Hằng năm vào dịp Tết mồng hai tháng Giêng, Rằm tháng Bảy âm lịch, vợ chồng, con cái “đi tái” ông bà ngoại.
Hiện nay ở vùng nông thôn một số huyện miền đông của tỉnh Cao Bằng vẫn còn lưu giữ tập tục “khai bươn”, tạm dịch là đầy tháng hoặc ra tháng (vì người phụ nữ ở cữ phải kỵ ở trong nhà tròn một tháng). Trước cửa nhà có người sinh con thường treo một thanh củi cháy dở (nếu là bé trai), một nhánh cây ráy (nếu là bé gái) để báo hiệu người lạ không được vào nhà.
Các ông bà trước nay thường rất tế nhị, không bao giờ hỏi thẳng là nhà đẻ con trai hay con gái, mà chỉ hỏi cháu mới sinh đi hái rau (có nghĩa là con gái) hay đi lấy củi (nghĩa là con trai). Sau khi phụ nữ đẻ, mẹ tròn con vuông được một tuần, nhà gái, gồm: Mẹ đẻ cùng các cô, dì, mợ, thím mang gạo nếp và gà mái tơ sang nhà trai thăm cháu ngoại. Vì theo tập quán người Tày - Nùng, con gái ở cữ trong vòng một tháng đầu chỉ ăn cơm nếp nghệ, thịt gà mái tơ chỉ ăn hai miếng ngực ức nấu với nghệ, mỗi ngày một con, ngoài ra, không được phép ăn thêm thứ gì khác. Đến khi đầy tháng, nhà trai tổ chức lễ đầy tháng cho cháu, đồng thời cũng là lễ "khai bươn" cho mẹ. Ngày đầy tháng cho cháu, có nhà mời thầy mo đến làm lễ và đặt tên cho cháu bé. Còn bên ngoại thì được nhà trai thông báo (mời đến dự).
Đi dự lễ “khai bươn” đầy tháng cháu ngoại, bên ngoại có các bà, các cô, dì, thím... Lễ vật mang theo gồm: gà mái tơ, gạo nếp thơm, cái ứ (cái nôi), cái đa (cái địu) bằng thổ cẩm. Hôm đó, bà ngoại ẵm cháu bé vào nôi và cất lời ru cháu: Ứ nọng nòn, nòn đắc, nòn đí... Rồi chọn người thông thái, thành đạt, gia đình hạnh phúc cầm ô che chở đưa cháu ra đường mang theo sách vở (tượng trưng cháu đi học). Kết thúc buổi lễ, hôm sau 2 mẹ con “khai bươn” đến thăm nhà bà ngoại.
Từ tục lệ trên, hằng năm 2 lần vào dịp Tết mồng hai tháng Giêng, Rằm tháng Bảy âm lịch, cháu bé cùng mẹ “đi tái” (đi bà ngoại) thăm, chúc tết ông bà ngoại xin lộc cho cháu. Đây là nét đẹp văn hóa đậm đà bản sắc của dân tộc Tày - Nùng ở Cao Bằng..
Hồng Mai