Hà Giang là một tỉnh miền núi có khá nhiều dân tộc thiểu số như Tày, Nùng, La Chí, PuPéo, Pàthẻn… Chính bởi sự quần cư của nhiều dân tộc trên cùng một mảnh đất đã tạo cho nền văn hóa Hà Giang những nét văn hóa độc đáo.
Cùng góp chung trong nền văn hóa phong phú đó, phải kể tới dân tộc Tày ở Hà Giang có trên 130.000 người, đứng thứ hai sau người Mông tập trung ở Bắc Quang, Bắc Mè, Vị Xuyên, Xín Mần, Hoàng Su Fìn… Nét đẹp trong văn hóa người Tày là những lễ hội mang tính cộng đồng như cầu mùa, cúng các thần linh là tục kết bạn, người Tày gọi là Hét tòng và đặc biệt là đám cưới của người Tày với những nét văn hóa khá độc đáo.
Có dịp về Hà Giang, thăm bản người Tày, chúng tôi cũng muốn được tham dự, tìm hiểu những sinh hoạt văn hóa của tộc người này. Nhưng để tìm những đám cưới nguyên sơ theo đúng nghi thức cũ thì không còn nhiều. Vì do sự giao lưu kinh tế và hội nhập văn hóa miền xuôi, đám cưới ngày nay đã được đơn giản hóa theo nếp sống văn hóa mới. Nhưng cũng thật may ở Vị Xuyên, một trong những huyện ở Hà Giang vẫn còn giữ lại những nét văn hóa cũ trong đám cưới. Vì là ngày vui trọng đại của gia đình, nên công việc nấu nướng do nữ đảm nhiệm được chuẩn bị từ sáng sớm. Nhà trai cũng vậy chọn được giờ đẹp là khởi hành mang theo lễ vật đến đón dâu. Muốn đón được cô dâu về nhà chồng ngoài những lễ vật quy ước như xôi, bánh dày, gà, cau, còn phải có một số đồ lễ để cúng thổ công và gia tiên nhà cô dâu. Đồ lễ đều phải sơn màu đỏ, hoặc tết dây đỏ tượng trưng cho sự son sắc. Đặc biệt, tục chăng dây của người Tày với sợi dây màu đỏ tuy giống một số dân tộc khác nhưng sự khác biệt của nó lại là sự diễn xuất của lối hát quan làng.
Trong đám cưới, vai trò của ông mối mà người ta gọi là quan làng gồm 2 người vô cùng quan trọng. Họ phải biết hát đối đáp bên nhà gái để có thể tháo được sợi dây đỏ, mà người Tày cho rằng đó là biểu hiện những thách thức khó khăn mà nhà gái đã nuôi dưỡng cô dâu cho đến trưởng thành.Hôm nay ngày lành tháng tốt,
Đoàn nhà trai chúng tôi chẳng ngại khó khăn.
Công dưỡng dục sinh thành cô dâu,
Chúng tôi xin tỏ lòng thành kính.
…Biết nhà trai đến đây chúng tôi căng sợi dây đó
Có thành quả nào mà không phải có khó khăn
Nếu tình cảm chân thành
Sẽ đưa các anh qua hàng rào có sợi dây đỏ.
Vượt qua sợi dây đỏ, các quan làng của họ nhà trai phải hát đối đáp cùng bên nhà gái theo lối hát vừa cổ truyền (tức là theo cách các cụ truyền lại, ngoài ra có thể ứng tác theo văn cảnh). Trước khi đoàn nhà trai được lên nhà, người Tày còn phải làm một nhập tục đầy ý nghĩa, ở đây ông quan làng phải dâng cho thầy cúng gồm một mâm có gạo, tiền… và một chiếc áo của chú rể, để thầy cúng trình cho thổ công, thổ địa của gia đình biết rằng giờ chú rể đã là con trong nhà. Và chiếc áo là vật nhận dạng, nếu không có nghi lễ này, chú rể sẽ khó được gia đình nhà gái chấp nhận.
