Mc tiệc cưới, học làm mc đám cưới, video đám cưới hay nhất: ₪ Bản sắc dân tộc Thái
Showing posts with label ₪ Bản sắc dân tộc Thái. Show all posts
Showing posts with label ₪ Bản sắc dân tộc Thái. Show all posts

Saturday, May 14, 2016

Tây Bắc mênh mang (Huỳnh Tâm)

Tây Bắc có những mùa hoa đẹp mê man.

Tây Bắc, có 32 dân tộc thiểu số sinh sống với những bản sắc văn hóa đa dạng và lịch sử hào hùng, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ đã đi vào thơ ca và là nguồn cảm hứng cho những áng văn chương, đã trở nên nổi tiếng đi sâu vào lòng người đọc. Chính sự hoang sơ, bí ẩn đã trở thành nét quyến rũ, sức hút thiêng liêng của Tây Bắc.


Trẻ em vùng cao hồn nhiên vui đùa.

Những đỉnh núi cao chót vót hiểm trở mà kỳ vĩ, con đường đèo chênh vênh và thơ mộng khi uốn mình quanh sườn núi chạm vào chân mây hay lấp ló trong sương mù, ruộng bậc thang trải dài vút tầm mắt như kéo giãn không gian thêm dài thêm rộng, các mùa hoa tiếp nối nhau… Tất cả tạo nên bức tranh thiên nhiên quyến rũ, mộng mơ, đầy sắc màu nơi núi rừng Tây Bắc. Tiêu biểu như cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), cảnh quan Mèo Vạc, ruộng bậc thang Mù Cang Chải, Mường Lò-Nghĩa Lộ.
Tây Bắc có 32 dân tộc thiểu số sinh sống, tạo nên những đặc trưng văn hóa cộng đồng, bản sắc truyền thống, đa dạng sinh thái riêng cho từng tỉnh. Khám phá văn hóa truyền thống, cùng trải nghiệm và cảm nhận sự giàu có của văn hóa các vùng miền.

Vẻ đẹp rực rỡ của chợ phiên Bắc Hà.


Nhắc đến Sơn La, người ta sẽ liên tưởng đến những món ăn, lễ hội truyền thống và phong cách sinh hoạt độc đáo của đồng bào dân tộc Thái. Hòa Bình lại là nơi mang đậm bản sắc của dân tộc Mường. Hay có những dân tộc chỉ sinh sống ở Lai Châu như Người Lào, Người Lự. Tây Bắc còn là địa danh gắn liền với lịch sử của 32 dân tộc.

Thursday, May 5, 2016

Mắc khén-nét riêng của vùng Tây Bắc (Huỳnh Tâm)

Trái cây Mắc Khén
Mắc khén đứng đầu trong các loại gia vị của đồng bào dân tộc miền núi. Có người gọi Mắc khén là hạt tiêu rừng và khiến ta dễ liên tưởng đến cây hồ tiêu dại mọc trong rừng nhưng không phải. Mắc có nghĩa là quả, còn Khén là một loại cây thân gỗ lớn mọc trong rừng đại ngàn.

Cây Mắc khén là loại cây dại thuộc họ hồi, có tinh dầu và hương thơm, trở thành huyền thoại và làm nên loại gia vị đậm đà không thể thiếu trong bữa ăn đồng bào miền Tây Bắc. Cây Khén ra hoa vào dịp cuối xuân và đậu thành những chùm quả nhỏ như những chùm hạt rau mùi già. Cuối hè, người ta thu hái Mắc khén bằng cách leo lên cây hái hay dùng câu liêm kéo những cành nhỏ có quả rơi xuống và buộc lại thành chùm đem phơi nắng cho khô hoặc treo lên gác bếp dùng dần. Khi dùng Mắc Khén, người ta bứt một nắm quả cho vào chiếc bát con. Chọn lấy một viên than củi đang cháy đượm nhất bỏ vào bát và lắc đều tay để nướng mắc khén. Khi thấy mùi thơm ngào ngạt bay ra thì gắp than ra, khẽ thổi cho bay hết tàn than rồi dùng chuôi dao giã nhỏ hạt Mắc khén thành bột để chế biến đồ chấm hay làm gia vị cho các món ăn.

Hoa Mắc Khén

Thời xa xưa, khi những cánh rừng đại ngàn còn che chở bản làng, khi thú rừng rong chơi và những người thợ săn vẫn đêm đêm lặn lội theo dấu con mồi, thì Mắc khén  nhất quyết không thể thiếu trong túi đồ thợ săn. Đồng bào Thái đen cho rằng, con thú sẽ được Thần rừng cho sống lại sau khi chết. Bởi vậy, mỗi khi bắn được con mồi, họ không bao giờ lấy bộ lòng.
Xả thịt con mồi ngay giữa rừng, thợ săn sẽ đặt lại toàn bộ tim, gan, ruột của nó lên tảng đá và khấn khứa, đại ý: "Thưa Thần rừng, hôm nay tôi mượn một con vật của Thần. Tôi đã để lại bộ lòng, xin Thần cho nó cái vỏ khác để nó lại được chạy nhảy…". Bài khấn xong là lúc những người đi săn có quyền thưởng thức phần còn lại của con thú. Và tục lệ bắt buộc phải ăn hết con mồi tại chỗ đã khiến việc sử dụng Mắc khén xát vào bên trong, bên ngoài con vật trước khi nướng trở thành thông dụng.
Mắc khén  là loại gia vị miền Tây Bắc đã đi vào huyền thoại, không thể thiếu trong bữa ăn của người Thái đen được làm chủ yếu từ quả Mắc Khén.
Mắc, theo tiếng Thái, có nghĩa là quả. Nhưng còn Khén thì không hề có chữ gì đồng nghĩa hay cả trong ngôn ngữ bản địa. Bởi vậy Mắc khén mãi mãi sẽ là một tên riêng, tự nhiên tồn tại như chính bản thân núi rừng hoang dã, bí hiểm mà cũng quá đổi quen thuộc với con người. Thực tế Mắc khén là một loài cây dại thuộc họ hồi, có tinh dầu, khi đơm trái sẽ kết thành những chùm quả nhỏ li ti, tỏa hương thơm dịu. Đồng bào Tây bắc chỉ việc lên sườn núi, tìm những cành Mắc khén chín về phơi khô rồi xoa cho quả rời cành.

Hương vị Mắc Khén

Hầu như không có bữa ăn nào quan trọng của người Thái lại thiếu được Mắc khén, giống như một dạng muối vừng với người Kinh. Quả Mắc khén sau khi thu về, bắc chảo rang nóng. Tiếp đó, đưa vào giã thành bột mịn. Tuy nhiên để chế ra được hương vị thơm phức, chuyên dùng ăn với xôi nếp nương, còn phải qua nhiều công đoạn khác. Đó là dùng ớt khô bỏ hạt nướng giòn, muối rang, rau mùi tầu xắt nhỏ rang khô, tất cả đều giã thành bột mịn. Sau khi trộn đều hỗ hợp trên thì tạo thành Mắc khén, một thứ bột mùi thơm hăng hắc nhưng lại dịu như vị ô mai và phảng phất chất núi rừng, thơm cay nồng nàn như hương hồi, quế.
Mắc khén  thông dụng nhất dùng để chấm những chõ xôi nếp nương, thu hoạch từ cánh đồng Tú Lệ, dưới chân đèo Khau Phạ, thì chắc chắn không có hương vị nào sánh bằng:
"Nếp Tú Lệ/Tẻ Mường Lò/ Xòe Kinh Bạc".

