Người Tày vui lễ hội Lồng Tồng
Khi những cánh hoa đào, hoa mai hé nở báo hiệu mùa Xuân về cũng là lúc đồng bào các dân tộc khắp dải biên giới phía Bắc đang nhộn nhịp chuẩn bị đón Tết Nguyên đán.
Cũng như các dân tộc anh em khác, đối với người Tày, Tết Nguyên đán là lễ Tết quan trọng nhất trong năm. Mặc dù, giờ đây cuộc sống đã ít nhiều thay đổi nhưng bản sắc văn hóa và hồn cốt dân tộc của đồng bào Tày vẫn được gìn giữ nguyên vẹn cho đến ngày nay.
Tỏ lòng thành kính với tổ tiên
Từ xa xưa, người Tày đã rất coi trọng Tết cổ truyền. Thông thường thì ngay sau rằm tháng 7 âm lịch, đồng bào đã lo tích trữ, chuẩn bị cho Tết như vỗ lợn, thiến gà, nấu rượu, tích củi. Bởi họ quan niệm rằng, sau một năm làm lụng vất vả, Tết là lúc tạm gác lại mọi tất bật, lo toan để ăn uống, vui chơi, thăm hỏi nhau. Không khí Tết rộn ràng từ những ngày cuối năm, người ta sửa sang nhà cửa, trang trí cành đào, cành mận, câu đối Tết trên bàn thờ tổ tiên và mổ lợn, thịt gà, làm bánh chưng, chè lam, khẩu sli, thúc théc, mâm ngũ quả, vàng mã cho đêm Giao thừa.
Để đón Tết, cả gia đình người Tày cùng tập trung quét dọn, trang trí lại nhà cửa và bàn thờ tổ tiên. Theo quan niệm của người Tày, ngày Tết trong nhà phải sạch sẽ thì cả năm gặp nhiều may mắn. Khi nhà cửa được dọn dẹp xong họ bắt đầu thịt lợn, thịt gà, thịt vịt, đồ xôi, làm bánh… Mọi công việc đều được làm nhanh chóng để phục vụ cho lễ cúng tiễn đưa năm cũ, đón năm mới và mời tổ tiên về cùng ăn Tết.
Tết của người Tày, công việc quan trọng nhất là thờ cúng tổ tiên và cúng theo từng mâm nhỏ. Bàn thờ tổ tiên (bậc cao nhất) được treo ở góc tường thẳng cửa voóng chính, còn 3 mâm thờ nhỏ hơn đặt dưới ban thờ tổ tiên (là bậc thấp hơn). Ngoài thờ cúng tổ tiên, người Tày còn thờ vua bếp, thổ công; đây là những vị thần cai quản và trông giữ nơi họ sinh sống nên tất cả các gia đình đều làm lễ thờ trong mấy ngày Tết với mong muốn các vị thần sẽ che chở, bảo vệ cho gia đình. Nếu gia đình nào có cha mẹ mới mất thì phải làm thêm một mâm thứ 4. Trên tất cả các mâm cúng đều được đặt bằng lá chuối gồm có rượu, xôi trắng đồ trứng kiến gói lá dong, thịt lợn, thịt gà và cá suối đồ nõn chuối; ngoài ra, còn có món bánh đặc trưng không thể thiếu trong mâm cỗ cúng là bánh chưng và bánh gio (còn gọi là bánh chì).
Thông thường thì từ khoảng 15 tháng Chạp, các gia đình người Tày sẽ đi xem rồi chọn ngày phù hợp để mổ lợn sau đó mời anh em trong gia đình và trong bản đến cùng chung vui một bữa. Ngày mổ lợn, người chủ nhà sẽ thắp hương lên bàn thờ báo với tổ tiên. Lẫn trong khói hương nghi ngút là lời khấn rì rầm: “Nhờ công lao của tổ tiên phù hộ, gia đình con cháu nuôi được lợn béo hôm nay mổ lợn cúng tổ tiên, mời tổ tiên về ăn Tết phù hộ cho con cháu sang năm mới nuôi được lợn to, trâu bò mạnh khỏe, con cháu mạnh khỏe. Người và gia súc không bị bệnh dịch, trồng cây gì cây ấy lên xanh tốt, làm ăn may mắn, mùa màng bội thu...”.
