Bài 4
Thời vàng son
Sau thời kỳ dựng nước và mở nước khó khăn, từ thế kỷ thứ 4 vương quốc Lâm Ấp đã trở thành một thế lực chính trị đáng kể trong vùng, dưới thời Bradravarman I (Phạm Hồ Đạt), người sáng lập triều đại Gangaraja phía Bắc. Là một kết hợp của nhiều tiểu vương quốc khác nhau, lãnh thổ phía Bắc giáp ranh với quận Cửu Chân, lãnh thổ phía Nam trải dài đến mũi Kê Gà (Varella, Phan Thiết). Hào quang của Lâm Ấp chiếu sáng vùng trời Đông Nam Á, các quốc gia láng giềng đều tìm đến để làm thân.
Cho đến nay không ai biết hai miền Nam Bắc đã thống nhất như thế nào, nhưng từ thế kỷ 5 trở về sau thông thương giữa hai miền trở nên liên tục và ồ ạt, lượng người và hàng hóa di chuyển từ miền Nam lên miền Bắc thay đổi dần dần cán cân quyền lực. Người Chăm phía Bắc, vì phải thường xuyên đối phó với quân thù, trở nên thiện chiến ; khi mộ quân hay trên đường chạy nạn, vì bị quân Trung Hoa truy đuổi, họ khuất phục luôn những tiểu vương quốc khác đã có mặt dọc bờ biển miền Trung từ lâu đời, quen sống trong hòa bình và an lạc. Với thời gian, vương quyền miền Bắc suy yếu dần, vì dồn hết tài nguyên nhân vật lực cho chiến tranh, vai trò lãnh đạo nhường lại cho các vương triều phía Nam giàu có và hùng mạnh hơn.
Triều vương thứ năm (758-854):vương triều Panduranga hay Hoàn Vương Quốc
Năm 757, môt tiểu vương phía Nam nổi lên hạ bệ Bhadravarman II - nhà vua trẻ vừa lên ngôi - rồi tự xưng vương, hiệu Prithi Indravarman, chấm dứt dòng Gangaraja phía Bắc.
Theo bia ký đọc được, Prithi Indravarman là người đã thống nhất lãnh thổ Champa một cách chính danh nhất, vì được triều thần công nhận là "người thống lãnh toàn bộ đất nước như Indra, thần của các vị thần". Tuy đất nước đã được thống nhất, lãnh thổ này vẫn chưa có tên. Khi sang Trung Hoa triều cống, không biết sứ thần của Prithi Indravarman đã giải thích như thế nào mà sử liệu cổ Trung Hoa đặt tên lãnh thổ mới của người Chăm trong thời kỳ này là Hoàn Vương Quốc, "vương quyền trở về quê cũ". Để xác minh điều này, việc làm đầu tiên của Prithi Indravarman là dời kinh đô Sinhapura (thành phố sư tử hay Trà Kiệu, Quảng Nam) về Virapura (thành phố Hùng Tráng, nay là thôn Palai Bachong, xã Hòa Trinh, huyện An Phước - cách Sài Gòn 310 cây số về phía Bắc trên quốc lộ 1, tỉnh Ninh Thuận).
Dưới thời Prithi Indravarman, văn minh và văn hóa Ấn Độ từ phía Nam đưa lên lấn át toàn bộ sinh hoạt của người Chăm phía Bắc ; chữ Phạn được phổ biến rộng rãi trong giới vương quyền và các nơi thờ phượng ; đạo Bà La Môn được đông đảo người theo ; đạo Phật Tiểu Thừa (Thevada) phát triển mạnh trong chốn dân gian ; đền đài, dinh thự và chùa tháp được xây dựng lên khắp nơi, nhiều nhất là tại Khu Lật (Huế), Amavarati (Mỹ Sơn), Sinhapura (Trà Kiệu)… để tạ ơn thần linh. Tuy vậy nguyên tắc tự trị của các tiểu vương quốc phía Bắc vẫn được tôn trọng, vì không thấy di ảnh hay hình tượng nữ thần Bhagavati - vị thần bảo hộ Panduranga được Prithi Indravarman chọn làm "Bà Mẹ xứ sở" để dân chúng thờ phượng – trong các di tích khảo cổ trên lãnh thổ Chiêm Thành phía Bắc.
