Nằm ở miền heo hút vào bậc nhất của núi rừng Tây Bắc, đã có một thời gian dài bản Là Si (xã Thu Lũm) của đồng bào La Hủ như chìm khuất trong đói nghèo, lạc hậu và dường như bị tách biệt với bên ngoài bởi sự xa ngái. Thế mà dịp này trở lại Thu Lũm, chúng tôi đã được nhìn thấy tận mắt những mái nhà mới, những lối đi đỡ gập ghềnh và cả một tương lai sáng như đang đơm hoa, kết lộc trên mảnh đất ốc đầu. Mùa đông này hết đói rét rồi! - bà con La Hủ ai cũng hồ hởi khoe như vậy...
Sau gần 7 giờ trèo đèo, lội suối mới đặt chân đến bản Là Si của đồng bào La Hủ, bản biên giới xa bậc nhất xã Thu Lũm của huyện đặc biệt khó khăn Mường Tè (tỉnh Lai Châu) giáp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Gần ba chục nóc nhà hiện dần ra dưới rừng cây. Đó là những ngôi nhà đại đoàn kết đã được bộ đội biên phòng và chính quyền địa phương xây dựng. Hình ảnh đầu tiên khiến chúng tôi chú ý là những đứa trẻ lấm lem, chân đất, lạ lẫm nhìn những người vừa đến. Lạnh tê cóng chân tay mà đám trẻ vẫn trần truồng như thời chiến tranh.
Người La Hủ cho đến nay, có lẽ là tộc người còn giữ nếp sống du cư, không canh tác và đồ ăn ưa thích là thịt thú rừng bẫy được. Trước đây, người La Hủ dựng lều ở giữa rừng, lợp lá chuối rừng. Chỉ độ chục ngày, săn hết dũi rừng, đào hết củ mài ở cánh rừng đó, họ lại di chuyển đến chỗ khác. Bao nhiêu chiếc lá vàng khô, mục rụm trở về với nơi nó đã sinh ra, là bấy nhiêu bàn chân du canh, du cư của người La Hủ đã bước qua. Cứ thế, ngàn đời đói nghèo nối tiếp nghèo đói, vất vả chồng chất, quanh năm chỉ quen với củ mài, củ sắn. Có lẽ thời trước, chính lối sống của một thời hồng hoang đã giữ họ mãi mãi trên những đỉnh núi sương mù. Người La Hủ ngủ rất ít. Đêm khuya, họ đưa gan bàn chân tới gần đống lửa rồi nằm co ro để ngủ, không có thói quen đắp chăn và cũng không tắm rửa. Người Hà Nhì thường bảo, người La Hủ săn được nhiều thú rừng là vì có đến sát gần con thú, nó cũng không phát hiện ra, vì người La Hủ không tắm rửa bao giờ, người họ có mùi giống như mùi thú rừng vậy...
Thiếu tá La Ngọc Dương, chính trị viên Đồn biên phòng Thu Lũm nói chuyện thời sự mà nghe như chuyện của thời nào xa lắm: “Lũ trẻ La Hủ thì phải tắm cho nó 3 ngày cũng không sạch hết bẩn. Ngày đầu tiên lên tới đây, chỉ có 3 chiếc lều gọi là nhà của người dân. Trời lạnh thế này, trẻ con toàn ở truồng, ngủ ngoài gốc cây. Người lớn ngồi nhặt từng hạt cơm trắng sót lại trong nồi để ăn, hoặc lên núi đào củ mài…”. Người La Hủ có tục, muốn cưới vợ, chàng trai phải có 36 con thú săn được mang làm lễ vật cho nhà gái. Nếu mà không đủ số này, người đàn ông La Hủ mãi mãi bị chê cười là lười biếng vụng về. Nhưng đấy chỉ còn là một tục lệ để kể cho nhau nghe mà thôi. Giờ đây trong những căn bếp trống tuênh, họ không có cả những bắp ngô cứu đói, chứ nói gì đến thịt thú rừng để dành làm đẹp cho danh giá của mình.
