Cũng là vô tình và thật may mắn trong một lần về xã Hộ Đáp, một xã vùng cao còn nhiều khó khăn của huyện Lục Ngạn, chúng tôi được trực tiếp tham dự lễ cúng thổ công của dân tộc Nùng ở bản Khuôn Nghiều. Đây là bản duy nhất trong vùng còn duy trì thường xuyên lễ cúng độc đáo này. Bản Khuôn Nghiều có 100% số dân là người Nùng. Các hộ gia đình ở thưa thớt ven sườn núi. Tham gia tổ chức lễ cúng thổ thần này chỉ do 16 hộ, nằm gần khu rừng cấm linh thiêng ven bờ suối.
Ý nghĩa của lễ cúng làbáo cáo thần linh bản thổ về kết quả sản xuất của vụ mùa mới được thu hoạch xong của bà con trong bản. Năm nào cũng vậy, cứ độ trung tuần tháng 10 âm lịch, lúc mà lúa, ngô, sắn đã được mang về chất đầy nhà, treo đầy bếp và phơi đầy sân, là lúc người Nùng ở Khuôn Nghiều lại họp nhau lại, bàn bạc góp tiền, góp gạo, rượu để tổ chức lễ cúng trọng đại này. Sau lễ cúng trình báo thổ thần này thì các hộ gia đình mới được tự tổ chức dã bánh dày ăn mừng vụ mùa tại nhà.
Năm nay, lễ cúng thổ thần ở đây được bà con tổ chức vào ngày 29 tháng 10 âm lịch. Ngay từ sáng sớm, những thanh niên, trai tráng khoẻ mạnh nhất được chọn ra suối chặt những cây tre đẹp về để dựng bàn thờ, cao chừng 1m, rộng 1m ngay dưới gốc cây cổ thụ to nhất trong khu rừng cấm và một chiếc bàn thờ nhỏ ngay bên cạnh đó. Khu rừng này được bà con bảo vệ nghiêm ngặt, không ai dám chặt cây, bẻ cành hay làm những chuyện có lỗi, đánh chửi nhau tại đây. Có lẽ cũng bởi vậy mà người dân trong bản Khuôi Nghiều rất đoàn kết, gắn bó, đùm bọc nhau, trong xóm chưa bao giờ xảy ra những vụ đánh cãi, tranh chấp...Vì vậy, dù còn nhiều khó khăn về kinh tế, nhưng Khuôi Nghiều là một trong số ít những bản làng ở Lục Ngạn nhiều năm đạt danh hiệu làng văn hoá cấp tỉnh.
Sau khi bàn thờ đã được lập lên, các thanh niên tiếp tục công việc chuẩn bị lễ vật để cúng. Những người khác thì quét dọn sạch sẽ, thu dọn cành lá cây trong khu đất rộng này. Mâm lễ gồm có 2 con gà trống, 5 chén rượu, bát tiết gà được để sống, gạo, vàng mã và hương....Sau khi mâm lễ đã chuẩn bị xong, thầy cúng tiến hành nghi lễ báo cáo thần linh. Nội dung bài khấn đại ý như sau: ‘‘Hôm nay là ngày 29 tháng 10, 16 hộ trong bản Khuôn Nghiều xuống đây xin báo cáo thần linh bản thổ về kết quả vụ mùa vừa thu hoạch........cầu mong thần linh phù hộ cho vụ mùa tới cây cối tươi tốt, mưa thuận gió hoà, dân bản bình an, con người khoẻ mạnh, lợn gà mau lớn.....”
Điều đặc biệt khi đi dự lễ cúng, mỗi gia đình một người đại diện và chỉ là nam giới mới được tham gia, mỗi người mang theo một chiếc bát, đôi đũa và chén uống rượu. Lễ cúng kết thúc khoảng từ 10-11 giờ trưa, lúc này mọi người tụ tập quây quần bên nhau ăn cơm, uống rượu thụ lộc.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết lễ cúng thổ thần độc đáo này của người Nùng bản Khuôn Nghiều đã có truyền thống từ lâu đời, thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau, cứ như thế cho đến ngày nay. Xưa kia, có nhiều bản làng người Nùng trong khu vực có lễ cúng này, tuy nhiên đến nay đã mai một và còn duy nhất bản Khuôn Nghiều còn duy trì được.
Liên quan đến lễ cúng thổ thần độc đáo này, cụ Hoàng Văn Thành 71 tuổi cho biết về sự tích và nguồn gốc xa xưa còn truyền lại như sau:
Từ thuở xa xưa lắm, lúc đất trời đang buổi khai thiên lập địa, người Nùng trong vùng tìm đất mở làng, dựng nhà cửa. Trong vùng có một thầy địa lý rất giỏi, am hiểu tận tường phong thuỷ, ông giúp dân tìm đất và dựng nhà cửa, cuộc sống người Nùng ổn định an cư sản xuất. Nhưng sau khi đã tìm hết chỗ đất đẹp dựng nhà cho mọi người, thì người thầy địa lý đó không tìm được cho mình chỗ đất ưng ý nào, mà bèn ngồi tựa vào gốc cây cổ thụ bên bờ suối ở đây mà chết cùng với người hầu của mình. Vì vậy, mà trong lễ cúng tại Khuôn Nghiều mới dựng hai chiếc bàn thờ một lớn, một nhỏ là vậy và nơi đó ngày nay chính là nơi dân bản Khuôn Nghiều tổ chức lễ cúng hàng năm tại đây.
Cúng thổ thần là nét văn hoá tín ngưỡng độc đáo của dân tộc Nùng ở bản Khuôn Nghiều nói riêng và của tỉnh Bắc giang nói chung, đang đứng trước nguy cơ bị mai một, cần được bảo tồn, duy trì và phát huy giá trị.
Hoàng Minh Thắng