Mc tiệc cưới, học làm mc đám cưới, video đám cưới hay nhất: ₪ Ẩm thực dân tộc Thái
Showing posts with label ₪ Ẩm thực dân tộc Thái. Show all posts
Showing posts with label ₪ Ẩm thực dân tộc Thái. Show all posts

Tuesday, February 21, 2017

Thịt trâu sấy

Thịt trâu gác bếp là món ăn đặc sản vùng Tây Bắc. Món này thường được làm từ thịt bắp của những chú trâu thả rông trên các vùng núi, đồi. Thịt trâu sấy vừa tới, không cứng, ăn còn nguyên vị ngọt của thịt tươi. Từng thanh được tẩm gia vị đặc biệt dậy mùi hạt dổi, ớt khô, hạt mắc khén….
Thịt trâu sấy tại Lai Châu sẽ góp phần làm bạn cùng gia đình cảm nhận vị ngon của đặc sản núi rừng Tây Bắc.

Nếu bạn ghé thăm Lai Châu mà chưa được nếm món thịt trâu sấy thì quả thật là một thiệt thòi to lớn. Cái cảm giác dai dai, bùi bùi của thịt xen lẫn vị ngọt, thơm, cay cay của gia vị sẽ “ám ảnh” mãi nếu một lần được thưởng thức. 

Thịt lợn cắp nách

Nếu lần đầu nghe thấy cái tên “Lợn cắp nách”, chắc nhiều người miền xuôi sẽ không hiểu, nhưng với người dân vùng Tây Bắc, đặc biệt là đối với người Lai Châu đều biết đó là tên một loại đặc sản tạo nên hương vị đặc trưng không thể quên với ai đã từng một lần được thưởng thức.
Lợn cắp nách hay một số vùng gọi là lợn lửng là loại lợn đặc sản có nhiều ở vùng cao, đặc biệt là Lai Châu.
Loại lợn này được ra đời do thói quen chăn nuôi lạc hậu của người dân tộc thiểu số vùng cao như: H’Mông, Thái, Dao... Hình thức nuôi chủ yếu của đồng bào là chăn thả tự nhiên, vì thế lợn rất chậm lớn, trung bình chỉ từ 10 đến 15 kg, con to cũng chỉ tầm 20kg. Vì lợn không quá nặng nên người dân đi chợ phiên thường cho vào gùi, xách tay, cắp vào nách vì thế mới có cái tên “lợn cắp nách”.

Cắp lợn đi chợ (Ảnh: nguồn internet)


Muốn làm thịt lợn cắp nách ngon thì phải thui mà đã thui là phải đủ 2 lửa mới đạt yêu cầu. Thui xong, được cạo sạch, xẻ ra từng phần để chế biến thành món ăn. Có thể chế biến được nhiều món ngon từ thịt lợn cắp nách như: thịt ba chỉ, thịt mông được dùng để hấp, thịt từ vai trở lên được dùng để nướng, thịt phần thủ, bụng được dùng để nấu giả cầy, bộ lòng được làm sạch để luộc, xương lọc rồi để chế biến thành các món canh. Ăn thịt lợn cắp nách chẳng khác gì ăn thịt lợn rừng vì thịt chúng rất thơm ngon, hầu như không có mỡ, miếng nào có mỡ thì cũng không ngấy.

Cá suối nướng

Nếu có dịp ghé thăm Mường So - Phong Thổ - Lai Châu, mà không được thưởng thức món Pa pỉnh tọp hay chính là món cá suối nướng thì quả thật là một thiếu sót.
Từ xa xưa người Thái thường định cư ở các thung lũng, ven con sông, con suối nên cá và các loại thủy sản khác luôn là nguồn thực phẩm quan trọng không thể thiếu với đời sống hàng ngày.
Chính vì vậy tục ngữ Thái đã có câu: “Cáy măn mọk má ha, Báu to pa pỉnh tộp ma sú'' nghĩa là: '' Gà tơ tần đem đến, không bằng cá Pỉnh Tộp đem cho''. Bởi đối với đồng bào dân tộc Thái thì cá không chỉ đơn thuần mang lại giá trị dinh dưỡng mà còn là  biểu tượng của sự no đủ, sung túc và hạnh phúc.

Bắt cá từ suối về


Để làm được món Pá pỉnh tọp ngon, phải chọn loại cá suối tươi, béo nếu là cá chép thì càng tốt. Cá được cạo sạch vảy, không mổ đường bụng mà phải mổ sống lưng để khi nướng, úp cá lên sẽ mềm, dễ gắp. Sau khi lấy mật thì rửa sạch rồi ướp, nhồi gia vị.

Măng đắng

Cái vị đắng ấy, ăn vào một lần là nhớ mãi. Cái vị đắng ấy, bắt đầu nơi đầu lưỡi rồi chuyển thành vị ngòn ngọt lan tỏa khắp khoang miệng. Cái vị đắng ấy là hương vị đặc trưng của món măng đắng, một sản vật của núi rừng Tây Bắc.

Theo người già trong bản kể lại rằng:
“Thời xa xưa, khi cuộc sống đầy khó khăn, người dân bản phải vào rừng săn bắt hái lượm, lúc đó măng đắng chỉ xem như món ăn cứu đói. Vậy mà bây giờ đời sống đó đây đã no đủ, măng đắng được tôn vinh thành ẩm thực có thương hiệu.” Bởi vậy cho nên, vào mỗi mùa măng đắng từ người già cho đến trẻ con lại bày bán măng khắp các chợ, thậm chí là ven các con đường. 

Ẩm thực Lai Châu

Lai Châu vùng đất nơi địa đầu tổ quốc với 20 dân tộc anh em cùng sinh sống như: Thái, Tày, Nùng, Lự, Mảng, Kháng, Kinh... Chính điều này đã mang lại cho Lai Châu sự phong phú đa dạng về văn hóa, bởi vậy đến với vùng đất này, bạn không chỉ được đắm chìm trong khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, mà còn được hòa mình vào các hoạt động văn hóa đa dạng đặc sắc của các dân tộc
và một điều đặc biệt là được thưởng thức các món ăn đặc sản là nét ẩm thực đặc trưng không thể tìm thấy ở bất kỳ vùng đất nào. Đó là hương cay nồng của chén rượu Mông Kê, mùi thơm lừng của thịt sấy treo gác bếp, vị giòn tan của miếng măng nộm, màu sắc tươi rói của mâm xôi ngũ sắc, hương vị lạ lùng của nộm rau rớn hay cái cảm giác mềm mềm mà lại dai dai của món rêu đá nướng…

Hãy tưởng tượng có một ngày bạn ghé thăm Lai Châu, bạn sẽ được thưởng thức những món ăn độc đáo, được tham gia vào các lễ hội, được khám phá thiên nhiên hoang sơ, được đắm mình trong làn nước suối nóng…Quả thật ! Còn gì thú vị hơn.