Về "Bà Mẹ xứ sở", ngôi tháp bằng gỗ trước kia thờ nữ vương Jagadharma (646-653) được Prithi Indravarman cho xây dựng lại bằng vật liệu cứng tại Aya Tră (Nha Trang), trên một ngọn đồi cao cạnh cửa sông Cái (Xóm Bóng), để thờ tượng nữ thần Bhagavati (bằng vàng). Tháp này về sau được biết dưới tên Po Nagar, hay Tháp Bà.
Truyền thuyết Chăm cho rằng Hoàn Vương Quốc trước kia do nữ vương Po Nagar cai trị trong suốt 200 năm, từ 758 đến 958. Thời gian trị vì lâu dài này là thời gian mà vương triều Panduranga thịnh hành. Nữ vương Po Nagar - còn gọi là Yan Pu Nagara, Po Ino Nagar hay Bà Đen (nguời Việt Nam gọi là Thánh Mẫu Thiên Y Ana) - là vị nữ thần được tạo nên bởi áng mây trời và bọt biển, người tạo dựng ra quả đất, sản sinh gỗ quí, cây cối và lúa gạo. Bà có 97 phu quân, trong đó chỉ một mình Po Yan Amo là người có uy quyền và được tôn trọng hơn cả. Bà có 38 người con gái, tất cả đều hóa thân thành nữ thần, trong đó có ba người được người Chăm chọn làm thần bảo vệ đất đai và còn thờ phượng cho tới ngày nay: Po Nagar Dara, nữ thần Kauthara (Khánh Hòa) ; Po Rarai Anaih, nữ thần Panduranga (Ninh Thuận) và Po Bia Tikuk, nữ thần Manthit (Phan Thiết).
Prithi Indravarman là một quân vương tài giỏi, đất nước thái bình và rất phồn vinh. Sự giàu có của Hoàn Vương Quốc hấp dẫn các vương quốc lân bang, đặc biệt là Srivijaya (Palembang), Malayu (Malaysia), Javadvipa (Java), Nagara Phatom (Thái Lan), Sriksetra (Miến Điện) và Angkor (Chân Lạp) ; họ đến để trao đổi hoặc chờ dịp cướp phá.
Năm 774, quân Nam Đảo từ ngoài khơi đổ bộ vào Kauthara và Panduranga, chiếm Virapura. Vua Prithi Indravarman đã chống trả lại mãnh liệt nhưng bị chết trong đám loạn quân (sau này được dân chúng tôn thờ dưới pháp danh Rudraloka). Một bia ký đọc được ở tháp Po Nagar ghi "những người đen đủi và gầy yếu từ miền xa đến, ăn những thức ăn khủng khiếp hơn xác chết, lại có tính hung ác. Bọn người này đi mành đến lấy cắp tượng linga của thần Sri Sambhu, đốt phá đền thờ [Po Nagar]". Sau cuộc tấn công này quân Nam Đảo cướp đi rất nhiều báu vật, trong đó có tượng nữ thần Bhagavati bằng vàng.
Ngay khi Prithi Indravarman vừa tử trận, một người cháu gọi ông bằng cậu tên Satyavarman được hoàng tộc tôn lên thay thế. Nhưng vừa lên ngôi, Satyavarman đã cùng hoàng tộc chạy lên miền Bắc (Bình Định) lánh nạn. Tại đây, nhà vua được cộng đồng người Chăm và người Thượng địa phương (Bahnar, Hré) giúp thành lập một đạo quân hùng mạnh tiến xuống Kauthara tấn công quân Nam Đảo. Trước uy lực của Satyavarman, quân Nam Đảo lên thuyền bỏ chạy ra khơi, tân vương dẫn hoàng gia về lại Virapura. Tại đây, nhà vua xây thêm một cung điện mới trong thành Krong Laa và không ngờ đã sáng chế ra một phong tục mới mà các đời vua sau bắt chước theo, đó là tục trồng cây Kraik, biểu tượng của hoàng gia, trước cung điện. Đền Po Nagar, bị quân Nam Đảo phá hủy, được Satyavarman cho dựng lại bằng gạch, 10 năm sau (774-784) thì hoàn thành và tồn tại cho tới ngày nay. Năm 786, Satyavarman mất (được dân chúng thờ phượng dưới pháp danh Isvaraloka), em trai út của ông được hoàng tộc đưa lên ngôi, hiệu Indravarman I (786-801).
