Nhạc cụ của dân tộc Giẻ Triêng (nhóm triêng) tại tỉnh Kon Tum (Đàm Thị Lượng) - Mc tiệc cưới, học làm mc đám cưới, video đám cưới hay nhất

Tuesday, July 12, 2016

Nhạc cụ của dân tộc Giẻ Triêng (nhóm triêng) tại tỉnh Kon Tum (Đàm Thị Lượng)

Người Giẻ-Triêng còn có các tên gọi khác: Đgiéh, Ta reh, Giảng rây, Pin, Triêng, Treng, Ta liêng, Ve, La-Ve, Bnoong, Ca yang. Truyền thống âm nhạc của người Triêng khá đa dạng, thông qua các làn điệu dân ca như: Dư chầu (hát ru), Tam prai (hát trong khi dệt vải), Nêng rẹt (hát trong đám cưới). Do đó, các nhạc cụ của người Triêng cũng rất độc đáo và giàu có. Để giúp các bạn hiểu hơn về đời sống âm nhạc của các dân tộc ít người tại tỉnh Kon Tum.

Nhạc cụ của người Triêng khá đa dạng, gồm có nhạc cụ màng rung (trống H’gơr, pa thân), nhạc cụ hơi (gor, đơl đô, ta lun, ta lin, brưl, ta lẹh, đinh tút, khèn, ka jol), nhạc cụ tự thân vang (chiêng, lột, rinh) và nhạc cụ dây (m’bin, m’bin puil, ong eng).

H’gơr là một cặp trống khá lớn. Thân trống được làm từ một khúc gỗ liền có chiều dài 101cm, ở giữa phình to và thuôn nhỏ về hai đầu. Mặt lớn được bưng bằng da bò, có đường kính là 33cm; mặt nhỏ được bưng bằng da sơn dương, có đường kính là 30cm. Dọc theo tang trống, người ta sử dụng dây mây để giữ căng hai mặt da của trống. Trước khi chơi, người ta hơ mặt trống vào lửa để điều chỉnh cao độ của 2 mặt trống. Hai mặt của một trống thường được chỉnh âm cách nhau khoảng một quãng 5 và hai trống đó có cao độ khác nhau khoảng một quãng 2. Cụ thể cao độ của hai trống sau khi đã chỉnh âm là: C – G và D – A (cao độ này có thể hơi non hoặc hơi già một chút, bởi vì khi vừa hơ lửa thì mặt trống căng lên và để càng lâu thì mặt trống càng trùng đi). Như vậy, người Triêng đã không chỉ sử dụng trống đơn giản như một nhạc cụ đệm tiết tấu mà họ còn quan tâm đến cao độ của nhạc cụ này. Dùi trống được làm bằng gỗ, đầu gõ có bọc vải để tạo cho âm sắc ấm hơn, chiều dài của dùi trống là 45cm.

Khi diễn tấu, trống được treo trên xà nhà rông. Mỗi người sử dụng một trống, một tay giữ, một tay dùng dùi gõ. Âm thanh của h’gơr rất mạnh mẽ, có khả năng vang vọng khắp núi rừng. H’gơr là nhạc cụ kiêng kỵ, chỉ được sử dụng khi có lễ hội, do nam giới sử dụng và không bao giờ mang ra khỏi nhà rông.

Pa thân là loại trống hai mặt làm bằng da bò, có đường kính 23cm. Tang trống được làm bằng một khúc gỗ liền dài 65cm, ở giữa phình to và thuôn nhỏ về phía hai đầu. Dọc theo tang trống, người ta sử dụng dây mây để giữ căng hai mặt da của trống. Khi diễn tấu, trống đươc đặt ngang trước bụng ở dưới rốn, có dây đeo qua gáy và dùng hai bàn tay để vỗ vào hai mặt trống. Pa thân là nhạc cụ dùng cho nam giới và thường được dùng để hòa tấu với dàn chiêng, để đệm cho múa trong các dịp vui của cộng đồng.

Gor là nhạc cụ hơi, chi lưỡi gà rung tự do. Gor được làm bằng một ống nứa nhỏ có đường kính lòng ống là 1,2cm, có chiều dài là 96cm, một đầu rỗng, một đầu rỗng, một đầu có mấu. Ở đầu có mấu, người ta khoét một lỗ thổi hình chữ nhật và có gắn lưỡi gà làm bằng tre. Trên thân sáo chỉ có một lỗ bấm nằm cách đuôi sáo 20cm. Nhạc cụ này dành cho nam giới sử dụng độc tấu trong sinh hoạt hàng ngày.