Rêu đá

(laichau.gov.vn) Người Thái ở Tây Bắc nói chung và Lai Châu nói riêng có nét văn hóa ẩm thực rất đặc sắc. Đó có thể là món măng đắng, là thịt treo gác bếp, là cá suối nướng… Nhưng có một món ăn ít được biết đến hơn, không phải vì nó kém ngon mà chính vì tính độc đáo do số lượng có hạn và thời gian bảo quản ngắn của nó, đó là món “rêu đá”.

Món rêu đá có sự tích khá ly kỳ, bắt nguồn từ một mối tình của đôi trai gái người Thái gặp phải sự ngăn trở của chúa đất trong vùng. Họ đã trầm mình xuống dòng nước chảy xiết để được ở bên nhau mãi mãi. Cơ thể của người con trai hoá thành những tảng đá, còn mái tóc dài của người con gái lại biến thành một loại rêu mọc trên những tảng đá ấy. Về sau người ta tìm thấy thứ rêu mọc trên đá đó, mang về chế biến thành món ăn ngon. Từ ấy, món Rêu đá hay gọi theo tiếng Thái là quẹ trở thành món rau đặc sản của người dân Tây Bắc.


Vớt rêu đá từ suối lên

Khâu nhục

(lichau.gov.vn) Nếu có cơ hội ghé thăm bản người Nùng ở Tam Đường - Lai Châu và được thưởng thức một bữa cơm với các món ăn truyền thống của dân tộc Nùng, chắc hẳn sẽ có món “khâu nhục”, một trong những món ăn hấp dẫn bậc nhất khiến bạn không thể quên lúc trở về.
Mặc dù có nguồn gốc từ Trung Hoa nhưng cùng với thời gian và đặc biệt là sự “Biến tấu” cho phù hợp với văn hóa ẩm thực của người Nùng, món khâu nhục đã mang được nét độc đáo rất riêng. Về cơ bản khâu nhục là hầm cách thủy thịt ba chỉ trong thời gian dài, nhưng cách chế biến khá phức tạp và nhiều công đoạn.

Thursday, May 5, 2016

Mắc khén-nét riêng của vùng Tây Bắc (Huỳnh Tâm)

Trái cây Mắc Khén
Mắc khén đứng đầu trong các loại gia vị của đồng bào dân tộc miền núi. Có người gọi Mắc khén là hạt tiêu rừng và khiến ta dễ liên tưởng đến cây hồ tiêu dại mọc trong rừng nhưng không phải. Mắc có nghĩa là quả, còn Khén là một loại cây thân gỗ lớn mọc trong rừng đại ngàn.

Cây Mắc khén là loại cây dại thuộc họ hồi, có tinh dầu và hương thơm, trở thành huyền thoại và làm nên loại gia vị đậm đà không thể thiếu trong bữa ăn đồng bào miền Tây Bắc. Cây Khén ra hoa vào dịp cuối xuân và đậu thành những chùm quả nhỏ như những chùm hạt rau mùi già. Cuối hè, người ta thu hái Mắc khén bằng cách leo lên cây hái hay dùng câu liêm kéo những cành nhỏ có quả rơi xuống và buộc lại thành chùm đem phơi nắng cho khô hoặc treo lên gác bếp dùng dần. Khi dùng Mắc Khén, người ta bứt một nắm quả cho vào chiếc bát con. Chọn lấy một viên than củi đang cháy đượm nhất bỏ vào bát và lắc đều tay để nướng mắc khén. Khi thấy mùi thơm ngào ngạt bay ra thì gắp than ra, khẽ thổi cho bay hết tàn than rồi dùng chuôi dao giã nhỏ hạt Mắc khén thành bột để chế biến đồ chấm hay làm gia vị cho các món ăn.

Hoa Mắc Khén

Thời xa xưa, khi những cánh rừng đại ngàn còn che chở bản làng, khi thú rừng rong chơi và những người thợ săn vẫn đêm đêm lặn lội theo dấu con mồi, thì Mắc khén  nhất quyết không thể thiếu trong túi đồ thợ săn. Đồng bào Thái đen cho rằng, con thú sẽ được Thần rừng cho sống lại sau khi chết. Bởi vậy, mỗi khi bắn được con mồi, họ không bao giờ lấy bộ lòng.
Xả thịt con mồi ngay giữa rừng, thợ săn sẽ đặt lại toàn bộ tim, gan, ruột của nó lên tảng đá và khấn khứa, đại ý: "Thưa Thần rừng, hôm nay tôi mượn một con vật của Thần. Tôi đã để lại bộ lòng, xin Thần cho nó cái vỏ khác để nó lại được chạy nhảy…". Bài khấn xong là lúc những người đi săn có quyền thưởng thức phần còn lại của con thú. Và tục lệ bắt buộc phải ăn hết con mồi tại chỗ đã khiến việc sử dụng Mắc khén xát vào bên trong, bên ngoài con vật trước khi nướng trở thành thông dụng.
Mắc khén  là loại gia vị miền Tây Bắc đã đi vào huyền thoại, không thể thiếu trong bữa ăn của người Thái đen được làm chủ yếu từ quả Mắc Khén.
Mắc, theo tiếng Thái, có nghĩa là quả. Nhưng còn Khén thì không hề có chữ gì đồng nghĩa hay cả trong ngôn ngữ bản địa. Bởi vậy Mắc khén mãi mãi sẽ là một tên riêng, tự nhiên tồn tại như chính bản thân núi rừng hoang dã, bí hiểm mà cũng quá đổi quen thuộc với con người. Thực tế Mắc khén là một loài cây dại thuộc họ hồi, có tinh dầu, khi đơm trái sẽ kết thành những chùm quả nhỏ li ti, tỏa hương thơm dịu. Đồng bào Tây bắc chỉ việc lên sườn núi, tìm những cành Mắc khén chín về phơi khô rồi xoa cho quả rời cành.