Cây Mắc Khén
Loại gia vị này còn giúp thịt thú rừng trở nên thơm ngon đặc biệt. Không chỉ dùng cho những loài thú săn trên rừng, Mắc khén  còn được người Thái đen sử dụng trong cách nướng cá "pa pỉnh tộp" có nghĩa là "cá nướng gập" đầy quyến rũ. Để làm được món ''Pa Pỉnh Tộp'', người ta chọn loại cá chép nặng khoảng 0,5kg trở lên, béo và còn tươi sống. Trước khi mổ phải cạo sạch vảy để khi ướp gia vị ngấm đều vào cá. Sau khi mổ cá và bỏ mật cá bắt đầu ướp và nhồi gia vị. Người ta không mổ cá đằng bụng mà lại mổ đằng dọc sống lưng để khi gấp úp con cá mềm mại gấp dễ dàng hơn và để phần gia vị nhồi trong bụng cá khi tiếp xúc với than hồng sẽ toả mùi thơm ngấm vào thịt cá.
Người chưa ăn không thể cưỡng lại được khi tưởng tượng, huống gì khách đã ăn quen. Kiểu gập cá độc đáo này giúp cá nướng chín đều, bản thân nước bên trong được giữ lâu hơn và khiến thịt cá không bị cháy. Hương vị của Mắc khén  tỏa ra thơm phức, vị dịu của mắc khén, vị cay nồng nàn của ớt, vị mặn mòi của muối.

Có thể Mắc khén là một trong những loại gia vị độc đáo mà núi rừng Tây Bắc đã ban tặng người dân nơi đây, góp phần làm cho ẩm thực Việt Nam thêm phần phong phú. Ai đã được từng thưởng thức những món ăn chế biến từ gia vị này chắc chắn sẽ không thể quên được hương vị đặc trưng của nó mà không phải ở đâu cũng tìm thấy được.

Sunday, May 1, 2016

Khắp Thái Mường Lò (Thanh Tân)

Hạn khuống là hình thức sinh hoạt văn hóa đặc sắc của người Thái Mường Lò.

Cũng như nhiều dân tộc khác cùng chung sống trên mảnh đất Yên Bái, người Thái đen vùng Mường Lò còn lưu giữ rất nhiều nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Một trong những nét văn hóa đặc sắc đó là khắp.

Khắp là một hình thức sinh hoạt tinh thần không thể thiếu trong các dịp lễ, tết, cưới, hỏi, thậm chí ngay cả trong lao động.
Khắp thực chất là hát, nói cách khác, khắp là cách trình diễn thơ ca. Hiện nay có khá nhiều làn điệu khắp khác nhau nhưng có thể chia thành hai loại chính là khắp bắc (hát sáng tác mới) và khắp lời truyền thống. Khắp lời truyền thống là lời khắp phổ biến nhất hiện nay.
Trong các cuộc khắp đối đáp, khắp giao duyên, người khắp sẽ chọn những câu, đoạn để khắp cho phù hợp, hoặc cùng nhau khắp những bài khắp truyền thống của đồng bào mình. “Tản chụ xống xương" và "Tản chụ xiết xương" là một trong những điệu khắp truyền thống điển hình.
 "Tản chụ xiết xương" gồm các bài hát để nói kháy yêu nhau theo kiểu tâng người hạ ta. Thực chất hình thức khắp này là mượn chủ đề tình yêu để thi tài năng đối đáp giữa các cặp hát đối. Khắp truyền thống còn có các điệu như: "Tản ỉn tản mặc" nghĩa là lời tỏ tình, "Mỡi lảu, vảy lảu" nghĩa là mời rượu, từ chối rượu, "Xống khươi, tỏn pạu" nghĩa là tiễn rể, đón dâu... Đi kèm với những điệu khắp là những nhạc cụ rất đặc trưng như: tính tẩu, khèn bè, pí pặp, pí thiu, pí ló nhưng phổ biến nhất với người Thái Mường Lò vẫn là pí ló.

Thiếu nữ Thái Mường Lò. (Ảnh: Hoàng Đô)

Thanh niên người Thái trước đây ai cũng phải biết khắp, nếu không sẽ chẳng thể quen được ai và cũng chẳng thể lấy được con gái của bản mình làm vợ. Bởi lẽ, trai gái đối đáp, giao duyên, muốn làm quen, mời rượu hay muốn tỏ tình cũng đều bằng khắp. Ngày nay cũng vậy, thanh niên trai gái trong làng lớn lên đều phải biết các điệu khắp của bản, mường mình và cũng như bao người Thái gắn bó máu thịt với mảnh đất này, lớn lên bằng những điệu khắp từ lời ca tiếng hát của bà, của mẹ, của những lễ hội tưng bừng cả một vùng trắng hoa ban.
Để phát huy và giữ gìn bản sắc văn hóa của người Thái Mường Lò, thị xã Nghĩa Lộ đã xây dựng một đội văn nghệ tại xã Nghĩa An, hội tụ nhiều nghệ nhân trong vùng để truyền dạy cho lớp trẻ những làn điệu khắp của dân tộc mình, mà bà Điêu Thị Siêng - nghệ nhân dân gian là một trong những hạt nhân tích cực cho việc gìn giữ và phát huy.
Gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của mỗi tộc người chính là chúng ta đang tìm về với cội nguồn dân tộc, về với những giá trị đích thực của cuộc sống. Tìm về với điệu khắp của người Thái Mường Lò để thấy được giá trị truyền đời của một hình thức sinh hoạt văn hóa thuần phác gắn với đời sống tinh thần của đồng bào.
Về Mường Lò, về với mảnh đất giàu bản sắc văn hóa để say trong men nồng hương rượu với những điệu khắp, điệu xòe bất tận để cảm nhận sự mộc mạc thân tình của người dân bản địa. Đó hẳn sẽ là những cảm xúc khó quên với mỗi du khách có dịp ghé thăm Mường Lò, nơi được mệnh danh là cửa ngõ miền Tây của Tổ quốc trong mỗi dịp tết đến xuân về.

Thanh Tân

Thursday, April 28, 2016

Lễ cúng rừng thiêng của người Thái, Yên Bái (Văn Hóa Tây Bắc)

Lễ cúng rừng thiêng của người Thái, Yên Bái.
Mỗi độ xuân về, người Thái ở Yên Bái lại rộn ràng tổ chức lễ hội Xên đông – lễ hội “Cúng rừng thiêng” với mong muốn một năm mới tốt lành, mùa màng bội thu, đời sống sung túc, nòi giống sinh sôi.
Vùng lòng chảo Mường Lò (Yên Bái) là miền đất tổ của đồng bào Thái. Bà con nơi đây vẫn giữ tục xên đông - cúng rừng thiêng. Từ tập tục linh thiêng ấy đã xây dựng nên ý thức cộng đồng bảo vệ rừng.

