Chính sách Nam Tiến của Đại Việt làm cho Champa mất dần các tiểu vương quốc Indrapura (Quảng Bình, Quảng Trị), Amaravati (Quảng Nam, Huế) và nhất là sự thất thủ Vijaya (Bình Định) vào năm 1471. Mặc dù 3 khu vực này đã rơi vào tay của Đại Việt, nhưng Champa vẫn còn giữ được chủ quyền tại tiểu vương quốc Panduranga (Phú Yên, Nha Trang, Phan Rang, Phan Thiết) cho đến năm 1832 Minh Mạng quyết định xóa bỏ vương quốc này trên bản đồ Đông Dương.
Năm 1771, phong trào Tây Sơn do ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ khởi xướng, kêu gọi dân chúng đứng lên chống lại chúa Nguyễn. Trước sự vùng dậy này, chúa Nguyễn phải tháo chạy rút về vùng Gia Định để tổ chức kháng cự nhằm giành lại ngôi báo. Chiến tranh giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh đã đưa lãnh thổ Panduranga-Champa (tức là trấn Thuận Thành) vào giữa hai gọng kìm và lôi cuốn nhân dân Champa vào cuộc chiến giữa hai đối thủ Việt Nam.
Lãnh thổ Panduranga-Champa tỏa lạc ngay trên địa đầu khu vực quân sự, mà Tây Sơn lẫn Nguyễn Ánh đều muốn làm chủ lãnh thổ Panduranga để làm nơi trú quân hoặc nơi ngăn chặn các cuộc tấn công của phe địch. Trong suốt cuộc nội chiến tương tàn giữa hai thế lực thù địch giữa người Việt với nhau, vương quốc Panduranga-Champa trở thành bãi chiến trường đẫm máu để hai bên tranh giành quyền lực. Vì chiến tranh luôn luôn xảy ra trên lãnh thổ của mình, các vương quyền Panduranga-Champa khó mà giữ tư thế trung lập chính trị được. Một khi bị quân Nguyễn Ánh xâm chiếm, Panduranga bắt buộc phải theo Nguyễn Ánh, đến lúc bị phe Tây Sơn xâm chiếm, Panduranga bị trả thù vì đã hợp tác với đối phương nhà Nguyễn. Chiến tranh giành quyền lực này đã ảnh hưởng rất nhiều đến sự thống nhất chính trị của người dân Panduranga. Sự chia rẽ đến cao độ, khi nhà Tây Sơn và chúa Nguyễn, bên nào cũng muốn đưa thân tín của mình để cai trị vương quốc nhỏ bé này. Từ đó, quy chế độc lập của Panduranga trở thành một vấn đề rất là mỏng manh, nó hoàn toàn lệ thuộc vào kết quả của chiến tranh giữa Tây Sơn và chúa Nguyễn.
Sau khi đánh bật quân Tây Sơn ra khỏi Panduranga vào năm 1793, Nguyễn Ánh phong cho Po Ladhunpaghuh (Nguyễn Văn Thừa) chức Chưởng Cơ để cai trị Panduranga. Đồng thời Nguyễn Ánh khuyến khích người Việt di dân vào Panduranga lập nghiệp.
Po Ladhunpaghuh bị bệnh nặng và chết vào tháng 10 âm lịch, năm 1799. Phó vương Po Saong Nhung Ceng mà sử sách Việt gọi Nguyễn Văn Chấn lên nối quyền. Đó là một người từ lâu chủ trương liên minh với Nguyễn Ánh, đã từng chỉ huy cuộc chiến chống lại Tây Sơn, đến năm 1794 được phong làm phó vương Panduranga (trấn Thuận Thành).
Sau khi thống nhất nước vào năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi xưng hiệu là Gia Long. Nhà vua bắt đầu cải tổ lại cơ cấu tổ chức hành chánh của mình bằng cách cố tránh những vụ xung đột tương tàn Nam-Bắc có thể xảy ra. Muốn được như vậy, Gia Long chia lãnh thổ Việt Nam ra làm bốn vùng : Miền Bắc, gọi là Bắc Thành gồm 13 trấn đặt dưới quyền cai trị của Lê Văn Thiềng, một người rất thân cận với vua Gia Long. Miền Nam, gọi là Gia Định Thành gồm 6 trấn đặt dưới quyền lãnh đạo của Lê Văn Duyệt, một chiến sĩ lừng danh trong cuộc chiến chống Tây Sơn. Lãnh thổ miền Trung, còn gọi là Phú Xuân do triều đình nhà Nguyễn trực tiếp quản lý. Còn lãnh thổ Panduranga, từ vịnh Cam Ranh đến Bình Tuy và Đồng Nai Thượng (Đà Lạt, Lâm Đồng) được trao quyền cai trị cho một người bạn cùng chiến đấu chung, thuộc hoàng tộc Panduranga-Champa đó là Po Saong Nhung Ceng.