Hương vị Mắc Khén

Hầu như không có bữa ăn nào quan trọng của người Thái lại thiếu được Mắc khén, giống như một dạng muối vừng với người Kinh. Quả Mắc khén sau khi thu về, bắc chảo rang nóng. Tiếp đó, đưa vào giã thành bột mịn. Tuy nhiên để chế ra được hương vị thơm phức, chuyên dùng ăn với xôi nếp nương, còn phải qua nhiều công đoạn khác. Đó là dùng ớt khô bỏ hạt nướng giòn, muối rang, rau mùi tầu xắt nhỏ rang khô, tất cả đều giã thành bột mịn. Sau khi trộn đều hỗ hợp trên thì tạo thành Mắc khén, một thứ bột mùi thơm hăng hắc nhưng lại dịu như vị ô mai và phảng phất chất núi rừng, thơm cay nồng nàn như hương hồi, quế.
Mắc khén  thông dụng nhất dùng để chấm những chõ xôi nếp nương, thu hoạch từ cánh đồng Tú Lệ, dưới chân đèo Khau Phạ, thì chắc chắn không có hương vị nào sánh bằng:
"Nếp Tú Lệ/Tẻ Mường Lò/ Xòe Kinh Bạc".

Cây Mắc Khén
Loại gia vị này còn giúp thịt thú rừng trở nên thơm ngon đặc biệt. Không chỉ dùng cho những loài thú săn trên rừng, Mắc khén  còn được người Thái đen sử dụng trong cách nướng cá "pa pỉnh tộp" có nghĩa là "cá nướng gập" đầy quyến rũ. Để làm được món ''Pa Pỉnh Tộp'', người ta chọn loại cá chép nặng khoảng 0,5kg trở lên, béo và còn tươi sống. Trước khi mổ phải cạo sạch vảy để khi ướp gia vị ngấm đều vào cá. Sau khi mổ cá và bỏ mật cá bắt đầu ướp và nhồi gia vị. Người ta không mổ cá đằng bụng mà lại mổ đằng dọc sống lưng để khi gấp úp con cá mềm mại gấp dễ dàng hơn và để phần gia vị nhồi trong bụng cá khi tiếp xúc với than hồng sẽ toả mùi thơm ngấm vào thịt cá.
Người chưa ăn không thể cưỡng lại được khi tưởng tượng, huống gì khách đã ăn quen. Kiểu gập cá độc đáo này giúp cá nướng chín đều, bản thân nước bên trong được giữ lâu hơn và khiến thịt cá không bị cháy. Hương vị của Mắc khén  tỏa ra thơm phức, vị dịu của mắc khén, vị cay nồng nàn của ớt, vị mặn mòi của muối.

Có thể Mắc khén là một trong những loại gia vị độc đáo mà núi rừng Tây Bắc đã ban tặng người dân nơi đây, góp phần làm cho ẩm thực Việt Nam thêm phần phong phú. Ai đã được từng thưởng thức những món ăn chế biến từ gia vị này chắc chắn sẽ không thể quên được hương vị đặc trưng của nó mà không phải ở đâu cũng tìm thấy được.

Sunday, May 1, 2016

Văn hóa ẩm thực của người Thái (Văn Hóa Tây Bắc)

Cá làm nên những món ăn độc đáo trong ẩm thực của đồng bào dân tộc Thái.

Nói đến Tây Bắc là phải nói tới huyền thoại hoa ban, những điệu xòe nồng say, những điệu khắp trữ tình và thiên truyện thơ: "Tiễn dặn người yêu" nổi tiếng. Song không chỉ có thế, người Thái Tây Bắc còn có một phong tục tập quán độc đáo, mà ngay trong văn hóa ẩm thực đã có một phong cách rất tinh tế giầu tính nhân văn. Các món ăn của người Thái Tây Bắc vừa giản dị, dân dã, vừa chứa đựng bao điều sâu xa: Đất-Trời, Lửa-Nước, Âm dương-Ngũ hành và triết lý nhân sinh sâu sắc.

Người Thái định cư ở Tây Bắc từ lâu đời (từ TK IX đến TK XIII), có tiếng nói, chữ viết từ rất sớm, điều đó ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển xã hội, văn học nghệ thuật, phong tục tập quán…
Là cư dân của nền văn minh lúa nước, người Thái rất coi trọng lúa, gạo, gà, cá… các loại rau rừng và do trồng trọt. Người Thái dậy con cháu:
“Không xòe không tốt lúa
Không xòe thóc cạn bồ
Không xòe hoa sẽ tàn héo
Không xòe trai gái không thành đôi”
Những hạt gạo thơm ngon nổi tiếng trong cả nước có được nhờ bàn tay lao động của các mẹ các chị trên những cánh đồng Mường Thanh (Điện Biên), Mường Lò (Nghĩa Lộ-Yên Bái), Mường Than (Than Uyên-Lai Châu), Mường Tấc (Phù Yên-Sơn La)… hóa thân thành những món ăn thơm ngon, độc đáo.
Đó là "Xôi nếp ngũ sắc". Để có món xôi tuyệt vời này phải dùng gạo nếp ngon ngâm với các loại lá, hoa, củ truyền thống để có các mầu: Đỏ, đen, xanh, vàng và mầu trắng nguyên thủy của gạo. Bà con ngườu Thái có thể xôi riêng từng chõ, hoặc dùng lá dong, lá chuối ngăn không cho lẫn mầu, rồi ghép xôi năm mầu trên một đĩa. Đĩa xôi như đất trời Tây Bắc thu nhỏ, ngào ngạt hương hoa, như bông hoa ban huyền thoại. Các mầu nóng lạnh tương trưng cho Âm – Dương. Mỗi mầu lại có tiếng nói riêng: Mầu đen của đất đai trù phú; mầu vàng của ước mong no ấm, phồn thịnh; mầu đỏ tượng trưng cho ước mơ khát vọng; mầu xanh tượng trưng cho bầu trời lồng lộng và sức sống diệu kỳ và mầu trắng của tình yêu trắng trong chung thủy. Một đĩa xôi nhỏ bé mà chứa đựng cả đất trời và tình người sâu nặng.