Xưa, mỗi bản mường của người Thái có những vị cai quản là án nha, phìa, bô lão toàn mường... Nơi nào có bản có mường đều phải có những khu rừng kiêng rừng cấm. Rừng cấm là nơi ngụ của ma thiêng, rừng già là nơi ngụ của hồn mường hồn bản. Trải qua hàng ngàn năm chung sống hòa thuận với rừng, hiểu được qui luật của rừng, người Thái tôn trọng rừng và đặt ra những qui định về việc bảo vệ rừng. Quy định được cộng đồng tôn trọng, thành luật tục. Người Thái có câu “Tai pá nhăng, nhăng pá liệng” - có nghĩa là sống rừng nuôi, chết rừng chôn. Vì vậy, việc bảo vệ rừng, đặc biệt là những khu rừng đầu nguồn, rừng thiêng, là trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi người, và đã trở thành luật lệ của bản mường. Người Thái từ đời này sang đời khác vẫn nhắc nhau: Giữ rừng cho muôn đời phát triển, để cho muôn mó nước tuôn trào. Ai nhớ được câu ấy thì mới thành người.
Nhằm bảo vệ nguồn nước, bảo vệ rừng thiêng không bị tàn phá, hàng năm cứ mỗi độ xuân về, bản mường người Thái lại tổ chức Xên Đông (tức là cúng rừng thiêng). Đây là hình thức tín ngưỡng dân gian của dân tộc Thái cầu cho mưa thuận gió hòa, cây cối xanh tươi.
Lễ cúng diễn ra trang trọng, linh thiêng tại gốc của một cây cổ thụ to nhất trong rừng thiêng. Thầy cúng đại diện cho cộng đồng cầu khẩn các đấng siêu nhiên ban cho mưa thuận, gió hòa, mùa vụ tươi tốt, cuộc sống ấm no hạnh phúc.
Đầu trâu lễ vật dùng cúng rừng.

Thầy mo chính và hai thày mo giúp việc trịnh trọng nâng ly rượu mời thần linh rồi những vị chức sắc, đại diện dân bản cùng nâng ly uống chén rượu đoàn kết. Sau đó thầy mo chính đọc lời khấn: “Hôm nay ngày lành tháng tốt, dân bản làm mâm cỗ dâng lên tổ tiên, trời đất và các thánh thần để tỏ tấm lòng thành kính. Mong các vị thánh thần về chứng giám và phù hộ cho dân bản trồng lúa lúa tốt, trồng cây sai quả, chăn nuôi không bị dịch bệnh, mọi người mạnh khỏe, bản làng yên vui....”.
Rừng, trong tâm thức người Thái, cực kỳ quan trọng như vậy nên Lễ vật cúng rừng, bởi thế nhất định phải to. Thủ tục xên đông gồm có một trâu. Nếu không có trâu phải có đầu trâu, 4 chân, đuôi, tiết, lục phủ ngũ tạng không được thiếu. Tất cả đồ lễ được mang ra chỗ gốc cây rừng thiêng để tế trời đất.

Những khu rừng thiêng của dân tộc Thái tuy có mang những yếu tố huyền bí, tâm linh nhưng đằng sau sự thần thánh hóa ấy là thái độ sống biết trân trọng và bảo vệ rừng đã cụ thể bằng những luật tục bất di bất dịch từ ngàn đời. 

Wednesday, April 27, 2016

Những chặng đường trải bước của dân tộc Thái (Huỳnh Tâm)

Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc hay nói đúng hơn một đất nước bao gồm nhiều dân tộc. Chung sống và tồn tại trong không gian có nhiều điều kiện tự nhiên đã trải qua một thời gian lịch sử lâu dài, các dân tộc có một đời sống và văn hóa tinh thần khác nhau, tạo nên những vùng văn hóa đa phương đa dạng có sắc thái riêng biệt. Dó đó lịch sử dựng nước và giữớc của các dân tộc gắn với hội nhập góp phần tạo nên văn hóa Việt Nam "đa dạng trong thống nhất".
Nền văn hóa Việt Nam ngày càng được khẳng định tính chất bền vững tập quán và thiên nhiên, nền văn hóa của chúng ta không những không bị đồng hóa mà còn tiếp thu, phát triển những giá trị văn hóa bên ngoài trở thành bản sắc văn hóa riêng của dân tộc mình, những dân tộc góp phần tạo nên văn hóa Việt Nam, như dân tộc Thái là một trong những đóng góp to lớn tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam. Dân tộc Thái là một dân tộc đông dân thứ hai trong các dân tộc thiểu số (sau dân tộc Tày) có 1.328.725 người (năm 1999). Dân tộc Thái cư trú tập trung ở các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, nhưng đông nhất là tỉnh Sơn La có 482.985 người (năm 1999). Mặc dù là một dân tộc thiểu số nhưng trong quá trình phát triển của mình, dân tộc Thái Đen ở tỉnh Sơn La đã góp phần to lớn vào quá trình phát triển xã hội, đặc biệt là góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần đối với tỉnh Sơn La. 

Trong sự phát triển chung của tỉnh Sơn La, dân tộc Thái Đen những huyện Yên Châu, Thuận Châu, Mai Sơn, Quỳnh Nhai, ờng La, Phù Yên, Bắc Yên, Sông Mã, Mộc Châu, Sốp Cộp, Vân Hồ đã góp phần vào sự phát triển chung của đời sống tinh thần của tỉnh nhà. Chính vì điều này, đời sống kinh tế, vật chất rất đặc biệt vời tinh thần văn hóa vô cùng quan trọng. Nó không chỉ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về đời sống của con người mà còn góp phần nâng cao hiểu biết của mình một cách toàn diện, đánh giá chính xác hơn về dân tộc Thái Đen ở huyện Yên Châu nói riêng và người Thái tỉnh Sơn La nói chung.

Bức tranh văn hóa truyền thống của người Thái ở huyện Thuận Châu, cho chúng ta hiểu được những tục lệ tốt đẹp của cha ông từ xưa và những tục lệ đó được các thế hệ kế thừa, giữ gìn và phát huy, góp phần vào việc phát triển ý thức tốt đẹp của nhân sinh quan trong đó chúng ta chú trọng những tục lệ tốt đẹp xưa và nay chẳng hạn "lễ về nhà chồng" sau khi cưới là một tục lệ tốt đẹp cần được phát huy. 


Tục cưới hỏi truyền thống trong tộc danh của người Thái tự gọi là Táy hoặc thay cùng các tên gọi khác là Tay Thanh, Man Thanh, Tay Mười, Tay Mường, Hàng Tổng, Tay do, Thổ. Các nhóm địa phương gồm có hệ đen (Táy Đăm) hệ trắng (Táy Khao). Dân tộc Thái thuộc nhóm ngôn ngữ Tày, Thái, theo số liệu dân số công bố vào năm 2001 của tổng cục thống kê, dân tộc Thái có 1.328.725 người cư trú tập trung ở các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An, Lâm Đồng.

Nguồn gốc người Thái qua sử liệu, căn cứ vào các tài liệu thành văn "Quam tô mương" (kể chuyện bản mường ) hay "Tay pú sấc" (theo dõi những bước đường chinh chiến của cha ông) "Hịt khoong bản mường" (phong tục tập quán) Piết mương, phanh mương… Những công trình nghiên cứu nguồn gốc lich sử của người Thái của các nhà khoa học đã kết luận rằng: Người Thái ở Việt Nam nói chung và người Thái ở Sơn La nói riêng đều có nguồn gốc ở Đông Nam Á cổ đại.
Theo truyền thuyết dân gian cũng như các văn tự chữ Thái tồn tại đến ngày nay, những văn bản trên lá cây, giấy bản, sách những cuốn sách sử chép tay hàng trăm trang… đã nói về quê hương nơi chôn nhau, cắt rốn là vùng ba dải đất lớn được tưới bởi chín con sông và là nơi sông Đà gặp sông Hồng (Đin xam xẩu, nậm cẩu que, pá Té Tao). Đó là vùng Vân Nam (Trung Quốc) vào Tây bắc Việt Nam, chốn đầu nguồn của Nậm Tao (Hồng Hà), Nậm Tè (Sông Đà ), Nậm Ma (Sông Ma)̃, Nậm Khoong (Sông Mê Kông), Nậm U, Nậm Na… 