Đơl đô là loại sáo thổi ngang, chi lỗ vòm. Sáo được chế tác từ một ống nứa dài khoảng 90cm, hai đầu rỗng và chỉ có một lỗ thổi nằm ở giữa thân sáo. Khi diễn tấu, người thổi điều khiển âm thanh bằng cách dùng lòng bàn tay phải bịt mở ở một đầu ống để tạo ra những cao độ khác nhau. Nhạc cụ này dành cho nam giới sử dụng độc tấu trong sinh hoạt hàng ngày.

Ta lun là loại sáo thổi dọc, chi lỗ vòm. Sáo được chế tác từ một ống nứa dài 64cm, một đầu có mấu, một đầu rỗng. Trên thân sáo có 3 lỗ bấm tạo cao độ. Thang âm của ta lun: c1 (non) – d1 – es1 – f1 – g1 – c2. Ta lun là nhạc cụ dành cho nam giới sử dụng. Nó có thể được dùng để độc tấu, hòa tấu hoặc đệm cho hát.

Ta lin là loại sáo thổi dọc, chi lỗ vòm. Sáo được chế tác từ một ống nứa dài 26cm, một đầu có mấu, một đầu rỗng. Trên thân sáo có 4 lỗ bấm tạo cao độ. Thang âm của ta lun: d2 (non) – f2 – g2 – h2(non) – des3. Ta lun là nhạc cụ dành cho nam giới sử dụng. Nó có thể được dùng ddeeer độc tấu, hòa tấu hoặc đệm cho hát.

Ta lẹh là loại sáo thổi ngang và chỉ có một lỗ thổi nằm ở giữa thân sáo. Ta lẹh được chế tác từ một ống nứa dài khoảng 70cm, hai đầu đều rỗng. Khi diễn tấu, người thổi điều khiển âm thanh ở một đầu bằng cách dùng lòng bàn tay phải bịt mở đầu ống để tạo những cao độ khác nhau. Ta lẹh là nhạc cụ dành cho nam giới sử dụng, dùng để độc tấu, đệm cho hát trong sinh hoạt hàng ngày hoặc trong những ngày lễ, ngày vui của gia đình cộng đồng.

Đinh tút là nhạc cụ hời thổi gồm 6 ống nứa dài ngắn khác nhau, mỗi ống cho một cao độ. Chiều dài các ống từ 60 – 105cm, đường kính khoảng 3cm. Các ống đinh tút có cấu tạo khá đơn giản, một đầu rỗng để thổi và một đầu có mấu kín. Đầu thổi được khoét vát hai bên tạo thành hình bán nguyệt để khi diễn tấu môi dưới của người thổi ôm khít vào một bên miệng ống. Để chơi đinh tút cần phải có 6 người, mỗi người thổi một ống. Đinh tút là nhạc cụ dành cho nam giới sử dụng.

Khêl là nhạc cụ hơi thổi, chi lưỡi gà rung tự do (nhạc cụ này có cấu tạo tương tự như khèn bè của người Thái). Nhạc cụ này gồm 14 ống nứa tép ghép thành hai hàng song song. Các cặp ống song song có chiều dài bằng nhau. ở các đoạn ống nứa nằm phía trong của bầu thổi có gắn một lưỡi gà bằng đồng. Lỗ bấm tạo âm thanh được khét gần chỗ bầu thổi, sao cho phù hợp với vị trí ngón tay của người diễn tấu. Sau khi xuyên qua các ống qua bầu thổi bằng gỗ, người ta lấy sáp ong đen miết kín các kẽ hở. Khi diễn tấu, mỗi bàn tay ôm vào một bên hàng ống, hai ngón cái của hai tay đảm nhiệm lỗ bấm của hai ống dài nhất, ngón tay tiếp theo ống ngắn hơn và ngón út ống ngắn nhất. Khêl là loại nhạc cụ đa thanh, âm vực hơn một quãng 8, kỹ thuật diễn tấu linh hoạt. Khêl  là nhạc cụ dành cho nam giới sư rdungj. Nó được dùng để độc tấu, hòa tấu và đệm cho hát.