Tết "Síp sí", tức tết 14.1 theo lịch Thái cổ, ngày tết rất quan trọng trong năm của người Thái Tây Bắc, không thể thiếu bánh "Uôi". Bánh này gói bằng bột gạo nếp, giống bánh dợm ở dưới xuôi, nhưng trên cùng một tấm lá chuối bao giờ cũng gói hai cái rồi xoắn lại ở giữa thành một cặp.
Tết nguyên đán lại phải gói bánh "Khẩu tủm hík" và "Khẩu côp". Đây là kiểu bánh chưng bằng gạo nếp ngon, nhân thịt lợn, đỗ nho nhe và gia vị. "Khẩu tủm hík" gói dài như bánh tày rồi buộc thành cặp từng đôi một. Còn "khẩu cộp" có hình giống bánh tẻ, rồi buộc với nhau từng đôi như đôi tay khum khum giữ lửa. Lá xanh bọc ngoài như núi rừng Tây Bắc hôi hổi một sức sống diệu kỳ. Gạo là ngọc quí của đất trời ban tặng. Thịt, đỗ, gia vị như muôn loài đang rạo rực sinh sôi.
Ngày tết và khi đãi khách quí, người Thái Tây Bắc thường làm món "Cáy mọ", tức gà xôi. Gà để làm món này phải là gà tơ đang nhảy ổ. Khi ăn, bao giờ chủ nhà cũng chia buồng trứng cho khách và mọi người để tỏ lòng kính trọng và cầu mong cho sự sinh sôi, phát triển, viên mãn.
Khi tiếp khách quí, ngày tết và ngày cưới, cá, rêu đá, hoa ban là những món ăn truyền thống.
Rêu đá, tiếng Thái là "Cay". Đây là loại rêu xanh mướt bám vào các gờ đá nơi lòng suối. Rêu đá có thể xôi xào, nấu canh, gói lá dong nướng đều rất bùi, thơm, ngọt, mát, dư vị lưu luyến mãi không tan. Khắp vùng Tây Bắc các dòng suối đều mang trong mình giai thoại về tình yêu bất tử của những đôi trai tài gái sắc yêu nhau tha thiết, bị cường quyền và những hủ tục lạc hậu ngăn trở, không lấy được nhau, họ hóa thân thành dòng suối, làn rêu… Ngày xuân, ngày cưới mỗi người thưởng thức món rêu đá thấm đượm khát vọng được sống, được yêu mà cảm thông, ý thức hơn, trân trọng nâng niu và giữ gìn hạnh phúc.
Với người Thái Tây Bắc, hoa ban tượng trưng cho lòng hiếu thảo, cho tình yêu trắng trong chung thủy. Khắp vùng Tây Bắc có bao nhiêu giai thoại về hoa ban. Không biết có phải do sức sống diệu kỳ của loài cây huyền thoại này, hay ước mơ cháy bỏng về tình yêu của bao thế hệ chung đúc và nuôi dưỡng, mà cây hoa ban xanh tốt cả trên cả nơi đất cằn sỏi đá, mỗi độ xuân về hoa ban lại nở trắng đất trời Tây Bắc. Hoa ban dù xôi, xào hay nấu canh vẫn còn nguyên sắc trắng và tỏa hương thơm dịu. Tận hưởng cả hồn vía của hoa mà lòng người cứ dưng dưng một nỗi niềm, để rồi biết quí trọng hơn những gì đã có mà phấn đấu cho cuộc sống tốt đẹp hơn.
Món ăn chế cùng hoa ban còn có măng đắng ngâm chua, gắn với câu chuyện tình của chàng “Khôm”, tức đắng, nghèo khổ yêu nàng "Ban" xinh đẹp, bị ngăn trở, không lấy được nhau chàng hóa thân thành cây măng vầu. Lấy măng vầu đắng thái mỏng ngâm với nước hoa ban thì bớt đắng và trở nên thơm ngon lạ lùng. Cái vị chua chua, ngăm ngăm đắng với dư vị ngọt ngào đọng mãi không tan khiến người ta cứ phải suy ngẫm mãi về cuộc đời, về tình yêu, về nhân tình thế thái. Có thành công nào, có hạnh phúc nào không đổi bằng bao nỗ lực vượt qua gian khó, có lúc cả những đắng cay đau khổ và cuộc sống của bao người.
Trong đám cưới của người Thái Tây Bắc bao giờ cũng phải có món "Cáy háp hó", "Pa hó", "Pa háp" và "Nhứa bẳng" trong đồ dẫn cưới của nhà trai.
"Cáy háp hó" gồm bốn con gà tơ chừng gần một cân được luộc chín, cứ một con trống được buộc úp bụng vào một con cái thành hai cặp rồi gói vào lá dong tươi. Nhà gái sau khi cúng chặt mời khách cúng hưởng phúc lành.
Với món "Pa hó" lại dùng cá nướng gói từng đôi bằng lạt nhuộm mầu hồng rồi gói trong lá dong tươi.
Còn món "Pa háp", dùng cá xấy khô buộc từng đôi bằng lạt hồng rồi cho vào những chiếc giỏ đan bằng nan tren nhuộm mầu xanh đỏ.
Món "Nhứa bẳng" làm từ thịt trâu ướp thính đựng trong ống nứa đậy nắp bằng giấy đỏ.
Khi gánh đồ dẫn cưới đến nhà gái, các đồ lễ này cũng được chia đều cân đối ở hai bên gánh. Các đồ lễ này được bầy thắp hương ở bàn thờ tổ tiên để tỏ lòng biết ơn và báo hỷ với tiền nhân.
Đã bao năm rồi, phong tục tốt đẹp này vẫn được các thế hệ người Thái giữ gìn và kế thừa. Những đồ dẫn cưới vừa tỏ lòng kính trọng, hiếu thảo với bậc sinh thành, vừa chuyên chở những ước mơ thầm kín, cao đẹp về hạnh phúc lứa đôi, gia đình hạnh phúc.
Nói đến nét đẹp trong văn hóa ẩm thực của người Thái Tây Bắc không thể không nói đến phong cách uống rượu. Trong tiệc rượu tiếp khách, bao giờ chủ nhà cũng đặt ở đầu mâm hai chén nhỏ gọi là "Chén nóng". Khi chủ và khách nâng chén đầu, trước khi uống bao giờ cũng rót vào chén nóng và rót xuống khe sàn chút rượu từ chén của mình để cho những linh hồn những người quá cố của chủ nhà và những linh hồn đi theo khách cùng chung hưởng. Rồi chủ và khách "Khắp mơi lảu", tức là hát mời rượu. Lời hát thường là hỏi thăm và chúc những điều tốt lành, chén rượu thành chén tình chén nghĩa.