Trước thế kỷ XI, nhiều nhóm Thái lẻ tẻ di cư vào vùng Tây Bắc (Việt Nam) sống xen kẽ bên người Khơ mú, nhưng lại có truyền thuyết nói rõ nguồn gốc của người Thái ra đời ở mảnh đất Mường Thanh (Điện Biên) mà xưa kia gọi là Mường Then, Mường Bó Té (đầu nguồn sông Đà), lại có truyền thuyết nói rằng, người Thái sinh ra từ quả bầu tiên của mảnh đất Mường Thanh, có tài liệu khác viết rằng "Người Thái Đen ở đất Hán, đưa nhau xuống ăn ở Mường Lò-Nghĩa Lộ (Yên Bái)". Ở đây họ tiến hành khai phá ruộng nương, lập bản mường. Đến đời con là Tao Mường tiếp tục phát triển đến vùng đất xung quanh. Khi đất Mường Lò trở nên chật hẹp.
Khi người đông̣ chủ Lạn Chượng họ Lò Cầm tập hợp được 11 họ người Thái gồm: Lò Ngần, Lò Nọi, Lường, Quàng, Cà, Tòng, Lèo, Vi, Lừ, La, Mè, lên cư trú trên đất của người sau đó phân tán ra khắp các vùng ở Tây Bắc. 
Lạn Chương (có người gọi là Lạc Chương) là con của Tạo Lò tiếp nối cuộc hành trình của người Thái Đen phát triển thế lực từ Mường Lò đến Mường Chiên, Mường Trai, Ít Ong huyện Mường La-Sơn La và sau mười năm thì người Thái Đen đến Mường Thanh (Điện Biên). Cuộc di dân kéo dài đến hơn hai mươi năm và Mường Muổi trở thành trung tâm của người Thái Đen. Người Thái có mặt ở Tây Bắc ít ra cũng từ các thế kỷ đầu công nguyên. Nếu như các thế kỷ đầu công nguyên, lịch sử miền Vân Nam Trung Quốc đã xuất hiện khối Ô Man Đông Thoán và Bạch Man Tây Thoán thì rất có thể người Thái đã có mặt trên các điểm như Nậm Lai Nong Se, Mường Ôm, Mường Ai và Mường Tung Hoàng và một số nơi như vùng lòng chảo Mường Then (Thanh), Mường Tấc (Phù Yên-Sơn La). Vào khoảng thế kỷ VII-VIII người Thái đã đạt quyền làm chủ nước Nam Chiếu từ các dân tộc nói tiếng Tạng-Miến và xúc tiến các đợt di cư tim miền đất mới dựng bản mường… Nhóm Táy Đăm Mường Then di cư sang đất Lào rồi đến miền Tây Thanh Hóa, Nghệ An. Theo dã sử và truyền thuyết của người Thái thì việc mở đất của họ gắn liền với các cuộc chiến tranh chinh phục các tộc người thuộc ngữ hệ Môn–Khơ me, bộ phận cư dân có nguồn gốc xa xưa ở vùng đất này cho đến thế kỷ XII, người Thái hoàn toàn làm chủ đất Mường Thanh, biến nơi đây thành trung tâm thu hút người Thái khắp miền với sự thống trị của Lạn Chương và các con cháu của ông. Càng về sau do sự bất hòa của anh em trưởng thứ quý tộc nên các thế lực quý tộc Mường Lay và Mường Lự ở thượng Lào đã đánh đuổi quý tộc Thái Đen ở Mường Thanh nên các con cháu Lạn Chượng phải di cư về Mường Muổi (Thuận Châu-Sơn La). Sau khi ổn định đến thế kỉ XIV dưới thời chúa Lò Lẹt, Mường Muổi đã trở thành trung tâm nổi tiếng trong vùng người Thái ở khắp miền Tây Bắc. Khoảng cuối thế kỷ XIV, dưới thời Tạo Ngần, Mường Muổi đã trở thành trung tâm thống nhất bộ tộc Thái ở phía Tây, quy tụ được cả một vùng cư dân rộng lớn với nhiều tộc người khác nhau về ngôn ngữ, phong tục tập quán về với chính quyền phong kiến trung ương tập quyền. Sau này cho dù xã hội Thái đã trải qua những năm tháng bi ̣bọn phong kiến chia rẽ …nhưng lich sử của người Thái vẫn phát triển thống nhất. Đó là một nhóm địa phương của một tộc người thiểu số thuộc đại gia đình dân tộc Việt Nam. Nó có màu sắc riêng nằm trong sắc thái chung của dân tộc Viê ̣t Nam. 
Hiện nay, huyện Điện Biên là địa bàn cư trú của 8 dân tộc anh em khác nhau như Thái, Mông, Lào, Khơ mú, Cống, Kinh, Nùng, Tày. Với dân số khoảng 108,389 người (2010) chiếm đông nhất là dân tộc Thái, chủ yếu là Thái Đen (chiếm gần 80% dân số). Người Thái Đen ở huyện Điện Biên thuộc hệ Thái Đen (Tay Đăm), sử dụng ngôn ngữ Thái thuộc ngữ hệ Tày-Thái. Trong quá trình phát triển của Việt Nam, mặc dù bị phong kiến phương Bắc đô hộ hàng nghìn năm, nhưng ngôn ngữ Thái cùng chữ viết không bị đồng hóa.



Cho đến nay việc phân biệt giữa hai hệ Thái Trắng và Thái Đen chỉ mang tính chất tương đối dựa vào một số điểm khác biệt về ngôn ngữ, cấu trúc, nhà sàn, lễ hội, trang phục trong đó chủ yếu dựa vào trang phục của người phụ nữ. Vì thế mà có người nhận xét: "Có thể nói rằng trong văn hóa dân gian, trang phục, đặc biệt là trang phục phụ nữ là cái mà ở đó bản sắc dân tộc được biểu hiện rõ rệt, thường xuyên và lâu bền nhất". 

Người Thái ở tỉnh Sơn La nói chung và người Thái Đen ở Điện Biên nói riêng vẫn còn mang đậm những đặc trưng văn hóa truyền thống và nó được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Chính điều này thu hút sự quan tâm của nhiều nhà biên khảo chú ý về mảnh đất Điện Biên và Sơn La còn đậm truyền thống văn hóa Thái. 

Những đặc trưng trong văn hóa truyền thống của người Thái ở Điện Biên địa bàn cư trú của nhiều dân tộc anh em khác nhau như: Mông, Kinh, Khơ Mú, Tày… trong quá trình xây dựng và phát triển vùng đất này đã diễn ra sự giao lưu văn hóa giữa các dân tộc anh em và kéo dài hàng ngàn năm nay, sự hòa trộn văn hóa giữa các dân tộc tạo nên tính đa dạng nhưng thống nhất về văn hóa trong cộng đồng các dân tộc anh em nhưng ta thấy mỗi dân tộc lại mang những đặc trưng văn hóa riêng tạo nên tính độc đáo trong đời sống văn hóa tinh thần của mỗi dân tộc và dân tộc Thái ở huyện Điện Biên tỉnh Điện Biên đặc biệt là Thái Đen mang đậm những đặc trưng văn hóa truyền thống của dân tộc mình, đó là về cách ăn, mặc đặc biệt là trong đời sống văn hóa tinh thần. Người Thái đã nói: "Ăn cơm nếp, uống rượu cần ở nhà sàn, mặc "xửa cỏm" Hoặc người Thái cũng có câu: "Đi ăn cá về nhà uống rượu ở thì ngủ đệm, đắp chăn ấm".