Ka jơl là nhạc khí hơi thổi, chi lưỡi gà rung tự do. Ka jơi được làm bằng sừng sơn dương có chiều dài khoảng 15m, một đầu hở. Lưỡi gà được làm bằng tre và gắn ở vị trí ¼ về phía đầu nhỏ của chiếc sừng. Khi trình diễn, người ta đặt ka jơi ngang miệng và ngậm vào nơi đặt lưỡi gà, tay trái giữ sáo, tay phải vỗ nhẹ vào miệng sừng tạo ra những âm thanh có cao độ khác nhau. Đặc điểm của ka jơi là âm thanh chỉ được phát ra khi hít hơi vào. Ka jơl là một loại nhạc khí mang tính chất truyền tin. Khi đi săn thú rừng, người Triêng vừa thổi ka jơi vừa chạy từ rừng về làng báo tin. Tiếng ka jơi vang vọng gọi cả làng đi đón thú rừng.

Dàn chiêng gồm có 3 chiếc chiêng bằng (không núm), làm bằng đồng. Pặp (chiêng bố) là chiếc chiêng to nhất có đường kính 49cm, thành cao 8,5cm;  (chiêng mẹ) có đường kính 35cm, thành cao 5,5cm;Kon (chiêng con) là chiếc chiêng nhỏ nhất có đường kính 28,5cm, thành cao 4cm. Thang âm của dàn chiêng: C (non) – H – ges1 (non). Trong lễ hội, dàn chiêng thường đi trước đội soang (múa), khi đi vòng quanh cây nêu.

Rinh là nhạc cụ gõ bằng nứa. Rinh được chế tác từ một ống nứa, một đầu có mấu kín, một đầu hở, có chiều dài khoảng 65cm. Sau đó người ta gọt vát từ khoảng giữa của ống về phía đầu hở để điều chỉnh âm thanh, sao cho cao độ của thành ống bằng cao độ của phần ống hơi còn lại để tạo cho âm thanh vang xa. Khi hòa tấu cùng với dàn chiêng trên, cao độ của rinh là nốt e1.

Ong eng là nhạc cụ dây, chi cung kéo. Về hình thức ong eng cáu tạo tương tự như đàn nhị của người Kinh nhưng chỉ có một dây bằng sắt. Cần đàn là một đoạn tre nhỏ có đường kính khoảng 2,5cm, dài 97cm. Hộp cộng hưởng được làm từ một ống tre dài 12cm, đường kính khoảng 8cm, mặt đàn bịt bằng da ếch, Cần kéo đơn giản là một thanh tre vót mỏng. Khi diễn tấu, người chơi ong eng ngồi bệt dưới đất, dùng ngón cái và ngón trỏ bàn chân phải kẹp vào phía sau của hộp cộng hưởng để giữ hộp đàn, tay phải kéo, tay trái vừa giữ đàn vừa vuốt vào dây đàn để điều chỉnh cao độ. Ong eng có thể được dùng để độc tấu, hòa tấu cùng với đang M’bin puil hoặc đệm cho hát.

M’bin là nhạc cụ dây gẩy. Nhạc cụ này có hai dây sắt được lên dây cách nhau một quãng 5 (c1 – g1). Hộp cộng hưởng của m’bin hình chữ nhật được khoét rỗng từ một khúc gỗ, chiều dài 28cm, rộng 16cm. Mặt đàn được ghép bởi một miếng gỗ mỏng khác, mặt sau hộp cộng hưởng có khoét lỗ để thoát âm. Cần đàn m’bin cũng làm bằng gỗ, dài 44cm. Đây là nhạc cụ dành cho nam giới sử dụng, dùng để hòa tấu với các nhạc cụ khác hoặc đệm cho hát, múa.

M’bin puil là nhạc cụ dây, chi gẩy. Nhạc cụ có hai dây bằng sắt, lên dây cách nhau một quãng 5 (e1 – h1). Ở phía dưới của dây lên nốt h1 có gắn thêm 2 phím bấm để tạo thêm 2 cao độ là: d2 (già) và e2 (non). Thân đàn là một ống tre nhỏ dài 70cm. Hộp cộng hưởng được làm từ vỏ của một quả bầu khô (puil) cắt bỏ đi phần nậm, sau đó họ buộc phần đáy của quả bầu vào thân đàn. Khi diễn tấu, phần miệng quả bầu được úp vào bụng của người chơi và với động tác khép mở miệng quả bầu vào thành bụng để tạo ra những sắc thái khác nhau. Ngón trỏ tay pải dùng để gảy đàn, tay trái vừa giữ cần đàn vừa bấm phím. M’bin puil là nhạc cục dành cho nam giới sử dụng, dùng để hòa tấu cùng các nhạc cụ khác hoặc đệm cho hát, múa.
Đàm Thị Lượng (sưu tầm)

Share with your friends