Đông đảo nhân dân đến lễ đền Tả Phủ Kỳ Lừa trong những ngày diễn ra lễ hội xuân năm mới
Khi nói đến Xứ Lạng, nhiều du khách thường nhắc tới địa danh phố Kỳ Lừa. Cũng dễ hiểu, vì địa danh trên từ lâu đã đi vào thơ ca như: “ Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa/ Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh”... Hiện nay, nơi đây vẫn là những điểm đến được nhiều du khách lựa chọn.
Để giải thích về tên gọi Kỳ Lừa, cho đến nay vẫn còn nhiều cách lý giải cắt nghĩa khác nhau. Song có một thực tế, trải qua thời gian phát triển, khu vực phố chợ Kỳ Lừa vẫn được coi là một trung tâm của thành phố Lạng Sơn. Có thể kể ra những điểm dừng chân ý nghĩa với những nét văn hóa tiêu biểu nơi đây như: ngày chợ phiên Kỳ Lừa, chợ đêm Kỳ Lừa, nhà số 8 Chính Cai, đền Tả Phủ… hiện thuộc địa bàn phường Hoàng Văn Thụ (TP Lạng Sơn).
Đặc biệt, nói đến phố chợ Kỳ Lừa thì phải kể đến chợ phiên Kỳ Lừa truyền thống vẫn được bà con duy trì. Chợ họp vào các ngày 2, 7, 12, 17, 22, 27 âm lịch hàng tháng. Mặc dù không náo nhiệt như xưa, chỉ là một, hai dãy phố nhỏ nằm kế bên khu chợ đêm hiện đại, họp theo kiểu chợ trời nhưng vẫn lưu giữ được những nét riêng, độc đáo. Nét đặc trưng ấy là, bà con đồng bào các dân tộc đến chợ để mua bán, trao đổi những mặt hàng thiết yếu phục vụ lao động, sản xuất, sinh hoạt thường ngày như: đôi quang gánh, chiếc bu gà, lưỡi cày, lưỡi xẻng, con dao rèn thủ công, chiếc chạn gỗ hay cái thang tre mộc mạc cho đến chiếc nón lá, cuộn dây thừng, rồi những bó hương, thếp giấy bản, chai mật ong, vài lít rượu làng được sản xuất thủ công. Nhìn chung, các mặt hàng dân dụng, thiết yếu đối với bà con ở khu vực nông thôn là nhiều hơn cả.
Đặc biệt, nói đến phố chợ Kỳ Lừa thì phải kể đến chợ phiên Kỳ Lừa truyền thống vẫn được bà con duy trì. Chợ họp vào các ngày 2, 7, 12, 17, 22, 27 âm lịch hàng tháng. Mặc dù không náo nhiệt như xưa, chỉ là một, hai dãy phố nhỏ nằm kế bên khu chợ đêm hiện đại, họp theo kiểu chợ trời nhưng vẫn lưu giữ được những nét riêng, độc đáo. Nét đặc trưng ấy là, bà con đồng bào các dân tộc đến chợ để mua bán, trao đổi những mặt hàng thiết yếu phục vụ lao động, sản xuất, sinh hoạt thường ngày như: đôi quang gánh, chiếc bu gà, lưỡi cày, lưỡi xẻng, con dao rèn thủ công, chiếc chạn gỗ hay cái thang tre mộc mạc cho đến chiếc nón lá, cuộn dây thừng, rồi những bó hương, thếp giấy bản, chai mật ong, vài lít rượu làng được sản xuất thủ công. Nhìn chung, các mặt hàng dân dụng, thiết yếu đối với bà con ở khu vực nông thôn là nhiều hơn cả.
Đáng chú ý, trong ngày chợ phiên hiện còn có thêm góc hàng bán cây giống với đủ loại như: keo, lát, thông, hồi cho đến các loại cây ăn quả như bưởi, cam, mít và các loại hoa cây cảnh... Chợ họp thường kỳ vào ngày 2, ngày 7 hàng tháng nhưng vào những phiên chợ chuẩn bị cho các dịp đặc biệt có các lễ tết truyền thống thì lại càng tấp nập hơn. Đó là các phiên chợ gần Tết Thanh Minh (3/3 âm lịch), Tết giết sâu bọ (tết Đoan Ngọ 5/5), Rằm tháng bẩy, Rằm trung thu… Và, các phiên chợ trong tháng Chạp, tháng Giêng thì bao giờ cũng vẫn tấp nập, nhộn nhịp hơn cả. Bởi, càng giáp tết Nguyên đán, mọi người, mọi nhà đều tất bật chuẩn bị cho một cái tết thật chu tất. Tại các phiên chợ trên còn thấy bày bán nhiều loại bánh truyền thống thường được bà con làm trong những dịp này cũng như nguyên liệu để làm ra chúng như bánh dợm, bánh gai, bánh gio, coóc mò, bánh nướng, bánh khảo, kẹo lạc… Có dịp đến với những phiên chợ ấy, không ai là không cảm thấy xốn xang cảm xúc, nhớ về những kỷ niệm thơ ấu với những cái tết cổ truyền và những nét bình dị của các làng quê Việt.