Khấn xong, gia chủ lấy giấy tiền âm (giấy bản đục lỗ là tiền xu của người âm) hứng để tiền dính tiết lợn và lấy một bát tiết lợn đặt lên bàn thờ trình với tổ tiên. Mọi người đến chơi ăn thịt lợn Tết, vừa ăn uống vừa hát Lướn đối đáp với nhau. người già hát với người già để mời rượu hoặc ca ngợi chúc nhau những lời tốt đẹp. Thanh niên nam nữ hát đối đáp tỏ tình với nhau để tìm người yêu. Bữa cơm Tết thường kéo dài từ trưa hôm trước đến ngày hôm sau. Sau bữa cơm thịt lợn Tết ấy, các dụng cụ lao động sẽ được rửa sạch mang cất gọn vào một góc bếp.
Lấy nước đầu năm
Ngày 30 Tết, gia đình người Tày nào cũng bắt đầu gói bánh chưng. Bánh chưng của người Tày có hai loại, đen và trắng. Bánh đen được làm bắng gạo nếp giã với than cây coong mạ. Vào tháng 9 tháng 10 âm lịch, người ta chặt cành coong mạ để cho khô, đốt lấy than đến Tết mang ra cho gạo vào giã cùng, gạo phủ lên một lớp bột than đen lấy gạo ấy gói bánh được gọi là bánh đen. Gạo nếp gói bánh là loại gạo hạt to, tròn đều, sàng xẩy sạch, không vo hay ngâm nước mà gói khô. Nhân bánh làm bằng thịt lợn thái miếng trộn với hạt thảo quả giã nhỏ, bánh để lâu không bị thiu. Khi vớt bánh buộc vào nhau treo lên dàn không ngâm nước lã. Bánh có thể ăn đến Rằm tháng Giêng. Do thịt ướp với thảo quả nên dù bánh có để lâu ăn cũng không bị đau bụng.
Chiều 30 Tết, nhà nào cũng quét dọn bàn thờ, tỉa chân hương, mổ một con gà thiến làm mâm cơm cúng tổ tiên. Bàn thờ được trang trí hai bên hai cây mía buộc lá kết vào nhau bằng từng khoanh giấy đỏ, một cánh hoa đào nhỏ, một đĩa quả ngọt, chai rượu. Sau Giao thừa, bánh chín thì mang lên bàn thờ đặt hai bên, mỗi bên ba chiếc.
Đêm 30 Tết mọi người trong gia đình đều thức đón thời khắc Giao thừa, chờ gà gáy, người ta quan niệm ai thức trước gà sẽ thông minh sáng dạ nhanh nhẹn, biết tính toán làm ăn no đủ. Do đó ai cũng muốn đón những điều tốt lành ngay từ giờ phút bắt đầu của năm mới. Khi bước sang thời khắc năm mới sau giao thừa, người Tày có tục lệ đi lấy nước mới ở mỏ nước đầu làng hoặc sông, suối, ý nói là bước khởi thủy năm mới tài lộc sẽ vào như nước, mọi sự trôi chảy, thuận hòa quanh năm. Khi đi lấy nước, họ thường mang theo 3 nén hương đến cắm bên cạnh máng và nói lời cảm tạ thần nước.
Mâm cỗ cúng tổ tiên trong ngày Tết của người Tày
Bốn, năm giờ sáng ngày mồng 1 Tết, chủ nhà nấu một nồi chè (thường là gạo nếp trắng và đường) đặt lên bàn thờ tổ tiên. Sau đó đun một nồi nước hoa đào để mọi người trong gia đình rửa mặt, xúc miệng. Mọi người trong nhà mặc quần áo mới (áo Tết). Bữa ăn đầu tiên năm mới vào sáng mồng 1 Tết là ăn cháo chè, hoặc bánh trôi. Kiêng ăn thịt lợn hoặc mổ gà vào sáng mồng 1 Tết. Theo quan niệm ăn cháo chè hay bánh ngọt có màu trắng là thanh tịnh ngọt ngào đón năm mới với cầu mong mọi điều tốt lành. Sau đó cho trâu bò ăn bánh chưng, trâu bò ăn Tết.
