Nhà sàn của người Tày ở Trùng Khánh (Cao Bằng).
Không giống như những ngôi nhà sàn được dựng bằng tre, gỗ thông thường, nhà sàn của người Tày ở Trùng Khánh (Cao Bằng) lại được xếp bằng đá. Đây chính là điểm nổi bật và khác biệt so với những ngôi nhà sàn ở vùng khác.
Dân tộc Tày ở Trung Khánh thường có tín ngưỡng thờ đá. Họ coi đá là khởi nguồn của sự sống và là trung tâm của vũ trụ. Họ quan niệm rằng, con người sinh ra từ đá và khi chết sẽ hóa thành đá. Việc dựng nhà đá cũng xuất phát từ những quan niệm thiêng liêng đó. Họ hy vọng các thành viên sống trong nhà đá sẽ có linh tính về mọi việc, tránh được rủi ro.
Hiện, những ngôi nhà sàn cổ xây bằng đá của người Tày, huyện Trùng Khánh vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên khôi, mang dáng dấp cổ xưa từ thời nhà Mạc xây dựng thành quách mấy trăm năm về trước; tạo nên vỉa tầng văn hóa độc đáo trong tổng thể vùng văn hóa đa dạng trên mảnh đất vùng biên viễn này.
Để xây dụng một ngôi nhà đá, người Tày phải mất rất nhiều công sức. Bắt đầu từ khi đã có ý định dựng nhà, họ đã phải chuẩn bị nguyên liệu trước đó vài năm. Những cây gỗ tròn, đẹp được bảo quản dưới bùn ao, đầm ruộng để phòng mối mọt. Nguyên liệu quan trọng nhất để dựng nhà đá chính là những viên đá cứng, đẹp. Những viên đá được hình thành từ sâu trong lòng đất, trải qua điều kiện địa chất phức tạp và lâu dài, hấp thụ tinh hoa của đất trời nên mang trong mình nguồn năng lượng và linh tính rất cao. Từ suy nghĩ sâu xa mang thiên tính núi ấy, những bức tường đá kiên cố đã dần được hình thành, nó thể hiện rõ tính bản địa, sự sáng tạo độc đáo trong lãnh địa kiến trúc và sự khéo léo của đôi bàn tay của đồng bào Tày nơi đây.
Trước khi dựng nhà, người Tày chọn địa điểm dựng nhà khá kỹ lưỡng. Đó là những nơi cao ráo, lấy chân núi làm điểm tựa, hướng mặt về phía có cảnh trí thiên nhiên khoáng đạt, thuận tiện cho việc làm ăn sinh sống. Nhà sàn có hai mái được lợp bằng ngói âm dương. Bên trong nhà dựng bằng gỗ, chiều sâu từ 5 đến 7 hàng cột, khoảng cách giữa các cột từ 2 – 2,5m. Chiều cao của nhà thường từ 7 – 8m. Nhà thường có ba gian chính, mỗi gian có một chức năng nhất định thuận tiện cho việc sinh hoạt.
Khi đã định vị được ngôi nhà, người thợ sẽ đo, đếm vị trí xếp từng viên đá. Những bức tường kiên cố được xếp từ hàng vạn viên đá lớn nhỏ khác nhau bằng một thứ keo kết dính trộn từ đá vôi và cát. Để đặt được viên gạch vuông vức khi xây không đơn giản chút nào, nhưng việc xếp hàng trăm viên đá với đủ các hình khối, trọng lượng khác còn khó gấp bội. Khó khăn nhất trong việc xếp đá là làm sao để độ dày hai bên của một bức tường phải thật cân đối, vuông vức. Chỉ cần lệch một chút sẽ phải gỡ đi xếp lại từ đầu. Dựng được một bức tường gạch chỉ mất vài ba ngày nhưng để xếp được một bức tường bằng đá thì người thợ phải mất vài tháng.
Một lý do nữa sở dĩ người Tày nơi đây thường xây nhà bằng đá là do họ sống trong hệ sinh thái của rừng mưa nhiệt đới, độ ẩm cao, mưa nhiều, trước đây thú dữ lắm, vùng biên giới Trùng Khánh lại thường xảy ra nạn trộm cướp nên đồng bào Tày đã sáng tạo ra cấu trúc nhà sàn xây bằng đá, nhằm mục đích phòng thủ, bảo vệ, chống ẩm mốc. Như vậy, trong tâm thức của họ, thiên nhiên có ảnh hưởng không nhỏ trong cách xây dựng kiến trúc một ngôi nhà.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, những ngôi nhà sàn cổ xây bằng đá của người Tày nơi đây vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên khôi, mang dáng dấp cổ xưa từ thời nhà Mạc xây dựng thành quách mấy trăm năm về trước. Ngôi nhà sàn cổ xây bằng đá của tộc Tày, huyện Trùng Khánh trở thành biểu tượng văn hóa vật chất mang nhiều giá trị, thể hiện kiến trúc văn hóa độc đáo và ẩn chứa bên trong những phong tục tập quán truyền thống được hun đúc qua nhiều thế hệ.