Lễ cúng được thực hiện xong, đoàn nhà trai mới được lên nhà, nhưng tất cả đều phải dẫm một chân lên chiếc lồng gà bước lên bậc thang. Trong chiếc lồng còn có một chiếc chổi, vì người Tày cho rằng những gì tốt đẹp hay xấu sẽ được giám sát qua mắt cáo của cái lồng gà. Các vị thần chứng giám đám cưới của đôi vợ chồng trẻ sẽ phù hộ cho họ nếu họ gặp phải khó khăn gì. Nghi lễ này được thực hiện ở cả nhà trai và nhà gái.
Ngoài ra việc nhập gia của nhà trai còn phải thực hiện qua một số bước như hát vào nhà, hát thuyết phục nhà gái mở cửa. Bên cạnh đó còn có lối hát khác như khuyên dạy con cái làm ăn hay xin phép được nhà gái vẩy rửa những bụi bậm trên đường trước khi làm lễ… và những lối hát này được trích từ những cuốn sách mà người Tày ghi lại, mà quan làng là những người thuộc nhất và thông hiểu phong tục nhất.
Một trong những nét khá đặc sắc trong đám cưới của người Tày đó là tục cúng vải xô và vải đỏ. Ngoài những lễ vật nhà trai mang đến để cúng gia tiên của cô dâu như bánh dày, xôi, rượu, thịt gà, tấm vải xô thường không bao giờ thiếu được và luôn được đặt ở một vị trí quan trọng của ban thờ. Tấm vải này là tấm vải con rể tặng mẹ vợ, nhưng không phải để mẹ dùng ngay. Nó được đặt trên ban thờ hoặc cất giữ cho đến ngày mẹ của cô dâu không còn nữa, và khi mất người ta sẽ chôn mảnh vải này theo thi hài của mẹ vợ. Nghi lễ này thể hiện tính nhân văn cao, nó vừa thể hiện lòng biết ơn của con rể, vừa là sự tôn kính công nuôi dưỡng sinh thành của người phụ nữ Tày.
Cũng như nhiều dân tộc khác, tình cảm người mẹ và con gái rất gần gũi. Mẹ dạy con cái trồng bông, dệt vải, làm nương thêu thùa, múa hát. Bởi vậy khi con về nhà chồng cũng là ngày mẹ và con chẳng muốn xa nhau. Mẹ dạy con phải biết thu vén cho gia đình bên chồng, phải chăm chỉ chịu thương chịu khó và một trong những phong tục mà người Tày cũng như người Mường, người Thái là khi cô dâu về nhà chồng bao giờ cũng chuẩn bị chăn gối để biếu bố mẹ bên chồng và chuẩn bị cuộc sống sinh hoạt sắp tới. Người Tày không bao giờ tự mang chăn gối đến nhà trai trước. Chỉ có thể mang theo chăn gối khi đã chính thức được thổ công thần đất của gia tiên đồng ý, mang may mắn vào chiếc chăn, chiếc gối này. Người Tày có tục, nếu em gái lấy chồng mà anh trai chưa lấy vợ phải có thêm một tục lệ là tặng khăn cho anh trai, người tặng khăn không phải là cô dâu mà chính là chú rể. Chú rể phải trực tiếp trao khăn cho anh trai của cô dâu với ý nghĩa xin phép anh cho em được lập gia đình trước, tấm khăn đỏ với ý nghĩa cầu chúc cho anh những điều tốt đẹp. Và trong đám cưới, người anh của cô dâu cũng có những mâm riêng để mời bạn bè của mình, và người Tày cho rằng trong ngày lễ này, anh của cô dâu sẽ có rất nhiều may mắn mà em rể gửi tặng, nên sẽ có nhiều cơ hội để lựa chọn cho mình những người tâm đầu ý hợp, người bạn trăm năm của mình. Do vậy, trong ngày cưới còn có lối hát dao duyên để các đôi trai gái có thể tìm hiểu lẫn nhau.
Nghi lễ trong đám cưới của người Tày, nhất là thủ tục chính thức cô dâu chú rể xin phép để về nhà chồng khá phong phú. Người ta còn thấy ở đây những quy định về lạy, mời rượu, hay việc sắp xếp những bát rượu, cốc rượu ở cửa ra vào trước khi nhà trai về… như sự đóng và mở cho những nghi lễ, nghi thức trong nhà. Và đối với người Tày đây là những quy định không thể thiếu, được ghi lại thành văn mà các quan làng gìn giữ và hướng dẫn lại.
