Trang phục nam nữ La Hủ.
La Hủ thuộc nhóm những dân tộc rất ít người ở nước ta, do phong tục tập quán lạc hậu, sống du canh, cư trú chủ yếu ở những khu vực núi non hiểm trở, cuộc sống chủ yếu dựa vào thiên nhiên, sản xuất mang tính tự cung tự cấp... nên đời sống của đồng bào còn nhiều khó khăn, thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần.
Người La Hủ sinh sống chủ yếu bằng canh tác nương rẫy theo cách gieo hai vụ, bỏ ba vụ rồi quay trở lại canh tác, cây trồng chủ yếu là ngô. Nương ngô có trồng xen rau cải, bầu, bí, đỗ… Họ nổi tiếng với nghề săn bắt, đánh cá và kinh tế hái lượm chiếm vị trí đáng kể trong đời sống của họ. Người La Hủ cũng chăn nuôi nhiều gia cầm, đặc biệt đàn gia súc (trâu, bò, ngựa) khá phát triển.
Về phương tiện vận chuyển, người La Hủ quen dùng gùi đan bằng mây, giang, có hai quai đeo vai để chuyên chở trong điều kiện địa hình dốc.
Người La Hủ giỏi nghề thủ công đan lát và rèn. Mâm ăn cơm, ghế mây, nong... là những đồ đan nổi tiếng, chẳng những đủ dùng trong gia đình mà còn trao đổi với vùng lân cận để đổi lấy vải, muối, nông cụ.
Về trang phục, trước kia người La Hủ không có truyền thống trồng bông; phụ nữ thường đem thịt thú rừng, nấm hương, thuốc phiện, đồ đan và các lâm thổ sản quý đổi lấy vải của các dân tộc khác hoặc đổi lấy bông để tự dệt thành vải, may cắt quần áo. Nam giới La Hủ mặc quần áo giống như các dân tộc khác ở vùng Tây Bắc, quần áo đều màu chàm hoặc màu đen. Phụ nữ mặc quần áo dài. Áo dài của phụ nữ may ống tay hẹp, can bằng nhiều khoanh vải màu xanh, trắng, đen, đỏ. Phụ nữ La Hủ có thói quen mặc hai áo: áo trong dài, áo ngoài ngắn không có ống tay. Trên cổ và quanh thân áo ngoài thường đính nhiều đồng xu bằng nhôm, bằng bạc cùng những dây chỉ màu đỏ, vàng. Phụ nữ và trẻ em thường đội mũ phẳng đầu, xung quanh mũ chạy nhiều đường chỉ màu và có tua chỉ màu đỏ, vàng rủ xuống hai bên.
Trước đây, đồng bào thường làm nhà lều tạm bợ rải rác ở trong rừng, trên nương, trên núi cao. Nhà lợp lá xanh, đến khi lá vàng lại chuyển đi ở nhà khác nên người La Hủ mới có tên là Xá Lá Vàng. Ngày nay đồng bào đã ở trong những ngôi nhà lắp ghép có lỗ đục bốn mái lợp lá, xunh quanh có tường trình hoặc phên nứa, trong nhà, bàn thờ tổ tiên và bếp bao giờ cũng đặt tại gian có chỗ ngủ của chủ gia đình. Bản làng người La Hủ thường ở trên sườn núi đất cao, mỗi bản quây quần vài chục nóc nhà.
Người La Hủ theo chế độ tự do yêu đương khi đến tuổi lập gia đình. Họ cấm hôn nhân trong cùng dòng họ, ngành họ nhưng khác ngành có thể lấy được nhau; cho phép hôn nhân con cô con cậu, con dì con già. Điều này thể hiện sự rơi rớt lại của hiện tượng quần hôn vì nội ngoại cũng chỉ là đời thứ hai. Người La Hủ cũng không ngăn cấm hôn nhân ngoài dân tộc. Việc cưới hỏi được tiến hành qua nhiều bước. Đặc biệt, trong số lễ vật nhà trai đưa sang nhà gái bắt buộc phải có thịt sóc.
Phụ nữ La Hủ sinh con ngay trong buồng ngủ của mình với sự giúp đỡ của mẹ chồng hay chị em gái. Rau đẻ được chôn ngay giữa nhà. Sau khi sinh con được 3 ngày phải làm lễ đặt tên cho đứa trẻ. Trong gia đình La Hủ, chỉ có con trai mới được thừa hưởng tài sản của cha mẹ, tuy vai trò của phụ nữ được đề cao.
Về tang ma khi trong nhà có người mới tắt thở, người ta bắn hai phát súng báo cho họ hàng, làng xóm biết. Thi hài được đặt trên chiếu giữa nhà, rửa mặt sạch sẽ, để chiếc gậy bên cạnh người chết để họ sống ở thế giới bên kia. Khi đưa tang ra tới rừng mới đào huyệt theo cách ném trứng, trứng rơi chỗ nào đào huyệt chỗ đó.
Tục thờ cúng của người La Hủ cũng có nhiều nét khác với các dân tộc khác, họ cúng tổ tiên theo cách: bố mẹ chết thì anh cả lập bàn thờ cúng; anh cả chết chuyển cho anh hai, anh ba, con anh cả lập bàn thờ. Người La Hủ chỉ cúng tổ tiên, cha mẹ và những người thân đã mất vào các dịp cơm mới, ngày tết tháng bảy (âm lịch) hay gieo xong lúa nương, khi cưới xin, ma chay. Không có tục cúng vào ngày giỗ. Lễ vật dâng cúng tổ tiên của người La Hủ Phung bao giờ cũng phải có cơm gói trong lá rừng, còn lễ vật của người La Hủ Sư và La Hủ Na nhất thiết phải có 2 chén rượu, bát cơm, bát thịt và củ gừng (củ gừng là lễ vật để tổ tiên nhận ra con cháu).
Người La Hủ rất yêu thích văn nghệ, chơi và nghe các loại nhạc cụ như món ăn tinh thần không thể thiếu được, vì thế, đồng bào đã chế tác được nhiều loại nhạc cụ riêng của dân tộc mình như: sáo, khèn, đàn tre, đàn đơ-đờ đơ, đàn ta- tò-ta… Mỗi nhạc cụ đều có một âm điệu khác nhau, tạo nên nét trầm bổng du dương lôi cuốn lòng người, trong đó nhạc cụ sáo rất phong phú, đa dạng và vẫn còn lưu giữ, phổ biến trong đời sống hiện nay. Với người La Hủ, mọi lứa tuổi đều dùng được các loại sáo với chung một mục đích thổi lúc vui, lúc buồn, đi nương, đi rừng, tìm hiểu giữa người con gái và con trai, dịp lễ, tết. Các bài hát tuy thường dùng tiếng Hà Nhì nhưng có nhịp điệu riêng, trong đó từng ngày được xác định theo chu kỳ 12 con vật (hổ, thỏ, rồng, chấy, ngựa, cừu, gà, chó, lợn, sóc, trâu).
Dân tộc La Hủ là một trong năm dân tộc đặc biệt khó khăn, trong những năm qua (cụ thể là từ năm 2009), Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách đầu tư, hỗ trợ giúp bà con định canh - định cư, phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội, nên đời sống của bà con dần ổn định và ngày càng được cải thiện, đồng bào biết tự lao động, sản xuất, tăng cường khai hoang ruộng, nương, phát triển kinh tế, vươn lên dần thoát nghèo.
Vũ Sơn (sưu tầm)