Phong tục cưới của người dân tộc La Hủ (Hoàng Thị Khuyên) - Mc tiệc cưới, học làm mc đám cưới, video đám cưới hay nhất

Wednesday, August 10, 2016

Phong tục cưới của người dân tộc La Hủ (Hoàng Thị Khuyên)

Phong tục cưới của người dân tộc La Hủ

Nếu có dịp lên vùng Tây Bắc, tại tỉnh Lai Châu, bạn sẽ có cơ hội tham dự lễ cưới của người La Hủ, một trong những nét văn hóa độc đáo mang đậm bản sắc dân tộc.
Lễ dạm ngõ
Phong tục cưới xin của người La Hủ mang những nét đẹp riêng. Vào tháng 11, 12 hàng năm - là dịp Tết của người La Hủ - cũng là mùa cưới của các đôi trai gái yêu nhau. Đôi trai gái La Hủ khi lớn lên sẽ được tự do yêu đương, khi đến tuổi lập gia đình việc cưới hỏi phải trải qua rất nhiều bước.
Lễ vật cưới của nhà trai đưa sang nhà gái bắt buộc phải có thịt sóc. Bên cạnh đó còn phải có hai chai rượu. Khi nhà trai qua nhà gái, nếu nhà gái thấy bằng lòng thì hai bên cùng uống rượu, nhắm thịt sóc.

Lễ hỏi
Lễ hỏi sẽ cách lễ dạm ngõ cách nhau khoảng bảy, tám ngày. Lễ ăn hỏi gồm hai chai rượu và số con sóc phải là số chẵn chứ không được số lẻ, chừng 6 đến 8 con. Số lượng sóc không được ít hơn 4 con và không được nhiều hơn 8 con.Số lượng số tùy vào nhà gái yêu cầu. Ông mối trong lễ hỏi sẽ là người tự tay làm thịt sóc, trình bày các món ăn này sao cho ngon để mời nhà gái.

Hai bên sẽ trao đổi về tiền cưới và thời gian ở rể trong khi ăn uống vui vẻ. Ngày xưa tiền cưới thường từ 70 đến 80 đồng bạc trắng. Trường hợp nhà rể nghèo, không có bạc trắng, thì anh phải ở lại làm rể ngay tối hôm đó. Thời gian ở rể bây giờ rút xuống còn từ 2 đến 4 năm, thời trước từ 8 đến 12 năm.

Lễ cưới
Trong lễ cưới đoàn đi đón dâu phải là số lẻ, trong đó có hai ông mối và chàng rể. Ông mối sẽ là người trao tiền cưới cho nhà gái. Cô dâu cũng không được ngoảnh lại nhìn ngôi nhà cô sinh ra và lớn lên cho dù có nhớ bố mẹ, vì nếu cô dâu quay lại cuộc sống vợ chồng sẽ thường xuyên cãi cọ sau này.

Mẹ chồng đã đứng đợi ở cửa, đợi rước dâu về. Mẹ chú rể sẽ lấy một nắm gạo xoa lên lưng con dâu, ngụ ý xóa hết cỏ để con dâu không mang cỏ về, trên nương sẽ không có nhiều cỏ mọc. Lại còn tục lệ: bà mẹ chồng trồng hai cây riềng ở hai bên cửa vào nhà, rồi buộc sợi chỉ trắng qua hai cây riềng. Lúc vào nhà, cô dâu và chú rể không được đi cùng một hướng mà cô dâu đi phía tay trái, chú rể đi phía tay phải, rồi chú rể dùng tay trái, cô dâu dùng tay phải cắt đứt sợi chỉ đó, bước vào nhà. Xong thủ tục này hai họ cùng nâng chén chúc những câu tốt lành và ăn uống vui vẻ.

Hoàng Thị Khuyên (sưu tầm)

Share with your friends