Trong bữa ăn của người Thái gồm có gạo, ngô, sắn, rau cá, và các loại thịt. Người Thái thích ăn cơm nếp, đồ xôi, các món ăn được chế biến cầu kỳ nhiều gia vị. Họ thích ăn các vị chua, cay, hay ăn sống hoặc tái với nhiều gia vị thơm ngon như loại "chéo", xôi và nướng. 
Trang phục cũng là một trong những nét văn hóa đặc sắc của người Thái. Trang phục của người phụ nữ Thái gọn không cầu kỳ. Váy áo đã làm nổi bật những đường nét của phái đẹp thật hấp dẫn. Màu sắc váy áo được sử dụng rất khéo léo trên nền đen hay trắng, áo được điểm bằng hàng khuy bướm bạc, chạm trổ tinh vi, trang nhã gấu váy có nơi dệt hoa văn độc đáo mang phong cách của dân tộc và địa phương rõ rệt. Trong những ngày lễ tết, đám cưới những bộ váy áo đẹp nhất được các cô gái Thái chọn làm trang phục chính và nó càng tô thêm nét đẹp duyên dáng của người phụ nữ. 


Đối với nam giới, trang phục không cầu kỳ và hầu như không có hoa văn mà thường bằng quần có nhuộm chàm. Phụ nữ Thái Đen khi có chồng thì tẳng cẩu, đội khăn Piêu sặc sỡ. Cách ăn mặc của họ thể hiện sự khéo léo của người phụ nữ và thể hiện sự hòa hợp của con người với cuộc sống thiên nhiên. Một trong những sản phẩm độc đáo của nền văn hóa vật chất của đồng bào Thái Tây Bắc là hình ảnh của ngôi nhà sàn cổ, hài hòa với môi trường tự nhiên và xã hội. Ngôi nhà sàn của đồng bào Thái Sơn La-Tây Bắc có cấu trúc mái che hình mai rùa, có khâu cút chọc trời… đã trở thành biểu tượng độc đáo của "văn hóa dân tộc, của núi rừng hùng vĩ". Nhà sàn được làm bằng gỗ tre không hề có vôi vữa và rất ít sắt thường làm một kiểu đơn giản. 
Nhà sàn người Thái có cấu trúc đơn giản không có phòng riêng cho từng thành viên mà chỉ chia ngăn ô bằng những tấm rèm hoặc chồng chăn đệm. Hiện tượng này nói lên tính cổ xưa, giống như nhà các dân tộc Tây Nguyên. Ngày nay nhiều vùng người Thái đã tách bếp ra khỏi nhà ở.


Nhà sàn bếp thường mở cửa đối diện với cửa gian hỏng chan, gọi là sàn kép. Người Thái thành thạo làm thủy lợi, thể hiện qua câu thành ngữ "Mương Phai lài lín" (Khơi mương đắp đập dẫn nước qua chướng ngại, đặt máng trên cánh đồng) Đặc biệt là lợi dụng sức nước dùng hệ thống cây con quay đưa nước từ sông suối lên đồng. 
Họ canh tác ruộng nương sử dùng cày, cuốc làm đất, trồng lúa, ngô, khoai, sắn, vừng, lạc, bầu, bí, rau xanh, trồng bông, chàm. Canh tác vườn để trồng cây ăn quả, rau xanh và họ sử dụng cả vườn treo (đổ đất vào máng đặt trên sân sàn trồng rau, gia vị, húng hành, tỏi, ớt…). 

Người Thái trước đây có tập quán nuôi trâu bò thả rông trong những púng rào giậu kín, tự chung sống, sinh đẻ, đến mùa mới bắt trâu về kéo cày. Nay đã nuôi trâu theo gia đình, có chuồng trại riêng. Ngoài ra còn chăn nuôi lợn, gà, vịt, ngan, ngỗng, vừa để sử dụng trong lễ tết, sinh hoạt hàng ngày và hàng hóa. Nghề thủ công của người Thái rất phong phú, phát triển đạt trình độ cao. Phổ biến trong mỗi gia đình là nghề đan lát mây tre, may lọi thành những tấm cót trải sàn, những vật dụng hằng ngày (như nong, nia, dần, sàng, dậu, mặt ghế…). Đặc biệt nghề kéo sợi dệt vải là công việc gần với mỗi gia đình, gắn với mỗi người phụ nữ Thái. Ngoài ra, còn có những nghề thủ công mang tính chuyên nghiệp như rèn nông cụ xẻng, cuốc, lưỡi cày, dao, kéo… Người Thái đã biết dùng bàn xoay, độ nung cao trong nghề làm đĩa đạt trình độ kĩ thuật và kỹ thuật.

Kinh tế hái lượm vẫn chiếm vị trí đáng kể trong đời sống của người Thái. Rừng cung cấp các loại rau, quả, hạt, nấm, mộc nhĩ, măng, rêu đá, các loại côn trùng, các loại thú nhỏ, thú lớn. Các khe suối cho tôm, cua, ốc, cá nhỏ, các suối lớn cho cá to. Người Thái có câu "Pây kín pá má kin lẩu" (đi ăn cá về uống rượu). Nói lên việc ăn cá là một thú vui ở người Thái. 

Người Thái ở Việt Nam là một trong bốn dân tộc (Thái, Lào, Chăm, Khơ mú). Có chữ viết cổ nên đã có văn tự từ lâu đời. Nhờ đó mà cư dân Thái đã lưu lại đến ngày nay những tác phẩm mang tính sử thi, văn học lớn… Những tác phẩm đó có giá trị trong việc nghiên cứu về người Thái ở Việt Nam nói chung và người Thái ở tỉnh Sơn La, Điện Biên v.v... Với những tác phẩm như "Xống chụ xon xao", "Chương Han", "Quan tô mương"… và những bài dân ca của dân tộc mình được hát trong những ngày lễ tết cũng như trong cuộc sống đời thường. 

Múa xèo có từ lâu đời. Tổ tiên của người Thái dặn con cháu rằng. 
"Không xèo không tốt lúa 
Không xòe thóc cạn bồ"
Múa xèo thường được tổ chức chung quanh một đống lửa lớn, xung quanh là các vòng tròn cùng hướng vào tâm là đống lửa.

Xèo bao gồm hai điệu múa cơ bản: Xèo nắm tay và xòe tung khăn. Thiếu nữ Thái áo cóm có hàng cúc bạc lấp lánh, khăn piêu rực rỡ. Xòe tay mời khách cùng đứng vào vòng xòe. Tay nắm tay bước đi, nhún theo nhịp trống, nhịp xúc xắc và khèn bè. Vòng xòe chụm vào rồi lại xòe ra như một bông hoa nhiều tầng. Múa xòe là động tác gợi về câu chuyện. Hành trình đi tìm đất cư trú của ông Tạo Lò tổ tiên xưa của người Thái. Ông dẫn đoàn người đi qua Mường Tấc (Phù Yên). Qua mường Than (Than Uyên) vòng xòe Thái có rất nhiều ý nghĩa sâu lắng. Trong dịp lễ hội, đón mừng xuân mới về khắp các bản Mường người Thái đều rộn rã, âm vang tiếng trống, tiếng chiêng nhịp nhàng theo vòng xòe Thái. Sinh sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp trong điều kiện khoa học kỹ thuật còn thô sơ, chưa phát triển, người Thái đã thần thánh hóa và tôn thờ các lực lượng tự nhiên. Tín ngưỡng vạn vật hữu linh là tín ngưỡng phổ biến trong cộng đồng người Thái. Người Thái nhận thức về vũ trụ với hai tầng cơ bản. Mường Côn-nơi ở của con người và vạn vật. Mường Pha-Nơi ở của các vị Then và là nơi trú ngụ của các linh hồn người chết. Họ quan niệm Then Luông là vị thần ngự trị trên Mường Pha. Then Luông là vị thần có quyền lực nhất. 



