Một số hình ảnh và trang phục Nùng U:
Đồng bào Nùng U sinh sống ở phía Tây Bắc của nước ta, thuộc xã Nấm Dẩn, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang, trong quần thể dãy núi Tây Côn Lĩnh hùng vĩ. Đồng bào nơi đây tự gọi mình là Nùng U, vì chiếc váy truyền thống của họ được buộc túm phía sau lưng thành hình đuôi con chim, rất duyên dáng.
Đồng bào Nùng U trồng hai vụ lúa trong năm và tăng gia thêm các loại ngô, đậu, lạc. Bên cạnh đó, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy cầm để có thêm nguồn thức ăn cho gia đình. Cuộc sống của người dân ở đây rất vất vả và khu vực này vẫn nằm trong 62 huyện có tỷ lệ đói nghèo cao nhất Việt Nam.
Trang phục đồng bào Nùng U được may bằng vải bông tự dệt, với mầu chàm sẫm là chủ đạo, không có nhiều yếu tố trang trí cầu kỳ và nổi bật như các dân tộc khác. Riêng chiếc địu trẻ em (ăn đả) là tác phẩm được các bà mẹ đầu tư nhiều thời gian, công sức và chứa đầy tình cảm dành cho những đứa con của họ. Bởi vậy những chiếc địu này hội tụ những kỹ thuật tinh tế nhất, những hoa văn đặc sắc nhất của đồng bào Nùng U.
Theo truyền thống, đồng bào Nùng U tổ chức rất nhiều lễ hội trong năm: Tết truyền thống, lễ thanh minh, lễ cúng rừng, lễ cúng thần đá... Đặc biệt, ở đây tục cưới xin được các gia đình rất coi trọng và chuẩn bị rất sớm, từ khi con cái mới đến tuổi trưởng thành. Theo quan niệm của đồng bào, người phụ nữ đóng vai trò rất quan trọng trong gia tộc Nùng, và việc có đông con nhiều cháu cùng sống trong một nhà sẽ thể hiện sự thịnh vượng, giàu có.
Chiếc váy truyền thống của đồng bào Nùng U được buộc túm phía sau lưng thành hình đuôi con chim, rất duyên dáng.
Các cô gái Nùng U rất say mê may vá, thêu thùa.
Đồng bào đang tự “thiết kế” chiếc váy của mình bằng một chiếc giỏ đan bằng mây tre.
Màu chàm sẫm là màu chủ đạo của trang phục.
Không cầu kỳ với màu sắc trang phục, nhưng chiếc địu lại được các bà mẹ rất dụng công với những sắc màu tươi sáng, rực rỡ, dành cho đứa con yêu của mình.
Bộ trang phục đẹp đẽ được dùng trong những lễ hội của đồng bào Nùng U.
Anh Minh