Tên gọi khác: Chơ-ru, Ru.
Nhóm ngôn ngữ: Tiếng Chu-ru thuộc hệ ngôn ngữ Nam Đảo.
Cư trú: Dân tộc Chu-ru cư trú ở huyện Đơn Dương (Lâm Đồng), số còn lại ở tỉnh Bình Thuận.
Đặc điểm kinh tê
Người Chu-ru sống định canh định cư với nghề làm ruộng từ lâu đời. Giờ đây đồng bào còn trồng dâu nuôi tằm, đời sống tương đối ổn đỉnh. Ngoài trồng trọt, người Chu-ru còn chăn nuôi trâu, bò, lợn, dê và nhiều loại gia cầm. Người Chu-ru cũng biết đan lát các đồ dùng gia đình bằng mây tre, tự rèn các công cụ sản xuất như liềm, cuốc, dao… Có các làng nổi tiếng về nghề gốm. Săn bắn, hái lượm và đánh cá đem lại nguồn thức ăn đáng kể hàng ngày.
Hôn nhân gia đình
Hôn nhân một vợ một chồng, người con gái chủ động cưới chồng, người chồng cư trú bên nhà vợ.
Tục lệ ma chay
Người Chu-ru có tục thờ cúng tổ tiên. Trong nhà không có bàn thờ, việc thờ cúng diễn ra ở nghĩa địa.
Văn hóa
Làng (Plây) của người Chu-ru bao gồm nhiều dòng họ; gần đây có cả những người khác tộc đến cư trú. Đứng đầu làng là Pô plây (trưởng làng) do bầu ra, không mang tính cha truyền con nối. Người có uy tín về tinh thần sau trưởng làng là thầy cúng. Các nghi lễ nông nghiệp của người Chu-ru khá phong phú như cúng thần đập nước, thần mương nước, thần lúa, ăn mừng lúa mới… Đáng lưu ý là lễ cúng thần Bơ-mung (thần đập nước) vào tháng 2 âm lịch. Người Chu-ru có vốn dân ca, ca dao tục ngữ phong phú, trong đó nổi bật chủ đề ca tụng chế độ mẫu hệ và vai trò của người phụ nữ trong xã hội cổ truyền. Trong kho tàng văn nghệ dân gian có hàng loạt trường ca, truyện thơ có giá trị nghệ thuật cao và là nguồn sử liệu quý giá, có nhiều nhạc cụ: chiêng cồng, trống, sáo, đàn, kèn v.v…
Nhà cửa
Đại gia đình người Chu-ru thường có 3 thế hệ, sống trong nhà dài.
Hoàng Minh Thắng (sưu tầm)