Dân tộc Cơ Tu (Thúy Hường) - Mc tiệc cưới, học làm mc đám cưới, video đám cưới hay nhất

Sunday, July 10, 2016

Dân tộc Cơ Tu (Thúy Hường)

Dân tộc Cơ Tu (còn gọi là người Ca Tu, Gao, Hạ, Phương, Ca-tang) là một dân tộc nói ngôn ngữ thuộc ngữ tộc Môn-Khmer. Dân tộc này có dân số khoảng trên 76 nghìn người.
Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Cơ Tu ở Việt Nam có dân số 61.588 người, cư trú tại 38 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố. Người Cơ Tu cư trú tập trung tại các tỉnh: Quảng Nam (45.715 người, chiếm 74,2% tổng số người Cơ Tu tại Việt Nam), Thừa Thiên-Huế (14.629 người, chiếm 23,8% tổng số người Cơ Tu tại Việt Nam), Đà Nẵng (950 người), Sài Gòn ((54 người).
Tại Lào, theo Ethnologue thì năm 1998 dân tộc này có 14.700 người, cư trú chủ yếu tại thượng nguồn sông Xê Kông, trong các tỉnh Xekong, Saravan, Champasak.

Người Cơ Tu trồng cây lương thực theo lối phát rừng làm rẫy, thu hái các lâm thổ sản. Công cụ lao động khá nghèo nàn như rìu, dao, gậy chọc lỗ tra hạt. Các hoạt động kinh tế khác gồm có chăn nuôi, dệt, đan lát, hái lượm, đánh cá, săn bắn và trao đổi hàng hóa theo cách vật đổi vật.
Trong năm chỉ có đúng 1 mùa làm rẫy, gieo vào tháng 3-4 và gặt vào tháng 10-11. Cây lương thực chủ yếu là lúa, ngô, sắn.
Lễ hội đâm trâu hàng năm thường diễn ra trước mùa tỉa lúa, dựng lều giữa sân. Khi mặt trời ló dạng bắt đầu thủ tục cúng Giàng và các vị thần linh, hòa tấu khúc nhạc cúng từ nhạc cụ. Mọi người cùng nhau nhảy múa chung quanh con trâu, một người được cho là có công cho làng cho trâu uống nước. Đánh dấu điểm đâm, thịt trâu được chia cho cả làng cung nhau nướng ăn.
Trong làng người Cơ Tu, các nếp nhà sàn tạo dựng theo hình vành khuyên hoặc gần giống thế. Ngôi nhà rông cao, to, đẹp, hơn cả là nơi tiếp khách chung, hội họp, cúng tế, tụ tập chuyện trò vui chơi.

Nhà sàn truyền thống Co Tu

Trang phục nam giới người Cơ Tu đóng khố, ở trần, đầu hoặc vấn khăn hoặc để tóc ngắn bình thường. Khố có các loại bình thường (không trang trí hoa văn và ít màu sắc), loại dùng trong lễ hội dài rộng về kích thước và trang trí đẹp với màu sắc và hoa văn trên nền chàm. Mùa rét, họ khoác thêm tấm choàng dài hai, ba sải tay. Tấm choàng màu chàm và được trang trí hoa văn theo nguyên tắc bố cục dải băng truyền thống với các màu trắng đỏ, xanh. Người ta mang tấm choàng có nhiều cách: hoặc là quấn chéo qua vai trái xuống hông và nách phải, thành vài vòng rồi buông thõng xuống trùm quá gối. Lối khoác này tay và nách phải ở trên, tay và vai trái ở dưới hoặc quấn thành vòng rộng từ cổ xuống bụng, hoặc theo kiểu dấu nhân trước ngực vòng ra thân sau.
Trang phục nữ giới người Cơ Tu để tóc dài búi ra sau gáy, hoặc thả buông. Xưa họ để trần chỉ buộc một miếng vải như chiếc yếm che ngực. Họ mặc váy ngắn đến đầu gối, màu lanh khoác thêm tấm chăn. Họ thường mặc áo chui đầu khoét cổ, thân ngắn tay cộc. Về kỹ thuật đây có thể là một trong những loại áo giản đơn nhất (trừ loại áo choàng chỉ là tấm vải). Áo loại này chỉ là hai miếng vải khổ hẹp gập đôi, khâu sườn và trừ chỗ tiếp giáp phía trên làm cổ. Khi mặc cổ xòe ra hai vai thoạt tưởng như áo cộc tay ngắn. Áo được trang trí ở vai, ngực, sườn, gấu, với các màu đỏ, trắng trên nền chàm. Váy ngắn cũng được cấu tạo tương tự như vậy: theo lối ghép hai miếng vải khổ hẹp gập lại thành hình ống. Họ ưa mang các đồ trang sức như vòng cổ, vòng tay đồng hồ (mỗi người có khi mang tới 5-6 cái), khuyên tai bằng gỗ, xương, hay đồng xu, vòng cổ bằng đồng, sắt cũng như các chuỗi hạt cườm, vỏ sò, mã não. Nhiều người còn đội trên đầu vòng tre có kết nút hoặc những vòng dây rừng trắng (rơnơk) và cắm một số loại lông chim. Một vài vùng có tục cưa răng cho nam nữ đến tuổi trưởng thành trong khi tổ chức lễ đâm trâu. Ngoài ra người Cơ Tu còn có tục xăm mình, xăm mặt.
Đồ trang sức phổ biến là vòng tay, vòng cổ, khuyên tai. Các phong tục xăm mặt, xăm mình, cưa răng, đàn ông búi tóc sau gáy đã dần được loại bỏ.

Sơn nữ Alăng Thị Pari với chiếc đàn Hroa của người Cơ Tu trong một cuộc thi Hoa Hậu Dân Tộc. Cô cho biết, tiếng đàn Hroa là món ăn tinh thần của người Cơ Tu.

DÂN TỘC CƠ TU
Nghệ thuật
Cơ tu cũng là dân tộc có nền văn hoá và âm nhạc khá phát triển, đặc biệt là kho tang truyện cổ với nhiều huyền thoại về tộc người, địa danh cùng nhiều ý nghĩa văn hoá tâm linh khác. Bên cạnh đó, kho tàng văn nghệ dân gian của dân tộc Cơ tu với nhiều bài hát, điệu múa, bài thơ, truyện kể được truyền khẩu từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nghệ thuật điêu khắc và trang trí truyền thống cũng rất tinh xảo với những bức vẽ, chạm khắc ở nhà Gươl, những bức tượng khoả thân treo ở cổng làng hoặc những bức tượng rất kì bí xung quanh các nhà mồ…
Kho tàng văn học dân gian của dân tộc Cơ tu phong phú và nhiều thể loại như: Cổ tích, thần thoại, truyền thuyết, ngụ ngôn, ca dao, tục ngữ… ngoài ra có loại vừa kể vừa ngâm kiểu HơAmôn của các dân tộc Tây Nguyên. Văn học dân gian dân tộc Cơ tu thể hiện đuợc tính cách con người và công đồng dân tộc. nó ca ngợi lòng yêu thương bao dung giữa con người với con người, ca ngợi tinh thần chiến đấu, lao động sáng tạo và hướng về cội nguồn tổ tiên của dân tộc Cơ tu.
Họ cũng có bài dân ca giao duyên va mang tên là hát “cha chấp”. Hát “cha chấp” được trai gái độ tuổi yêu đương rất thích. Nội dung của hai bài hát “cha chấp” là lời tỏ tình, là lời tâm tư, tình cảm của những người giàu lòng yêu thương, khao khát có một cuộc sống gia đình no ấm, yên vui…
“Anh bắt được con nai, em muốn anh là con rể của mẹ
Anh săn được con gấu, em muốn anh là con rể của cha”

A Lăng Thị Pari, dân tộc Cơ Tu, trong một cuộc thi Hoa Hậu Dân Tộc.