Các món ăn của người Thái Tây Bắc, dù là xôi nếp ngũ sắc, bánh tết, rêu đá, hoa ban, các đồ dẫn cưới, cho đến cách thức uống rượu… đều góp phần tạo nên một văn hóa, một phong cách đậm đà bản sắc dân tộc, gửi gắm vào đó bao điều: Những quan niệm, những suy ngẫm, những ước mơ của bao thế hệ luôn phải đấu tranh chống lại thiên nhiên khắc nghiệt, chống lại kẻ thù hai chân và bốn chân để có một cuộc sống Hòa bình-Ấm no-Hạnh phúc. Được bàn tay tài hoa khéo leó của các bà, các mẹ, các chị thổi hồn, những món ăn bình dị bỗng hóa tâm hồn, dâng đời hương sắc.

Monday, April 18, 2016

Tục "Pục Quảng" của người Thái Đen Mường Lò (Đặng Phương Lan)

Cảnh sinh hoạt của người Thái Đen ở Nghĩa Lộ sau một ngày làm việc
         Cũng như các dân tộc anh em khác trên khắp quê hương Việt Nam, dân tộc Thái ở Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái) có những nét văn hóa rất đặc sắc và độc đáo... Người Thái có truyền thống yêu chuộng thơ ca, hát múa, họ có phong cách sống bình lặng nhưng lãng mạn, ham thích các sinh hoạt cộng đồng, sẵn sàng tham gia các cuộc vui và có nhiều phong tục, tập quán, lễ thức dân gian gắn liền với chu kỳ đời sống con người... 

Người Thái Đen vùng Mường Lò - Nghĩa Lộ (Yên Bái), cứ mỗi khi chuẩn bị đón một năm mới đến, họ lại có một tập quán từ xa xưa để lại rất độc đáo, đó là tục “Pục Quảng” cho những người cao tuổi trong làng bản. “Pục Quảng” gần giống như đặt bí danh con người, nhưng bí danh này là do một tập thể xét tặng rất chặt chẽ, bài bản, nghiêm túc, nó mang tính văn hoá truyền thống ít có dân tộc nào có được. Tất cả các tiêu chí để xét tặng rất cụ thể, rõ ràng, đầy đủ... gồm có cả “Điều kiện” và “Tiêu chuẩn” giống như xét tặng các danh hiệu thi đua khác của các cơ quan nhà nước vậy...

Bữa cơm của một gia đình người Thái Đen đã được “Pục Quảng”
         Khi các cụ ông người dân tộc Thái Đen sinh sống ở vùng Mường Lò - Nghĩa Lộ đã lên lão (có con cháu là được lên lão) ít khi người ta gọi tên tục của bố mẹ đặt cho. Tên đó chỉ còn trong văn bản hành chính như: danh sách cử tri; hội người cao tuổi và các giấy tờ có yếu tố pháp lý khác… Còn trong giao tiếp hàng ngày ở bản làng, nhất là ở lớp con cháu thì không gọi theo tên tục nữa, mà con cháu phải gọi theo tên mới. Người cần tên không được tự nhận (tự đặt) mà phải do hệ thống các già làng, hay dựa vào Hội người cao tuổi đặt và trao tên vào ngày đầu năm mới (âm lịch), nghi lễ trao tên mới rất vui và long trọng.

Những phụ nữ Thái Đen ở Bản Hốc này đã được “lên lão” (có con, cháu) và gọi theo tên của chồng
        Việc xét đặt và trao tên đó tiếng Thái gọi là “Pục Quảng”, dịch nghĩa tiếng Thái ta có thể tạm dịch:
- Pục là trồng, là dựng, đặt.
- Quảng là sự rộng rãi.
         Ghép hai từ: Dựng đặt cho một bí danh khi người cao tuổi dùng để giao tiếp thôn bản và tỏ lòng kính trọng, tránh tên tục của bố mẹ đặt.
         Những nét đẹp văn hoá trong các tập “Pục Quảng” và cái tên “Quảng” được thể hiện qua các khâu:
         Chọn tên, phải là già làng có uy tín, có nơi nhờ Hội người cao tuổi xét và dự kiến trước. Khi dự kiến tên phải xét nghiêm ngặt về đời sống tinh thần, phẩm chất, thói quen, hoàn cảnh tốt cũng như xấu để chọn một từ để chỉ các vấn đề trên. Nhưng cũng có chiếu cố, nâng đỗ, động viên và cũng không quá tâng bốc, nịnh nọt; thậm chí còn có những cái tên chưa hay, chưa tốt.
         Cái tên gần như tổng kết cuộc đời con người ấy và chỉ được đặt một lần. Tốt thì phát huy, còn thiếu sót thì vui vẻ nhận, khắc phục. Ai có rồi là niềm tự hào dù ở mức nào, không có ai tự ái buồn phiền. Họ cho rằng đây là một niềm vinh dự khi được ban tặng, nó là món quà vô giá. Họ chỉ tự ái khi có tên Quảng rồi mà vẫn còn gọi họ bằng tên tục...