Hay tin Satyavarman từ trần, năm 787, quân Java từ ngoài khơi lại tràn vào Virapura cướp phá, sát hại rất nhiều binh sĩ và dân chúng, phá tháp Hòa Lai thờ thần Bhadradhipatisvara tại Virapura. Quân Nam Đảo chia ra làm hai nhóm, một nhóm bắt theo nhiềuá phụ nữ cùng rbáu vật chở về nước, một nhóm khác chiếm giữ Panduranga. Phải hơn mười năm vất vả Indravarman I mới đuổi được quân Nam Đảo ra khơi để khiến thiết lại xứ ở (năm 799). Tại Virapura, nhà vua xây lại tháp Hòa Lai bằng ba tháp mới, gọi là Kalan Ba Tháp, thờ các thần Indrabhadresvara, Sankara và Narayana. Cũng vất vả lắm Indravarman I mới dẹp yên được một số giặc giã nổi lên từ khắp nơi, như tại Candra (phía bắc), Indra (đông-bắc), Agni (phía đông), Yama (đông-nam), quan trọng nhất là loạn Yakshas (phía nam). Yakshas là những bộ lạc Thượng cư ngụ trên lãnh thổ đế quốc Angkor chứ không phải là quân Khmer.
Đầu thế kỷ thứ 9, Indravarman I mất, em rể là hoàng thân Deva Rajadhiraja lên thay, hiệu Harivarman I, mở đầu một trang sử mới.
Trong hai năm đầu tân vương dồn mọi nổ lực xây dựng lại đất nước và phục hồi thế lực quân sự. Để nhận thêm sự ủng hộ của quần chúng, nhà vua sai tể tướng Senapati Pangro trùng tu lại tháp Po Nagar và xây thêm hai tháp mới cạnh tháp chính, một ở hướng nam và một ở hướng tây-bắc để dân chúng đến chiêm bái tượng nữ thần Bhagavati, được tạc lại bằng đá hoa cương.
Sau những cố gắng vượt bực, Hoàn Vương Quốc hưng thịnh trở lại, Harivarman I quyết định trả thù những quốc gia đã tấn công và cướp bóc đất nước của ông trước đó. Tháng 1-803, quân Chăm tấn công châu Hoan (Tỷ Cảnh, nay là Thanh Hóa) và châu Ái (Hải Âm, nay là Nghệ Tĩnh), mang về rất nhiều phẩm vật. Với lượng lúa gạo mang về miền Bắc, thủy quân Hoàn Vương Quốc xuất dương trừng phạt vương quốc Kelantan ở Java và Patani ở Malaysia. Khi trở về, nhà vua cho người lên Tây Nguyên mộ thêm binh sĩ và được sự hưởng ứng nồng nhiệt của người thiểu số. Với đạo quân này, hai lần (nam 803 và 817), Harivarman I tiến vào cao nguyên Đồng Nai thượng, đánh bại quân Khmer và kiểm soát một vùng đất rộng lớn.
Để có thêm nguồn lương thực, năm 808, Harivarman I xua quân đánh chiếm châu Hoan và châu Ái lần nữa, nhưng bị thái thú Trương Châu đánh bại: 59 người trong hoàng tộc bị bắt sống, nhiều thớt voi, tàu chiến và quân trang quân dụng bị tịch thu, hơn 30.000 người bỏ xác tại trận. Về con số ba vạn người bị chết này, tưởng cũng nên tương đối hóa nó vì thời đó người Hoa chưa phát minh ra số "không" (zéro) do đó cái gì nhiều quá, đếm không xuể đều được ghi là "vạn" ; con số ba vạn ở đây có thể do nhiều đơn vị khác nhau cùng báo cáo và cũng có thể được thổi phồng để được triều đình trung ương khen thưởng, vì qua năm sau, năm 809, Harivarman I tái chiếm châu Hoan và châu Ái một cách dễ dàng và mang về rất nhiều phẩm vật.
Không rõ Harivarman I mất năm nào nhưng con trai là tiểu vương (pulyan) đất Panduranga lên kế vị năm 817, hiệu Vikrantavarman III. Vì tân vương còn nhỏ tuổi, triều thần phong tể tướng Senapati Par, tiểu vương đất Manidhi (?), làm phụ chính. Viên tể tướng này đã tổ chức nhiều cuộc tấn công vào lãnh thổ Kambujas (Kampuchea ngày nay), do vua Jayavarman II cai trị, phá nhiều thành trì khmer trên cao nguyên Đồng Nai thượng. Để tạ ơn Bà Mẹ Xứ Sở, trong khuôn viên Po Nagar, Senapati Par cho xây thêm hai tháp mới về phía tây và tây-nam, thời gian sau xây thêm ba tháp khác: một tại khu trung tâm thờ Sri Shambu, một phía tây-bắc thờ Shandhaka và một phía nam thờ Ganesha. Mặc dù vậy, trung tâm chính trị và tôn giáo vẫn được duy trì tại Virapura, thủ phủ Panduranga.
