ĐIỂM NHẤN HÀ GIANG (Đàm Thị Lượng) - Mc tiệc cưới, học làm mc đám cưới, video đám cưới hay nhất

Thursday, April 6, 2017

ĐIỂM NHẤN HÀ GIANG (Đàm Thị Lượng)

Biểu diễn khèn Mông tại Lễ hội Gầu Tào truyền thống

Người Mông di cư đến Hà Giang (Việt Nam) chia thành nhiều đợt khác nhau, nhưng tập trung chủ yếu trong khoảng thời gian từ giữa thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XIX. Người Mông có nhiều nhóm: Mông hoa, Mông xanh, Mông trắng, Mông đen, ở Hà Giang chủ yếu có hai nhóm chính: Mông trắng sinh sống nhiều ở 4 huyện vùng cao nguyên đá: Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ và nhóm Mông hoa sinh sống chủ yếu ở 2 huyện phía Tây: Hoàng Su Phì, Xín Mần. Người Mông thường sinh sống trên các sườn núi có độ cao trung bình từ 1.000 - 1.500m so với mực nước biển.

Do địa hình cư trú trên các sườn núi cao nên người Mông có tâm hồn phóng khoáng, cởi mở, có lòng hào hiệp, chân thành và có tấm lòng vị tha. Người Mông sinh sống chan hòa, đoàn kết với các dân tộc xung quanh như: Dao, Lô Lô, Hoa, Tày, Nùng... Đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc Mông rất phong phú, họ có cả một kho tàng truyện cổ tích kể về sự tích người Mông, sự tích cây ngô, sự tích quả bí... Có hàng trăm bài hát dân ca ca ngợi về lao động sản xuất, về tình yêu quê hương đất nước, về tình yêu đôi lứa...và đặc biệt người Mông có một nhạc cụ rất quan trọng không thể thiếu trong đời sống hàng ngày cũng như trong các dịp lễ tết, ngày hội hay trong đám cưới, đám ma của dân tộc đó là Khèn Mông.

Khèn: tiếng Mông gọi là Krềnh. Khèn được gắn với một sự tích buồn kể về những đứa con ngoan, hiếu thảo của người Mông. Truyện kể rằng: Ngày xưa trong một gia đình người Mông có sáu anh em trai vừa ngoan hiền, vừa chăm chỉ và rất hiếu thảo. Hàng ngày sáu anh em lên rừng hái củi, săn bắt chim thú rừng về chăm sóc cha mẹ già. Một hôm người mẹ bị lâm bệnh nặng, không qua khỏi và mất. Người cha cùng sáu anh em trai thương mẹ, buồn khóc nhớ mẹ đến không muốn ăn và không ngủ. Người cha già yếu khóc thương vợ đến kiệt sức và mất. Mất mẹ nay lại thêm nỗi đau mất cha sáu anh em càng buồn hơn và họ khóc ngày khóc đêm không thiết tha gì đến ăn uống, rồi dần dần sáu anh em cũng kiệt sức và mất. Để tưởng nhớ sáu anh em hiền lành, hiếu thảo người Mông đã sáng tạo, làm nên sáu ống khèn chung trong một cây khèn và khi tiếng khèn cất lên vừa hoành tráng, vừa bi ai. Ban đầu người Mông chỉ dùng khèn thổi trong đám ma để tưởng nhớ sáu anh em xưa. Dần dần thời gian trôi đi, đồng thời hòa chung với quá trình phát triển hội nhập của các dân tộc, đặc biệt tiếng khèn Mông da diết đã lôi cuốn người nghe và động viên người Mông mạnh dạn đưa cây khèn ra thổi trong các dịp lễ tết, đám cưới, hội hè...Tiếng khèn ngày càng được chau chuốt, chỉn chu hơn với những âm điệu quyến rũ, nồng nàn và sâu lắng. Ban đầu cây khèn chỉ đơn thuần dùng để thổi, về sau người Mông với bản tính vô tư, trong sáng yêu đời họ đã sáng tạo thêm những điệu múa phối hợp cùng với tiếng khèn. Càng múa tiếng khèn càng hay, các điệu múa và tiếng khèn ngày càng hòa quyện vào nhau không thể tách rời. Người Mông quan niệm: Là con gái Mông phải biết may vá, dệt vải và thêu thùa. Là con trai Mông phải biết thổi khèn và múa khèn. Vì vậy con trai Mông ngay từ nhỏ đã được người cha dạy cho cách thổi khèn và múa khèn. Nhưng tiếng khèn có hay, múa có đẹp không chỉ nhờ vào năng khiếu của người con trai Mông mà còn cần đến sức khỏe cùng sự dẻo dai tập luyện chăm chỉ mỗi ngày của người đàn ông.

Ngoài thổi khèn nhiều thanh niên Mông còn biết chế tác khèn. Song không phải ai cũng có năng khiếu chế tác và không phải cây khèn nào làm ra cũng thổi hay được. Để tìm nguyên liệu chế tác và làm được một cây khèn ưng ý: vừa tròn, vừa dẻo dai, các chàng trai Mông phải đi vào rừng sâu, đi từ ba đến năm ngày, những chàng trai cẩn thận có khi đi cả tháng mới tìm được cây trúc và gỗ thông hoặc gỗ pơ mu núi đá như ý. Cây trúc để làm khèn không được già quá cũng không được non quá, trúc mang về được phơi sương rồi phơi ra nắng, nếu trời không nắng thì phơi trên gác bếp, phần đai quấn quanh ống trúc được làm bằng dây gai. Trúc, dây gai và thân gỗ để làm khèn hong ít nhất từ hai đến ba tháng để ăn khói. Khi đem trúc ra để làm, họ phải lau bằng nước quả chanh hoặc nước cơm mẻ để trả lại mầu vàng óng tự nhiên của thân trúc. Sau đó mang dây gai đi ngâm vào nước cho dẻo mềm, dai không khác gì da thuộc và dễ thắt nút. Gỗ được sấy khô cho tiệt hết tinh dầu và nhựa rồi được hơ qua hơ lại trên lửa. Khi đem nguyên liệu ra làm khèn: gỗ vừa bóng, vừa khỏe, màu vàng ngà, màu của dây gai đen nâu nổi bật trên nền trúc vàng óng...