Cơm xôi của người Thái Đen chỉ có ở Nghĩa Lộ, trong lễ “Pục Quảng” các gia đình vẫn làm xôi Ngũ sắc để đãi khách
            Dưới đây là một số những tên hay được đặt ở Mường Lò:
* Về đạo đức và thói quen:
- Quảng Đức: Chỉ người có đạo đức.
- Quảng Nghĩa: Người sống có tình nghĩa.
- Quảng Thượng: Người cao thượng.
- Quảng Thống: Người hiểu biết rộng như cái túi.
- Quảng Thạo: Chỉ người biết sắp xếp công việc (như Chủ tịch xã)
- Quảng Tâm: Quyết tâm, trung tâm đoàn kết.
- Quảng Minh: Chỉ người tỷ mỷ
- Quảng Công: Người nhiều công lao
- Quảng Dong: Người trong sáng
* Tính cách cá nhân:
- Quảng Kiềm: Người biết kiềm chế, nín nhịn.
- Quảng Băng: Người biết che chở, bảo vệ người khác.
- Quảng Xái: Người hay đùa nghịch.
- Quảng Bao: Người biết chịu đựng, giúp đỡ người khác.
* Hoàn cảnh:
- Quảng Kho: Người có đời sống khó khăn.
- Quảng Lại: Người chuyển chỗ ở nhiều nơi đến về về lại chỗ cũ.
- Quảng Inh: Phải dựa vào người khác trong cuộc sống (Dựa hẳn).
- Quảng Phánh: Sự nương tựa vào người khác (thấp hơn Quảng Inh).
* Những lên vươn lên:
- Quảng Phấn: Người cần cố gắng vươn lên
- Quảng Vắn: Người khéo mồm miệng.
- Quảng Hóm: Người hay bán tài sản.
- Quảng Nhan: Người có tính tình cầu thả.
           Tất nhiên có một số cụ trùng tên, nhưng không ai là thiếu chính xác. Chính xác đến độ giao cho tên mới là người nhận rất vui vẻ, thoải mái với bất cứ tên nào. Sau khi người già làng chọn, có thông qua Hội người cao tuổi xin ý kiến và chọn một ngày thích hợp để họp các cụ được đặt tên đến góp một chút rượu mời người dự kiến và đặt tên uống rượu đầu tiên. Cuộc vui có chiêng trống con cháu múa Xoè và ca hát đến sáng tại một cuộc họp thôn bản. Danh sách các cụ được “Pục Quảng” công bố, từ đó trở đi các cụ được gọi lên là “Quảng”, nếu gọi tên tục các cụ sẽ tự ái, riêng các cụ bà được gọi theo tên của chồng.

Những cô gái người Thái Đen
           Việc “Pục Quảng” cho người cao tuổi trong ngày đầu năm làm cho cuộc sống có ý nghĩa hơn, bởi họ biết gìn giữ và phấn đấu để cả cuộc đời luôn thanh cao, để lúc già nhận được một cái tên đẹp, đồng thời hạn chế đi mặt yếu kém. Ngày nay, việc Pục Quảng luôn được bảo tồn và phát huy, họ tổ chức thường xuyên từng đợt vào mùa xuân, vào những ngày tết nguyên đán. Một tập quán văn hoá lưu truyền nhiều đời ở vùng dân tộc Thái Mường Lò - Nghĩa Lộ... 

ĐẶNG PHƯƠNG LAN

Sunday, March 27, 2016

Ẩm thực văn hóa truyền thống Dân Tộc Thái miền Tây Bắc


Nói đến nền văn hóa của người dân tộc Thái vùng Tây Bắc, chúng ta chợt nhớ tới chiếc khăn Piêu nổi tiếng. Cùng với đó là những điệu múa xòe, nhảy sạp đặc trưng trong những lễ hội hoa ban truyền thống. Ngoài ra, người dân tộc Thái còn nổi tiếng với những món ăn đậm đà bản sắc dân tộc, những món ăn truyền thống là di sản kết tinh muôn đời. Hãy cùng với dulichngaynghi.com cùng khám phá về nền văn hóa và ẩm thực của người dân Thái miền Tây Bắc Bộ nhé.

I.Khái quát về lịch sử và văn hóa của người Thái miền Tây Bắc Bộ
Trải qua các cuộc di dân lớn trong lịch sử, dân tộc Thái đã có mặt ở đất nước chúng ta từ hơn hàng trăm năm trước. Người dân tộc Thái giỏi những công việc làm lúa nước như đào mương, dựng con, bắc máng lấy nước… Vì vậy trong dân gian vẫn lưu truyền câu nói: “Xá ăn theo lửa, Thái ăn theo nước” ám chỉ người dân tộc Thái là những người làm ruộng nương rất giỏi. Ngoài ra, họ còn thông thạo các công việc dệt vải, đồ gốm, và nổi tiếng nhất chính là những tấm thổ cẩm rực rỡ sắc màu với những hoa văn chi tiết độc đáo, khác lạ.
Trang phục truyền thống của nam giới là những bộ quần áo thổ cẩm chàm đen hoặc chàm xanh. Còn người phụ nữ Thái lại gắn liền với những bộ áo cỏn trắng mỏng, xanh đen bó sát toàn thân, những hoa văn họa tiết được trang trí ở những đường viền, kết hợp với nhũng bộ trang sức, vòng cổ bạc lóng lánh. Ngày nay, những tấm vải thổ cẩm đẹp mắt, cùng với những bộ trang sức bạc được chế tạo thủ công ngày càng thu hút sự quan tâm của những du khách trong nước và quốc tế. Vải thổ cẩm đã trở thành một mặt hàng xuất khẩu đem lại lợi ích không nhỏ cho người Thái.


