Zơng gắn với cuộc sống lao động làm nương rẫy và đây cũng là nơi lưu giữ nhiều nét văn hóa độc đáo của người Cơ Tu ở vùng núi Quảng Nam. Theo tiếng Cơ Tu, zơng là nhà rẫy.
Tìm hiểu về lai lịch của zơng, một số người già Cơ Tu cho biết: Theo phong tục tập quán, xưa người Cơ Tu thường phát rẫy tận trong rừng già để canh tác và trồng các loại cây hoa màu như: Lúa, bắp, rau, đậu... Ngoài ra, họ còn làm bẫy để bắt thêm con thú rừng, săn bắn các loài chim, chuột, hái thêm các loại măng, đọt mây rừng... nhằm đảm bảo nguồn thức ăn quanh năm cho gia đình. Vì vậy, gia đình Cơ Tu nào cũng làm cho mình một zơng không những để trú mưa, trú nắng mà còn để bảo vệ nương rẫy không cho chim, chuột và các loài thú vào phá hoại, nhất là vào mùa lúa chín.
Từ khi phát rẫy, đốt rẫy rồi gieo trồng lúa, bắp và các loại hoa màu những đàn ông Cơ Tu thường ở lại zơng nhiều hơn ở nhà, chỉ đến khi thu hoạch xong, hoặc mỗi khi làng có lễ hội, vào dịp tết, gia đình có tang ma, đám cưới... thì họ mới rời zơng về nhà. Khi vào mùa giáp hạt thiếu ăn, đàn ông Cơ Tu thường rủ nhau lên zơng ngủ lại có khi cả tháng trời để đặt bẫy chim, thú, săn bắt, hái măng... để có thêm nguồn thực phẩm cho gia đình.
Zơng của đồng bào Cơ Tu có diện tích trung bình khoảng 8 - 10 m2, tùy thuộc vào địa hình mà sàn của zơng cao so với mặt đất khoảng 1 - 1,2m nhằm để phòng thú dữ và mưa lụt. Cũng như nhà ở truyền thống, zơng được làm bằng các nguyên vật liệu sẵn có của núi rừng như: Gỗ, tre, nứa, tranh, mây… khai thác từ rừng. Nhìn chung zơng gần giống như một nhà ở thu nhỏ. Trong zơng có nơi đựng lúa, có chỗ cất măng, rau củ quả từ rừng, có nơi để nghỉ ngơi, có bếp lửa, có bầu đựng nước, có chỗ dành đan lát, chế tác nhạc cụ và các công cụ lao động (rìu, rựa, cào cỏ, cuốc, ống đựng lúa giống, cây chọc lỗ trỉa hạt), có chỗ cất chiếc ná, tên, giáo mác để hộ thân và talét - một loại gùi dành riêng để đàn ông Cơ Tu đựng các loại vật dụng cần thiết.
Zơng của mỗi gia đình Cơ Tu thường cách nhau một con suối, ngọn đồi. Muốn đến zơng người khác chơi có khi mất hàng giờ đồng hồ đi bộ. Tuy cách xa như vậy, nhưng mọi vấn đề liên quan về làng, gia đình, họ đều thông tin cho nhau biết. Người Cơ Tu có tính cộng đồng rất cao, nên trong những ngày phát rẫy, đốt rẫy, gieo hạt đến khi thu hoạch, các gia đình thường hỗ trợ công giúp nhau cùng làm. Đặc biệt, những khi gặp khó khăn, hoạn nạn như đau ốm, tai nạn, hoặc thú dữ về phá rẫy, đồng bào Cơ Tu đều quan tâm, giúp đỡ nhau một cách chân tình như người trong một nhà.
Ngày xưa, các con trai và cháu trai luôn được ông nội, người cha dẫn vào zơng ở cùng. Ngày nay, ít thấy gia đình đồng bào Cơ Tu dẫn con của họ vào ở cùng trong zơng mà để chúng ở nhà đến trường học cái chữ. Vào những lúc rảnh rỗi, họ thường bày cho con cháu cách đặt bẫy chim, thú, săn bắt đến truyền nghề đan lát, cách làm tên ná, dạy chế tác các loại nhạc cụ truyền thống của người Cơ Tu… Vào những đêm trăng sáng, người già thường kể cho các con cháu họ nghe những câu chuyện về nguồn gốc tộc người hoặc những truyện cổ Cơ Tu.
Zơng cũng là nơi để đàn ông Cơ Tu gặp nhau qua mỗi lần đi săn bắt được con heo, chim, các loài cá ở sông suối... ngoài phần để dành dự trữ ra, họ thường tụ tập đến zơng để vui chơi, ăn và uống rượu. Đây là hình thức sinh hoạt gắn với cuộc sống lao động làm rẫy và gắn với không gian núi rừng, nó giúp cho mọi người có thời gian thư giãn, phấn khởi lao động đạt hiệu quả cao hơn để làm ra nhiều lương thực, thực phẩm phục vụ cho gia đình.
Theo đó zơng, luôn có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống và sinh hoạt hàng ngày, trong lao động sản xuất, săn bắn, hái lượm mang sắc thái đặc thù tộc người và nó sẽ không bao giờ mất đi mà sẽ mãi mãi trường tồn với người Cơ Tu như chính họ đã sinh sống lâu đời trên vùng Trường Sơn bao la và rộng lớn.
Hải Ninh (sưu tầm)