Dưới thời Vikrantavarman III, Hoàn Vương Quốc rất là giàu có, quân lực rất là hùng mạnh. Một bia ký, tìm được tại tháp Po Nagar, mô tả Vikrantavarman III như sau: "[Người] đeo những dây vàng có đính ngọc trai và ngọc bích, giống như mặt trăng tròn đầy đặn, che một chiếc lọng trắng bao phủ cả bốn phương trời bởi vì lọng còn sâu hơn cả đại dương, thân thể [Người] trang sức phủ kín bởi vương miện, đai, vòng, hoa tai, những tràng hồng ngọc... bằng vàng, từ đó phát ra ánh sáng giống như những cây leo [sáng lấp lánh]". Thư tịch cổ Trung Hoa (Cựu Đường thư) mô tả thêm: "[Vua] mặc áo cổ bối bạch diệp... trên đeo thêm trân châu, dây chuyền vàng làm thành chuỗi...". Đẳng cấp quí tộc và phụ nữ cung đình cũng đeo trang sức quí: "Phu nhân mặc vải cổ bối triệu hà... mình trang sức dây chuyền vàng, chuỗi ngọc trai". "[...] Quân đội được trang bị nhiều loại vũ khí khác nhau...".
Với thời gian, Hoàn Vương Quốc trở thành nạn nhân của sự giàu có của mình, các thế lực lân bang liên tục tràn váo cướp phá. Trong suốt hơn 20 năm, từ 854 đến 875, quân của đế quốc Angkor đã nhiều lần tiến đánh Hoàn Vương Quốc, chiếm nhiều vùng đất rộng lớn dọc tả ngạn sông Đồng Nai, đôi khi còn băng cao nguyên Langbian đột nhập vào lãnh thổ Panduranga cướp phá.
Vikrantavarman III mất năm 854 (được thờ dưới pháp danh Vikrantasvara), không người kế tự, nội bộ triều đình xảy ra tranh chấp.
Triều vương thứ sáu (859-991): vương triều Indrapura hay Campapura (Chiêm Thành)
Sống mãi trong xa hoa, vương triều Panduranga trở nên yếu đuối. Sau hơn 20 năm chinh chiến với Angkor quyền hành trong nước lọt dần vào tay các dòng vương tôn miền Bắc, chính họ đã chống trả lại các đợt xâm lăng của đế quốc Angkor.
Năm 859, một vương tôn mang nhiều chiến công, tên Laksmindra Bhumisvara Gramasvamin, được triều thần đưa lên ngôi, hiệu Indravarman II.
Mặc dù là truyền nhân đích tôn của các đời vua trước (ông nội là Rudravarman II, cha là Bhadravarman II), Indravarman II lên ngôi do "dày công tu luyện, do sức mạnh của trí tuệ trong sáng", vì Indra là thần trên các vị thần. Sau khi qua đời ông được dân chúng thờ dưới tên Paramabuddhaloka.
Dưới thời Indravarman II, trung tâm quyền lực chính trị và tôn giáo được dời lên phía Bắc tại Indrapura - thành phố Sấm Sét (nay là Đồng Dương, cách Đà Nẵng hơn 50km về phía nam) trên bờ sông Ly Ly (một nhánh sông Thu Bồn, cách thánh địa Trà Kiệu 15 cây số). Vị trí của Indrapura rất thuận lợi trong việc phòng thủ chống lại những cuộc tiến công của quân Khmer và quân Nam Đảo.
Phật giáo Đại Thừa cũng phát triển mạnh trong giai đoạn này, nhiều nhà sư Trung Hoa được phép đến Indrapura truyền đạo, xây chùa chiền và thu nạp giáo đồ, nhưng không mấy thịnh hành. Indravarman II là người đã dung hòa được hai tôn giáo lớn nhất thời đó (Bà La Môn và Phật giáo) trong dân gian và xã hội: nhiều Phật viện (Vihara), Phật đường, tu viện, đền thờ được xây dựng khắp nơi lãnh thổ, một bảo tháp dài 1.330m tên Laksmindra Lokesvara được xây dựng cạnh đền thờ Bà La Môn (một tượng Buddha thời này, cao 1,14m, được tìm thấy tại Đồng Dương năm 1978).