Sở dĩ có sự phân định lãnh thổ này là vì Gia Long muốn thăng thưởng cho những người đã cùng ông tham gia cuộc chiến chống Tây Sơn, vào những chức vụ rất quan trọng trong tân nội các. Đặc biệt nhà vua ban cho vùng đất Panduranga một quy chế độc lập đặt dưới quyền bảo hộ của triều đình Huế. Vì thế, vua Gia Long dành cho Po Saong Nhung Ceng quyền tuyệt đối với người dân Panduranga, ngoại trừ dân cư gốc Việt ở phủ Bình Thuận (tập trung các làng người Việt nằm trong lãnh thổ của Panduranga-Champa thời đó) được quản trị trực tiếp bởi quan trấn của phủ Bình Thuận này. Ông cũng để cho Po Saong Nhung Ceng được quyền tổ chức chính trị, hành chánh, quân đội riêng để gìn giữ an ninh và dẹp loạn, nhưng không được chống lại triều đình Huế.
Lòng trung thành tuyệt đối của Po Saong Nhung Ceng đối với Gia Long và tình bằng hữu với Lê Văn Duyệt, một đồng chí chống Tây Sơn chắc như keo sơn. Được hưởng sự bảo hộ của triều đình Huế và Tổng trấn Gia Định Thành, Po Saong Nhung Ceng canh tân đất nước, khôi phục lại kinh tế, cải tổ hành chánh, thay đổi nhân sự trong nội các để xóa mờ đi những nhân vật không cùng phe với mình trong thời kỳ chiến tranh 1771-1802.
Năm 1820, Gia Long băng hà tại Huế, hoàng tử Đạm lên ngôi xưng hiệu là Minh Mạng. Vừa mới lên ngôi, Minh Mạng tập trung mọi quyền lực trong tay và xóa bỏ quy chế Gia Định Thành và Bắc Thành. Đây là một quyết định chính trị hoàn toàn đi ngược lại với chủ trương của Gia Long. Minh Mạng bổ nhiệm Mai Văn Lương làm thủ trưởng phủ Bình Thuận ở Panduranga để thay thế Trương Văn Chánh, người mà triều đình Huế xem như quan thần rất gần gũi với Lê Văn Duyệt, một phó vương có uy quyền tuyệt đối ở Gia Định Thành và khu vực Pandurang-Champa thời đó. Đơn phương thay đổi nhân sự tại phủ Bình Thuận, không ngoài mục đích là Minh Mạng muốn cảnh cáo Lê Văn Duyệt rằng chính ông ta là người nắm trọn quyền hành trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Thế là cuộc xung đột giữa Minh Mạng và Lê Văn Duyệt bắt đầu bùng nổ, từ đó định mệnh sống còn của Pandurang-Champa hoàn toàn tùy thuộc vào kết quả của cuộc chiến giữa hai nhân vật Việt Nam này.
Sau khi cách chức thủ trưởng phủ Bình Thuận do ông Lê Văn Duyệt đưa lên, Minh Mạng tách phủ Bình Thuận ra khỏi Gia Định Thành để sát nhập vào lãnh thổ trực thuộc triều đình Huế vào năm 1822. Hành động quyết định phân chia lãnh thổ hành chánh chỉ nhắm vào mục tiêu để cô lập và hạ bệ Lê Văn Duyệt, người được dân chúng địa phương mến mộ như một vị vua.
Để chứng minh uy quyền của mình tại Panduranga (trấn Thuận Thành), vua Minh Mạng triệu phó vương Panduranga-Champa là Po Klan Thu (theo tài liệu Việt Nguyễn Văn Vĩnh) về Huế mà không cần cho biết lý do. Sự kiện này chưa hề xảy ra trong cuộc bang giao giữa triều đình Huế và Panduranga từ trước đến nay. Việc triệu tập này xảy ra vào lúc quốc vương Panduranga là Po Saong Nhung Ceng người bạn chiến đấu ngày xưa của Gia Long và Lê Văn Duyệt, đang hấp hối trên giường bệnh ở Phan Rí.
