Già làng K’De bên các món lễ vật cúng thần núi.
Khi ché rượu cần đã làm mềm môi, ngọt giọng, già làng K’De (91 tuổi) bắt đầu câu chuyện về văn hóa làng bản người Mạ. Hàng năm, vào đầu tháng 1 người Mạ bắt đầu đón tết Yang Bơnơm (tết cúng thần núi). Lúc ấy, ai cũng mừng rơn, tất bật chuẩn bị cho cái tết lớn nhất trong năm của dân tộc mình.
* Khôi phục giá trị văn hóa
Màn đêm buông xuống, sau những giờ làm việc nhọc nhằn trên nương rẫy, người Mạ lại đua nhau tập hát, nhảy múa, đánh cồng chiêng. Tiếng cồng, tiếng chiêng cất lên rộn rã được xem như là báu vật, là máu thịt của người Mạ. Bởi sự tôn quý này, người Mạ chỉ dùng cồng, chiêng trong các dịp lễ trọng đại, như: tết cúng thần núi, thần nương rẫy, thần sông, mừng lúa mới… “Đó là ngày hội lớn, đã có từ xa xưa của dân tộc tôi. Nhưng do chiến tranh, kinh tế khó khăn, nên bị lãng quên trong một thời gian dài. Đến khi Nhà văn hóa người Mạ được Đảng, Nhà nước quan tâm xây dựng, khoảng năm 2008 tập tục này đã trở lại và duy trì đều đặn hàng năm. Những người già như chúng tôi sẽ cố gắng giúp từng người Mạ giữ gìn bản sắc văn hóa của mình” - già làng K’De tự hào cho biết.
Sự nô nức, rộn ràng thể hiện rõ trên khuôn mặt của từng người, từ người già, trẻ nhỏ đến các đôi nam nữ. Các chàng trai Mạ trẻ trung, khỏe khoắn, còn các cô gái miệng cười tươi như hoa, khoác lên mình những bộ váy áo hoa văn ánh màu tươi trẻ, nhộn nhịp kéo về hội chào đón năm mới của dân tộc mình. Họ say sưa trong tiếng trống hòa cùng làn điệu cồng, chiêng thanh trong và nhảy múa bên đống lửa cháy bập bùng.
Cầm trên tay món lễ vật bằng tre, già K’De chia sẻ: “Trước tết Yang Bơnơm, toàn thể dân trong làng đều phải chuẩn bị ròng rã một tháng. Lễ vật cúng gồm có cây nêu cao 7-10m làm bằng tre mô phỏng hình tượng con chim, luôn phát ra âm thanh để xua đuổi muông thú, không cho về phá hại mùa màng, hoa màu…; hai cái chĩa đầu mũi có 4-5 nhánh tre nhỏ dùng để đào đất bỏ cây giống. Ngoài ra, trong mâm lễ cúng thần núi còn có rượu cần, lúa gạo, khoai, bắp, các loại rau củ quả trồng trên rẫy”.
Theo chu kỳ 4 năm/lần, năm đầu cúng trâu tế thần, năm thứ 2 cúng dê, năm thứ 3 cúng heo và năm cuối có thể thiếu những con vật trên. Đặc biệt, trong lễ vật cúng thần bắt buộc phải có thêm 2 con gà, 2 con vịt. Sau khi giết vật lễ xong, người thầy cúng, hoặc già làng lấy máu rải theo hướng thần cần cúng.
Tất cả người Mạ cùng tập trung tại nhà văn hóa làng, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt; cầu cho bà con trong làng khỏe mạnh, ai cũng đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau. Trong nghi thức cúng tế, già làng và những người uy tín trong làng cùng thành tâm cầu khấn. Sau đó, dân làng mở tiệc ăn mừng. Nếu những ai không kịp đến dự, lễ vật sau khi cúng sẽ được chia phần đều đem về cho từng gia đình.
“Một năm đã qua với bao vất vả, nhưng người Mạ vẫn sống hài hòa với thiên nhiên. Ai cũng rắn rỏi như ẩn chứa sức mạnh của thần núi, sự phóng khoáng của thần sông. Ngày xưa, lễ vật cúng thần đều do người dân trong làng tự đóng góp, ai có gì dâng nấy, bây giờ mọi người góp tiền rồi đi mua. Nhưng chúng tôi vẫn cố gắng lưu giữ tục lễ của dân tộc mình để thế hệ trẻ biết rõ nguồn cội của ông cha” - già làng K’De tâm sự.
* “Thay da đổi thịt”
Đã gần 100 tuổi, nhưng bà Ka Brĩ vẫn đủ minh mẫn khi nói về sự hiện diện của người Mạ ở khu vực này. Theo bà Ka Brĩ, người Mạ có 4 nhánh nhỏ là: Mạ gốc, Thanh Tùng, Cao Cang và Tà Lài. Họ sống ở 2 huyện Tân Phú và Định Quán, nhưng đa phần là ở thị trấn Định Quán.
Hướng ánh mắt về dãy núi trước mặt, bà Ka Brĩ cho biết: “KP.Hiệp Nghĩa giờ có gần 100% người Mạ sinh sống. Hồi trước, bà con sống tập trung chủ yếu ở khu vực đá Ba Chồng, nhưng từ năm 1960 người dân đã về đây sinh sống rồi. Được Đảng, Nhà nước quan tâm, đồng bào đã sống định canh, định cư, chăm lo phát triển kinh tế, nên cái đói, cái nghèo dần được đẩy lùi, đời sống ngày một no ấm hơn, tình đoàn kết trong làng càng khăng khít, bền chặt”.
Những người Mạ trẻ giờ đã học hành đến nơi đến chốn, ai cũng tìm việc, kiếm thu nhập ổn định tại các công ty, xí nghiệp... Một số người còn trở thành thanh niên ưu tú, niềm tự hào của dân tộc mình. Trong đó, có thầy giáo K’Dinh (31 tuổi) đã có 8 năm đứng lớp ở một ngôi trường cấp 2 của huyện Định Quán. Tuổi trẻ tràn đầy lòng nhiệt huyết đã giúp K’Dinh lấy được sự tin yêu của mọi người trong làng.Con đường nhựa quanh co dẫn vào khu phố người Mạ, hai bên đường có nhiều ngôi nhà được xây dựng khang trang, vững chãi. Bà Ka Bri đã bước qua 95 mùa rẫy thốt lên rằng: “Mới ngày nào, cái nghèo đói cứ bám dai dẳng, nay cái nghèo khó ấy đã dần bị đẩy lùi, nhiều nhà đã có của ăn, của để, có ti vi, xe máy. Ngày trước không có tiền, người dân ít hiểu biết, hễ bệnh tật lại mời thầy về cúng, nên bệnh càng nặng thêm. Còn bây giờ, đã có cán bộ y tế ở xã, bệnh viện lớn ở huyện, nên bà con ai cũng yên tâm, khỏe mạnh”.
“Nhờ các già làng luôn truyền dạy và động viên nên thế hệ trẻ tụi mình hiểu rõ hơn giá trị văn hóa của dân tộc. Ngoài công việc ở trường, mình vẫn cùng cha là già làng K’De chuẩn bị các vật lễ, đồ cúng mỗi khi có hội họp. Mọi người đều tập trung ở nhà văn hóa để tham gia góp ý, lắng nghe các chủ trương của Đảng và Nhà nước. Người Mạ giờ đã đổi thay, làng xóm ổn định và phát triển” - thầy giáo K’Dinh cho hay.
Trang Hạ (sưu tầm)