Then cai quản mường trời và trần gian. Dưới trần gian bất cứ vật nào cũng có linh hồn, nơi nào cũng có Phi (Ma) làm chủ con người muốn lập bản dựng mường, làm nương, bắt cá,… đều phải xin phép các thần (ma) này nếu không xin phép công việc của họ chẳng những thất bại mà có khi họ còn bị các loại ma này làm cho ốm đau, bệnh tật, thậm chí bị chết. 
Người Thái quan niệm con người có đến 80 linh hồn các hồn này trú ngụ ở các bộ phận trên cơ thể con người khi con người ốm hoặc đau ở một bộ phận nào đó trên cơ thể là khi các hồn trông coi bộ phận đó bị lạc khỏi cơ thể, cần phải cúng gọi hồn trở về đầy đủ thì cơ thể con người mới khỏe mạnh. Khi con người chết đi, các hồn cư trú ở các nơi: một số hồn ngụ tại gian hoóng trong nhà sàn để phù hộ con cháu…Trong tín ngưỡng của người Thái, mỗi hồn này đều có những chức năng riêng chúng chuyển đổi theo vòng luân hồi và có mối liên hệ với cả hai thế giới người sống và người chết. Phong tục, tập quán tang ma và nghi thức trong các lễ hội của người Thái thể hiện rất đậm nét tín ngưỡng về linh hồn và tín ngưỡng vạn vật hữu linh của họ. 
Trong tang ma, người Thái thực hiện nhiều hình thức tang lễ: Tang lễ cho người chết bình thường, cho người chết bất đắc kỳ tử (chết trôi sông suối, chết mất xác…) mỗi hình thức tang lễ đều có những quy định và nghi lễ riêng. Các nghi lễ tang ma của người Thái thường tuân thủ theo các bước: các nghi lễ lúc người chết mới tắt thở, nhưng khi thức cúng cơm, viếng thăm, chia buồn của cộng đồng; những nghi thức chọn gỗ làm quan tài, cúng giỗ và để tang… Bên cạnh những nghi thức tang lễ cơ bản thì từng dòng họ, từng dòng họ hoặc từng ngành, có những nghi thức riêng. Chẳng hạn có những vùng, những dòng họ người Thái hỏa táng thi hài người chết nhưng cũng có những vùng họ để xác người chết vào trong quan tài và chôn dưới đất… 
Người Thái có hệ thống lễ hội vô cùng phong phú và độc đáo. Mỗi lễ hội có những hình thức tổ chức riêng và hướng tới những mục đích khác nhau: lễ hội sên bản, sên mường cầu cúng thần đất, thần nước, thần bản mường và những người có công khai phá lập bản, dựng mường…để mong họ phù hộ cho con người và vạn vật ở bản, mường đó được mạnh khỏe, mưa thuận gió hòa, chăn nuôi trồng trọt phát triển không có ốm đau, bệnh tật… lễ hội chá chiêng là lễ hội giúp những linh hồn ông bà tổ tiên mang lễ vật lên mường Phạ dâng nộp cho Then Luông, cầu xin Then Luông phù hộ cho tổ tiên; xên Phắn Bẻ là lễ giải hạn, cầu mong sức khỏe "Hạn Khuống" là một sinh hoạt văn nghệ dân gian độc đáo của nam nữ thanh niên dân tộc Thái; xên lẩu nó là lễ rượu măng cầu mong ma nhà phù hộ mọi người trong nhà được khỏe mạnh, bình an; kin Pang Thèn là lễ cúng mừng thầy Kin khẩu Mẩu là lễ mừng cơm mới, lễ cúng mẹ lúa, cầu mong mẹ lúa phù hộ để vụ lúa sau được mùa màng bội thu. Trong dịp tết đến, xuân về, các làng, bản thường tổ chức nhiều cuộc vui chơi, giải trí mang màu sắc tôn giáo như tục ném còn, kéo co, "Kin lẩu" (uống rượu) có đánh trống. 

Việc ăn tết Nguyên Đán, cúng sóc vọng (ngày mùng một và ngày rằm) là tiếp thu từ người kinh. Một số lễ mới hình thành như tết Độc Lập (mùng 2, tháng 9), ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (mùng 7, tháng 5) hoặc ngày giải phóng Miền Nam (ngày 30, tháng 4) làm phong phú thêm nghi lễ của người Thái trong sự hòa đồng của các dân tộc anh em. 
Với bản sắc văn hóa riêng của mình, người Thái ở Điên Biên đã tạo nên bức tranh văn hóa phong phú đa dạng nhưng thống nhất trong bức tranh văn hóa chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam những đặc trưng văn hóa đó đã trở thành truyền thống của cộng đồng bào Thái trong quá trình xây dựng và phát triển toàn diện dân tộc mình. Truyền thống đó vừa là niềm tự hào vừa là động lực thúc đẩy chúng ta thực hiện những mục tiêu đã đặt ra trong quá trình xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa, xây dựng thành công Tổ Quốc Việt Nam, xã hội chủ nghĩa giàu mạnh ấm no hạnh phúc. 

Những tác động hoàn cảnh đến tình yêu, hôn nhân của người Thái Đen ở Sơn La sinh sống bằng nghề nông là chủ yếu, với việc trồng nương, rẫy, kinh tế nông nghiệp trồng lúa nước không phát triển mấy, khoa học, kỹ thuật chưa được áp dụng vào sản xuất nên đời sống của người dân nơi đây còn gặp nhiều khó khăn. Do đó mà ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội và chuyện tình yêu, hôn nhân của đồng bào Thái ở huyện Yên Châu, Thuận Châu, Mai Sơn không nằm ngoài ảnh hưởng đó. 
Thời phong kiến người Thái Đen lấy vợ, lấy chồng rất sớm. Nữ thường là 13,14 tuổi, nam thì 15 hoặc 16 tuổi. Các cô gái mới 12,13 tuổi đã thêu "Piêu", chăn, đệm để chuẩn bị lấy chồng. Vì vậy, người phụ nữ suốt ngày chỉ bận việc làm bông, dệt vải, may thêu và cơm nước ngoài ra không biết gì tới việc xã hội. Tầm hiểu biết của phụ nữ do đó rất bị hạn chế. Trong xã hội người Thái Đen Tây Bắc việc phân chia giai cấp làm cản trở lớn cho hôn nhân giữa quý tộc và dân thường. Rất ít khi có trường hợp dân lấy nàng (con gái quý tộc), hoặc nếu có thì người con gái rất bị coi khinh, chê cười và bị trục xuất ra khỏi họ quý tộc. Trường hợp con trai quý tộc lấy con gái dân nhưng chỉ là lấy làm vợ lẽ. Nếu có lấy làm vợ cả đi nữa thì sau này khi tên quý tộc lấy vợ nữa là con quý tộc thì vợ sau cũng vẫn làm vợ cả có quyền hành hơn. Do việc phân biệt giai cấp chặt chẽ như vậy nên có rất nhiều trường hợp trai gái yêu nhau mà không thể nào lấy được nhau. Đó là một sự thật đau đớn của thanh niên Thái, và sự thật đó đã được nhân dân đúc kết lại thành rất nhiều bài thơ, câu chuyện trữ tình. Điển hình là những tác phẩm "Tình ca" (Tản chụ Xiết Xương ), "tiễn dặn người yêu", (xuống chụ son sao). "Chàng lú nàng ủa" (Khun lú-Náng ủa) mà người Thái kể ít nhiều ai cũng biết cũng thuộc, một vài câu thơ trữ tình trong các tác phẩm như trên. 
"… Đẩy thuyền trôi chở đá nhọn giữa ghềnh 
Không người chèo lái giúp anh 
Người khổ rồi, em yêu không thương 
Người xanh vàng, không chờ 
Có đâu quay mặt tiếc trống,…. 
Trích tình ca "Tản chụ Xiết Xương" 
Hoặc: 
"… Nghìn lá trầu không hãy biến thành đá 
Lời trao gửi nên duyên,
hay cho hợp số đôi ta, mình hỡi!... 
Trích tình ca "Tản chụ Xiết Xương" 
Bài "Chung lứa chung nòi" 
Người Thái Đen Tây Bắc lấy vợ, lấy chồng không chênh lệch tuổi nhiều. Thường chồng hơn vợ 2, 3 tuổi tới 4, 5 tuổi, có trường hợp vợ hơn chồng vài tuổi nhưng rất ít. Trái lại quý tộc thì lấy vợ rất trẻ, có khi vợ kém chồng tới ngoài 20 tuổi, nhưng đó là vợ sau còn vợ cả tuổi cũng không chênh lệch nhau.
Người con trai đi dự hội mang theo một hoặc hai đôi vòng tay bằng bạc. Nữ cũng mang ít nhất 2 cái khăn đội đầu do tay mình thêu (cái piêu) có khi mang bốn "cái piêu" theo. Tất cả mọi người tới chỗ tập trung vui chơi của cả bản, là nơi có miếng đất rộng hoặc cánh đồng rộng, bằng phẳng. Trong bãi thanh niên "ném còn" hò reo, quanh bãi những người có gia đình đứng xem vỗ tay ủng hộ. Cuộc vui diễn ra rất sôi nổi suốt ngày.
Ngài ra trai gái còn tìm hiểu nhau trong những phiên chợ, ngày hội, mùa xuân, mừng lúa mới, những buổi đi làm nương và nhất là trong ngày hội "ném còn", sinh hoạt văn nghệ "Hạn Khuống"... Ngoài những ngày hội đó, người con trai còn dùng sáo, đánh đàn môi, thi kèn và chc sàn để gọi và hứa hẹn người yêu. Đồng bào Thái Đen thường tổ chức những ngày vui chung vào dịp thu hoạch xong mùa màng, ngày tết, những mùa khí hậu trong mát, phong cảnh tươi đẹp. Ngày vui chung được thanh niên đặc biệt ưa thích là ngày hội "ném còn".

