Vùng cao Lai Châu nói chung ít có chợ. Những chợ còn giữ được nét văn hóa chợ vùng cao đáng kể như chợ Dào San ở xã Dào San, huyện phong Thổ và chợ Sìn Hồ ở thị trấn huyện lỵ Sìn Hồ. Tuy đã được cải tạo, nâng cấp và các hoạt động mua bán diễn ra hàng ngày, nhưng chợ họp đông nhất vẫn vào các ngày phiên (chủ nhật hàng tuần). Bên cạnh những ky ốt, những sạp hàng mang dáng dấp hiện đại của các tiểu thương vẫn là những đặc trưng của văn hóa chợ vùng cao truyền thống. Chợ họp rất muộn, thường phải 9 giờ sáng chợ mới đông.
Chợ vùng cao Lai Châu là nơi hội tụ những sắc màu văn hóa
Vùng cao Phong Thổ, Sìn Hồ là nơi cư trú của nhiều tộc người, nhưng chủ yếu vẫn là các tộc người Mông, Dao, Hà Nhì… Văn hóa của họ làm nên nét văn hóa đặc trưng tại các phiên chợ vùng cao. Ngoài ra còn phải kể đến một số lượng đáng kể người Kinh, người Thái, người Giáy… cũng mang hàng hóa về làm phong phú thêm cho các phiên chợ này. Thường thì nhìn vào trang phục là biết ai thuộc tộc người nào. Nhưng khi đã ở phiên chợ thì còn có thể nhìn vào hàng hóa của những người bán hàng để biết thành phần tộc người của người đó: Người Kinh bán những mặt hàng công nghiệp mang từ Trung Quốc sang hoặc từ miền xuôi lên; người Mông hay bán các loại gừng, rau cải, bí ngô; người Hà Nhì bán măng, nấm, ớt; người Dao bán dâu da, dưa nương, các loại phong lan; người Thái bán bông, vải; người Giáy bán hương, bánh… Đành rằng cách phân biệt này không hoàn toàn đúng với mọi trường hợp nhưng đúng với đa số.
Chợ vùng cao Lai Châu là nơi trao đổi hàng hóa “kiểu vùng cao”
Cũng như các chợ ở miền xuôi, chợ vùng cao là nơi trao đổi hàng hóa. Các mặt hàng phổ biến nhất ở các phiên chợ vùng cao là rượu, rau (gồm cả một số loại quả, măng, nấm, củ…), thuốc nam và các mặt hàng thủ công. Các loại rau, ớt được rải bán trên lá, các tấm li nông, lá chuối trải trên mặt đất hoặc đựng trong những chiếc gùi truyền thống. Các loại củ đáng kể có khoai lang và sắn. Khoai lang luộc được để 3 – 4 củ thành một nhóm, bày bán từng nhóm trên một tấm ly lông. Sắn luộc cả vỏ, cắt thành khóm bày bán từng khóm như khoai lang. Các mặt hàng thủ công chủ yếu do các nghệ nhân người địa phương chế tác rồi mang ra chợ bán như lưỡi cày, thùng gỗ, ghế mây, rượu…
Chợ vùng cao Lai Châu phản ánh sinh hoạt kinh tế tự cấp tự túc
Chợ vùng cao còn là nơi phản ánh nền kinh tế tự cung tự cấp rất rõ ràng của người dân vùng cao. Các tộc người Mông, Dao, Hà Nhì… khai thác rất nhiều loại củ rừng nhưng ít khi mang ra chợ bán, cũng như các loại quả cây trong vườn nhà của họ có rất nhiều như mận, lê, táo, chuối… Sự phân biệt rạch ròi những sản phẩm thu hái để phụ vụ nhu cầu của chính mình và của gia đình mình, với những sản phẩm thu hái để làm hàng hóa với họ rất rõ ràng.
Chợ phiên vùng cao Lai Châu là nơi giao thương biên mậu Việt – Trung
Ngày nay, bên cạnh các mặt hàng truyền thống còn xuất hiện ngày càng nhiều các mặt hàng công nghiệp được mang từ miền xuôi lên hoặc từ Trung Quốc sang. sự xuất hiện của những mặt hàng “Made in China” giúp cơ cấu hàng hóa trở nên phong phú và đa dạng hơn, từ những đồ nhỏ nhặt, giá trị thấp như cái kim, sợi chỉ cho đến các mặt hàng giá trị lớn hơn là máy móc, đồ điện tử. Đó không chỉ là hàng hóa mà còn chứa đựng các yếu tố văn hóa vật chất, tinh thần của người dân Trung Quốc, góp phần quan trọng trong việc làm đa dạng hóa đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng cao.
Chợ vùng cao là điểm vui chơi, sinh hoạt văn hóa
Khác với chợ ở miền xuôi, người dân vùng cao đi chợ không đặt nặng vấn đề mua bán, mà chủ yếu là đi chơi. Hầu như ai đi chợ cũng mang theo một ít hàng, tuy nói là để bán nhưng rất lèo tèo, nếu bán được thì lấy tiền đó làm tiền quà, nếu không bán được thì đem đổi lấy vài que kem, hoặc đổi lẫn cho nhau, hoặc gom lại đổi mấy bát thắng cố, bát đậu canh…
* Đến với các phiên chợ vùng cao, du khách không chỉ được thưởng thức các sản vật độc đáo của địa phương mà còn được đắm mình trong sắc màu văn hóa của các tộc người Mông, Dao, Hà Nhì… lẫn trong làn sương lạnh vùng cao và khung cảnh thiên nhiên tráng lệ của núi rừng trùng điệp…
Bùi Trang