Nói lý – hát lý (p’rá pr’ma-têng bhanoóch) là một loại hình nghệ thuật ứng khẩu, truyền khẩu rất độc đáo của người Cơtu. Nghệ thuật này vẫn được các bậc cao niên gìn giữ ở hầu hết các làng bản (carơnoon) Cơtu. Ngày nay, lớp trẻ chỉ được thưởng thức nghệ thuật p’rá pr’ma-têng bhanoóch qua các lần tổ chức đám cưới (têng bhiệc đam), ăn mừng lúa mới (cha haroo tamee) hay lễ ăn thề kết nghĩa anh em (pr’ngoóch-gương yên)…
Nói lý – hát lý được dùng rộng rãi trong sinh hoạt văn hóa của người Cơtu, được xem là nghệ thuật “so tài” giữa các cụ cao niên, tiền bối làng này với các cụ cao niên tiền bối làng kia, giữa chủ nhà với khách…; thậm chí được dùng trong công việc giải quyết mâu thuẫn nội bộ, xã hội trong cộng đồng tộc người Cơtu, có tác dụng hòa giải mang tính chất “giả định khẳng định” buộc người khác phải thừa nhận và nghe theo. Nói lý – hát lý của người Cơtu thường nhiều lớp nghĩa, ý càng sâu, kín đáo, đối thủ không hiểu (không còn “đấu” lại được) thì càng chứng tỏ tài nổi tiếng của người hát. Cái khó của p’rá pr’ma-têng bhanoóch là không có bài mẫu chung để học hát, học nói mà nó phụ thuộc vào việc ứng khẩu của người đưa ra, tức theo trình độ, khả năng kinh nghiệm của từng nghệ nhân, người hát. Chính vì thế mà nhiều thế hệ trẻ Cơtu hôm nay rất ít ai nói lý – hát lý được một cách thông thạo, nhuần nhuyễn. Đây là vấn đề nan giải cần được khắc phục, không quan tâm đúng mức sẽ có nguy cơ bị mai một và dần mất đi.
Đám cưới là dịp người Cơtu thường sử dụng nghệ thuật nói lý – hát lý. Sau khi đón khách xong, chủ nhà (thường nhà trai) chuẩn bị mâm tiệc đón khách (ch’nao) hoặc đón chào các bậc cao niên (pay buốh tacoóh); đại diện chủ nhà thường là những người có uy tín, kinh nghiệm, có trình độ ứng khẩu tốt khởi xướng đầu tiên (pay h’la, tức “tuyên bố lý do”). Thường thì chủ nhà nói rất khiêm tốn trong việc tiếp đãi tiệc tùng… Hát lý bao giờ cũng sau nói lý, hát lý là bước nâng cao giá trị của nói lý. Thường chủ tiệc chọn thời điểm thích hợp để cất lên tiếng hát mở đầu: “Ô… ô… ô… Azô achoọng/coonh vóc, coonh êên…” (phần đệm của điệu nhạc) sau đó mới đi vào nội dung chính, với những từ ẩn ý, sâu lắng trong truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Cái đặc sắc trong câu nói lý – hát lý là giữ được giá trị đạo lý của dân tộc, ví dụ muốn ví bề trên, người có uy tín thì người nghệ nhân đưa ra các vật có giá trị tương xứng như “con gấu đem mật cho người”, “con trâu kéo cày giúp đời”, “con voi xác to, voi quý”…

Sơn nữ Cơ Tu.

Câu nói lý – hát lý của người Cơtu rất đa dạng về ngôn từ, người ta sử dụng nhiều hình ảnh lạ, sâu kín tạo một sự ẩn ý khá độc đáo, yêu cầu người nghe phải động não suy nghĩ. Do sự kín đáo như vậy kết hợp với những lý lẽ khó hiểu mà có rất nhiều người khi nghe không nắm bắt hết ý của người nói, người hát muốn đề cập, nên cũng thường gây sự hiểu nhầm. Nhưng trong hát lý người ta lại thường nói ngầm (nếu muốn trách móc người nào đó) một cách sắc bén, kín đáo, nhẹ nhàng. Một cái hay nữa trong nói lý – hát lý của người Cơtu là người Cơtu không bao giờ sử dụng câu nói, câu hát tục tĩu, thiếu văn hóa hay gây mâu thuẫn, mất đoàn kết với nhau; mà ngược lại tăng thêm sự đoàn kết, hiểu nhau hơn.
Với nói lý – hát lý, người Cơtu có quyền khẳng định nghệ thuật truyền thống của mình và tự hào về nét văn hóa nghệ thuật có một không hai này. Ngoài nghệ thuật p’rá pr’ma-têng bhanoóch, người Cơtu còn có nhiều loại hình nghệ thuật ứng khẩu tương tự rất độc đáo nhưng theo vần điệu như chàchập-babóoch (hát giao duyên), hau c’lêng (khóc người chết)… Mặc dầu vậy, những bậc cao niên Cơtu vẫn trăn trở mỗi khi nhắc đến truyền thống văn hóa của dân tộc. Già làng Alăng Phát tâm sự: “Bọn trẻ ngày nay bảo xấu hổ khi mặc khố, múa hát cồng chiêng. Chúng cũng không muốn nghe khi già nói lý – hát lý, vì cho rằng… lạc hậu!”. Vì vậy, sẽ rất đáng lo ngại một khi những giá trị văn hóa của đồng bào Cơtu không được trao truyền, tiếp nối.
Múa là một trong những nghệ thuật không thể thiếu được của dân tộc Cơ Tu, có thể nói người Cơ Tu nam hay nữ khi biết chạy biết nhảy thì đã biết múa. Múa của dân tộc Cơ Tu bao gồm hai thể loại : múa tung tung ( múa nam ) và múa da- dá ( múa nữ ). Khi múa tung tung người đàn ông đóng khố hoặc choàng tấm tuốt từ vai xuống lưng, ở những lễ hiến tế thần linh, người múa tay trái cầm thêm khiên, tay phải cầm kiếm hoặc cây giáo lưỡi ngắn, động tác múa hùng dũng nhịp nhàng theo nhịp 2/4, lấy tiếng trống làm nền cho sự chuyển nhịp. Múa da – dá là vũ điệu của nữ giới. Đó là vũ điệu lung linh, uyển chuyển như cây lau trước gió, như giòng suối mượt mà uốn quanh, khi múa đôi chân đứng thẳng khoan thai, đôi tay vươn lên khỏi đầu, bàn tay đưa ngả theo hướng sau lưng như chống đỡ cả bầu trời, giống như đôi sừng trâu biểu tượng “đầu trâu máng nước ” một sắc thái văn hoá nhiều dân tộc thiểu số, cũng như hình tượng hiến tế thần linh của người dân tộc Cơ Tu.

Vũ điệu Tân Tung Da Dá được diễn trong lễ hội của người Cơ Tu.