Phỏng vấn bà Hoàng Thị Lả, dân tộc Tày – Hà Giang : “Phong tục này không thể thiếu, vì thiếu nó, cô dâu chú rể sẽ khó có được một cuộc sống hạnh phúc. Nếu làm cho gia tiên và các vị thần phật lòng, không chỉ những người trong nhà gặp phải những điều xui xẻo, mà việc sinh nở, hay cuộc sống gia đình của cô dâu sẽ không tránh khỏi những bất trắc”.
Các thủ tục kết thúc cũng là lúc cô dâu được chính thức đưa về nhà chồng. Đoàn nhà trai đi trước, đoàn nhà gái có các bà, các mẹ đi sau. Mặc dù trời sáng, nhưng bao giờ cô dâu cũng mang theo ngọn đèn dầu. Người Tày cho rằng ngọn đèn sẽ là tín hiệu soi sáng dẫn đường cho cô dâu làm những điều phải, điều đúng, nhưng cũng là ngọn đèn xua đi những cái xấu, những điều chưa tốt. Đám cưới là mốc quan trọng của một đời người, nhưng cũng là sự bắt đầu cho một cuộc sống mới với những lo toan vất vả. Những bài hát dao duyên tuy đã được sáng tác xưa lắm rồi nhưng vẫn có một sức sống mạnh mẽ : “Chào em, sáng gặp em, tối lại muốn gặp em. Em đến thăm, anh muốn hỏi về em, không hỏi thì không nên, nhưng thăm rồi lại sợ không nên làm quen. Sợ em chẳng thương, anh tủi, Em sẽ chẳng phụ lòng người muốn gặp, từ xa nhìn lại sáng như mặt trời. Cho em nhớ mấy ngày quên ăn, đêm quên ngủ, ngắm ngọn đèn nhung nhớ…”.
Đám cưới của người dân tộc Tày với những nét đặc sắc còn giữ lại được chỉ là một trong ngàn nghìn những nghi lễ của người dân tộc thiểu số. Với trên 20 dân tộc anh em thuộc các nhóm ngôn ngữ Việt, Mường, Tày, Thái, Mông Dao, Tạng Miền… có thể nói Hà Giang là một tỉnh có nền văn hóa các dân tộc thiểu số vô cùng phong phú.
Tuy nhiên để gìn giữ bản sắc văn hóa của các dân tộc như giữ lại được những trang phục cổ truyền, sinh hoạt văn hóa trong đám cưới, ma chay, lễ hội, trong xu hướng phát triển kinh tế hội nhập ngày nay là điều không phải dễ dàng. Việc phát huy những nét sinh hoạt văn hóa độc đáo của người dân tộc, gìn giữ nó đòi hỏi một chính sách nhất quán để người dân tộc hiểu và nhận thức được vốn quý giá của dân tộc, có ý thức gìn giữ là lưu truyền qua nhiều thế hệ. Có như vậy mới tránh được tình trạng dần mất đi bản sắc của dân tộc mình, mà nhiều dân tộc hiện nay đang gặp phải. Muốn làm được điều này, đòi hỏi phải có sự quan tâm và đầu tư cho văn hóa để phát triển văn hóa miền cao. Đây không chỉ là vấn đề đặt ra cho tỉnh Hà Giang mà cho nhiều những tỉnh miền núi khác. Chúng tôi đã được đặt chân tới nhiều vùng đất, có nhiều dân tộc sinh sống, nhưng vừa phát triển kinh tế, vừa gìn giữ được văn hóa truyền thống thì không phải nơi nào cũng làm được. Người dân tộc ai chẳng mong muốn giữ lại vốn qúy văn hóa mà ông cha để lại. Nhưng có lẽ cái nghèo và những lo toan cuộc sống của ngày thường dường như đã làm cho họ phần nào quên đi những sinh hoạt văn hóa truyền thống. Chúng tôi cũng hy vọng rằng nếu các tỉnh miền núi thực sự quan tâm cho đầu tư văn hóa, khôi phục sưu tầm lại vốn cổ, thì những đám cưới như trên sẽ còn nhiều và còn nhiều hơn nữa những sinh hoạt văn hóa phong phú của các dân tộc.
Hoàng Minh Thắng