Cùng với ẩm thực và ngôn ngữ thì trang phục chính là một trong các dấu hiệu nhận biết giữa các dân tộc với nhau. Trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Tày nói chung và đồng bào dân tộc Tày sinh sống ở tỉnh Lạng Sơn nói riêng chính là những bộ quần áo mang một màu chàm.
Theo tổng điều tra dân số năm 2009, tỉnh Lạng Sơn có 259.352 người dân tộc Tày, chiếm 34,5% dân số trong tỉnh và chiếm 31,5% trong tổng số người Tày tại Việt Nam. Người Tày truyền thống chủ yếu mặc trang phục màu chàm. Hầu hết áo chàm đều không có hoa văn như trang phục của các dân tộc thiểu số khác.
Bộ y phục cổ truyền của người Tày làm từ vải sợi bông tự dệt, nhuộm chàm, hầu như không thêu thùa, trang trí. Phụ nữ mặc váy hoặc quần, có áo cánh ngắn ở bên trong và áo dài ở bên ngoài. Tùy theo địa hình sinh sống mà có nhóm mặc áo ngắn hơn một chút, có nhóm quấn khăn thành chóp nhọn trên đỉnh đầu.
Trang phục nam có phần đơn giản hơn.Y phục truyền thống của nam giới Tày gồm loại áo cánh ngắn gọi là slửa cỏm, áo dài, quần và giày vải. Áo cánh 4 thân là loại xẻ ngực, cổ tròn cao, không cầu vai, xẻ tà, cài cúc vải (7 cái) và hai túi nhỏ phía dưới 2 thân trước. Trong dịp tết, lễ, hội nam giới mặc thêm loại áo dài xẻ nách phải, đơm cúc vải. Quần (khóa) cũng làm bằng vải sợi bông nhuộm chàm như áo, cắt theo kiễu quần đũng chéo, độ choãng vừa phải dài tới mắt cá chân. Quần có cạp rộng không luồn rút, khi mặc có dây buộc ngoài.
Trang phục nữ: Y phục của nữ thường gồm áo cánh, áo dài, quần váy, thắt lưng, khăn đội đầu, hài vải. Áo cánh là áo ngắn loại 4 thân xẻ ngực, cổ tròn, có hai túi nhỏ phía dưới hai vạt trước, thường được cắt may bằng vải chàm hoặc trắng. Khi đi hội thường được mặt lót phía trong áo dài. Vì vậy, người Tày còn được gọi là cần slửa khao (người áo trắng) để phân biệt với người Nùng chỉ dùng màu chàm. Áo dài cũng được xẻ nách phải cài cúc vải hoặc đồng, cổ tròn ống tay và thân hẹp có eo. Trước đây phụ nữ mặc váy, nhưng gần đây phổ biến mặc quần; đó là loại quần về nguyên tắc cắt may giống nam giới kích thước có phần hẹp hơn. Khăn phụ nữ Tày cũng là loại khăn vuông màu chàm khi đội gập chéo giống kiểu ‘mỏ quạ’ của người Kinh. Nón của phụ nữ Tày khá độc đáo. Nón bằng nan tre lợp lá có mái nón bằng và rộng. Trang sức phụ nữ Tày đơn giản song có đủ các chủng loại cơ bản như vòng cổ, vòng tay, vòng chân, xà tích bạc… Có nơi còn đeo túi vải chéo còn gọi là “tầy ngàm”.
Cái độc đáo đáng quan tâm của trang phục Tày không phải là lối tạo dáng là lối dùng màu chàm phổ biến, đồng nhất trên trang phục nam và nữ cũng như lối mặc áo lót trắng bên trong áo ngoài màu chàm. Nhiều tộc người cũng dùng màu chàm và còn gia công trang trí các màu khác trên trang phục, nhưng ở người Tày hầu như các màu ngũ sắc chỉ được dùng trong hoa văn mặt chăn hay các tấm thổ cẩm chứ không được dùng trên trang phục.
Lí giải về màu sắc của áo chàm truyền thống, các cụ cao niên cho rằng, từ xa xưa, người Tày vốn sinh sống bằng canh tác nông nghiệp. Đặc trưng là làm lúa nương, lúa nước nên việc nhuộm áo trắng dệt từ sợi bông trắng thành màu chàm (từ nước của cây chàm) vừa đỡ nhọc công giặt giũ, vừa hài hòa với tự nhiên và nhất là nước chàm khi ngấm vào áo sẽ làm cho vải bền màu và lâu hỏng hơn.
Với một nét đặc trưng về trang phục như vậy, xong trên thực tế áo chàm của người Tày đang dần mất đi. Việc tìm thấy những bộ áo thật sự bằng vải bông nhuộm chàm quả là rất khó. Bởi lẽ thời nay, các loại vải như lụa hay vinilon ngày đi lên miền ngược nhiều hơn, màu sắc đẹp hơn và giá cả rẻ hơn rất nhiều. Hơn thế nữa, người ta chỉ còn mặc áo chàm cách điệu trong những dịp lễ hội, dịp diễn văn nghệ hay cử đại biểu tham dự đại hội. Với tốc độ phát triển như bây giờ và với những chính sách văn hóa còn hạn chế về tầm nhìn, sẽ chẳng bao lâu nữa để lớp con em đồng bào dân tộc Tày ở Lạng Sơn không còn biết đến trang phục áo chàm truyền thống cũng cũng như “tiếng mẹ đẻ” của mình.
Lý Hải Ninh