Nghi lễ rược kiệu trong lễ hội đầu pháo Kỳ Lừa luôn thu hút người dự hội
Qua thống kê, các lễ hội ở thành phố Lạng Sơn nói chung, khu phố chợ Kỳ Lừa nói riêng luôn là những lễ hội rất tiêu biểu trong kho tàng di sản lễ hội của tỉnh. Theo đó, tại đền Tả Phủ nằm trong khu phố chợ Kỳ Lừa, hàng năm từ ngày 22 đến 27 tháng Giêng, một lễ hội lớn nhất của tỉnh Lạng Sơn - Lễ hội Đầu pháo Kỳ Lừa vẫn được duy trì tổ chức thường xuyên với những nét văn hoá độc đáo, đặc trưng: lễ tranh cướp đầu pháo, nghi lễ rước kiệu, múa lân, sư, rồng... Lễ hội là hoạt động thể hiện lòng tri ân sâu sắc của nhân dân đối với danh nhân Tả Đô đốc Hán Quận Công Thân Công Tài (thời Hậu Lê), người đã có công lập ra phố chợ Kỳ Lừa làm nơi giao thương buôn bán, thúc đẩy kinh tế - văn hoá - xã hội của địa phương thêm phát triển. Trong những ngày hội mở (trùng với các ngày chợ phiên), thanh niên nam, nữ người dân tộc từ các bản làng của Xứ Lạng lại tìm về vui hội, trao cho nhau những câu hát sli, lượn ngọt ngào, ý nhị. Người già, trẻ em thì thích thú xem hội, ngắm phố phường, hàng hóa chợ phiên. Trong khu phố chợ cũng có những hàng ăn uống phục vụ bà con đến chợ, vui hội xuân với những món ăn đặc sản quê hương Xứ Lạng như lợn quay, vịt quay mác mật, khau nhục, xá xíu, bánh cuốn trứng…
Đến với phố chợ Kỳ Lừa hôm nay, du khách còn biết đến một điểm du lịch mua sắm hấp dẫn - chợ đêm Kỳ Lừa. Những ngày nghỉ cuối tuần, dịp nghỉ lễ, chợ đêm Kỳ Lừa luôn là nơi được nhiều đoàn khách ghé thăm mua sắm. Cùng với những nét rất riêng của ngày chợ phiên Kỳ Lừa, chợ đêm Kỳ Lừa còn phải nhắc tới di tích nhà số 8 Chính Cai – nơi lưu dấu bước chân hoạt động cách mạng của đồng chí Hoàng Văn Thụ - người chiến sỹ cộng sản kiên trung, người con ưu tú của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc Lạng Sơn. Di tích đã, đang là điểm tham quan, nghiên cứu, học tập của nhân dân, du khách. Anh Nguyễn Văn Thiện ( Nho Quan, Ninh Bình), du khách đến mua sắm tại chợ đêm Kỳ Lừa cho biết: Hàng hóa ở chợ đêm rất phong phú. Anh cũng nghe nói nhiều về chợ phiên Kỳ Lừa nhưng tiếc là chưa có dịp đến chợ phiên vào ban ngày và vào thăm đền Tả Phủ, nhà số 8 Chính Cai. Theo anh, nên lắp đặt thêm các biển chỉ dẫn, giới thiệu thuận tiện, dễ quan sát hơn nữa giúp du khách nắm bắt, tham quan về những điểm đến trong phố chợ Kỳ Lừa … Quả thật, ý kiến trên rất xác đáng.
Bà con dân tộc đến mua sắm hàng hóa thiết yếu tại chợ phiên Kỳ Lừa
Có thể thấy, diện mạo của phố Kỳ Lừa nay đã thay đổi nhiều. Dẫu vậy nhưng ý nghĩa của địa danh vẫn sẽ không bao giờ nhoà đi trong tâm trí của các thế hệ người dân nơi đây và trong ấn tượng của du khách gần xa. Phố chợ Kỳ Lừa đã, đang cùng các di tích lịch sử, văn hoá đặc sắc khác trên toàn tỉnh Lạng Sơn góp phần làm phong phú thêm những điểm đến thú vị của hành trình du lịch văn hóa, du lịch di sản, giúp du khách hiểu thêm về đất và người Xứ Lạng.
Bùi Minh Hằng