Ngoài 1 tạ thịt lợn, nhà trai còn phải có con lợn quay trong ngày đón dâu. Ảnh minh họa:
Theo phong tục truyền thống của người Tày ở Lạng Sơn, nhà trai chuẩn bị cho đám cưới rất tốn kém, khoảng 4 tạ thịt lợn, trong đó phải đem sang nhà gái ít nhất 1 tạ, chưa kể bánh dày, gà thiến, rượu trắng và tiền.
Cũng như nhiều dân tộc trên đất nước Việt Nam, đối với người Tày, dựng vợ gả chồng cho con là việc hệ trọng, được cả gia đình và dòng họ quan tâm. Do đó, đám cưới có rất nhiều nghi thức, quy định khắt khe. Qua các nghi thức, chàng rể người Tày phải thể hiện cho nhà gái thấy được sự khôn ngoan, tình yêu và thành ý đem đến hạnh phúc cho người phụ nữ của mình. Theo phong tục truyền thống của người Tày, hầu hết chi phí trong đám cưới do gia đình nhà trai chịu trách nhiệm, nhà gái chỉ mang tính chất hỗ trợ. Để thể hiện gia đình mình có thể là chỗ dựa vững chắc cho con dâu, dù khó khăn thế nào, nhà trai cũng phải đáp ứng đầy đủ lễ vật mà nhà gái yêu cầu.
Ở các bản làng người Tày ngày trước, việc dựng vợ gả chồng cho con cái thường mang tính chất “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, nhưng cũng không ít đám cưới dựa trên tình cảm của đôi trẻ. Sau một thời gian đôi trai gái tìm hiểu nhau, gia đình nhà trai sẽ cử đại diện là ông chú, ông bá hay 1 già làng có uy tín đến nhà gái dạm hỏi và xin lá số bản mệnh về so tuổi với con trai mình.
Sau khi biết lá số đôi nam nữ hợp nhau, nhà trai sẽ chọn ngày lành tháng tốt, cử một ông mối cùng chú bác trong họ, mang lễ vật sang nhà gái làm lễ ăn hỏi. Nhà gái cũng mời những người uy tín trong họ đến, thống nhất với nhà trai về lễ vật thách cưới. Theo ông Trần Quốc Huynh, người Tày ở thôn Nà Trà, xã Kháng Chiến, huyện Tràng Định, Lạng Sơn, nhà trai chuẩn bị cho đám cưới rất tốn kém, khoảng 4 tạ thịt lợn, trong đó phải đem sang nhà gái ít nhất 1 tạ, chưa kể bánh dày, gà thiến, rượu trắng và tiền. Ông Trần Quốc Huynh cho biết: “Lễ ăn hỏi làm khoảng 3 mâm, nếu nhà khá giả đông anh em thì phải làm chục mâm. Hôm đấy toàn bộ các lễ sắm đến để bàn bạc là nhà trai chi hết. ngày xưa các cụ còn có 1 con lợn 35kg, 60 cái bánh giày, 2 con gà gia tiên, hai chai rượu ,đi mới làm được cái lễ này. Cả họ nhà trai nhà gái tập trung ăn cơm. Ăn xong rồi sau đó mới bàn ngày cưới, hồi xưa thì nó thách cưới, nhà gái sẽ đưa ra thách với nhà trai ví dụ như thời buổi bây giờ là cứ phải khoảng 25-30 triệu, ngày xưa, thời bao cấp kia là chỉ có 500 đồng thôi với lại 1 tạ móc hàm thịt lợn, gạo bánh, rượu”.
Ông Huynh kể, trước kia, tất cả các món trong mâm cơm cưới đều chế biến từ thịt lợn. Vì vậy, nhà trai lùa lợn đến nhà gái phải đủ1 tạ, không được phép thiếu: “Phải cân đủ đúng 100kg thì mới được, thừa thì được nhưng thiếu thì lại phán xét nhau. Một tạ thịt lợn bất di bất dịch kia là để người ta làm cỗ thôi còn đến hôm đi làm rể là bắt buộc phải con lợn quay khiêng đi theo. Cái đấy thì không tính trong lễ thách cưới. Không có đủ thì người ta không làm đủ mâm, hồi xưa người ta tính chi li lắm chứ, mâm cỗ 8 người ăn , ví dụ làm khoảng 40 mâm chẳng hạn thì người ta tính rồi, cứ 2,7kg là được 1 mâm khoảng 6-7 món gì đấy”.
Bà Hoàng Phương Anh ở thôn Tân Lập, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn cho biết, việc chuẩn bị đủ lễ vật đám cưới là chuẩn mực đầu tiên để đánh giá thành ý của gia đình nhà trai. Nếu lượng thịt đem đến không đủ, nhà trai thường bị họ hàng bạn bè nhà gái dị nghị, bị đánh giá là không chu đáo: “Nó đã có lệ như thế, tôi đòi anh chỉ muốn là vui vẻ phấn khởi, anh cứ dư anh mang lên. Ví dụ thừa 5,7kg cũng được, nhưng thiếu thì không hay. Tại trước khi nhà trai mang cho nhà gái, mình cũng phải kiểm tra cân rồi. Họ hàng đã được giao trách nhiêm ấy người ta nói, đánh giá là không giữ lời hứa, ví dụ người ta bảo thiếu, anh phải về anh bù lại cho nhà tôi thì phải về lấy. Thể hiện sòng phẳng, dứt khoát, đã thống nhất trước sau như một, chứ không phải kì kèo mè nheo đâu”.
Lễ vật và yêu cầu khắt khe là vậy, nhưng trước đây, khi kinh tế còn khó khăn, không phải gia đình nào cũng lo được một lúc ngần ấy lễ vật. Do đó, gia đình có con trai đến tuổi lập gia đình đều chuẩn bị thịt lợn cho con bằng hình thức “gửi lợn”. Ông Trần Quốc Huynh giải thích: “Hồi xưa cái thời khó khăn là không có gì cho lợn ăn, chỉ nuôi cám rau lang không hoặc là chuối thái ra đun sôi rồi đổ vào máng cho ăn thôi nên không lớn được. Con lợn nuôi 1 năm chỉ có 50-60kg thì đã gọi là chóng lớn rồi. Cho nên mới có tục gửi lợn. Nhà tôi năm tới này chuẩn bị lấy dâu sang nhà ông chú hàng xóm, ông bác bên kia đặt vấn đề là nhờ nhà kia nuôi cho tôi 1 con lợn. Lúc đấy chưa biết là bao nhiêu kg đâu mà cứ nuôi đến tháng đấy thì lấy, bao nhiêu cân cũng lấy”.
Tuy nói là “bao nhiêu cũng lấy” nhưng gia đình được “gửi lợn” khi đã nhận lời là đã có trách nhiệm phải nuôi bằng được một con “lợn cưới” cho nhà trai.
Hiện nay, tục gửi lợn trong đám cưới của người Tày ở Lạng Sơn không còn được duy trì bởi lễ vật thách cưới không quá nặng nề như trước. Song, tinh thần tương thân, tương ái của bà con vẫn được giữ nguyên, thông qua các hình thức hỗ trợ về vật chất, tinh thần khác trong cuộc sống thường ngày.
Hồng Minh