Khèn Mông có hai loại: Loại khèn có âm thanh bổng là khèn ngắn, khèn có âm thanh cao là khèn dài. Thân khèn được khoét thành 6 lỗ để đút 6 ống trúc nhỏ có đường kính khoảng 3cm, sáu ống trúc tượng trưng cho sáu anh em tụ họp được xếp song song, khéo léo trên thân khèn. Loại khèn dài: hàng ống thứ nhất dài 100cm, hàng ống thứ hai dài trên 90 cm, hàng ống thứ ba dài khoảng trên 80 cm; Loại khèn ngắn: hàng ống thứ nhất dài trên 70cm, hàng ống thứ hai dài trên 60cm, hàng ống thứ ba dài trên 50cm. Đầu ống thổi khèn có lưỡi gà làm bằng kim loại. Lưỡi gà được chế tác bằng đồng dát mỏng. Để làm được chiếc lưỡi gà ưng ý phải qua nhiều công đoạn và kỳ công trong chế tác. Thông thường, người Mông hay chọn những đồng xu, hay vỏ đạn (bằng đồng) để làm lưỡi gà. Họ lựa chọn những hòn đá ráp mịn để mài lưỡi gà cho đến khi phát ra âm thanh chuẩn mới thôi. Lưỡi gà đầu gắn hạt sáp lớn thì âm thanh trầm, gắn hạt sáp nhỏ thì âm thanh bổng... Cây khèn là nhạc cụ độc đáo, có thể thổi hơi ra và có thể hít hơi vào. Khèn vừa dùng để thổi, vừa là đạo cụ để múa. Cấu tạo khèn rất phù hợp với dáng khum người và các thế quay, nhảy của người con trai Mông. Khèn cùng một lúc phát ra đa âm khi trầm khi bổng, tiết tấu theo nhịp 2/4 thích hợp với các điệu múa khèn sôi động. Động tác múa khèn của các chàng trai Mông rất phong phú với những bước nhún nhảy, quay đưa chân, bước lượn, bước trườn hoặc lộn vòng trên đất… Khèn không chỉ riêng có các chàng trai Mông thổi và múa mà các chàng trai còn múa cùng với các thiếu nữ Mông. Múa đôi trai gái thường đá gót chân vào nhau, lướt đều và quay đổi chỗ cho nhau. Ngày nay, cùng với sự phát triển và hội nhập giữa các nền văn hóa, các loại hình nhạc cụ dân tộc khèn Mông không chỉ đơn thuần đóng vai trò là nhạc cụ riêng của người Mông mà đã và đang trở thành nhạc cụ yêu tích chung của các dân tộc. Khèn Mông ngày nay không chỉ sử dụng trong đám ma, đám cưới, lễ hội mà khèn Mông còn được các chàng trai Mông khoác bên mình khi xuống chợ. Sau bữa rượu thắng cố và mèn mén bên bạn hiền, tiếng khèn điệu múa của các chàng trai Mông lại được cất lên như tiếng "chim kêu, vượn hót", như suối reo, gió ngàn. Thổi và múa khèn không chỉ thể hiện sự tài hoa, khéo léo của người đàn ông Mông mà qua đó còn thể hiện sức sống mạnh mẽ, sự can trường, dũng cảm bám trụ trên vùng cao nguyên đá khốc liệt đầy sương gió của núi rừng.

Khèn là nhạc cụ độc đáo thể hiện tâm linh, tín ngưỡng truyền thống và là vật linh thiêng trong các nghi lễ, lễ hội của dân tộc Mông. Những năm qua khèn Mông được các cấp ủy đảng, chính quyền và ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặc biệt quan tâm. Phối hợp với UBND huyện Đồng Văn ngành Văn hóa đã triển khai Lễ hội  khèn Mông trên địa bàn huyện được hai lần, năm 2015 sẽ tổ chức Lễ hội tại trung tâm tỉnh. Nhiều đề tài, đề án bảo tồn nghề chế tác khèn Mông tại các xã thuộc huyện Đồng Văn được thực hiện. Đồng thời múa khèn Mông đã được đưa đi tham gia các kỳ liên hoan của Trung ương cũng như khu vực, tạo điều kiện quảng bá, giới thiệu với các tỉnh, các vùng miền. Để bảo tồn và phát huy khèn Mông hơn nữa cần quan tâm chú trọng đến đời sống vật chất của các nghệ nhân biểu diễn và làm nghề chế tác khèn. Từng bước đưa khèn Mông trở thành một sản phẩm du lịch được ưa chuộng, giúp người Mông xóa đói giảm nghèo, đưa "miền núi tiến kịp miền xuôi" và thực hiện tốt một trong tám điều Bác Hồ căn dặn tỉnh Hà Giang “Trước hết tất cả các dân tộc dù to hay nhỏ, đều phải đoàn kết chặt chẽ, thương yêu giúp đỡ nhau như anh em một nhà”. Thực hiện tốt lời Bác dạy, tin tưởng tuyệt đối vào con đường lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, các dân tộc trên mảnh đất biên cương nhất định sẽ xây dựng quê hương Hà giang ngày càng giàu mạnh, xứng đáng là “phên dậu” bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đàm Thị Lượng

Share with your friends