Múa ya yá được xem là tuyệt tác nghệ thuật, tâm hồn và là một biểu tượng của văn hóa truyền thống Cơtu, được ngợi ca là “vũ điệu dâng trời”.
Nhưng ít ai biết rằng, từ những năm 60 của thế kỷ trước, nghệ sĩ nhân dân Thái Ly và nghệ sĩ ưu tú Ngân Quý đã thấy được cái vẻ đẹp lung linh của vũ điệu ya yá – hạt ngọc quý của núi rừng Trường Sơn – và họ đã dành tất cả tình yêu để thăng hoa điệu múa đó trên sân khấu biểu diễn nghệ thuật.
Có nhiều cách giải thích khác nhau về nguồn gốc và ý nghĩa của điệu múa này
Điều đặc biệt nữa là vũ điệu ya yá có kết cấu tổ hợp múa theo tính tiết tấu trên nền nhạc cồng chiêng với điệu đhưng dồn dập, lôi cuốn, tiếng trống cha gơr rộn ràng và múa theo tuyến gấp khúc nên mang lại hiệu quả tốt đẹp cho tác phẩm múa. Cùng với trang phục dân tộc độc đáo, đặc biệt bộ váy nữ được quấn ngang ngực, để trần phần trên ngực cùng với đôi vai và hai cánh tay thật mềm mại, trẻ khỏe, tôn thêm vẻ đẹp kỳ diệu của dáng múa Cơtu… Chính vì thế, điệu múa ya yá đã cuốn hút tư duy sáng tác của nhiều nghệ sĩ. Các nghệ sĩ múa nổi tiếng Việt Nam như NSND Thái Ly, NSƯT Ngân Quý đã lưu tâm nghiên cứu, bảo lưu tính nguyên gốc và kế thừa, cải biên, dàn dựng thành những tiết mục múa đặc sắc trên sân khấu, tham gia các hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp


Giá trị văn hoá dân tộc Cơ Tu còn biểu hiện tập trung ở tính nghệ thuật tạo hình, tạo vật, tạo nền, tạo hoa văn, đồ vật mà nổỉ bật là nhữnh hạt cườm trên mặt vải. Nhưng có thể nói nghệ thuật điêu khắc, gỗ, tạo hoa văn và tạc tượng khẳng định tư chất sáng tạo và sự phát triển nhưng năng lực thẩm mỹ. Nghệ thuật tạo hình, đặc sắc cảu dân tộc Cơ Tu tập trung ở cột đâm trâu, nhà mồ, mặt nạ gỗ.
Cột đâm trâu tạo dựng thông qua nghệ thuật điêu khắc có thể hiện tập trung ở cột chính nơi buộc con trâu. Cột chính cao 2 đến 3 mét, các mô típ điêu khắc trên cột đâm trâu đối xứng với nhau và nhỏ dần về phía trên với những đường cong uốn lượn, nhiều hoa văn hình học được vẽ và tô màu, kể cả những hình tượng có mối quan hệ với sinh thực khí của người Chăm, một phần thân cột có gắn hình đầu và cổ con chim. Ở nhà Gươl có nhiều kiệt tác về điều khắc với các phù điêu nổi, liền trên nền gỗ hình các con thú, hình người săn bắn, hình vũ điệu da dá, đàu trâu, các hình ảnh sinh hoạt cộng đồng, những hoa văn phản ánh các quan niệm về đất trời… tất cả tập trung ở sườn nhà và cột nhà. Đường nét tuy còn đơn giản, mộc mạc, nhưng lại mang đầy tính nghệ thuật, thể hiện bàn tay khéo léo, sánh tạo của dân tộc Cơ Tu. Ở nhà mồ cũng tập trung nhiều tác phẩm nghệ thuật tạo hình khá sắc sảo. Vào khu nghĩa địa, chúnh ta như lạc vào vườn tượng, ở đây ta bắt gặp thiếu phụ ngồi khóc, tượng đâm trâu, con thú. Trên mái nhà là những hoa văn hình chim, hình con thằn lằn và các sinh hoạt tín ngưỡng khác.
Gắn bó trong đời sống tâm linh nên hình tượng con trâu đã đi vào nghệ thuật Cơtu rất hồn nhiên. Trong điêu khắc Cơtu, đầu tiên phải kể đến những quan tài hai đầu trâu, đây là loại hình quan tài rất đặc biệt được làm từ 2 phần thân cây khoét rỗng; bên ngoài phần nắp tạo hình thân trâu, 2 đầu trâu nằm đối xứng ở hai đầu nắp quan tài; phần đầu trâu được thể hiện rất chân thực với đôi sừng cong vút; một số quan tài có trang trí hoa văn hình học đặc trưng của người Cơtu, một số khác để trơn phần thân, chỉ chú trọng phần hai đầu trâu. Đầu trâu còn được thể hiện trên nhà mồ, có nơi người ta chạm trổ 2 đầu trâu đối xứng ngay trên hai đầu bờ nóc, cũng có nơi hai đầu trâu được thể hiện ở trên hai thanh gỗ chận 2 đầu mái nhà mồ

Đàn Hroa.

Cây đàn hroa (hờ roa) của đồng bào dân tộc Cơ Tu gần giống với cây đàn Cò của người Kinh. Cây đàn cũng là một tác phẩm nghệ thuật hát không há miện rất độc đáo của người Cơ Tu.
Chiều dài toàn bộ cây đàn khoảng 50 cm, được chia làm hia phần chinh : Đế đàn làm bằng một mảnh gỗ mỏng gần 1 cm, dài trên 10 cm, có chạm trỗ hoa văn hoạ tiết rất đẹp. Khi chơi đàn có thể dùng hai ngón chân cái và trỏ kẹp vào phần dưới củ đế đàn nhằm định vị cho cây đàn. Thân đàn gồm một ống nứa nhỏ, đường kính gần 30 cm, đầu dưới được gắn vào đế đàn, phần trên để trống và cũng là nơi chứa cần đàn (cần kéo)- khi khôn sử dụng. Gần đầu đàn có một cái chốt bằng tre xuyên qua thân đàn để lên dây đàn. Dưới chốt, trên thân ống có gắn 3 cái núm nhỏ làm bằng chai chò (cây chò), gọi là vú đàn và gắn theo chiều dọc của ống, có khoảng cách 1 cm giữa các vú. Ngoài ra, có một sợi chỉ ( dài hơn thân đàn một chút ), nối từ nơi tiếp giáp giữa đế đàn và thân đàn, đến cuối sợi chỉ thì xuyên qua một mảnh vải con trút, cắt theo hình tròn.
Đàn đựoc chơi qua hai cách. Cách thứ nhất : dùng cây cần bằng tre hay nứa kéo qua lại chỗ tiếp giáp giữa cây đàn và thân đàn, đồng thời các ngón tay của bàn tay trái bấm dây đàn, âm thanh phát ra như những cây đàn bình thường khác. Cách thứ hai : là người sử dụng dùng hai hàm răng cắn miếng vỏ trút và giữ cho sợi chỉ nằm trong tình trạng căng ra (không bị trùng) đồng thời hát ( hát trong khi hai hàm răng vẫn cố định, không há miệng ). Âm thanh lúc ấy phát ra lớn hơn và không còn nghe tiếng nhạc đơn thuần nữa mà là nghe hoà quyện lời ca lồng trong tiếng nhạc, nghe rất não nùng, đượm màu hoang dã, lôi cuốn ngưòi nghe.
Areeng là một loại sáo thổi dọc, được làm bằng một ống nứa dài khoảng 34cm, có 2 lỗ bấm có lưỡi gà được tách ra từ vỏ ống nứa đặt bên mép ống. Khi thổi phải ngậm kín phần có lưỡi gà trong miệng. Đây là loại sáo thô sơ nhất, dễ kiếm dễ làm.

Sáo Areeng.

Mặc dù chỉ 2 lỗ bấm, nhưng các già làng thổi thành thạo có thể thực hiện từ 4 đến 5 âm với những nét nhạc linh hoạt:
Tiếng Areeng đục hơn tiếng sáo trúc của người Kinh. Do vật liệu thô sơ, chế tác đơn giản nên âm thanh chưa hẳn ở cái sáo nào cũng chuẩn. Cái Areeng chúng tôi khảo sát là do già làng Quỳnh Hoàng (một nghệ nhân của người Tà Ôi, biết sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ) chế tác. Ông là người chế tác hầu hết các loại nhạc cụ cho người Cơ Tu ở A Lưới.
Sáo Areeng thường được trai gái Cơtu dùng để tỏ tình trong những buổi đi sim. Có loại Areeng 2 lưỡi gà đặt ở 2 đầu ống dùng cho 2 người thổi, một nam và một nữ trong giai đoạn tìm hiểu hoặc mến thương nhau. Loại Areèng này dài hơn khoảng 5cm có 3 lỗ nhưng 2 người chỉ sử dụng 2 lỗ 2 đầu còn lỗ giữa để thoát hơi.
Talee là một loạ sáo cũng thổi dọc như sáo Areeng nhưng dài hơn – khoảng 50 – 55cm và có gắn núm trái bầu khô làm loa sáo, làm cho tiếng vang to và xa hơn. Talee có 4 lỗ bấm thực hiện được 5 âm không có bán âm với nét nhạc sau đây:

Sáo Talee.

