sẽ gần nhau hơn qua mâm cơm ngày Tết, qua lời chúc tụng vui vẻ và qua câu hát Sình ca. Đó cũng là  món ăn tinh thần không thể thiếu được của người Cao Lan ở Đoan Hùng trong mỗi độ tết đến xuân về. Nét đẹp văn hoá truyền thống đó được bà còn nơi đây luôn trân trọng giữ gìn để lưu truyền cho con cháu mai sau.

Vi Đức Hồi (sưu tầm)

Share with your friends