Thổ Cẩm Dân Tộc Thái
  

Thổ Cẩm Dân Tộc Thái 2

Xét về mặt tâm linh của người Thái, họ có quan niệm thờ cúng tổ tiên cùng với nhiều vị thần cai quản giúp cho họ có những mùa màng bộ thu. Ngoài ra còn có những tục lệ như lấy nước đêm giao thừa, lễ hội cầu mùa… Họ quan niệm những người đã chết đều sống ở một thế giới bên kia, nên đám ma chay là lễ tiến người chết về với mường trời. Xét về mặt văn học nghệ thuật, người Thái có một kho tàng đồ sộ những câu ca dao, tục ngữ, thơ, văn học dân gian nổi tiếng như “Xống chụ xon xao”, “Khun Lũ, Nàng ửa”… Những người Thái ưa ca hát khi nhảy múa xạp, quanh những đống lửa, cùng với điệu múa quạt hấp dẫn nhiều vị khách tham gia.
Bởi vì dân tộc Thái sống phụ thuộc vào nguồn nước với nghề trồng lúa nước, bản làng của họ phải ở gần nguồn nước, với những nóc nhà kề bên nhau. Nhà sàn dân tộc Thái được thiết kế chắc chắn với những cột gỗ vuông, lá cọ làm mái nhà và thường mỗi căn nhà rộng rãi 3 đến 5 gian sinh hoạt. Những cột gỗ chính được đục đẽo thiết kế những hình thù như mai rùa, hay những loài sinh vật cúng lễ của chính người dân miền Tây Bắc Bộ
II.Nền ẩm thực độc đáo, riêng biệt của người dân tộc Thái
Người dân tộc Thái ưa thích những hương vị đậm đà giàu dinh dưỡng, và đặc biệt được chế tạo từ những nguyên liệu thiên nhiên phong phú đặc biệt, Những món ăn nơi đây mang đậm hương vị núi rừng, với những loại rau, gia vị chỉ có miền Tây Bắc Bộ mới có. Món ăn của người miền núi thường là những món ăn Nướng, Hấp hoặc hun khói… có thể để bảo quản lâu mà không làm ảnh hưởng tới chất lượng cũng như hương vị của món ăn. Chúng ta cùng điểm qua một vài món ăn nổi tiếng của người dân tộc Thái nhé
1.Các món ăn từ rêu
Món rêu đá là một món ăn đơn giản, được chế biến từ rêu rửa sạch đem cắt nhỏ, bỏ vào hấp chín, trộn với những loại gia vị như muối đường, gừng, hạt sen rau thơm cùng với hương vị cay xè của ớt và hạt tiêu. Món ăn là một sự chế biến khá cầu kỳ để có thể loại bỏ được những hương vị không thuận miệng từ rêu, không làm cho thực khách cảm thấy sợ hãi, khó chịu

Món Canh rêu tươi lại là một món ăn mùa đông, rêu được chế biến sạch sẽ đem nấu với nước dùng canh xương lợn hoặc gà, nêm nếm với gia vị đủ xài và ăn nóng. Các món ăn được chế biến từ rêu tươi đều có tác dụng thanh nhiệt giải độc, chống huyết áp cao. Và đặc biệt trong rêu có một số loại vi chất có thể chống lại được sự lão hóa, làm tăng thêm sức khỏe cho người.
2.Các món ăn từ gạo nếp
Gạo nếp là thức ăn truyền thống của người Thái. Khi đi lên làm nương rẫy, nhũng món ăn được chế biến từ gạo nếp chính là lương khô của họ. Gạo nếp được người Thái được chính họ chăm sóc, tạo ra nổi tiếng với độ dẻo, và không bị khô khi để lâu. Vì vậy, người Thái đã chú tâm tạo ra những món chính từ những năm gạo nếp thơm ngon này



Cơm Lam người Thái chế biến từ gạo nếp chính là một trong những đặc sản của người dân miền Tây Bắc. Gạo nếp được chứa trong những khúc tre nứa, cùng với nước dừa hoặc nước khe suối, được nướng đặc biệt trong bếp củi hoặc than cho tới khi vừa chín tới. Món cơm Lam rất thơm ngon, ngọt, dẻo chính là món ăn được dùng trong những dịp đặc biệt của người Thái, hoặc tiếp đón những vị khách tới chơi.



Món cơm xôi tím được ngâm từ lá cây gừng mọc ở rừng, ngâm hàng giờ liền, đến khi được đồ lên tạo thành một món xôi màu tím rất đặc biệt của người Thái. Ngoài ra, người dân tộc Thái còn có một món xôi nổi tiếng kết hợp từ những loại xôi khác nhau là món xôi Ngũ Sắc. Món ăn này cực kỳ đặc biệt chứa đựng 5 loại màu khác nhau.

Xôi Ngũ Sắc

3.Các món nướng, hun khói của người dân tộc Thái
Phải nói, việc chế biến các món ăn nướng của người dân tộc Thái đã đạt đến một đẳng cấp rất cao. Họ không bao giờ sử dụng dầu mỡ, mà chú trọng vào cách phối các mùi vị cay đắng mặn chát tạo nên một sự hài hòa vừa miệng cho thực khách.

Món Pà Pỉnh Tộp

Món cá nướng “Pa pỉnh tộp” là một món cá nướng đặc biệt của người Thái. Món ăn này đòi hỏi một sự cầu kỳ từ việc chọn lựa cá chép tươi nguyên con để nướng. Cá được sát qua chút muối cùng bột ớt khô khử mùi tanh, kết hợp với những loại rau thơm, quả mắc khén, gừng tỏi sả được băm nhỏ nhồi vào trong bụng cá và sát lên mình cá để tạo nên hương vị đặc biệt của món ăn. Cá được kẹp vào trong vỉ sắt hoặc trong các que nướng bằng tre tươi, nướng trên than hoa rực hồng. Những loại gia vị và rau quả bên trong thấm dần vào từng thớ thịt của cá tạo nên một hương vị đậm đà đặc biệt.

Món Nhứa Giảng

Món Nhứa Giảng: là món thịt được hun khói, chế biến từ thịt bò, thịt trâu hoặc thịt ngựa. Là một món hun khói được tích trữ nên món ăn là những miếng thịt dày, dài khoảng 20 – 30cm, được ướp tỏi, gừng, xả, hạt tiêu rừng, ớt… xiên vào các que tre và treo lên gác bếp. Sau khi thịt đã khô, thịt được đập cho tơi ra dễ ăn, và thường là món ăn trong những buổi tiệc rượu của người Thái. Món Nhứa Giảng giữ được sự thơm ngọt của miếng thịt rừng, cùng với hương thơm đặc biệt từ hạt tiêu mang vị cay nồng khác biệt so với vùng khác.

Wednesday, March 23, 2016

Khám phá ẩm thực và nghệ thuật dân tộc Thái giữa lòng Thủ đô

Ẩm thực, nghệ thuật độc đáo
Bất cứ ai đã từng đặt chân lên mảnh đất Tây Bắc đều bất ngờ trước văn hóa, nghệ thuật  lâu đời và đặc sắc của dân tộc Thái. Người Thái không chỉ được biết đến bởi có một nền văn hóa, nghệ thuật đặc sắc mà còn nổi tiếng với những món ăn độc đáo hớp hồn du khách.