Karyok ayol giống như một cái Tù và nhỏ vì được làm bằng sừng dê núi, chỉ dài khoảng 10 – 12cm, đường kính ở góc sừng khoảng 2,5cm. Lưỡi gà đồng đặt cách chóp sừng, phía trong hình vòng cung 3cm – đầu nhọn của sừng được cắt thủng. Khi thổi có thể bịt cả 2 đầu hoặc không bịt để tạo ra âm khác. Màu âm của Karyok ayol sáng và chói nhọn, đôi lúc the thé như tiếng của thú rừng.
Thường hay được thổi trong lúc lên nương rẫy cho vui chân, đỡ buồn và có tác dụng đuổi thú rừng phá hoại hoa màu. Nó cũng là tín hiệu báo cho nhau giữa rừng xanh núi thẳm. Trong một số lời ca của điệu hát Baboih và chachấp do nhạc sĩ Minh Phương sưu tầm, có bài có đề cập đến 2 nhạc cụ này.
Tarqơơi toók là một nhạc cụ đơn giản Họ hơi, chi thổi chỉ thấy ở người Cơ Tu. Tarqơơi toókđược làm từ một đoạn ống tre dài khoảng 25cm, đường kính khoảng 2cm. Một đầu ống tre có mắt kín, có đục lỗ thổi ở mép ống, gần mắt, đầu kia rỗng được khoét, vạt vào thân ống bằng ½ chiều dài có tác dụng để điều khiển âm thanh. Người diễn tấu thổi trực tiếp vào lỗ thổi, tay trái nâng nhạc cụ, tay phải điều khiển âm thanh. Sáo Tr’ơi toóc nghe rộn ràng, phấn chấn. Cũng như Karyok ayol, Tarqơơi toók chỉ có một âm cố định phát ra trên một lỗ thổi, sự điều khiển âm thanh ở tay phải chủ yếu là tạo âm thanh bắt chước tiếng hót của một số loại chim rừng. Vì thế không phải là một nhạc cụ sở trường diễn tấu giai điệu.
Các dân tộc anh em trên vùng Trường Sơn – Tây Nguyên như: Ba-na, Giẻ Triêng, Xơđăng, Giarai… trong đó có người Cơtu, đều có vốn âm nhạc truyền thống đặc sắc. Cồng chiêng là loại nhạc cụ phổ biến ở hầu hết các dân tộc và nó trở thành một loại nhạc cụ không thể thiếu trong các lễ hội truyền thống, trong ma chay, cưới hỏi… Mỗi dân tộc có cách sử dụng cồng chiêng riêng cho dân tộc mình.

Âm thanh cồng chiêng gắn liền với không khí Tết của dân tộc Cơ Tu, Quảng Nam.

Cồng chiêng đã làm nên nét độc đáo và phong phú của văn hóa vật thể – phi vật thể trong đời sống cộng đồng người Cơtu. Nó trở thành một thứ nhạc cụ không thể thiếu trong các lễ hội truyền thống, là ngôn ngữ nối con người với các đấng siêu nhiên như: Yàng, thần linh, ông bà, tổ tiên…
Do đặc điểm cư trú, hiện người Cơtu vùng núi Quảng Nam sinh sống thành 3 vùng: người Cơtu vùng cao, người Cơtu vùng trung, người Cơtu vùng thấp, với số dân khoảng 42.266 người. Họ đều xem cồng chiêng là loại hình văn hóa nghệ thuật mang đậm đà bản sắc và nó có mặt trong những lễ hội truyền thống tưng bừng của buôn làng như: Lễ ăn mừng lúa mới (Cha ha roo tơmêê), lễ ăn mừng được mùa (Bhuối Aví), lễ bỏ mả (Têng-Ping), lễ ăn mừng nhà Gươl (Lang tơrí), trong những giờ phút chia ly, đưa tiễn người thân, bạn bè, đón mừng ngày vui chiến thắng, lễ ăn thề kết nghĩa anh em giữa hai làng người Cơtu (Pơ-ngoót)… cồng chiêng lại vang lên hòa cùng cuộc sống của người Cơtu giữa Trường Sơn đại ngàn…
Cồng chiêng là loại nhạc cụ đã được một số nhà nghiên cứu, một số nhạc sĩ… tìm hiểu về thể loại nhạc cụ này. Tuy nhiên, việc nghiên cứu mới chỉ nằm trong những giới hanạ, trong bài viết nhỏ này, chúng tôi muốn đề cầp về vai trò và chức năng của cồng chiêng trong đời sống hằng ngày, trong những dịp lễ hội truyền thống… của cộng đồng người Cơtu.
Khi tìm hiểu về nhạc cụ truyền thống trong đó cồng chiêng của người Cơtu vùng núi Quảng Nam, các nhà nghiên cứu, một số nhạc sĩ… đều cho rằng: Người Cơtu vùng cao, người cơ tu vùng trung có tiết tấu cồng chiêng chậm và trầm, người Cơtu vùng thấp có tiết tấu cồng chiêng nhanh, rộn rã. Được biết, dù người Cơtu phân bố trên 3 vùng nhưng ở họ đều dùng hai loại chiêng: chiêng bằng và chiêng núm với 6 chiếc to, nhỏ khác nhau.
Theo sự tìm hiểu của chúng tôi, ở người Cơtu trong các lễ hội lớn của buôn làng như: lễ ăn mừng lúa mới (Cha ha roo tơmêê), lễ ăn mừng được mùa (Bhuổi Aví), lễ ăn thề kết nghĩa anh em giữa hai làng người Cơtu (Pơ-ngoót), lễ ăn mừng nhà Gươl (Lang tơri)… người Cơtu thường tấu nhạc điệu cồng chiêng bằng cách tác động vào núm cồng, vào điểm giữa của chiêng, kết hợp với dùng tay trái chặn vào mặt sau ở vào thời điểm cần thiết (tức là ngắt tiếng). Đó là kỹ thuật, nghệ thuật trong cách đánh cồng chiêng của người Cơtu. Phổ biến họ gõ cồng chiêng bằng dùi có bọc vải ở đầu, gõ cồng chiêng bằng dùi để trần, là một đoạn cây dát mỏng, mềm, lúc họ lại tấu cồng chiêng bằng phần mềm của nắm tay.