(Huỳnh Tâm tổng hợp)

Chắt lọc, bảo tồn, và phát triển văn hóa dân tộc (Văn Hóa Tây Bắc)

Huyện Thuận Châu
Cách tân văn hóa là động lực của sự phát triển nhân bản. Không thể nói đến sự phát triển mà tư­ớc bỏ đi tính kế thừa, cũng không thể nói đến kế thừa mà tách rời khỏi sự phát triển. Kế thừa là sự bảo tồn những đặc điểm, đặc tính của một sự vật và hiện tư­ợng cũ trong quá trình phát triển. Còn phát triển không chỉ là sự bảo tồn mà còn là sự mở rộng, bổ sung, hoàn thiện và nâng cao về chất những đặc điểm, đặc tính vốn có trong sự vật và hiện t­ượng.
Như­ vậy, "để phát triển đ­ược bao giờ cũng cần có sự kế thừa, tức là bảo tồn, giữ lại những đặc điểm, đặc tính của đối tượng để trên cơ sở đó mở rộng, nâng cao trình độ, còn phát triển chính là sự kế thừa tốt nhất, tích cực nhất". Mặt khác, kế thừa phải luôn gắn liền với chắt lọc và đổi mới. Ngay cả đối với nhân tố tích cực của cái bị phủ định đư­ợc giữ lại, nó vẫn đ­ược duy trì dưới dạng chắt lọc, chứ không phải bê nguyên xi, không phê phán, không cải tạo và không phải lắp ghép một cách máy móc từ cái cũ vào cái mới. Nếu kế thừa mà không gắn với đổi mới và chắt lọc thì sự kế thừa đó không thể xuất hiện cái mới tiến bộ hơn, hoàn thiện hơn cái cũ mà cùng lắm chỉ lặp lại cái cũ một cách phiến diện. Trong tự nhiên, tính kế thừa đư­ợc biểu hiện, chẳng hạn nh­ư những nhân tố vô cơ đ­ược giữ lại khi chuyển sang giới tự nhiên hữu cơ. Trong sự phát triển của xã hội, tính kế thừa cũng đ­ược biểu hiện rõ nét, mà lịch sử phát triển của lực l­ượng sản xuất và quan hệ sản xuất là một minh chứng. Trong tư­ duy, sự phát triển của các hình thái ý thức xã hội nh­ư khoa học, triết học, nghệ thuật, đạo đức, pháp quyền...cũng thể hiện rõ tính kế thừa trong nhận thức của con ng­ười qua các thời đại lịch sử khác nhau. Chủ nghĩa Mác đã kế thừa và cải tạo cả chủ nghĩa duy vật siêu hình lẫn phép biện chứng duy tâm để xây dựng nên chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử. Tất nhiên, học thuyết của Mác cũng không phải là tuyệt đối, bất di bất dịch, không phải là một cái gì đã xong xuôi mà nó cần không ngừng đ­ược bổ sung và phát triển trong điều kiện mới theo quan điểm kế thừa. Như­ vậy, qua sự phân tích ở trên, chúng ta thấy rõ rằng: kế thừa, đổi mới là một quá trình mang tính quy luật, biểu hiện đặc tr­ưng của sự phát triển bất kể đó là sự phát triển trong tự nhiên, xã hội hay t­ư duy. Tuy nhiên, trong mỗi lĩnh vực cụ thể, tính kế thừa có những đặc thù riêng. Quy luật kế thừa không phải chỉ biểu hiện về mặt thời gian, không gian, mối liên hệ giữa truyền thống và hiện đại, quá khứ và tương lai mà cả trong không gian. Việc kế thừa không chỉ bó hẹp trong phạm vi một quốc gia, một dân tộc. Trong điều kiện toàn cầu hóa hiện nay thì kế thừa còn bao hàm cả sự tiếp thu có chọn lọc, có phê phán những tinh hoa trong nền văn hóa nhân loại nhưng đồng thời phải cải biến cho phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc mình như Đảng ta khẳng định: "Tiếp thu những tinh hoa của nhân loại, song phải luôn coi trọng những giá trị truyền thống và bản sắc dân tộc, quyết không được tự đánh mất mình trở thành bóng mờ hoặc bản sao chép của người khác". Quá trình kế thừa những giá trị tạo nên bản sắc văn hóa của một dân tộc cũng có những đặc thù riêng của nó.
Sự cần thiết phải kế thừa và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái trong giai đoạn hiện nay Kế thừa là một hiện tượng mang tính quy luật đối với sự phát triển nói chung. Không có một sự phát triển nào lại được bắt đầu từ con số "0". Mọi sự phát triển luôn luôn là quá trình phủ định có kế thừa. Những yếu tố tích cực của cái cũ bao giờ cũng được giữ lại, kế thừa và phát triển trong sự ra đời của cái mới. Sự phát triển của những giá trị tạo thành bản sắc văn hóa của một dân tộc cũng không nằm ngoài quy luật đó. Bản sắc văn hóa của một dân tộc là di sản vô cùng quý giá; đó là tinh hoa, cốt lõi và là linh hồn của chính dân tộc đó. Tuy nhiên, những giá trị tạo nên bản sắc đó, không phải là bất biến và tuyệt đối như nhau trong mọi thời đại. Khi điều kiện lịch sử đã có sự thay đổi thì cần phải có sự chọn lọc, kế thừa, bổ sung và đổi mới đối với những giá trị đó. Việc giữ gìn, kế thừa và phát huy bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc và củng cố cộng đồng các dân tộc, vì sự phát triển toàn diện cho mỗi dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam (trong đó có dân tộc Thái ở Tây Bắc), là phương hướng và nội dung cơ bản của chính sách dân tộc của Đảng và nhà nước ta hiện nay. Đó cũng xuất phát từ quan niệm coi việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa tạo nên bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc, là vấn đề trung tâm của chính sách dân tộc về văn hóa. Văn hóa không phải là một hiện tượng siêu nhiên từ bên ngoài áp đặt và ban phát cho con người, cũng không phải do ý muốn chủ quan của con người, mà nó hình thành dựa trên nhiều những nhân tố khác nhau như kinh tế, chính trị - xã hội…Chính vì lẽ đó mà không phải bất kỳ một giá trị văn hóa nào, hay một nét văn hóa nào cũng đều phù hợp với mọi chế độ xã hội, và đều được con người chấp nhận và tiếp thu. Cũng không phải giá trị văn hóa nào cũng có thể phát huy tác dụng để thúc đẩy sự phát triển tiến bộ của xã hội. Ngược lại, có những giá trị văn hóa lại làm cản trở sự phát triển vì nó đã lỗi thời, không còn phù hợp với thời kỳ mới. Thậm chí, ngay trong một giá trị văn hóa, có mặt còn là nhân tố thúc đẩy, nhưng mặt khác lại là nhân tố cản trở. Vì vậy, kế thừa và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, trong đó có dân tộc Thái ở Tây Bắc là một việc làm đặc biệt cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không thể kế thừa tất cả những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Thái đã có từ xa xưa. Chúng ta chỉ nên và cần kế thừa những nét văn hóa thực sự có giá trị, những nét văn hóa còn phù hợp với yêu cầu của xã hội và với giai đoạn hiện tại, nhưng đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Kế thừa những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Thái, mà những nét văn hóa đó mặc dù trải qua nhiều những thăng trầm, biến cố của lịch sử xã hội nó vẫn trường tồn, không mất đi nét độc đáo, riêng có của dân tộc Thái. Kế thừa bản sắc văn hóa của dân tộc Thái là kế thừa những nét văn hóa đặc trưng nhất, mà người ta có thể dựa vào đó để phân biệt cộng đồng tộc người Thái với các dân tộc khác. Những đặc trưng văn hóa này không bị pha trộn, mặc dù luôn có sự giao thoa rất mạnh mẽ giữa các nền văn hóa, của các cộng đồng tộc người trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Kế thừa và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái ở Tây Bắc là sự thừa hưởng, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa đã được hình thành từ rất lâu đời cùng với quá trình hình thành, phát triển của dân tộc Thái hàng ngàn năm nay. Với đặc điểm của tự nhiên và môi trường sinh tụ của dân tộc đã tạo cho văn hóa Thái nói chung, văn hóa của dân tộc Thái ở Tây Bắc nói riêng, những điểm độc đáo tạo nên bản sắc riêng của văn hóa dân tộc Thái ở Tây Bắc.Việc giữ gìn một nền văn hóa như nó vốn có đã khó, nhưng tìm những cái hay, cái tốt, cái phù hợp với giai đoạn mới và phát triển nó, làm cho nó phát huy tác dụng mà không làm mất đi bản sắc, cái cốt lõi của nền văn hóa đó là việc làm còn khó hơn nhiều. Kế thừa và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Thái là kế thừa những nét văn hóa có ý nghĩa tích cực thúc đẩy sự phát triển của cá nhân và xã hội. Vì vậy, nói kế thừa và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Thái ở Tây Bắc hiện nay thì trước hết phải xuất phát từ yêu cầu thực tế của từng địa phương mà lựa chọn, để có thể đưa ra những phương hướng và giải pháp khả thi theo thực tế.