Hình ảnh Khám phá ẩm thực và nghệ thuật dân tộc Thái giữa lòng Thủ đô số 1
Hình ảnh Khám phá ẩm thực và nghệ thuật dân tộc Thái giữa lòng Thủ đô số 2
Nhiều ý kiến cho rằng, thông qua ẩm thực – nghệ thuật dân tộc Thái đến với mọi người.
Với hơn 200 món ăn được chế biến công phu, độc đáo không trùng với bất cứ dân tộc nào tại Việt Nam, ẩm thực – nghệ thuật của dân tộc Thái được đánh giá là cách thức truyền tải văn hóa tốt nhất đến với các dân tộc khác.
Tất cả những món ăn của người Thái đều được chế biến từ nguồn nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên, từ thịt trâu, thịt bò, cá, gà được người Thái tẩm, ướp gia vị rất cầu kỳ và cẩn thận. Gia vị để ướp là hạt "mắc khén" (một dạng hạt tiêu rừng), ớt, tỏi, gừng, muối...
Khi thưởng thức món ăn của người Thái, nhiều thực khách cảm thấy ưa miệng cái vị đậm đà, giàu chất dinh dưỡng của các  món nướng. Những món ăn độc đáo của người Thái như pà pỉng tộp, khảu lam, nặm pịa, thịt trâu gác bếp,...được làm rất công phu và đẹp mắt khiến người ăn sẽ nhớ mãi không quên.
Đặc biệt, khi chế biến những món ăn của mình, người Thái hoàn toàn không dùng dầu mỡ và rất chú trọng tới việc điều phối các vị đắng - cay - mặn - chát. Những vị này được phối hợp hài hòa khiến thực khách cảm thấy vừa miệng, không có cảm giác ngấy, ngán khi ăn.

Chế biến công phu
Mùa nào thức nấy, người Thái đãi khách bằng sản vật, như: Nhộng ong, má thò lòm, măng lay, măng đắng, măng ngọt... Cách chế biến món măng của người Thái cũng thật đặc biệt và cầu kỳ, để có được một bát nước cốt măng chua, họ sẽ ngâm măng vài ba năm để lọc lấy vị ngon lành, chua dịu nhất khi ăn cùng những món ăn khác. Với những ai đã từng lên vùng Tây Bắc, khi vào những ngôi nhà của người Thái, ta dễ dàng nhận thấy tại gia đình nào cũng có sẵn vài chum măng muối chua dành để dùng dần.
Hình ảnh Khám phá ẩm thực và nghệ thuật dân tộc Thái giữa lòng Thủ đô số 3
Hình ảnh Khám phá ẩm thực và nghệ thuật dân tộc Thái giữa lòng Thủ đô số 4
Người Thái có hơn 200 món ăn có cách chế biến độc đáo, không trùng lặp với bất kỳ dân tộc nào khác.
Những phương pháp chế biến món ăn của người Thái hoàn toàn dựa vào kinh nghiệm từ ngàn xưa để lại và được lưu giữ từ đời này qua đời khác chứ hoàn toàn không có bất cứ trường lớp nào truyền dạy. Chính điều này đã khiến cho những món ăn của người Thái không thể lẫn với bất kỳ dân tộc nào khác.
Cũng bởi am hiểu về nghệ thuật ấm thực của dân tộc mình nên dù cùng là món ăn Thái nhưng nếu được chế biến qua bàn tay của những đầu bếp Thái gốc bản địa sẽ khác hoàn toàn cả về hương, vị và sắc, so với những đầu bếp của dân tộc khác.
Đồ uống của người Thái cũng chưng cất, pha chế bằng những nguyên liệu hoàn toàn là tự nhiên. Những hũ rượu được ủ bằng thứ men lá của vùng cao Tây Bắc sẽ cho ra loại rượu nồng, êm, dịu và có thể làm say lòng bất cứ ai khi thưởng thức mà không lo bị nhức đầu mà còn tỉnh nhanh. Những loại rượu chuối hột, rượu táo mèo, rượu ngâm cây mật gấu… sẽ là món quà tuyệt vời mà thực khách có thể dùng để tặng người thân và bạn bè để có thể cảm nhận được sự hoang sơ và hiếu khách của vùng cao Tây Bắc. Với những ai không uống được rượu có thể thưởng thức sự mát lành của nước cây khúc khắc có tác dụng bổ máu được pha chế dung hằng ngày như người miền xuôi pha chè.
Hình ảnh Khám phá ẩm thực và nghệ thuật dân tộc Thái giữa lòng Thủ đô số 5
Hình ảnh Khám phá ẩm thực và nghệ thuật dân tộc Thái giữa lòng Thủ đô số 6
Món ăn “pà pỉng tộp, cáy pỉng” độc đáo của người Thái.
Trong khi thưởng thức những món ăn, đồ uống của dân tộc Thái, thực khách sẽ được khám phá thêm văn hóa và nghệ thuật của người Thái thông qua những điệu khắp, điệu múa khăn piêu, múa quả bầu, múa đàn tính tẩu… sau đó có thể hòa mình vào những điệu múa xòe, bước nhảy sạp mang đậm nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người Thái thì không gì thú vị bằng.
Tại Hà Nội có thể thưởng thức văn hóa, nghệ thuật và ẩm thực dân tộc Thái tại đâu?

Không cần lên vùng cao Tây Bắc, thực khách vẫn có thể thưởng thức văn hóa, nghệ thuật và ẩm thực của người Thái tại Nhà hàng Ẩm thực – Nghệ thuật – Văn hóa dân tộc Thái tại địa chỉ D17/76 phố Duy Tân (Cầu Giấy, Hà Nội); www.AmthucvanhoaThai.vn. Tại đây, thực khách sẽ được thưởng thức những món ăn đặc sắc nhất của các đầu bếp người dân tộc Thái bản địa chế biến, được phục vụ bởi các nhân viên người dân tộc Thái gốc, được đắm mình trong không gian văn hóa, nghệ thuật với những điệu múa xòe, múa đàn tính tẩu của những vũ công, nghệ nhân dân tộc Thái biểu diễn.

An Huy