Đẳng cấp tu sĩ (Brahman) rất được trọng vọng, đạo Bà La Môn rất thịnh hành. Indravarman II rất tự hào vì các đại thần dưới quyền đều là những người Brahman và Ksatriya, và chính nhà vua cũng là một Brahman.
Quốc hiệu Campapura (đất nước của người Chăm, theo tiếng Phạn cổ) được Indravarman II chính thức sử dụng khi tôn vinh đất nước mình. Sử sách Trung Hoa phiên âm là Chang Cheng (từ chữ Campapura hay Campa mà ra), tiếng Việt là Chiêm Thành hay Chiêm Bà, tiếng Tây phương là Champa. Trong thực tế, Campa là tên của một cây có hoa màu trắng, nhụy vàng, hương rất thơm. Tiếng Việt gọi là hoa đại hay bông sứ. Loài hoa này được trồng quanh cung điện của các vua Chăm và đền thờ của người Chăm ; sau này được trồng tại nhiều nơi thờ tự của các tôn giáo khác ở miền Trung và các gia trang có sân vườn rộng. Mỗi dịp lễ lạc người Chăm thường hái bông sứ dâng lên bàn thờ, mùi hương tỏa ngát không gian của đền thờ. Campa cũng là tên một địa danh miền bắc Ấn Độ, trên con sông Hasdo, tỉnh Madhya Pradesh, gần thành phố Bhagalpur (Bilaspur). Thời đó, vì mến mộ văn minh và văn hóa Ấn Độ, các vị lãnh đạo Champa thường đặt tên triều vương, lãnh thổ và thành phố của mình theo tên các địa danh đã có tại Ấn Độ.
Chiêm Thành dưới thời Indravarman II rất là hùng mạnh, hai miền Nam-Bắc đã được thống nhất trong hòa bình. Trong những năm 861, 862 và 865, quân Chiêm Thành tổ chức nhiều cuộc tấn công vào phủ An Nam, mang về rất nhiều lương thực và của cải. Năm 889 vua Angkor là Yasovarman hai lần tiến quân vào Chiêm Thành nhưng đều bị đánh bại và chết trong rừng sâu (năm 890), một phần đất trên Đồng Nai thượng và lãnh thổ đông-bắc Angkor (cao nguyên Rattanakiri và Mondolkiri) đặt dưới quyền kiểm soát của Chiêm Thành.
Năm 890 Indravarman II mất, cháu là hoàng thân Jaya Sinhavarmadeva Campapura Paramesvara kế vị, hiệu Jaya Sinhavarman I. Tân vương được nhiều danh tướng Ajna Jayendrapati, Ajna Narendranpavitra, Sivacarya, Po Klun Pilih Rajadvara… tận tình giúp đỡ. Nhà vua tiếp tục cho xây thêm nhiều đền đài tráng lệ, tu viện Phật giáo quanh thánh địa Đồng Dương. Tượng nữ thần Bhagavati được cho đúc lại bằng vàng thờ trong chính điện tháp Yan Po Nagara.
Uy quyền của vương triều Indrapura nới rộng lên đến Tây Nguyên. Cao nguyên Darlac-Kontum do một tiểu vương người Thượng, tên Mahindravarman, cai trị. Nhiều đền đài Chăm được xây cất trong thung lũng sông Bla gần Kontum (đền Kon Kor được xây cất năm 914 thờ thần Mahindra Lokesvara).
Jaya Sinhavarman I mất năm 898, con là Jaya Saktivarman lên thay (899-901). Những vị vua tiếp theo - Bhadravarman II (901-918) và con là Indravarman III (918-959) - tiếp tục sự nghiệp của cha ông trong lãnh vực tôn giáo: đạo Bà La Môn trở thành quốc giáo.