Khi làng có tổ chức nhiều lễ hội truyền thống tưng bừng như trên, ở họ sử dụng điệu chiêng vui nhôn, sôi nổi Đờ hương, kèm theo điệu mùa tung tung (múa nam), da dá (múa nữ) nhanh và linh hoạt… Trong lễ hội đâm trâu, người Cơtu xem con trâu là người bạn thân thuộc, có điệu chiêng khóc tế trâu Prờ-lư.
Trong lễ tang ma, lễ bỏ mả, những lúc phải xa lìa vĩnh viễn, mất cha, mẹ, con cái, người thân trong gia đình, đồng thời giãi bày nỗi đau, bớt đi nỗi dằn vặt của mình, trong những lúc này cồng chiêng lại có tiết tấu theo điệu Cơ lâu – Cơ lênh, tiếng chiêng được vang lên từ bên ngoài của mặt lưng chiêng với tâm trạng buồn thảm, nhớ nhung da diết và thương tiếc người thân với âm điệu Cơ lâu – Cơ lênh chậm chạp, buồn nhớ…
Trong sinh hoạt mang tính xã hội như chiến thắng với thú dữ, chiến thắng với bão lụt, trong những giờ phút chia ly, đưa tiễn người thân, bạn bè, đón mừng chiến thắng, chiến thắng với kẻ thù (xưa người Cơtu có tục trả đầu), trong dịp này, người Cơtu sử dụng cồng chiêng với tiết tấu mạnh mẽ hùng tráng với điệu Đờ hập – Bờ rếch. Trong lễ ăn thề kết nghĩa anh em giữa hai làng người Cơtu (Pơ-ngoót), lễ cưới hỏi, lễ giải quyết bất hòa trong gia đình, trong buôn làng kéo họ lại gần nhau hơn, thương yêu, giúp đỡ, đùm bọc nhau trong cuộc sống, trong những lúc hiểm nguy, gian khó… trong những trường hợp này người Cơtu sử dụng cồng chiêng với tiết tấu điệu Cơ lới nhanh, vui nhộn, sôi nổi và đầy lạc quan, yêu đời…
Cồng chiêng trong đời sống của người Cơtu là một thế giới âm thanh lạ lùng, đa năng và mang cả nét kỳ bí trong không gian nguyên sơ của núi rừng. Đây là vốn quý không những với họ mà cho cả chúng ta hôm nay cần bảo tồn và phát huy.

Hroa – Cây đàn tình yêu
Trong các loại nhạc cụ của đồng bào dân tộc Cờ Tu như: kèn cabluôc, kèn kooc, sáo rahêm, đàn tapêh…, thì đàn hroa là loại đàn rất độc đáo và gắn liền với truyền thống văn hóa bao đời của đồng bào dân tộc Cờ Tu.
Ở thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, Hòa Vang (TP Đà Nẵng) có một số người già Cờ Tu chơi được đàn hroa, như già Cần, già Lương, già Cảnh… Cây đàn hroa gần giống như cây đàn cò của người Kinh. Chiều dài toàn bộ cây đàn trên 50 cm, được chia làm hai phần chính: phần đế đàn làm bằng một mảnh gỗ mỏng, gần 1 cm, dài trên 15 cm, có chạm trổ hoa văn họa tiết rất đẹp.
Phần thân đàn gồm một ống lồ ô có đường kính khoảng 3 cm, dài trên 30 cm, đầu dưới được gắn vào đế đàn, phần trên để trống và cũng là nơi chứa cần đàn (cần kéo) khi không sử dụng. Mặt ngoài của ống cũng được trang trí các hình cùng mô-típ với các hoa văn trên áo quần truyền thống của đồng bào Cờ Tu. Gần đầu đàn có một cái chốt bằng tre xuyên qua thân đàn để lên dây đàn, có một dây đàn chạy song song với ống đàn. Ngoài ra, từ chỗ tiếp giáp giữa phần đế và thân đàn, có một sợi chỉ dài hơn cây đàn, cuối sợi chỉ, xuyên qua tâm miếng vỏ trút (vỏ con trút), được cắt theo hình tròn.
Có 2 cách chơi đàn. Cách thứ nhất: Dùng cây cần bằng tre hay nứa kéo qua lại chỗ tiếp giáp giữa dây đàn và thân đàn, đồng thời các ngón tay của bàn tay trái bấm dây đàn, âm thanh phát ra như những cây đàn bình thường khác. Cách thứ hai, là điểm rất đặc biệt và độc đáo của cây đàn này.
Như cách thứ nhất, nhưng người sử dụng có thêm “công đoạn” dùng hai hàm răng cắn miếng vỏ trút và giữ cho sợi chỉ nằm trong tình trạng căng ra đồng thời hát (hát trong khi hai hàm răng vẫn cắn chặt miếng vỏ trút). Âm thanh sẽ lớn hơn và cũng quyến rũ hơn. “Tình yêu đôi khi không thể ngỏ bằng lời. Vì thế, trai làng thường dùng cây đàn này để thổ lộ tình cảm với bạn gái”. Ngày trước, ngay giữa làng, làng dựng lên một nhà chòi cao với bốn cây cột bằng kiền kiền lớn, gọi là nhà Mang, đến tối trai làng chưa vợ thường tập trung lên đây để ngủ.
Trường hợp có hai người “để ý” nhau, họ hẹn hò và mang theo cây đàn hroa, trèo lên chòi hoặc ra khe suối… để chơi đàn nhằm thổ lộ “tâm tư tình cảm” của mình, tha hồ mà “hát không há miệng”!. Thêm một điểm độc đáo nữa của đàn hroa là có thể chơi hai người, trai kéo đàn và luyến láy âm thanh, gái ngậm miếng vỏ trút vào răng và hát, môi có thể mở để âm thanh từ miệng thoát ra, nhưng răng thì phải cắn chặt miếng vỏ trút. Vì sợi chỉ ngắn, nên khoảng cách giữa người nam và người nữ gần hơn, họ có cơ hội để thông cảm, quyến luyến. Hai tâm hồn hòa quyện vào nhau, lâng lâng, bồng bềnh trong lời ca tiếng nhạc.
“Người biết chơi đàn hroa hiện nay rất hiếm, lớp trẻ bây giờ không chịu học, có nguy cơ thất truyền” – già Alăng Cần trầm ngâm.

Vũ điệu Tân Tung Da Dá được diễn trong lễ hội của người Cơ Tu.

