Cuốn sách Nhà sàn truyền thống của người Tày ở Đông Bắc Việt Nam của tác giả Ma Ngọc Dung được Nhà xuất bản Khoa học xã hội ấn hành năm 2004 đã giới thiệu với độc giả những nét đặc trưng, nghệ thuật kiến trúc độc đáo nhà sàn của người Tày vùng Đông Bắc.
Tác giả đã mô tả khá chi tiết về nguồn nguyên liệu làm nhà, cấu trúc chung ngôi nhà sàn của người Tày, quy trình làm một ngôi nhà sàn, những điều kiêng kỵ liên quan đến ngôi nhà sàn... giúp người đọc hình dung khá rõ về tập quán sinh hoạt của người Tày trong ngôi nhà sàn.
Tác giả đã có sự đánh giá tương đối tổng quát về những đặc trưng văn hóa của người dân vùng Đông Bắc, trong đó nhà sàn của người Tày là một biểu tượng độc đáo gắn liền với đời sống sinh hoạt tín ngưỡng của người Tày. Người Tày rất coi trọng ngôi nhà sàn, không chỉ là nơi ở có khả năng chống thú dữ và tạo năng lượng sống cho con người mà đó còn là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng thiêng liêng. Do đó, người Tày thường có những kiêng kỵ liên quan đến ngôi nhà sàn. Những kiêng kỵ đó vừa mang tính tâm linh nhưng cũng rất khoa học, rất đúng về quan hệ đạo đức xã hội. Trong việc chọn cây làm nhà, người Tày luôn kiêng sử dụng các loại cây cụt ngọn, cây sâu gốc, cây có tổ kiến, nhất là chọn cây làm cột cái và chọn cây để chẻ lạt buộc dui mè lợp mái. Điều này được lý giải rằng, cây cụt ngọn, sâu gốc là cây yếu, gỗ không tốt khi làm nhà sẽ không bền lâu, khó chống chọi được với thiên nhiên khắc nghiệt. Cây nứa, tre mà cụt ngọn sẽ rất giòn, làm lạt buộc không nên. Hơn nữa, cây mà cụt ngọt khác gì nhà không có nóc mà nhà không có nóc thì tôn ti trật tự còn đâu. Cây sâu gốc thì không vững bền, gia chủ khó bề làm ăn. Trong sinh hoạt hàng ngày do đã có sự phân chia khu vực riêng trong ngôi nhà sàn cho từng đối tượng, nhất là đối với phụ nữ nên không ai được vi phạm. Người Tày không cho phép đàn ông (trừ người chồng) được phép vào buồng của phụ nữ để tránh những điều tiếng không đáng có...
Người Tày thường rất kỹ lưỡng trong việc chọn hướng làm nhà. Nhà sàn bao giờ cũng tựa lưng vào núi, hướng ra sông, suối. Mỗi nhà sàn được cấu tạo khuôn viên riêng, trong khuôn viên có một nhà chính, có sàn phơi, nhà kho. Nhà sàn của người Tày thường lợp bằng cỏ gianh, nứa, lá cọ hoặc ngói tùy vào điều kiện của mỗi gia đình. Trong khuôn viên chỉ có một cổng duy nhất ở phía chái chính. Xét về cấu trúc chung, nhà sàn của người Tày thường có 5 gian, 3 gian hoặc 1 gian hai chái, mái chéo hình lưỡi rìu, thấp so với mặt sàn. Xung quanh sàn nhà bưng kín bằng tre, nứa hoặc ván gỗ, ít cửa sổ. Bộ vì kèo 3, 5, 7 cột kê hoặc những biến thể 2, 4, 6 cột. Cấu trúc mặt bằng chung được chia làm 5 phần chính, lấy bếp sinh hoạt giữa nhà làm trung tâm... Nhà sàn Tày ở huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang được chia theo chiều ngang, các khu vực sinh hoạt được bố trí theo nguyên tắc phía ngoài của nam giới, phía trong của nữ giới. Tuy nhiên, về cấu trúc khung nhà ở Chiêm Hóa có phần cải tiến, bộ vì kèo 6 cột cải biến từ 7 cột chốn 1, mái nhà cao, cửa sổ rộng, gầm sàn thoáng, không nhốt gia súc. Sự cải biến này khiến nhiều người cho đó là điển hình của ngôi nhà sàn truyền thống của người Tày bởi có sự cách tân nhưng vẫn giữ được những nét cơ bản của ngôi nhà sàn truyền thống.
Cuốn sách thực sự hữu ích đối với việc bảo tồn giá trị kiến trúc nhà sàn của người Tày trong sự nghiệp đổi mới. Đặc biệt, hiện nay trước yêu cầu của công tác bảo vệ rừng thì phát triển nhà sàn của người Tày theo kết cấu bê tông là rất cần thiết nhưng vẫn giữ được nét truyền thống, tạo không gian sinh hoạt văn hóa bản sắc vẫn được người Tày ở các địa phương đón nhận.
Sơn Anh