Qua trung gian những gia đình hoàng tộc gốc Nam Đảo - Rahdar Ahmed Abu Kamil, Naqid Amr Ali - trốn chạy chính sách cai trị khắc nghiệt của những tiểu vương Java, được tể tướng Po Klun Pilih Rajadvara nhận vào tị nạn, đạo Hồi chính thức được phổ biến trong chốn hoàng gia. Với thời gian, đạo Hồi được đông đảo quần chúng bình dân tin theo. Nhân cơ hội, những gia đình quí tộc tị nạn này truyền bá luôn văn minh và văn hóa Nam Đảo, đặc biệt là lối kiến trúc và cách điêu khắc, cho nghệ nhân Chăm. Vào thời này, người Chăm đã nắm vững kỹ thuật đi biển, biết buôn bán và giao hảo tốt với các quốc gia lân bang: Trung Hoa và Java.
Vừa lo ngại vừa ganh tị sức mạnh và sự giàu có của Chiêm Thành, năm 945 vua Khmer là Rajendravarman II cùng binh sĩ băng rừng từ Angkor vào Kauthara, cướp tượng nữ thần Bhagavati bằng vàng - vị thần bảo vệ xứ sở và là biểu tượng uy quyền của Chiêm Thành - trong tháp Yan Po Nagara mang về nước ; từ sau ngày đó, vương triều Indravarman III suy yếu hẳn.
Dưới thời Indravarman III, biến cố quan trọng ảnh hưởng đến sự tồn vong của vương quốc Chiêm Thành là sự hình thành một vương quốc độc lập phía Bắc: nước Đại Cồ Việt, nhưng chỉ thực sự để lại hậu quả qua các triều vua sau. Năm 959, Indravarman III từ trần, con là Jaya Indravarman I lên thay năm 960.
Việc làm đầu tiên của tân vương là cho tạc lại tượng nữ thần Bhagavati bằng đá hoa cương để dân chúng đến thờ, năm 965 mới xong. Năm 972, Jaya Indravarman Iraq từ trần, con là Phê Mi Thuế, Paramesvaravarman I (972-982), lên thay.
Sinh hoạt chính trị của Chiêm Thành trong giai đoạn này rất là hỗn độn, năm 978, một người tên Kinan Tache mang phẩm vật sang Trung Hoa triều cống để được phong làm vua Chiêm Thành nhưng không được nhà Tống nhìn nhận. Trong lúc đó, lợi dụng tình trạng loạn lạc tại Đại Cồ Việt (loạn thập nhị sứ quân, từ 944 đến 972), quân Chiêm Thành nhiều lần tiến lên đánh phá những quận huyện ở phía nam, gây nhiều thiệt hại nhân mạng và tài sản.
Năm 979, hay tin Đinh Tiên Hoàng bị ám sát, Ngô Nhật Khánh, một sứ quân Đại Cồ Việt, thuyết phục vua Paramesvaravarman I, dẫn hơn một ngàn chiến thuyền từ Chiêm Thành vào chiếm Hoa Lư, nhưng không thành. Ngô Nhật Khánh bị giết, quân Chăm phải rút về.
Tình hình chính trị của Đại Cồ Việt trong giai đoạn này cũng không lấy gì làm sáng sủa: triều đình không có vua, Hạng Lang tức Đinh Vệ Vương còn quá nhỏ (6 tuổi), mẹ là thái hậu Dương Vân Nga không thể một mình đảm đương việc nước vì phía Bắc quân Tống lăm le tiến xuống, phía Nam quân Chiêm sẵn sàng tiến lên. Năm 980, Dương Vân Nga nhường cho Lê Hoàn làm vua Đại Cồ Việt, hiệu Lê Đại Hành hoàng đế. Tân vương sai sứ sang Trung Hoa báo tin, dâng vài tù binh Chiêm vừa bắt được làm quà biếu. Vua Tống nhận tặng phẩm nhưng lại muốn duy trì ảnh hưởng tốt với Chiêm Thành, sai thống đốc Quảng Châu cho những tù binh Chiêm ăn uống rồi thả về nước.
Bực mình trước tin này, Lê Đại Hành sai Từ Mục và Ngô Tử Canh sang Chiêm Thành yêu cầu vua Chiêm sang bái kiến. Paramesvaravarman I, sau khi nhận lại tù binh từ nhà Tống và tin chắc sẽ được Bắc triều bênh vực nếu bị Lê Đại Hành tấn công, đã không những không sang bái kiến mà còn bắt giam sứ giả. Lê Đại Hành rất giận nhưng chưa có phản ứng.
Sau khi đánh đuổi quân Tống ra khỏi lãnh thổ phía Bắc cuối năm 980, Lê Đại Hành củng cố lại lực lượng chuẩn bị tấn công Chiêm Thành. Đầu năm 982, nhà vua dẫn đại quân tiến vào Indrapura. Đây là cuộc Nam chinh đầu tiên của người Việt vào đất Chiêm Thành. Paramesvaravarman I tử trận ngay tại cửa thành, chấm dứt triều đại Indrapura.