Vũ điệu Tân tung da dắ – Di sản của đại ngàn Trường Sơn
Trong kho tàng văn hóa dân gian Cơ Tu, vũ điệu Tân tung da dắ là một tác phẩm nghệ thuật diễn xướng nổi trội nhất, được thể hiện trong lễ hội mừng mùa, mừng nhà mới, săn được thú lớn hay các lễ hội lớn của cộng đồng…
Các nhà nghiên cứu múa cho rằng động tác múa của vũ điệu bắt nguồn từ những động tác dâng lễ vật từ thời xa xưa. Lễ vật được nâng trên tay hay đội trên đầu là xôi, thịt, hoa, trái… để dâng mừng. Cũng có thể, đó là động tác ngẫu hứng, tự nhiên thể hiện tâm trạng hân hoan, ăn mừng khi săn bắt được thú lớn. Trên cơ sở hiện thực ấy, theo quá trình phát triển lâu dài của lịch sử, được người dân sáng tạo, cách điệu hóa lên thành nghệ thuật biểu diễn có trình độ thẩm mỹ cao. Hình tượng Tân tung da dắ đã chuyển hóa một cách sống động và sâu sắc vào nhiều lĩnh vực của đời sống tâm linh, tín ngưỡng, văn hóa, nghệ thuật của người Cơ Tu. Nó thực sự là linh hồn, tuyệt tác của kho tàng văn hóa dân gian Cơ Tu. Vũ điệu dân gian ấy là hình ảnh của cội nguồn làm nên diện mạo văn hóa đa dạng, phong phú của cộng đồng tộc người và còn là một chất men xúc tác tạo nên cảm hứng cho sự sáng tạo, thăng hoa nghệ thuật truyền thống, được nâng lên thành một biểu tượng văn hóa, thể hiện bản sắc riêng, độc đáo của dân tộc.
Trong nghệ thuật tạo hình, chủ đề người phụ nữ múa xuất hiện với mật độ khá dày, tập trung và được thể hiên trên nhiều chất liệu khác nhau như gỗ, vải vóc, thậm chí cả trên thân thể thông qua nghệ thuật xăm hình. Hình tượng người phụ nữ múa thực sự cuốn hút tư duy sáng tạo, là chất men gây cảm hứng cho nghệ nhân dân gian khi chuyển hóa hình tượng của nó từ những đường nét đan dệt trên thổ cẩm sang tranh, tượng, phù điêu, hoa văn trang trí trong ngôi nhà gươl, nhà mồ (ping)- nơi tập trung những tinh hoa nghệ thuật của cộng đồng và cả trong nghệ thuật xăm hình trên cơ thể. Cảm nhận được cái vẻ đẹp lung linh của vũ điệu Tân tung da dắ, một hạt ngọc quý của núi rừng Trường Sơn, từ những năm của thập niên 60 của thế kỷ trước, NSND Thái Ly và NSƯT Ngân Quý đã dành tất cả tình yêu để thăng hoa điệu múa đó trên sân khấu biểu diễn nghệ thuật. Bởi vũ điệu ấy có kết cấu tổ hợp múa theo tính tiết tấu trên nền nhạc cồng chiêng với điệu đhưng dồn dập, lôi cuốn, tiếng trống cha gơr rộn ràng và múa theo tuyến gấp khúc nên mang lại hiệu quả tốt đẹp cho tác phẩm múa. Hòa cùng trang phục dân tộc độc đáo, đặc biệt bộ váy nữ được quấn ngang ngực, để trần phần trên ngực cùng với đôi vai và hai cánh tay thật mềm mại, trẻ khỏe, tôn thêm vẻ đẹp kỳ diệu của dáng múa.
Cùng với nghệ thuật múa của các dân tộc khác, vũ điệu Tân tung da dắ của đồng bào Cơ Tu đã được mang đi biểu diễn trong các cuộc giao lưu nghệ thuật quốc tế, đạt giải thưởng ở các cuộc liên hoan thanh niên và sinh viên thế giới. Năm 2002, vũ điệu lại giành được giải thưởng tại cuộc thi múa dân gian dân tộc của các nước có sử dụng tiếng Pháp được tổ chức tại Canada… Ngày nay, múa Cơ Tu được bảo tồn, phát huy ở chính cái nơi đã khai sinh ra nó – các huyện Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Vũ điệu ấy trở thành màn trình diễn ấn tượng ở các lễ hội, hội thi, hội diễn. Vừa qua, ngày 12-8, trong phiên họp Hội đồng Di sản Quốc gia lần thứ 7 đã công nhận một số loại hình di sản văn hóa của các cư dân sinh sống tren dải đại ngàn Trường Sơn là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia; trong đó có Vũ điệu Tân tung da dắ của dân tộc Cơ Tu. Đây không chỉ là niềm tự hào của bà con dân tộc Cơ Tu nói riêng mà còn là niềm vinh hạnh của các tộc người đang sinh sống trên dải đại ngàn Trường Sơn…

Các lễ hội là dịp để con trai, con gái Cơ Tu có thể bắt đầu đi “ngủ duông”.

Tục “ngủ duông” của người Cơ Tu, Quảng Nam
Tục “ngủ duông” là sự hội tụ của những nét đẹp văn hóa độc đáo trong nghi thức đám cưới truyền thống của người Cơ Tu ở huyện Nam Giang (Quảng Nam).
Nam Giang là huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam, nơi có nhiều người Cơ Tu sinh sống. Họ ở trong những bản làng nằm lưng chừng những dãy núi cao của dải Trường Sơn hùng vĩ, ở đó vẫn còn lưu giữ những phong tục độc đáo, trong đó có tục “ngủ duông”.
Vào khoảng tháng 9, 10 hằng năm, khi lúa đã được thu hoạch đưa vào kho, cùng lúc trên khắp các bản làng Cơ Tu, từ vùng cao, vùng trung và vùng thấp tưng bừng tổ chức lễ ăn mừng lúa mới và cũng dịp để con trai, con gái Cơ Tu có thể bắt đầu đi “ngủ duông”.
Trong những công việc nương rẫy, hay đi chơi ở nhà bạn bè, người thân hay vào dịp Tết đến xuân về hoặc trong những dịp lễ hội lớn của buôn làng như: Lễ ăn mừng được mùa, lễ ăn mừng nhà Gươl, lễ ăn mừng lúa mới, lễ hội Pơ Ngoót (lễ ăn thề kết nghĩa anh em giữa hai làng người Cơ Tu với nhau)…, nam nữ Cơ Tu tìm đến nhau lựa chọn cho mình một người hợp lòng, ưng ý. Và để làm được việc này, người con trai làm nhà “ngủ duông”.
Nhà “ngủ duông” được làm ở nương rẫy hoặc ở bìa rừng, gọi là nhà nhưng thực chất đây là một chòi được làm bằng các vật liệu tạm bằng cây lá và nhà này đều được cả làng đều biết. Chính vì chỉ ngủ và tâm sự thôi nên người con trai có thể “ngủ duông” với cô gái trong 5 tối, 10 tối hoặc cả tháng thậm chí hơn nữa, và có thể “ngủ duông” với nhiều người con gái.

Một nhà duông bên bìa rừng nơi nam nữ Cơ Tu gặp nhau để tìm hiểu.

Con trai và con gái Cơ Tu bắt đầu “ngủ duông” ở lứa tuổi mới lớn, khoảng từ 13 đến 14 tuổi. Theo phong tục cổ truyền, để được “ngủ duông” với cô gái, người con trai phải mang đồ lễ cho cha mẹ cô gái nào là hạt cườm, vòng mã não, vòng đeo cổ… Có trường hợp, cô gái không thích “ngủ duông” với người con trai nhưng cha mẹ cô gái đã nhận đồ lễ vật của nhà trai thì cô gái vẫn phải “ngủ duông” với con trai đó. Người con trai đến “ngủ duông” với con gái chỉ được phép tâm sự và hôn vào môi hoặc có thể sờ vào “bầu sữa” của cô gái, ngoài ra không được làm gì khác.
Luật tục Cơ Tu cũng quy định rất rõ và nghiêm khắc trừng trị những trường hợp quan hệ tình dục bừa bãi và có thai trước khi cưới. Tùy vào mức độ vi phạm, chàng trai bị phạt rất nặng, có thể bị đuổi ra khỏi làng hoặc làng bắt người con trai đó phải giết lợn, có khi là trâu, bò mang từng phần đến từng gia đình trong làng để tự thú tội và chia cho cả làng cùng ăn. Đôi khi họ phải đền bù cho nhà gái nào là ché, chiêng, đồ trang sức quý… hoặc phải chịu nợ truyền kiếp từ đời này sang đời khác và bị cộng đồng ruồng bỏ không ai tiếp xúc.
Trong khi đó, cô gái sẽ chịu cảnh chăn đơn gối chiếc suốt đời, hình phạt nặng này từ xa xưa đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân nơi đây cho nên trai gái Cơ Tu khi tiếp xúc, quan hệ tình cảm với nhau đều luôn có ý thức giữ gìn, tôn trọng đạo đức.
Tục “ngủ duông” của người Cơ Tu là sự hội tụ của những nét đẹp văn hoá đặc sắc còn bảo lưu nhiều yếu tố truyền thống trong nghi thức đám cưới truyền thống của người Cơ Tu. Và với yếu tố này, vừa phản ánh đặc điểm tộc người, vừa có nghĩa giáo dục cộng đồng trong lĩnh vực hôn nhân được họ giữ gìn trân trọng từ bao đời.

Trang phục lễ hội của các thiếu nữ Cơ tu.