Mục tiêu chính mà Minh Mạng triệu tập Po Klan Thu vào Huế, đó là sau khi Po Saong Nhung Ceng từ trần, các chức sắc Panduranga sẽ không có dịp tấn phong Po Klan Thu lên làm quốc vương Champa được. Đây cũng là dịp để Minh Mạng hạ bệ uy tín của Lê Văn Duyệt, vì nếu để Lê Văn Duyệt ủng hộ sự tấn phong Po Klan Thu, uy thế của ông ta sẽ lên cao và càng bền chặt hơn đối với dân chúng ở Panduranga.
Po Saong Nhung Ceng từ trần vào năm 1822 ở kinh đô Canar (Tịnh Mỹ, Bình Thuận). Các quan chức tổ chức quốc tang Po Saong Nhung Ceng theo đúng nghi lễ của triều đinh Champa, nhưng không có sự hiện diện của Po Klan Thu, vì đang cầm chân tại Huế. Sau ngày quốc táng, Minh Mạng cử một người Chăm thân tín của ông ta tên là Bait Lan làm quốc vương Panduranga. Đây là một quyết định hoàn toàn đi ngược lại với quy chế chính trị Panduranga. Vì quyền nối ngôi do triều đinh Panduranga chỉ định chứ không phải là quyền quyết định của hoàng đế Minh Mạng.
Chính sách cô lập Po Klan Thu ra khỏi chính quyền Panduranga, một nhân vật mà dân chúng Panduranga vẫn xem như người kế vị chính thức của Po Saong Nhung Ceng. Sự nhìn nhận không chính thức này đã đánh dấu một bước ngoặc quan trọng trong lịch sử Panduranga, từ đó sự trung thành của người Chăm đối với triều đình Huế giảm dần. Trong bối cảnh chính trị rối loạn và phức tạp đó, tháng 8 năm 1822, một lực lượng cách mạng do Ja Lidong lãnh đạo vùng dậy chống lại Minh Mạng, yêu cầu triều đình Huế phải tôn trọng quyền tôn vương của Paduranga-Champa.
Trước tình thế nguy ngập này, Po Klan Thu vị phó trấn Panduranga bị cầm chân tại Huế yêu cầu Minh Mạng tái xét lại tình hình chính trị tại Panduranga. Vì không tìm được lối thoát, Minh Mạng chấp nhận cách chức Bait Lan để đưa Po Klan Thu làm quốc vương Panduranga. Sự nhượng bộ của Minh Mạng trước yêu sách của nhân dân Panduranga chỉ là một phương kế chiến thuật. Vì rằng trong thâm tâm, Minh Mạng luôn luôn nuôi dưỡng giấc mơ là làm thế nào phải dập tắt các phong trào chống đối ở khu vực Panduranga.
Sau ngày phong chức, Po Klan Thu trở lại kinh đô Canar, trong khi đó quân nổi dậy của Ja Lidong vẫn còn làm chủ khu vực Tánh Linh, một căn cứ quân sự trọng yếu. Tháng 2 năm 1823, chính quyền Panduranga với sự trợ giúp của quân người Việt ở phủ Bình Thuận ra lệnh xuất quân phản chiến chống lại nhóm Ja Lidong. Nhằm bảo vệ cho sự thanh bình ở Panduranga, Lê Văn Duyệt đứng ra can thiệp, sai ông Nguyễn Văn Châu làm trung gian để điều đình cuộc chiến này. Kết quả là Ja Lidong cùng 400 chiến sĩ cách mạng chấp nhận đầu hàng dưới uy quyền của Gia Định Thành. Sự thành công đó đã chứng minh rằng Lê Văn Duyệt thật sự là người có uy tín ở miền Nam, vì đã chinh phục được quân nổi loạn thời đó.
Sau cuộc nổi dậy của Ja Lidong, triều đình Panduranga quyết định xây dựng lại tất cả những đồn lũy mà quân Ja Lidong đã phá hủy, tái thiết lại hệ thống phòng thủ ở Tánh Linh thuộc phía Tây Nam Phan Thiết để phòng thủ an ninh cho kinh đô Canar. Thêm vào đó, dân chúng phải phục dịch vô cùng cực nhọc, đi tìm cho đủ số gỗ mà triều đình Huế đòi quốc vương Po Klan Thu phải triều cống như một thứ thuế định kỳ hàng năm. Tất cả những khó nhọc đó càng đưa dân chúng Panduranga vào con đường bất mãn và, kết tội quốc vương Po Klan Thu là người chỉ biết cuối đầu tuân lệnh triều đình Huế.