Lê Đại Hành tiến vào kinh đô Indrapura (Đồng Dương), giết tướng giữ thành Tỳ My Thuế, bắt sống hàng trăm vũ nữ trong hậu cung, tịch thu rất nhiều báu vật mang về nước. Bên ngoài binh lính Việt đốt phá thành trì, san phẳng lăng tẩm các vị vua Chiêm, bắt theo hàng ngàn tù binh, trong đó một nhà sư Ấn Độ tên Thiền Trước Tăng (bhiksu). Lãnh thổ Bắc Chiêm Thành (Bình Trị Thiên) bị chiếm đóng từ 982 đến 983.
Sau chiến thắng này, văn hóa và nghệ thuật (nhất là âm nhạc) Chiêm Thành chính thức được du nhập vào đời sống cung đình và dân gian Việt. Đền đài, dinh thự tại Hoa Lư được trang trí bằng những chiến lợi phẩm do các thợ Chiêm Thành chạm trổ và sản xuất ra.
Indravarman IV (Xá Lợi Đà Ngô Nhựt Hoàn) – được hoàng triều tôn lên làm vua khi Paramesvaravarman I vừa tử trận - chạy vào Panduranga lánh nạn và chịu triều cống nhà Lê mới được yên. Năm 985 Nhựt Hoàn sai pháp sư Kinkoma sang Trung Hoa xin nhà Tống cứu viện nhưng được khuyên là nên duy trì quan hệ tốt với Đại Cồ Việt.
Nội bộ nhà Lê cũng xảy ra tranh chấp về quyền lãnh đạo trên lãnh thổ Bắc Chiêm Thành, người thì đề nghị cai trị trực tiếp, người thì khuyên tản quyền. Cuối cùng một giải pháp trung gian được áp dụng: nơi nào còn đông đảo người Chăm cư ngụ thì giao cho người địa phương quản lý, nơi nào đông dân cư gốc Kinh sinh sống thì triều đình Đại Cồ Việt đặt quan cai trị trực tiếp. Sự kiện này chứng tỏ sự cộng cư giữa các nhóm cư dân địa phương sau khi Lâm Ấp giành được độc lập vẫn còn khắng khít, nhưng từ khi người Kinh bắt đầu cai trị trực tiếp lãnh thổ Bắc Chiêm Thành chống đối bắt đầu xảy ra.
Năm 983, một quản giáp (trưởng làng) người Kinh sinh sống trên lãnh thổ Bắc Chiêm Thành tên Lưu Kỳ Tông nổi lên chém đầu một người con nuôi của Lê Đại Hành, lúc đó là một quan cai trị trực tiếp, xây thêm thành lũy quanh Phật Thành (Fo Che) phòng thủ lãnh thổ Bắc Chiêm Thành, rồI mộ hơn 10.000 người và nhiều voi ngựa đánh Đại Cồ Việt. Lê Đại Hành tiến quân xuống đánh nhưng cuộc chiến đã không xảy ra, vì sau khi vượt núi Đông Cổ và sông Bà Hòa (Thanh Hóa), đại quân của nhà Tiền Lê chịu không nổi sương lam chướng khí phải rút về.
Năm 986, hay tin vua Indravartman IV (Ngô Nhựt Hoàn) của người Chăm từ trần, Lưu Kỳ Tông liền tự xưng vương và xin nhà Tống thừa nhận. Sự tiếm quyền này xúc phạm đến tín ngưỡng của người Chăm vì Lưu Kỳ Tông không xuất thân từ vương tộc hay đẳng cấp tôn giáo nào, và là một đe dọa cho cộng đồng người Hoa địa phương. Một người Chăm gốc Hoa tên Poulo Ngo dẫn theo khoảng 150 người đổ bộ lên đảo Hải Nàm và vùng duyên hải nam Quảng Châu tị nạn. Năm 988, thêm 300 người khác do Ho Siuan dẫn đầu đổ bộ lên bờ biển Quảng Châu. Người Chăm gốc Nam Đảo còn lại theo Bằng Vương La (Cu-thì-lợi Hà-thanh-bài Ma-la), một người Champa sinh sống tại Phật Thành, kháng chiến chống Lưu Kỳ Tông.