Đặc sắc trang phục lễ hội của người dân Cơ Tu
Trang phục trong lễ hội hay ngày tết của các dân tộc đều thể hiện bản sắc văn hóa và giá trị truyền thống, người Cơ Tu cũng vậy, mỗi khi tết đến xuân về, họ lại diện những bộ trang phục truyền thống với hoa văn, màu sắc rực rỡ trên nền vải thổ cẩm tạo nên vẻ đẹp trong sáng và thánh thiện, như đóa hoa rừng khoe sắc giữa núi rừng đại ngàn Tây Nguyên.
Hầu hết trang phục lễ hội của người Cơ Tu đều được bố trí các hoạ tiết hoa văn thành từng mảng nhưng không đơn điệu. Chiếc áo cột tay của đàn ông, thanh niên trang trí những dãy hoa văn đối xứng, với những vạch sọc có khoảng cách đều nhau được dệt bởi ba màu: vàng, đỏ và trắng trông nổi bật trên nền vải chàm đen. Chiếc khố của đàn ông được bố trí các hoạ tiết đường nét hoa văn thành từng mảng lớn. Váy dài của phụ nữ có nhiều hoa văn cách điệu, tập trung thành mặt phẳng lớn ở phần dưới của thân váy.
Các hoạ tiết hoa văn ở phần thân váy thường đứng riêng lẻ bằng cách vạch sọc như: hoa văn ablơm (hoa tình yêu), lá trầu, dây buộc nhà gươl, múa da dá… màu sắc đơn giản, các hoạ tiết hoa văn được thể hiện dưới dạng hình học hoá. Sau đó được dệt hoàn toàn bằng thủ công với những đường nét và hoa văn tinh tế, thể hiện tính thẩm mỹ và tài năng sáng tạo của ngườ phụ nữ Cơ Tu từ xưa đến nay.

Các chàng trai trong trang phục lễ hội của dân tộc Cơ tu.

Một điều dễ dàng nhận thấy là trang phục lễ hội của người Cơ Tu khá đơn giản, không cầu kỳ về màu sắc nhưng phản ánh đậm chất nhân sinh quan và thế giới quan sâu sắc về vũ trụ, trời đất, vạn vật cũng như phong tục – tập quán, sinh hoạt của cộng đồng… của dân tộc mình. Màu chủ đạo của trang phục người Cơ Tu là màu chàm đen, đây cũng là màu nền chính của trang phục.
Người Cơ Tu quan niệm rằng: Màu chàm đen là màu của đất (Abhuyh-Catiếc), màu đỏ là màu của mặt trời (Abhuyh-plêếng). Đây là hai màu sắc của hai vật thiêng không thể thiếu trong đời sống của người Cơ Tu. Vì vậy trang phục của họ không thể thiếu hai màu nói trên. Màu vàng trên trang phục được người Cơ Tu dùng rất ít chỉ là những nét mảnh để tạo nên những hoạ tiết, những đường nét hoa văn tinh tế.
Trang phục của người Cơ Tu còn ẩn chứa nhiều nét hoang dã của một cư dân sống trên vùng Trường Sơn. Với họ, trang phục là cội rễ để hình thành nên một bản sắc văn hoá riêng-Văn hoá Cơ Tu. Từ những nét riêng biệt và độc đáo đó đã làm cho trang phục của người Cơ Tu vùng Trường Sơn không giống bất kỳ trang phục lễ hội nào của cộng đồng 54 dân tộc anh em sống trên đất Việt.

Bảo tồn kiến trúc truyền thống của dân tộc Cơ Tu
Kiến trúc nhà cửa là sáng tạo văn hoá vật chất quan trọng của cộng đồng, liên quan chặt chẽ đến chất lượng sống, không gian sinh tồn, sinh hoạt văn hoá của đồng bào. Kiến trúc nhà cửa gắn với qui hoạch làng bản, xây dựng mô hình nông thôn mới, giữ gìn di sản kiến trúc… Đó chính là yêu cầu bức thiết của cuộc sống bà con dân tộc miền núi. Đi tìm những giải pháp để bảo tồn và phát huy kiến trúc nhà cửa của đồng bào Cơ Tu là chủ đề Hội thảo do Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại TP. Huế, Thư Viện tỉnh Quảng Nam và Phòng VHTT huyện Tây Giang tổ chức vào tháng 3 năm 2014 tại Tây Giang.
Các dân tộc ở miền núi Quảng Nam đều có nhiều loại hình kiến trúc truyền thống, trong đó nổi bật và phổ biến nhất là nhà ở. Riêng dân tộc Cơ Tu có đến nhiều loại nhà như nhà làng truyền thống (gươl), nhà ở (moong, đông, nhà dài), nhà kho, chòi rẫy, túp lều thổ cẩm, nhà mồ.. Nhìn vào công trình kiến trúc người ta biết được ít nhiều về tập quán, văn hoá, sức sống của dân tộc ấy

Nhà Gươl thôn Pơning có kiến trúc và điêu khắc đẹp ở Tây Giang.

Nhà sàn mái nưa của người Cơ Tu ở thôn Công Dồn.

Nhà cửa của dân tộc Cơ Tu phần lớn là nhà sàn cách mặt đất từ một mét trở lên, có cầu thang lên xuống. Loại hình kiến trúc này phù hợp với điều kiện địa hình, không gian, môi trường tự nhiên của miền núi. Tất cả vật liệu xây dựng đều tận dụng và khai thác từ thiên nhiên nơi họ cư trú. Vật liệu phổ biến là gỗ rừng, tre nứa, cỏ tranh, dây rừng… Với bàn tay khéo léo, đồng bào biết làm cho bền chắc và đẹp mắt những bộ phận của ngôi nhà từ bộ mái đến phần sàn nhà và các phần phụ khác. Các công trình kiến trúc dân gian đã tạo dấu ấn văn hoá truyền thống được lưu truyền qua bao thế hệ. Đặc biệt, nhà làng là một công trình kiến trúc đa năng, vừa là nơi hội họp, xử kiện theo luật tục, là nơi tổ chức lễ hội cộng đồng vừa là bảo tàng nghệ thuật trang trí, điêu khắc, chứa đựng nhiều tác phẩm tạo hình của tập thể các nghệ nhân tài hoa trong làng. Ngoài ra, nhà làng truyền thống là nơi tổ chức các hoạt động tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội tại địa phương. Nó thực sự là thiết chế văn hóa cần thiết, có sức sống lâu bền ở bản làng miền núi.
Tuy nhiên, kiến trúc nhà cửa của đồng bào Cơ Tu nói riêng, các dân tộc thiểu số đang bị biến đổi rất nhanh, di sản kiến trúc dần bị mai một. Ngay trong chiến tranh, nhà ở của đồng bào một số thôn bản cũng phải thay đổi.. Để tránh các cuộc đánh phá, càn quét của giặc, đồng bảo phải thực hiện “chuyển nếp sống ở nhà sàn sang nhà đất, có công sự chống may bay oanh tạc”. Ngày nay, dưới áp lực của phát triển miền núi, không gian cư trú, kiến trúc truyền thống, vật liệu xây dựng nhà ở của vùng đồng bào các dân tộc càng bị biến đổi nhiều hơn. Những năm gần đây do thực hiện định canh định cư, tái định cư để thực hiện các công trình giao thông, thuỷ điện, đồng bào xây nhà bằng vật liệu mới, kiểu cách kiến trúc mới.

Những ngôi nhà sàn truyền thống ở Tây Giang.