Ăn bữa sáng xong mọi người đi chơi tết, trước hết là con cháu đến nhà ông bà rồi sau đó mới đến chơi các nhà trong bản. Người Tày quan niệm, đi chơi tết cũng là đi mời ông bà, anh em trong họ, trong bản đến nhà mình ăn bữa cơm đầu năm mới. Thanh niên, nam nữ tụ tập nhau đi chơi Tết, tham gia các hoạt động vui chơi như đánh yến, ném còn, đánh sảng, bắn nỏ, kéo co. Sau đó, họ kéo nhau đến chơi ở các gia đình bạn bè uống rượu và hát lướn trong suốt mấy ngày Tết. Gia đình có người đến chơi Tết rất vui họ mời khách uống rượu ăn bánh chưng và thức ăn là thịt lợn, thịt gà từ mổ từ hôm trước.
Nhiều phong tục mang đậm nét nhân văn
Ngày mồng hai là ngày ăn Tết, cũng là ngày đãi khách đầu năm của người Tày. Từ lúc gà gáy mọi người lớn trong gia đình đều thức dậy mổ gà. Khi làm thịt gà, rửa chân và đầu gà mang đến trước bàn thờ hai tay ôm gà ngay ngắn lễ bàn thờ ba lễ khấn tổ tiên rồi cắt tiết. Lấy giấy tiền hứng tiết đặt lên bàn thờ, tiết gà cũng đặt lên bàn thờ mời tổ tiên về ăn mừng ngày đầu năm. Cúng tổ tiên xong, cỗ Tết được bày ra: Cỗ Tết phải đủ 12 món tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Mâm cỗ được sắp xếp theo thứ tự: Ông bà, cha mẹ, chú bác ngồi mâm gần bàn thờ - nơi trang trọng nhất, sau đó đến các con cháu.
Người Tày rất trọng lễ nghi, thế nên phải đợi đến khi ông bà, cha mẹ uống rượu ăn một miếng thịt thì tất cả con cháu, và khách mời mới bắt đầu ăn. Trong bữa cơm tết con cháu lần lượt cúi chúc ông bà, cha mẹ, người trên. Mỗi lần như vậy, ông bà hoặc người bậc trên uống một chén rượu và chúc lại con cháu những lời tốt đẹp động viên con cháu ngày đầu xuân năm mới. Sau bữa cơm đó, mọi người lại tiếp tục đi thăm thân và chúc Tết. Chiều mồng 3 hóa vàng, bẩm báo tổ tiên, kết thúc Tết Nguyên đán và chuẩn bị cho Lễ hội Lồng Tồng (thường được tổ chức vào ngày mồng 4 tháng Giêng).
Trong suốt mấy ngày tết, người đàn ông trong gia đình phải nấu cơm, cho trâu, cho lợn ăn. Người phụ nữ chăm sóc con cháu, người già, không phải làm việc nhà. Trong ba ngày tết kiêng không được mang cây xanh, kể cả rau xanh vào nhà. Rau ăn trong ba ngày tết phải hái từ hôm 30 tháng Chạp. Những phong tục tập quán ấy mang đậm nét nhân văn sâu sắc về đạo lý uống nước nhớ nguồn, tình thân yêu đoàn kết thương quý giúp đỡ lần nhau. Tôn thờ tổ tiên, kính trọng ông bà cha mẹ, yêu thương con trẻ, tôn trọng phụ nữ.
Giờ đây, dù cuộc sống có nhiều thay đổi song người Tày vẫn giữ được nhiều phong tục tập quán, văn hóa truyền thống riêng, đặc biệt trong dịp lễ Tết. Mỗi tục lệ, tập quán thể hiện một nét văn hóa đặc trưng của mỗi dân tộc anh em góp phần tô đậm bản sắc văn hóa dân tộc phong phú và đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
Vân Phạm