Múa Khơ Mú (Minh Thúy) - Mc tiệc cưới, học làm mc đám cưới, video đám cưới hay nhất

Saturday, July 16, 2016

Múa Khơ Mú (Minh Thúy)

Ấn tượng đầu tiên với chúng tôi khi tìm hiểu về múa Khơ Mú là bên cạnh những động tác di chuyển phong phú thì tiếng chiêng kéo dài không dứt đã tôn thêm vẻ hấp dẫn cho từng nhịp múa. Mời quý vị và các bạn cùng Lan Anh khám phá điệu múa của người Khơ Mú ở bản Ten, xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.

Mỗi lần được nghe âm hưởng lúc trầm lúc bổng của tiếng chiêng, ai cũng thấy rạo rực trong lòng, miệng vừa lẩm nhẩm hát theo mà chân thì cứ muốn nhún nhẩy không thể đứng yên. Giữa núi rừng Tây Bắc hoang sơ, hùng vĩ, tiếng chiêng của người Khơ Mú vang lên quện với bầu không khí trong lành, mát mẻ khiến cho bản làng trong dịp lễ hội càng thêm rộn ràng.

Nhạc cụ làm nền cho múa chỉ là 2 chiếc chiêng và 1 ống tre già to hơn bắp chân nhưng những âm thanh các bạn đang nghe thực sự như có lửa. Chị Phạm Minh Châu, phó trưởng phòng văn hóa, huyện Điện Biên cho biết: “Nét đặc biệt của dân vũ, dân tộc  khơ mú, người ta  lao động sản xuất thì các động tác của dân vũ thường rất khỏe mạnh, mang tính sôi động rõ nét, rất đậm đặc. Những động lắc lắc người hay ngồi, các động tác trong dân ca hay dân vũ thì thường biểu hiện những nét sinh hoạt đặc trưng của họ”.

Với múa, người Khơ Mú ở Mường Phăng còn duy trì những điệu cơ bản như múa nắm tay vòng tròn, múa nắm khuỷu tay... Đặc biệt, nói đến múa của người Khơ Mú không thể không nói đến điệu múa Viêng ver guông. Múa Viêng ver guông là điệu múa khó, đòi hỏi phải kết hợp nhuần nhuyễn, uyển chuyển, linh hoạt của nhiều động tác trên cơ thể như: lên, xuống, uốn lượn, lắc ngang từ chân đến tay, bụng...

Sở dĩ có những động tác như vậy theo lý giải là vì người Khơ Mú yêu lao động, múa cũng mô phỏng các động tác, cử chỉ lao động hàng ngày như: gặt lúa, xúc tép, làm cỏ... Múa Viêng ver guông đa dạng về nội dung: múa mừng xuân, múa Viêng ver guông  tăng bu, múa xòe vòng. Nói về điệu múa này, chị Minh Châu cho biết: “Điệu múa Viêng ver guông  ở Điện Biên thường nói là múa vui ngày hội hay múa mừng được mùa của nhân dân được thể hiện trong các hoạt động sinh hoạt đời thường. Động tác múa như là đang đi lợp mái nhà cũng có khi như đang đi đập đất ở ngoài đồng. Đó là những cái đặc biệt rất khác.”

Người Khơ Mú ở Mường Phăng thường múa Viêng ver guông trong những dịp lễ hội, lễ mừng cơm mới được tổ chức ngay sau khi vừa kết thúc vụ gặt. Mỗi khi trống, chiêng nổi lên, điệu múa Viêng ver guông bắt đầu. Tốp múa nam nữ ở lẫn trong đám đông bước ra. Nam đeo chiếc khoong khăn vừa là nhạc khí, vừa là đạo cụ múa.

Điệu múa nhún duyên dáng rộn ràng, các diễn viên múa lượn lưng eo làm say đắm lòng người thưởng thức. Diễn viên càng say sưa múa, người vòng ngoài vòng trong càng đắm chìm cùng tiết tấu, nhịp điệu múa. Người múa tự khoe mình là chính, không gò bó trong từng đội hình... trong tiếng nhạc, người múa hòa vào dòng người xem. Đây chính là nét độc đáo của điệu múa Viêng ver guông.

Chị Lường Thị Nên tự hào nói về điệu múa này của dân tộc mình: “Múa Viêng ver guông của dân tộc Khơ Mú có từ rất lâu đời. Múa Viêng ver guông với người Khơ Mú là thể hiện mối cộng cảm giữa con người với con người, con người với thiên nhiên, các điệu múa liên quan mật thiết với tín ngưỡng cầu mùa và khát vọng tình yêu đôi lứa.

Theo chị Minh Châu, múa của dân tộc Khơ Mú luôn thể hiện sức vươn lên trong cuộc sống: “Nội dung bắt nguồn từ cuộc sống, mong muốn của người khơ mú thông qua các điệu dân vũ phần lớn là mong muốn con người luôn luôn được khỏe mạnh, họ cầu cho  mùa màng bộ thu, cầu cho mưa thuận gió hòa. Không khí vui tươi nhất là họ vui được mùa, họ cầu mưa thuận gió hòa, họ được ăn bát cơm mới, gặt hái được mùa màng bội thu, họ vui tươi, phấn khởi , họ hòa đồng nhau trong một quần thể. Qua điệu múa đó cũng đều miêu tả sự cố gắng nỗ lực của người dân khi vượt qua mọi khó khăn để tồn tại phát triển cùng cộng đồng.”

Cũng do múa khó nên có một thực là múa dân gian của dân tộc Khơ Mú đang có nguy cơ mai một. Những người múa giỏi ngày càng già đi và những người trẻ học múa dân gian thì không nhiều. Nhưng cũng có tín hiệu đáng mừng ở  huyện Điện Biên hiện nay có  bản Kéo, bản Công và bản Ten - ba bản tập trung đông người Khơ Mú sinh sống -đã thành lập một đội văn nghệ chuyên thể hiện những bài múa dân gian đặc sắc.

Đội văn nghệ thường tổ chức giao lưu với các dân tộc khác ở trong xã. Ngoài những đêm biểu diễn văn nghệ quần chúng còn biểu diễn thành từng đêm riêng, thu hút nhiều người đến thưởng thức. Những người chị Minh Châu hay chị Nên đều mong muốn lớp trẻ sẽ đón nhận và bảo tồn để các điệu múa của dân tộc Khơ Mú được sống mãi với thời gian.
Minh Thúy (sưu tầm)

Share with your friends