Từ đây, những yếu tố ngoại lai bắt đầu chi phối đời sống tinh thần và vật chất của đồng bào ở các bản làng xa xôi. Xã hội cổ truyền đang biến đổi hết sức nhanh chóng cho nên kiện điều ăn ở, cư trú của đồng bào cũng phải thay đổi theo. Chẳng những các thôn bản nằm trên trục giao thông lớn bị biến dạng, “lạ hoá” mà các thôn bản vùng sâu vùng xa cũng đã và đang mất dần những yếu tố truyền thống. Kiến trúc là một trong những thay đổi rõ rệt nhất trên các vùng cao. Những ngôi nhà sàn đã bị “trệt hoá”, mái tranh mái nứa cũng bị “tôn hoá”. Mặc dù, trong quá trình thực hiện xoá nhà tạm, các nhà chức trách đã vận động và hướng cho các hộ dân lợp tôn có màu xanh để hợp với cảnh quan, thiên nhiên miền núi nhưng thực tế hoàn toàn không như mong muốn.
Điều đáng nói là, khi thực hiện dự án, hầu như rất ít người quan tâm đến việc hướng dẫn người dân bảo lưu phong cách kiến trúc truyền thống của dân tộc mình. Những bất hợp lý về quy hoạch diện tích đất ở, canh tác gắn với thói quen và điều kiện sản xuất, việc phá vỡ môi trường sinh thái, mà thiết kế nhà sàn bê tông, mái tôn là sự “hủy hoại” quá lớn đến kiến trúc nhà ở của người Cơ Tu.
Sự thay đổi là điều tất yếu, tuy nhiên thay đổi theo hướng bất lợi làm ảnh hưởng nhiều đến việc bảo tồn văn hoá truyền thống, kiến trúc xưa cổ của các dân tộc thì cần phải xem xét, có những giải pháp khắc phục. Nếu không nghiên cứu cẩn thận, hợp lý sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của đồng bào miền núi nhất là việc bảo tồn văn hoá truyền thống, giữ gìn môi trường sinh thái. Ngôi nhà sàn là sự lựa chọn lý tưởng của đồng bào để thích nghi với môi trường miền núi, chống lại thú dữ, ẩm thấp, khắc phục độ dốc…Chúng ta đã vận động và cấp xi măng, tôn, sắt thép cho bà con làm nhà kiên cố, vô tình đã xoá bỏ nhiều giá trị văn hoá được con người tích luỹ, chọn lọc từ rất lâu đời.

Nhà mồ Cơ Tu.

Nhiều năm gần đây, tỉnh đã hỗ trợ xây dựng nhà làng truyền thống và mang lại những thành công đáng phấn khởi. Hiện nay toàn tỉnh có 167 ngôi nhà Gươl truyền thống được xây dựng Tuy nhiên, đã đến lúc đặt vấn đề bảo tồn di sản này không chỉ là phục giữ nguyên dạng về mặt kiến trúc mà quan trọng hơn là tinh thần, linh hồn ẩn chứa trong nội thất, trong mỗi nét điêu khắc, hình tượng trang trí. Cần sưu tầm các hệ thống tri thức bản địa liên quan đến quá trình xây dựng, từ việc khai thác nguyên liệu, đến việc dựng nhà, các khâu đoạn hoàn thành; sưu tầm hệ thống hình tượng, motif, họa tiết, tượng điêu khắc trang trí trên toàn bộ kiến trúc Gươl; có chế độ đãi ngộ và sử dụng các thế hệ nghệ nhân dân gian đã từng tham gia, biết các tri thức kỹ thuật xây dựng, thực hiện điêu khắc các hình tượng trang trí,… Xây dựng Gươl trở thành một không gian lưu giữ, bảo tồn, bảo tàng, đáp ứng nhu cầu hoạt động tham quan du lịch, tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa tộc người. Trên quan điểm bảo tồn nguyên dạng, Gươl sẽ tồn tại như những dạng “nhà bảo tàng” dành cho khách tham quan và nghiên cứu trong định hướng xây dựng mô hình “Làng du lịch văn hóa tộc người”. Khi đó, việc phục dựng phải đảm bảo theo những tiêu chí truyền thống cả về vật liệu, kỹ thuật, công cụ, nghệ nhân, các cấu kiện, bộ phận và cấu trúc nội thất.


Nhà dài dân tộc Cơ Tu.

Quy hoạch lại dân cư và bản làng của đồng bào phải phù hợp với tập quán, các quan hệ xã hội và tâm lý tộc người. Trong công tác xoá nhà tạm, không nên áp đặt kiên cố hoá, kinh hoá toàn bộ vật liệu, kiến trúc mà cần thiết giữ lại những giá trị truyền thống. Bà con dân tộc thích ở nhà sàn thì cứ để họ ở nhà sàn, khuyến khích làm nhà sàn để thích ứng với những điều kiện về thiên nhiên, môi trường miền núi. Chúng ta hướng dẫn xây nhà kiên cố, sử dụng vật liệu mới hợp lý, đúng mức. Bên dưới nhà sàn không được dùng làm chỗ nuôi gia súc mà chỉ để nông cụ và đồ dùng gia đình. Cần tạo những mẫu nhà và mẫu quy hoạch làng phù hợp, lấy cái được, cái hay để thuyết phục đồng bào và chính quyền ở nông thôn, đồng thời tìm ra phương hướng cho chúng đi vào đời sống. Bởi vì, dù có tiến hoá, phát triển đến đâu đi nữa, loài người đang có xu hướng quay lại cái mà ngày hôm kia mình đã từ bỏ, chỉ khác là cải tiến cho nó văn minh hơn.

Nhà mồ pinh blâng của người Cơ Tu ở Quảng Nam được phục dựng tại Bảo tàng Dân tộc học. Hình tượng con trâu luôn xuất hiện ở những công trình kiến trúc như: gươl, quan tài, nhất là nhà mồ, rất rõ nét, sinh động. Trong ảnh là phác thảo hình đầu trâu để tạc tượng ở hai đầu quan tài và ở một phía đầu hồi nóc của nhà mồ.

Ngôi nhà tâm linh của đồng bào Cơ Tu
Nhà mồ – một trong những công trình kiến trúc độc đáo bậc nhất, vừa là văn hóa vật thể, vừa là văn hóa phi vật thể mang tín ngưỡng dân gian truyền thống hướng về tổ tiên, nguồn cội của đồng bào dân tộc Cơ Tu.
Sống chủ yếu ở ba huyện miền núi cao Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang (Quảng Nam), A Lưới (Thừa Thiên – Huế) và một bộ phận khác cư trú ở huyện Đắc Chưng và Kà Lùm (Seekoong, Lào), đồng bào dân tộc Cơ Tu, Huyện Tây Giangđã chủ trương bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình cho mục tiêu phát triển.
Một trong những việc thực hiện là khôi phục nhà mồ – ngôi nhà tâm linh của đồng bào Cơ Tu – tại làng truyền thống của huyện là một việc làm hết sức có ý nghĩa.
Nhà mồ – một trong những công trình kiến trúc độc đáo bậc nhất, vừa là văn hóa vật thể, vừa là văn hóa phi vật thể mang tín ngưỡng dân gian truyền thống hướng về tổ tiên, nguồn cội của đồng bào dân tộc Cơ Tu.
 nhà mồ là để đưa tiễn người sang thế giới xa xăm. Hồn của những người chết sẽ hóa thành thần phù hộ cho dân làng đoàn kết và gặp nhiều điều lành, mùa màng bội thu, no đủ, sức khỏe dồi dào… Vì vậy, tục làm nhà mồ là ước vọng của người Cơ Tu từ bao đời nay.
Hầu hết nhà mồ của người Cơ Tu làm từ gỗ, với những dụng cụ đơn sơ như rìu, cưa tay, rựa, đục… nhưng được chế tác tỉ mỉ, công phu, khắc họa rất sống động những vật thể, hình ảnh sinh động, gần gũi với đời sống thường ngày bằng cả tấm lòng, tình cảm chân thành dành cho người đã khuất.
Sau khi cắt tiết heo, già làng lấy một ít để báo với các thần núi rừng, Giàng: Chúng tôi hiến trước cho các vị máu heo tươi và gan ngon để các vị thưởng thức – các vị ban cho dân làng những điều tốt lành để bắt đầu công việc khôi phục nhà mồ.
Thúy Hường (sưu tàm)

Share with your friends