Dân tộc Pu Péo phân bố ở nam Trung Quốc và bắc Việt Nam. Ở Việt Nam, người Pu Péo, tự gọi là Ka Bẻo, có mặt ở Đồng Văn (Hà Giang) từ thế kỷ 18. Năm 2009 họ chỉ có gần 700người - một trong 5 dân tộc có dân số dưới 1.000 người. Là một trong 4 dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Kađai (ngữ hệ Thái - Kađai), nhưng họ nói giỏi tiếng Hmông (thuộc ngữ hệ Hmông - Dao) và tiếng Quan Hỏa (ngữ hệ Hán - Tạng).
Người Pu Péo trồng ngô, đậu trên nương, dùng cày cày đất, canh tác theo kiểu xen canh, gối vụ. Một số nơi họ làm ruộng bậc thang (cấy lúa) và làm vườn (trồng cây ăn quả). Trâu, bò được sử dụng làm sức kéo. Trong bữa ăn, bột ngô và canh là 2 món ăn chính của các gia đình.
Váy, áo của phụ nữ Pu Péo đặc sắc ở kỹ thuật đáp và ghép vải màu trang trí, xếp thành các hình tam giác, hình vuông, hình quả trám. Phụ nữ vấn tóc quanh đầu, dùng chiếc lược gỗ gài lại rồi trùm khăn vuông lên trên.
Người Pu Péo thờ cúng tổ tiên 3 đời, mỗi đời được tượng trưng bằng một hũ sành đặt trên bàn thờ. Vào dịp Tết Nguyên đán, các gia đình làm bánh chưng đen cúng tất niên, hôm sau họ làm bánh chưng trắng mừng năm mới. Từ mồng 3 đến 13 tháng Giêng âm lịch, các bản tổ chức lễ Patọng mở đầu mùa sản xuất. Người Pu Péo còn có tục hát đối đáp trong đám cưới và đánh trống đồng trong tang lễ.
Mai Thị Hằng (sưu tầm)