Phục dựng lễ hội mừng nhà Rông mới của người Giẻ Triêng (Nông Bằng Khen) - Mc tiệc cưới, học làm mc đám cưới, video đám cưới hay nhất

Tuesday, July 12, 2016

Phục dựng lễ hội mừng nhà Rông mới của người Giẻ Triêng (Nông Bằng Khen)

Những nét văn hoá đặc sắc với tục đâm trâu Lễ hội mừng nhà Rông mới (Hnia klơh krôông) của người Giẻ Triêng được trình diễn nguyên vẹn tại Làng Văn hoá – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), sáng ngày 27/8.
Các nghệ nhân dân tộc Giẻ Triêng làng Đăk Gô (xã Đăk Kroong, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum) đã truyền hơi thở nồng nàn của Đại ngàn Tây Nguyên trong từng điệu múa, nhịp chiêng, làm bừng lên một không gian văn hoá của dân tộc mình ngay giữa lòng Thủ Đô.
Đặc sắc văn hoá dân tộc Giẻ Triêng

Từ xưa, người Giẻ Triêng có tục du canh du cư, mỗi vùng đất chỉ ở từ 5 đến 7 mùa rẫy. Mỗi khi chọn đất lập làng, sau khi đã tế trời đất và cúng Giàng, việc đầu tiên người Giẻ Triêng làm là dựng nhà Rông. Nhà Rông là nơi hội họp sinh hoạt cộng đồng, giải quyết mọi vấn đề của cộng đồng. Sau khi dựng xong nhà Rông, tất cả cộng đồng người Giẻ Triêng lại cùng nhau chung tay góp sức dựng nhà cho mọi người. Việc làm này thể hiện tinh thần cộng đồng nhưng cũng là cách để những người nghèo nhất cũng có được mái nhà để nương thân.
Khi toàn bộ khu làng đã được dựng xong (khoảng từ 20 đến 25 nóc nhà) thì cộng đồng người Giẻ Triêng mới tổ chức lễ hội mừng nhà Rông mới (Hnia klơh krôông). Già làng sẽ phân công công việc cho tất cả mọi người, để ai cũng có thể được góp công, góp của cho lễ hội quan trọng của cộng đồng.
Trong nghi lễ mừng nhà Rông mới bắt buộc phải thực hiện nghi thức đâm trâu. Con trâu là con vật thường được coi là linh vật của người Giẻ Triêng. Con trâu sau khi tắm rửa sạch, được cột vào cây nêu từ buổi chiều hôm trước. Đêm hôm đó, bà con đánh cồng chiêng, múa hát uống rượu và thức cùng trâu, thường gọi là đêm “khóc trâu”. Cũng giống với dân tộc Brâu, Ê Đê… đêm “khóc trâu” của người Giẻ Triêng cũng là đêm dân làng khóc để tiễn biệt con trâu được dùng làm vật tế thần. Họ hát cảm ơn con trâu và cầu xin trâu giúp đỡ họ mang tới Giàng và các đấng thần linh những lời cầu khấn, những ước mơ, hy vọng của mình. Họ đâm trâu mừng nhà Rông mới và cũng là để cầu xin cho lúa trĩu bông, bắp trĩu hạt, cho mùa màng bội thu và cho cuộc sống thêm no đủ.
Người Giẻ Triêng mừng nhà Rông mới
Bàn tay đảm đang của người phụ nữ Giẻ Triêng giờ lại nhịp nhàng trong điệu múa xoang với những điệu “Chào khách”, gieo hạt, tỉa lúa, làm cỏ lúa cho đến xua đuổi sâu bọ… tất cả hoạt động trong lao động sản xuất hay sinh hoạt hàng ngày đã được người Giẻ Triêng cách điệu và tái hiện một cách sinh động trong những điệu múa mượt mà. Bên cạnh đó, trong Lễ hội mừng nhà Rông mới (Hnia k lowh kroong), đồng bào dân tộc Giẻ Triêng còn trình diễn Chiêng goong với bài chiêng “Mừng lúa mới”, “Mừng nước về làng”…
Trong lễ đâm trâu mừng nhà Rông mới lần này, khách mời là các nghệ nhân người Xơ Đăng làng Đăk Rô Gia, xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum. Trước khi vào lễ, các thành viên trong đội cồng chiêng, đội múa (xoang) đều khoác trên mình những bộ trang phục đẹp nhất đứng vòng tròn xung quanh cây nêu. Sau khi già làng đọc lời khấn Giàng và các vị thần linh, hai chàng trai đến đóng lên sừng trâu những tua hoa nhiều màu sắc, với ý nghĩa trâu đã trở thành vật thiêng. Các nghi thức được thực hiện trong khoảng 15 phút với sự thành kính. Khấn xong, già làng cất tiếng hú vang, chiêng trống nổi lên sôi động, vòng xoang của phụ nữ, thanh niên chuyển dịch theo chiều ngược kim đồng hồ. Già làng đưa ngọn mác do người phụ lễ chuyển đến, tiến vào đâm nhát đầu tiên. Tiếng cồng chiêng, nhịp điệu vòng xoang và những tiếng hú tạo không khí sôi động, hào hứng… Kết thúc phần lễ, trai làng xẻ thịt trâu chia đều cho các bếp trong làng. Mọi người cùng nhau lên nhà Rông “uống rượu đoàn kết” và đánh cồng chiêng nhảy múa vui vẻ.

 Nông Bằng Khen (sưu tầm)

Share with your friends