Sau 7 năm cầm quyền, quan lại người Việt ở phủ Bình Thuận loan tin rằng Po Klan Thu đã từ trần năm 1828. Tiếc rằng không có tư liệu nào chứng minh Po Klan Thu từ trần ở đâu ? Có phải ở Huế hay Panduranga ? Sau ngày từ trần này, cả vua Minh Mạng và phó vương Lê Văn Duyệt tìm cách đưa người thân cận của mình lên kế vị ở Panduranga. Thế là cuộc xung đột giữa Minh Mạng và Lê Văn Duyệt lại tiếp tục tái diễn.
Theo Lê Văn Duyệt, người nối ngôi ở Panduranga phải là hoàng tử Po Phaok The (tài liệu Việt là Nguyễn Văn Thừa), tức là con của vua Po Saong Nhung Ceng (từ trần vào năm 1822 ở Bal Canar, chứ không phải là vua chạy sang lánh nạn ở Campuchia như các học giả thường xác nhận). Yêu sách của Lê Văn Duyệt dành thiện cảm cho Po Saong Nhung Ceng, một người bạn đã từng liên minh với ông ta trong chiến trường chống lại quân Tây Sơn. Ngược lại hoàng đế Minh Mạng phản đối yêu sách của Lê Văn Duyệt về vấn đề nối ngôi này. Vì nếu để Lê Văn Duyệt tiến cử người thân tín của mình cai trị Panduranga, một việc chắc chắn sẽ làm cho triều đình Huế không còn ảnh hưởng về mặt chính trị gì tại vương quốc Panduranga nữa.
Trên thực tế, Lê Văn Duyệt là nhân vật kiểm soát mọi sinh hoạt chính trị ở miền Nam, trong đó có vương quốc Panduranga. Đôi lúc Panduranga trở thành một vương quốc hoàn toàn đặt dưới quyền giám hộ của Lê Văn Duyệt. Một khi được sự bảo trợ của Lê Văn Duyệt, triều đình Panduranga thời đó bắt đầu cắt đứt mọi sự liện hệ chính trị với triều đình Huế, và không còn tôn vinh uy quyền của hoàng đế Minh Mạng nữa.
Trong những năm đặt dưới quyền cai trị của Po Phaok The, sự liên hệ giữa dân chúng Panduranga và dân cư Việt thuộc phủ Bình Thuận bắt đầu đi vào một khúc quanh mới. Dựa vào thế lực của triều đình Huế, các cư dân Việt ở Panduranga tỏ ra thái độ rất hách dịch đối với các tu sĩ Chăm, mà nhân dân Panduranga luôn luôn kính trọng và xem các tu sĩ này là những nhân vật thiêng liêng trong tổ chức tôn giáo của họ. Ngoài ra, triều đình Huế còn áp dụng một chính sách mang màu sắc chính trị nhằm đồng hóa dân tộc Champa. Hoàng đế Minh Mạng ra lệnh cho nhân dân Panduranga-Champa phải mặc Việt phục, thờ cúng tổ tiên theo lễ nghi của phật giáo Việt Nam. Trước sức mạnh của triều đình Huế, quốc vương Panduranga chỉ biết cuối đầu tuân lệnh mà Minh Mạng đã ban hành. Đây là một biến cố quan trọng đã làm sụp đổ hoàn toàn cơ cấu tổ chức xã hội, tôn giáo của dân tộc Champa thời đó. Chính vì thế một số tài liệu Chăm lên án kịch liệt thái độ đầu hàng của Po Phaok The.
Năm 1832 Lê Văn Duyệt từ trần ở Gia Định Thành. Nhân dịp này, hoàng đế Minh Mạng tìm mọi cách kiểm soát Panduranga-Champa và Gia Định Thành. Nhằm thoát khỏi ách thống trị của Minh Mạng, con nuôi của Lê Văn Duyệt là Lê Văn Khôi vùng dậy chống lại triều đình Huế vào năm 1833. Hai năm sau, phong trào Lê Văn Khôi bị dập tắt trong máu lửa. Những người theo phe Lê Văn Khôi bị bắt đem về Huế xử trảm, trong đó có một số vị lãnh đạo Chăm.
