Dân tộc Hoa có dân số hơn 1 triệu người, sinh sống tại hầu khắp các tỉnh thành trên cả nước. Người Hoa có tính tương trợ lẫn nhau trong cộng đồng, trong địa phương và gia đình. Họ ra sức bảo tồn, gìn giữ và phát huy những bản sắc văn hóa truyền thống vốn có của dân tộc mình.
Người Hoa thường dựng vợ, gả chồng cho con cái trong cùng tộc người hay trong nhóm địa phương. Theo phong tục của người Hoa, cô dâu và chú rể phải cùng nhau ăn 100 miếng trầu, có như vậy vợ chồng mới sống chung thủy với nhau đến đầu bạc răng long.
Đám cưới người trung hoa
Nhà cửa người Hoa thường gồm 3 loại: nhà 3 gian, 2 chái, nhà chữ môn và nhà chữ khẩu. Khi chuẩn bị xây nhà, người Hoa xem kỹ các sách vở, phong tục tập quán, mời thầy phong thủy đến xem ngày giờ khởi công. Người Hoa cho rằng không nên cất nhà trên đường nước chảy như cống, rãnh… vì sợ sẽ lâm vào cảnh nghèo khó, làm ăn thất bại hoặc nếu phát đạt thì cũng không giữ được tiền vì sẽ trôi theo dòng nước.
Trang phục của phụ nữ người Hoa là chiếc áo năm thân, dài qua mông, không có túi, cài khuy nút vải ở nách phải. Họ còn mặc áo cộc tay may như áo năm thân, nhưng lại có 2 túi ghép thêm 1 miếng vải màu. Hiện nay, có nhiều phụ nữ người Hoa mặc áo cánh và áo sơ mi.
Trang phục của người làm nghề tôn giáo là chiếc áo cà sa, cũng giống như áo năm thân nhưng dài qua gối, ống tay áo dài và rộng, chỉ dùng khi hành lễ.
Xã hội người Hoa mang tính phụ quyền cao. Trong gia đình, người cha hay người chồng là chủ gia đình. Khi chia tài sản cho con cái ra ở riêng thì người con trai cả bao giờ cũng được phần nhiều hơn. Ngược lại, người con gái không được chia tài sản, chỉ lo cặm cụi làm lụng cho đến khi lấy chồng. Người phụ nữ trong xã hội người Hoa ít được học hành và không được tham gia vào các công việc xã hội. Theo quan niệm của người Hoa, người con gái mà chết trước khi lấy chồng, hồn sẽ không được nhập với tổ tiên, phải ở ngoài giữ cửa và biến thành người giữ cửa.
Việc thờ cúng tổ tiên và các loại ma quỷ rất được người Hoa coi trọng. Cùng với quan niệm “vạn vật hữu linh” (mọi thứ đều có linh hồn), họ còn chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi Đạo giáo, Phật giáo và Khổng giáo… Trong thôn làng có các đền, chùa, miếu thờ thành hoàng, miếu thờ thần sông, thần núi, thần đá, các vị thần bảo hộ cho dân làng và những người có công khai hoang đất đai.
Lễ hội người hoa
Nền văn học dân gian của dân tộc Hoa khá đa dạng, phong phú, đáng nói nhất là các làn điệu dân ca. Trong đó, hát “sơn ca” (sán cô) là hình thức sinh hoạt nghệ thuật được nhiều người ưa chuộng. Sơn ca gồm những bài hát ví, hát ghẹo của nam nữ, những bài hát nói lên tinh thần đấu tranh kiên cường chống phong kiến, chống lại những tập quán cổ hủ, lạc hậu của xã hội cũ…
Người Hoa có tinh thần đoàn kết cộng đồng, tương thân tương ái, đùm bọc lẫn nhau. Họ sẵn sàng giúp đỡ cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên khi đang ăn cơm thì không bao giờ bố thí cho người hành khất. Bởi vì bữa cơm là quan trọng, là lúc đang hưởng thành quả lao động của mình nên không bố thí cho ai cả.
Khi giao tiếp với người Hoa, nên lưu ý một số điểm: không nên bắt tay quá chặt, không dùng ngón tay trỏ để chỉ về người mình muốn giới thiệu, nên chào hỏi người có chức quyền cao nhất trước. Có thể hỏi về các vấn đề riêng tư khi mới làm quen, nhưng đừng nên đề cập đến các vấn đề chính trị và cũng đừng nên có những lời lẽ phê phán.
Trong sự giao lưu văn hóa với các dân tộc Việt, Khmer ở Nam Bộ, đồng bào người Hoa đã lưu giữ được nhiều nét văn hóa riêng cho ình, giúp làm phong phú và đa dạng cho nền văn hóa Việt Nam giàu bản sắc.
Nông Gia Cát (sưu tầm)