Bản Là Si, Vàng Mò Giá, 42 tuổi, ngồi kể lại với chúng tôi về nỗi khổ của người La Hủ: “Dân bản nghèo lắm cán bộ à! Làm không đủ ăn, bữa có củ mài, củ khoai sọ và ít măng là may mắn lắm. Trẻ con thì nheo nhóc, không được đi học, quần áo không có, tối đến chỉ biết đốt đống lửa to để nằm bên sưởi ấm...”. Mò Giá ngừng, thở dài, cầm điếu cày châm lửa ghé miệng rít một hơi rồi tâm sự tiếp: “Từng đêm, tôi cứ nằm mơ dân bản có được cái ăn, cái mặc và sống trong một ngôi nhà vững chắc, ấm cúng không sợ mưa, sợ gió nữa! Tôi cứ mơ và tin tưởng vu vơ như vậy chứ không dám chắc bao giờ mới thành hiện thực?”.
Sáng tương lai
Ngay từ những ngày đầu năm 2009, lần đầu tiên trong cuộc đời từ chốn rừng sâu, những người dân La Hủ đã có căn nhà theo đúng nghĩa đậm tình cảm đồng chí, đồng bào. Bà con La Hủ ở bản Là Si, xã Thu Lũm có khoảng 30 hộ, gần 140 nhân khẩu đều được hỗ trợ nhà mới để an cư từ mấy năm nay. Các chiến sĩ biên phòng Lai Châu khẳng định rằng, lực lượng biên phòng đã tìm ra người La Hủ, đã dựng nhà mới để mời bà con về rồi tiếp đó đã và đang bắt đầu từng bước giúp bà con trong bản thay đổi từ nếp sống lang thang sang định cư, ổn định. Quan trọng hơn, mấy năm qua, bộ đội biên phòng đã dạy bà con biết trồng lúa nước, trồng rau xanh, chăn nuôi trâu bò, giúp bà con đọc thông, nói thạo tiếng Việt...
Đi một vòng quanh bản La Si giữa cái lạnh se se của những ngày đầu đông vùng cao, lòng chúng tôi như ấm lại khi ngắm những căn nhà được dựng kiên cố, vững chắc, mái lợp tôn, khung gỗ, thưng tôn xung quanh. Chỉ sau vài năm, cuộc sống của bà con ở bản làng nơi “thâm sơn cùng cốc này” đã đổi khác hoàn toàn. Trưởng bản Vàng Mò Giá hào hứng thổ lộ: “Bà con ở đây luôn ghi nhớ công lao của chính quyền, của bộ đội biên phòng đã không quản khó khăn, ngày đêm lên đây chỉ cách khai hoang vỡ đất trồng lúa nước, đem hạt giống cho bà con trồng… Bản làng đang phấn đấu để có thể chủ động được hoàn toàn hạt gạo trắng để ăn, không phải dựa vào sự cứu trợ của Nhà nước nữa…”. Nhờ biết khai hoang ruộng, nương để trồng trọt rồi cả đầu tư chăn nuôi mà cuộc sống dần ổn định, nhờ thế trẻ em, dân bản được đi học để biết cái chữ. Hiện nay bản có một lớp xóa mù chữ, một lớp mầm non và một lớp tiểu học. Tổ công tác gồm trên một chục cán bộ, chiến sĩ của Đồn Biên phòng Pa Ủ thường xuyên cắm bản hướng dẫn bà con kỹ thuật canh tác và chăn nuôi phát triển kinh tế. Y sĩ của đồn cũng được tăng cường đóng ở bản để làm nhiệm vụ khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho nhân dân. Vùng đất mới bên đỉnh đèo A Ma Cổ sừng sững nay đã dần thay da đổi thịt với một hướng đi mới cho một tương lai sáng...
Chúng tôi rời Là Si phải mất tới 5 giờ dò dẫm trên con đường xuyên rừng mới ra tới quốc lộ 4D khi mặt trời đã dần khuất sau những dãy núi trùng điệp vậy mà cảm giác như con đường ngắn lại. Phía sau núi cao và mây mù ấy, cuộc sống vẫn còn rất nhiều gian khó. Nhưng với sự quan tâm đầu tư của Chính phủ, một tương lai tốt đẹp đang đến với những đồng bào nơi mảnh đất phên dậu của Tổ quốc này.
Đặng Thúy Hường (sưu tầm)