Hát then là loại hình văn hóa dân gian mang nhiều ý nghĩa đặc sắc vùng miền, là món ăn tinh thần quan trọng trong đời của đồng bào Tày Xứ Lạng. Hát then cổ, ngoài việc tay đánh đàn tính, miệng hát, chân xóc nhạc thì quần áo của người làm then, đặc biệt là chiếc mũ đã tạo nên một hình tượng độc đáo, khẳng định thêm sức lan tỏa, uy tín của người làm then trong cộng đồng.
Mũ then với nhiều tên gọi khác nhau tùy từng vùng có chỗ gọi Mù Sluông, nơi là Mù Tưởng, Mù Then, Mù Pựt ... các cách gọi này liên quan đến việc người làm then dùng chiếc mũ nhiều nhất vào dịp nào, vai trò quan trọng của nó trong việc tiến hành các nghi thức thờ cúng ra sao. Với tên gọi Mù sluông thì vai trò của người làm then lúc này đang nhập vai người phu đò; Mù Tưởng là đóng vai trò một vị tướng nào đó trong tín ngưỡng dân gian; Mù Pựt là mũ của con then có tín ngưỡng thờ Phật. Cái tên Mù Then là cách gọi thông thường có ý nghĩa chung nhất rằng đó là mũ của người làm then.
Để làm được một chiếc mũ then ưng ý người ta làm phải chọn rất nhiều thứ vải, chỉ màu và các loại phụ kiện kèm theo. Chiếc mũ then ở Lạng Sơn được mô tả với hình dáng như hai mái nhà úp (tiếng Tày gọi là “ăn đình”) đội lên đầu; đỉnh mái có 3 góc; góc giữa thường phải cao hơn góc hai bên hình tam giác nhọn hoặc hai lưỡi đao đối xứng hoặc hình tròn bán nguyệt; đằng sau là các dây vải màu sặc sỡ đẹp mắt.
Trên hai mặt của mũ then (“ăn đình”) người ta trang trí các kiểu hoa văn họa tiết tùy theo độ khéo tay của người làm và yêu cầu của từng dòng then. Ở Lạng Sơn có hai kiểu mũ then chính là mũ sáp và mũ thêu. Để làm loại mũ sáp người ta ghép nhiều miếng vải màu với nhau với những họa tiết hoa văn trong đó không thể kể đến là hình tượng bông hoa sen (biểu tượng của phật giáo), sau đó dùng những thanh tre vót nhỏ như que tăm, quấn chỉ màu xung quanh rồi ép sát viền vào các họa tiết ấy. Nhìn bề ngoài chiếc mũ sáp có vẻ hơi cứng nhắc, đơn gian, không cầu kỳ nhưng nó lại tạo nên sự uy nghiêm, linh thiêng vốn có của nó.
Còn mũ kiểu thêu, với lợi thế của những đường kim, mũi chỉ, người ta sẽ trổ tài lên trên nền chính ấy những đường nét uyển chuyển, mềm mại đẹp mắt như hình tượng long vân, phượng múa, tứ quý... và đặc biệt là hình phật ngự đài sen. Mô tả hình ảnh một chiếc mũ kiểu thêu của bà then Hoàng Thị Hảo ở thôn Bản Van, xã Nam La, huyện Văn Lãng được giữ lại cho dòng họ khi bà qua đời, có thể thấy rõ nét những ẩn ý của chiếc Mù Pựt (mũ thờ phật). Chính tâm miêu tả không gian thờ tự là hình cái đình mái cong, chia làm 4 gian chính; ở giữa thờ Đường Tam Tạng thành phật đang ngự đài sen đội mũ tam đỉnh, vai thêu đôi hạc chầu, tay chắp hình chữ vương uy nghi; các gian bên cạnh có trang trí hoa lá; trước mặt phật là hình một chiếc giếng có hình cá chép (biểu tượng của sự trường thọ, hóa kiếp) đang thế bơi lội. Xung quanh khu vực đình thờ trang trí hai lọ hoa mọc lên hai cây đại (biểu thị cho sự trường tồn vĩnh cửu); trên mái đình là hình tượng đôi chim phượng hoàng sải cánh bay chầu bông hoa mẫu đơn lộng lẫy; dưới đáy mũ là hình 8 vị tiên (bát tiên) đang ca múa đàn hát say sưa. Ngoài các hình trang trí chính, người xưa còn thêu dệt thêm hình ảnh bướm bay lượn, cánh hoa đua nở, vân mây, sóng nước...
Ở mặt sau của mũ then ngoài chiếc đình chính còn có rất nhiều tua vải được kết nối từ rất nhiều mảnh ghép sặc sỡ với đủ ngũ sắc với các gam màu chính xanh, đỏ, tím, vàng, trắng. Đây cũng là cơ sở để phân biệt được cấp bậc của người làm then. Mới làm người ta chỉ được cấp 5 dây, sau tăng dần lên cứ mỗi lần 2 dây là 7, 9, 11, 13 và 15; người ta quan niệm ai làm then có chiếc mũ từ đủ 13 đến 15 dây là những người có rất nhiều kinh nghiệm, có uy tín rất lớn trong cộng đồng.
Họa tiết hoa văn trên các tua vải của chiếc mũ then với rất nhiều hình tượng độc đáo trong đó quy tụ những ý nghĩa linh thiêng trong tâm thức dân gian của người Tày Lạng Sơn, đó là tứ linh (long, lân, quy, phượng); tứ quý (tùng, cúc, trúc, mai); phật ngồi thuyết pháp; tiên đánh đàn; quân binh phi ngựa ...
Có thể nói, then là một kho tàng văn hóa dân gian đồ sộ, ẩn chứa trong đó nhiều giá trị văn hóa tiêu biểu cho các vùng miền. Trang phục then, đặc trưng là chiếc mũ then thực sự là một biểu tượng văn hóa khi mà tìm hiểu, khám phá về nó khiến cho người chiêm ngưỡng phải suy ngẫm. Tất cả những đường nét, hoa văn, màu sắc kết tinh trong cái khéo léo, cái tài hoa ấy là cả một kho tàng tri thức dân gian, mang nhiều ý nghĩa sâu sắc về nhân sinh quan, thế giới quan của người xưa. Việc tìm hiểu về chiếc mũ then cổ của người Tày ở Lạng Sơn nhằm truyền tải những giá trị văn hóa đặc sắc trong văn hóa Then đến người thưởng thức, thấy được những giá trị tiêu biểu của Then đang hiện hữu trong cộng đồng người Tày ở Lạng Sơn cần được gìn giữ, bảo tồn cho đến tận mai sau.
Hoàng Việt Bình