Nhà sàn là loại hình kiến trúc độc đáo và chủ yếu của người Lạc Việt xưa. Qua bao đời truyền lại, ngôi nhà sàn vẫn luôn là người bạn gắn bó thân thiết trong đời sống của nhiều cộng đồng dân tộc như: Thái, Mường, Cao Lan, Khơ Mú, Tày, Nùng…
Cầu thang nhà sàn người Tày.
Sự ra đời của kiến trúc nhà sàn cũng rất đặc biệt. Nó bắt nguồn từ sự tích thần Rùa đã dạy cho con người cách dựa vào hình dáng của thần mà làm nhà. Yên Bái - nơi có tới 30 dân tộc cùng sinh sống nên cũng có rất nhiều kiểu kiến trúc nhà sàn khác nhau, tạo nên những sắc thái văn hóa đa dạng và phong phú, trong đó kiến trúc nhà sàn của người Tày vùng Đông hồ lại mang nét độc đáo riêng.
Đông hồ là vùng đất trù phú, giàu bản sắc văn hoá bên tả ngạn sông Chảy. Đây cũng là nơi sinh sống, quần tụ bao đời nay của nhiều cộng đồng dân tộc, trong đó đông nhất là dân tộc Tày.
Với kho tàng văn hoá dân gian phong phú và tập tục có nhiều nét đặc trưng còn lưu giữ được như trường ca Khảm hải, lễ hội Lồng tồng, những điệu xòe cổ, những bài khắp, cọi, lượn, si mượt mà, tình tứ…, trang phục với khăn, váy, áo nhuộm chàm…, người Tày đã chứng tỏ họ là những cư dân bản địa lâu đời và là một trong những dân tộc có mặt đầu tiên ở vùng sông Chảy. Giữa màu xanh thiên nhiên núi rừng, những nếp nhà sàn người Tày vẫn tồn tại như một minh chứng rõ nét nhất về sức sống lâu bền của văn hóa Tày Đông hồ truyền thống.
Nhà sàn của người Tày Đông hồ là một không gian văn hóa rất đặc biệt. Cầu thang giữ một vai trò quan trọng không thể thiếu. Trong đời sống tâm linh của người Tày Đông hồ, 7 hay 9 bậc cầu thang là sự thể hiện số lượng con vía. Vía chính là sợi dây nối sự sống và cái chết của con người. Bởi vậy, bậc cầu thang chính là cầu nối giữa hai thế giới bên trong và bên ngoài của ngôi nhà.
Số lượng bậc thang có thể khác nhau; vị trí cầu thang cũng có thể ở bên phải hoặc bên trái ngôi nhà (tuỳ theo thế đất, vị trí dựng nhà) nhưng số bậc cầu thang nhất định phải là số lẻ. Khi bước lên sàn ngôi nhà của người Tày Đông hồ, bạn sẽ thấy ngay một ban thờ nhỏ đặt trang trọng hướng ra phía trước ngôi nhà. Đó chính là ban thờ ông tổ bảy đời của người Tày Đông hồ và trong quan niệm tâm linh của họ thì những người đời trước khi mất đi sẽ trở thành người canh cửa, bảo vệ cho con cháu khỏi những điều xấu từ bên ngoài vào.
Chái ngoài gần cửa vào là nơi tiếp khách. Bao giờ chủ nhà cũng ngồi ở phía trên cùng, bên trong, vừa để tiện rót nước, vừa tiện bao quát cả không gian ngôi nhà. Nhà sàn của người Tày Đông hồ có rất nhiều cửa sổ. Thường là dãy cửa sổ nối tiếp nhau chạy bao quanh ngôi nhà. Những cửa sổ này vừa để đón gió, vừa mang ánh sáng vào khắp không gian.
Trước kia các cửa sổ thường làm bằng phên liếp (chống lên, hạ xuống) còn ngày nay, khi điều kiện vật chất đã khá hơn thì các cửa sổ được thay bằng khung gỗ. Hệ thống cửa sổ này cùng với các chấn song đã tạo thành vách nhà nên có thể nói ngôi nhà sàn của người Tày Đông hồ rất thoáng mát và chan hoà với thiên nhiên. Dát nhà cũng tạo nên sự thoáng mát bởi vật liệu được làm chủ yếu từ tre, bương, có khi làm bằng gỗ với những nhà có điều kiện.
Trong ngôi nhà sàn của người Tày Đông hồ, bốn cột ở gian chính giữa được gọi là cột cái bởi chúng là những cột to nhất và giữ vai trò trụ cột. Nhưng điều đặc biệt là bốn cột này không bao giờ được làm từ cùng một loại gỗ mà ít nhất là từ hai loại trở lên. Gian chính là nơi quan trọng nhất trong ngôi nhà sàn người Tày Đông hồ.
Ban thờ tổ tiên luôn có vị trí trang trọng nhất ở gian chính và lúc nào cũng phải đặt cùng phía với cầu thang lên nhà. Đây là một nét độc đáo riêng biệt so với kiến trúc nhà sàn của các dân tộc khác. Chính vì vị trí ban thờ như vậy nên người Tày Đông hồ không bao giờ bố trí buồng ngủ ở ngay gian chính.
Một nét độc đáo nữa là trên xà ở chái ngoài hoặc gian chính của bất cứ ngôi nhà sàn người Tày Đông hồ nào cũng có một bồ vía. Bồ vía trông giống như bồ đựng thóc thu nhỏ (chiều cao 20cm còn đường kính khoảng 15cm), trên đó có treo 7 hoặc 9 chiếc giỏ nhỏ xíu. Người Tày Đông hồ quan niệm rằng, nếu như bồ thóc nuôi sống thể xác thì bồ vía chính là nơi lưu giữ các con vía, nuôi vía cho khoẻ mạnh, không đi đâu xa… để những người sống trong ngôi nhà ấy luôn được dồi dào sức khỏe.
Gian chính còn là nơi cả gia đình quây quần tụ họp đông đủ, cùng ngồi trò chuyện hoặc sum vầy bên mâm cơm ấm cúng. Trước kia, giữa gian chính là một bếp lửa. Bếp lửa hồng giữa nhà như trái tim nuôi dưỡng và sưởi ấm cả về vật chất và tinh thần cho mọi người trong gia đình nhưng ngày nay, để tiện cho sinh hoạt thì bếp lửa đã có một vị trí mới ở khu bếp riêng ngay cạnh chái nhà trong cùng. Trước kia ngôi nhà sàn của người Tày Đông hồ còn có sạp nước và sạp phơi bên cạnh chái nhà hoặc cạnh mặt sau nhà nhưng hiện nay đa phần nhà nào cũng có khu sinh hoạt và sân phơi riêng biệt, không gắn liền với nhà chính như kiểu kiến trúc trước đây.
Hiện nay cũng không còn nhiều nhà giữ được máng nước ngay đầu hồi cầu thang lên sàn… nhưng ngôi nhà sàn của người Tày Đông hồ vẫn luôn là tài sản vô giá - một nét đẹp độc đáo cần được gìn giữ và phát huy. Trong sự đổi thay của cuộc sống ngày càng hiện đại hơn, những mái nhà sàn thấp thoáng, những bản làng không bao giờ ngớt lời khắp, cọi da diết… sẽ là nơi để mọi người tìm về với những nét đẹp vốn có bao đời nay của cha ông.
Anh Thư