Ông Hoàng Văn Thái và vợ với bộ cồng chiêng.
Mang trong mình dòng máu dân tộc Thổ cùng với niềm đam mê tiếng cồng chiêng, ông Hoàng Văn Thái (xóm 7B, xã Nghĩa Mai, Nghĩa Đàn) đã đánh thức “giấc ngủ dài” văn hóa cồng chiêng nơi đây. Ông còn dày công sưu tầm, lưu giữ và truyền lửa loại hình văn hóa đặc trưng của dân tộc mình cho những thế hệ mai sau.
Nhiều năm qua, căn nhà của ông Hoàng Văn Thái trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều người đam mê cồng chiêng không chỉ trong xã mà còn các xã lân cận. Cuối tuần nào bà con cũng tìm đến nhà ông Thái để hát múa và chơi cồng chiêng bất kể ngày hay đêm, mưa hay nắng. Sáng cuối tuần, người dân trong làng, ngoài xã kéo đến nhà ông như đi hội. Tiếng cồng chiêng trầm bổng hòa chung với tiếng kèn, tiếng trống, không khí bốc chốc rộn ràng, vui nhộn.
13 năm đi bộ đội, chiến đấu tại chiến trường lửa Tây Nguyên, ông Hoàng Văn Thái trở về quê hương và công tác tại UBND huyện Nghĩa Đàn. Xã Nghĩa Mai quê ông vốn là nơi sinh sống của hơn 70% đồng bào Thổ, Thái và Thanh, nhưng những nét văn hóa truyền thống đang ngày càng bị mai một. Bản thân ông là người dân tộc Thổ nên từ khi về hưu, ý thức về việc lưu giữ và bảo tồn bản sắc văn hóa người Thổ luôn thôi thúc ông.
Ông kể, nhắc đến văn hóa cồng chiêng, người ta thường chỉ nhớ tới cồng chiêng Tây Nguyên mà ít người biết tại quê nhà của ông đã từng một thời rực rỡ về văn hóa cồng chiêng người Thổ. Dân tộc Thái, Thanh cũng có cồng chiêng nhưng cồng chiêng của bà con dân tộc Thổ ở Nghĩa Mai và ở các bản làng khác của huyện Nghĩa Đàn lại có bản sắc riêng biệt. Cồng chiêng là loại nhạc cụ không thể thiếu trong mỗi dịp lễ tết, cưới hỏi…của người Thổ. Tuy nhiên, cuộc sống phát triển, nhà nhà đều bận rộn lao động, làm ăn nên cồng chiêng một thời gian dài đã rơi vào quên lãng.
Người dân trong và ngoài xã đến “điểm hẹn” nhà ông Thái để hát múa và chơi cồng chiêng
Ông cho biết, so với cồng chiêng Tây Nguyên, cồng chiêng người Thổ khác ở số lượng mỗi bộ và khác về cách đánh. Cồng chiêng người Thổ mỗi bộ có 4 chiếc và được treo trên giá theo thứ tự từ nhỏ đến lớn, nhưng để sử dụng được cần phải đi kèm, kết hợp nhuần nhuyễn với trống và kèn cùng những điệu múa phụ họa. Tuy nhiên, cồng chiêng vẫn là nhạc cụ giữ vai trò điều phối nhịp, chuyển làn điệu trong suốt quá trình biểu diễn. Nhớ lại những năm tháng hồi còn thanh niên, những đêm cồng chiêng, trai gái say sưa nhảy múa, hát hò bên chum rượu cần từ sáng đến đêm, nhiều đôi nên vợ nên chồng từ ấy. Ông cười: “Tui và vợ tui trước cũng nhờ chơi chung cồng chiêng với nhau mà quen rồi thành vợ, thành chồng”.
Ông quyết định làm sống lại văn hóa cồng chiêng cho người dân trong xã. Để có được những bộ cồng chiêng ưng ý, ông không quản ngại đi khắp các xã trong huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Châu, Quế Phong… để tìm mua. Ở độ tuổi ngoài 60, ông còn sang tận Lào để tìm mua loại nhạc cụ độc đáo này.
Không chỉ vậy, ông còn đi đến gõ cửa từng nhà vận động bà con lưu giữ, bảo tồn văn hóa cồng chiêng của dân tộc. Không phụ tâm huyết của ông, những bản làng, xã nơi có đồng bào người Thổ sinh sống như làng Vạc ở xã Nghĩa Hòa, làng Lơ ở xã Nghĩa Quang, Nghĩa Yên… giờ đây ít nhất đã có riêng một bộ cồng chiêng. Dù cách nhà hơn chục cây số nhưng ông Lê Văn Đình (67 tuổi, xã Nghĩa Yên) vẫn thường xuyên lui tới nhà ông Thái để chơi cồng chiêng. Ông chia sẻ: “Chơi cồng chiêng phải có nhiều người cùng tụ họp thì mới vui, mới ý nghĩa”.
Điều mà ông Thái trăn trở nhất hiện nay là cả xã Nghĩa Mai chỉ còn hơn 10 người biết chơi cồng chiêng và phần lớn là những người từ 50 đến 65 tuổi. Ông tâm sự: “Để học được cồng chiêng không phải là quá khó, nếu thực sự chăm chỉ thì một người chỉ cần 5 -7 ngày là có thể chơi thành thục, nhưng cái khó giới trẻ chỉ lo chạy theo dòng nhạc thị trường mà không mấy mặn mà với văn hóa của dân tộc, trong đó có cồng chiêng”. Ông cũng mong các cấp chính quyền, nhất là ngành văn hóa cần có sự quan tâm đặc biệt tới cồng chiêng của đồng bào dân tộc Thổ. Bởi, ông sợ, nếu chậm trễ, một ngày không xa, cồng chiêng người Thổ sẽ bị chìm vào quên lãng.
Minh Tâm (sưu tầm)