Sau khi dẹp xong phong trào Lê Văn Khôi, Minh Mạng áp dụng kỷ luật sắt để cai trị và trải rộng uy quyền trên khắp lãnh thổ Việt Nam. Những hình phạt mà vua Minh Mạng dành cho những viên chức cũ của Gia Định Thành rất dã man, nhất là vụ đào mã Lê Văn Duyệt để trả thù. Tuy vậy, ít ai biết những gì đã xảy ra cho dân chúng, quan lại của Panduranga được Lê Văn Duyệt che chở hay theo Lê Văn Khôi. Triều đình Huế ra lệnh tịch thu tài sản họ, gông cùm, hành hạ, tra tấn để thỏa lòng hận thù của Minh Mạng đối với Lê Văn Duyệt. Minh Mạng còn áp dụng một cách triệt để chính sách Việt Nam hóa dân tộc Panduranga-Champa, ra lệnh tịch thu tất cả những tư liệu viết bằng tiếng Chăm liên quan đến cơ cấu tổ chức xã hội người Chăm, đặc biệt liên quan đến hai tôn giáo Chăm Ahier (tạm gọi là Bàlamôn giáo) và Chăm Awal (tức là Chăm Bani, ảnh hưởng Hồi giáo). Hoàng đế Minh Mạng còn hăm dọa buộc các vị chức sắc Chăm Bani phải ăn thịt heo, các vị chức sắc Bàlamôn ăn thịt bò. Ngoài việc đóng thuế rất nặng nề, nhân dân Champa còn bị bắt đi tạp dịch, đốn cây đế đóng tàu, làm xe bò cho các quan chức người Việt địa phương. Đó là một vài hình phạt điển hình mà Minh Mạng dành cho dân chúng Panduranga-Champa sau năm 1832.
Chính sách phân biệt đối xử quá tàn bạo của Minh Mạng đã châm ngòi cho sự vùng dậy của phong trào Katip Sumat (1833-1834) và mặt trận Ja Thak Wa (1834-1835) nhằm phục hồi lại vương quốc Panduranga-Champa. Để dẹp tan phong trào nổi dậy của nhân dân Champa, Minh Mạng áp dụng một chính sách cực kỳ tàn ác dựa trên khẩu hiệu "đất đai đỏ lửa", có nghĩa là đốt phá tất cả làng mạc người Chăm mà triều đình Huế cho rằng họ có liên hệ với phong trào Katip Sumat và mặt trận Ja Thak Wa. Ngoài ra triều đinh Huế ra lệnh cấm hẳn người Chăm không có quyền sống về ngư nghiệp và hàng hải nữa. Tất cả các thôn ấp người Chăm nằm dọc theo bờ biển từ vịnh Cam Ranh đến Bình Tuy, phải dời đi nơi khác để đưa người Việt về định cư.
Ngoài chính sách "đất đai đỏ lửa", vua Minh Mạng còn ra lệnh cấm người Chăm không có quyền hành đạo theo truyền thống của mình. Thế là nơi thờ phượng linh thiêng của người Chăm bị bỏ hoang không được chăm sóc. Một thí dụ điển hình, thôn Bumi thuộc tôn giáo Bani ở Bình Tuy mà người ta thường gọi Palei Bini Var Taok (làng Chăm Bani mất gốc vì không còn tu sĩ, thánh đường để cầu nguyện). Chính sách "đất đai đỏ lửa" mà Minh Mạng ra lệnh cho đoàn quân viễn chinh Việt Nam thẳng tay tàn sát, truy nã, tù đày dân tộc Champa không ngoài mục đích là trừng phạt dân tộc này, vì họ quá trung thành với Lê Văn Duyệt và Lê Văn Khôi. Cuối cùng ông ta quyết định xóa bỏ vương quốc Champa trên bản đồ Đông Dương vào năm 1832.
Gần suốt 10 thế kỷ, dân tộc Champa đã trải qua bao thăng trầm của lịch sử nhằm chống lại chính sách Nam Tiến của Việt Nam. Suốt 10 thế kỷ đấu tranh bằng xương máu, dân tộc Chăm hôm nay chỉ còn chưa đầy 100000 người sống rải rác ở hai khu vực Ninh Thuận và Bình Thuận. Cái nhìn của người Chăm về tương lai như con thuyền mất định hướng. Đó là một bài học lịch sử đáng đưa ra để suy ngẫm.
Dominique Nguyễn