Thầy đang làm lễ cúng rừng
Người vùng cao có nhiều lễ hội đặc sắc, trong đó có lễ hội cúng rừng của đồng bào Nùng, phong tục đã được lưu truyền và phát triển từ nhiều đời nay.
Tùy thuộc vào mỗi địa phương nên ngày cúng rừng có khác nhau, tuy nhiên nội dung lễ hội cúng rừng xoay quanh việc cầu mong mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, nhà nhà ấm no, hạnh phúc và cùng nhau bảo vệ rừng.
Với quan niệm rừng cũng có thần rừng (tiếng Nùng gọi là ‘‘Đông Chứ’’) cai quản, nên năm nào cũng vậy, cứ đến tháng Giêng, dân tộc Nùng khắp các thôn, bản huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai lại cùng nhau tổ chức lễ cúng rừng, dâng lên thần rừng những lễ vật cùng lời cầu mong một năm mới may mắn.
Lễ cúng rừng được tổ chức ngay trong rừng cấm của từng thôn, bản. Tùy theo điều kiện của địa phương mà lễ vật có sự khác nhau. Có thôn, năm nào cũng mổ lợn, có thôn cứ 3 năm thì mổ trâu một lần. Mâm lễ vật thường có gà, xôi, thịt, rượu.
Đồ dâng cúng có mâm đặc biệt "Mâm đất nước", tiếng Nùng là "Pặt chiêng" cúng những người hy sinh bảo vệ đất nước và mâm cúng người bảo vệ làng bản. Tại lễ cúng rừng, mâm cỗ cúng được bày ngay dưới gốc cây cổ thụ, được coi là "Cây bố và cây mẹ", người hành lễ đọc bài cầu chúc cho mưa thuận, gió hòa, rừng cây luôn xanh tốt, mùa màng sinh sôi…
Lễ cúng rừng của người Nùng ở Hà Giang được tổ chức vào ngày 30 tháng Giêng và ngày mùng 2 tháng 7 Âm lịch hằng năm. Đồng bào lập đàn cúng dưới gốc cây cổ thụ nhất trong khu rừng cấm. Lễ vật cúng là lợn, gà, sau khi mổ xong sắp nguyên cả con (chưa qua chế biến) cùng với tiết và nội tạng bày lên mâm cúng. Trên mâm cúng có 12 chiếc chén, 12 đôi đũa và 12 chiếc bát.
Người Nùng quan niệm, con số 12 tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Để chuẩn bị cho lễ cúng, người Nùng còn phải chuẩn bị các lễ vật: 1 con lợn, 1 con gà trống, 1 nồi cơm cúng, 1 chai rượu. Các hộ gia đình khi đi dự lễ mang theo 1 bó hương, 1 thếp giấy bản, kèm theo 1 gói cơm nắm, 1 chai rượu, 1 chén, 1 bát và 1 đôi đũa để ăn cơm khi buổi lễ kết thúc.
Sau khi chuẩn bị xong đồ lễ cúng, thầy cúng lấy những thệp giấy bạc do bà con dân bản mang đến gấp đủ 12 quân giấy bạc, tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Các quân giấy bạc này trông như con thuyền, dùng để thay cho những đồng tiền trước đây, gọi là ngân khố.
Sau lễ cúng người dân ăn bữa cơm cộng cảm tại khu rừng cúng
Xưa kia, trong mỗi dịp tổ chức lễ cúng rừng thì mỗi gia đình chỉ có 1 người nam giới đại diện cho gia đình đến tham dự. Tuy nhiên hiện nay, người Nùng không còn quan niệm phân biệt nam hay nữ khi đến dự lễ cúng rừng mà cả nam và nữ đều được mời đến tham dự.
Chủ rừng Lềnh Văn Sáng, xã Ban Mế, huyện Si Ma Cai cho biết, người chịu trách nhiệm làm lễ chính là thầy mo, tuổi ngoài 40, am hiểu phong tục, được dân làng kính trọng, tín nhiệm. Trong lễ cúng, người Nùng thắp hương để mời thần rừng về chứng kiến cho tấm lòng thành kính của dân bản. Bài cúng thể hiện lòng biết ơn thần linh đã che chở cho dân làng, hàm ý mong thần rừng phù hộ cho một năm mới mưa thuận gió hòa, để mọi người có sức khỏe dồi dào, cửa nhà êm ấm, làm ăn phát đạt…
Người Nùng cho rằng, rừng cấm là chốn linh thiêng, không được ai xâm phạm đến, không được ai vào chặt cây, làm những điều ô uế. Nếu ai vi phạm vào lệnh cấm trên, người đó cả năm sẽ gặp những điều không may mắn. Hành động vi phạm nếu bị phát hiện, thì người vi phạm sẽ phải làm lễ, mời thầy mo đến cúng để tạ tội với thần linh. Quan niệm này thường được người dân trong thôn, bản rất tôn trọng, nên ít khi có người vi phạm.
Ngoài ý nghĩa tín ngưỡng thông thường mang đậm nét văn hóa của cư dân nông nghiệp, tục cúng rừng của người Nùng còn mang ý nghĩa nhân văn hết sức sâu sắc, đó là ý nghĩa giáo dục nhân dân tình yêu thiên nhiên, ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống xung quanh con người... Với ý nghĩa đó, tục cúng rừng của người Nùng là một trong những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp cần được bảo tồn và phát huy giá trị.
Trần Quý