Trong lịch sử mấy hàng ngàn năm của dân tộc, các bộ phận người trong nhóm nói tiếng Thái do phát triển theo mạch vừa tụ cư - định cư vừa di cư - lan tỏa từ khắp các địa bàn rộng lớn. Chính điều này đã làm cho họ luôn phải tiếp xúc với mọi loại hình ngôn ngữ, văn hóa của những người thuộc nhóm tộc khác mình. Trong bối cảnh đó, người của nhóm tiếng Thái vừa theo mạch vừa bảo lưu những nét cơ bản nhất của ngôn ngữ, văn hóa mang tính gốc gác nhóm tiếng Thái. Vừa mở rộng vừa tiếp thu, chọn lọc nhuần nhuyễn mọi luồng, làm cho ngôn ngữ, văn hóa của mình luôn đổi mới, khác với những biểu hiện của nhóm tiếng Thái xưa. Chính điều này, đã hình thành quy luật phổ biến về sự phát triển văn hóa lịch sử của tất cả những người thuộc nhóm tiếng Thái: Từ một cội nguồn chung ngôn ngữ, văn hóa dần vỡ ra để tạo thành từng luồng lan tỏa đi khắp nơi, đến khi ngưng tụ tại nơi nào đó thì địa văn hóa mang màu sắc Thái xuất hiện. Trên cơ sở đó, cộng đồng tộc người với sắc màu ngôn ngữ, văn hóa riêng mới trải ra ở nhiều quốc gia khác nhau. Các cộng đồng như thế, cho dù có phát triển thành quốc gia dân tộc như người Lào và Thái Lan chăng nữa, ta vẫn thấy những nét Thái rất đặc trưng. Với bản lĩnh của một dân tộc qua hàng ngàn năm tồn tại và phát triển, dân tộc Thái đã khẳng định được vị trí của mình và khẳng định một nền văn hóa Thái với những đặc trưng của một nền văn hóa thung lũng, trên đó hình thành một hệ thống các giá trị văn hóa tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc Thái. Tuy nhiên, những năm gần đây do tác động của nhiều nhân tố khác nhau cho nên kinh tế - xã hội Thái có những biến đổi về mọi mặt…Đặc biệt, là xu thế toàn cầu hóa cũng như cơn lốc của cơ chế thị trường đã dần đi vào từng ngõ ngách của đời sống xã hội, thì đồng bào dân tộc Thái ở Tây Bắc cũng bắt đầu tiếp cận với xu thế chung này. Bên cạnh rất nhiều những ưu thế mà nó đem lại cho đời sống của họ, thì mặt trái của nó cũng tác động không nhỏ đến đời sống tinh thần, cũng như tộc người này đang đứng trước những nguy cơ đe dọa về sự mai một của bản sắc văn hóa dân tộc. Đứng trước thực trạng đó, các cấp ngành trực tiếp và liên quan tới văn hóa và các hoạt động văn hóa, cũng như chính quyền địa phương các tỉnh Tây Bắc đã có chủ trương, những chương trình nhằm giữ gìn, phục hồi một số giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số trong khu vực. Song, trên thực tế việc triển khai thực hiện diễn ra rất chậm chạp, chủ yếu mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao. Do đó việc giữ gìn, kế thừa và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số (trong đó có dân tộc Thái) vẫn đứng trước nguy cơ mất dần bản sắc.
Thực trạng của việc kế thừa và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Thái ở Tây Bắc hiện nay (Qua thực tế ở tỉnh Sơn La) Là người chủ đã sáng tạo ra văn hóa thung lũng, người Thái đã có nhiều thế kỷ sống hòa vào trong sự cân bằng của môi trường tự nhiên, và tạo lập được hệ sinh thái nhân văn của mình. Người Thái xưa với mô thức khai thác theo truyền thống cổ truyền hết sức hợp lý, vừa khai thác vừa đảm bảo được sự tái hiện thiên nhiên với dáng vẻ tự nhiên vốn có của nó. Các nhu cầu của cuộc sống con người lấy từ nguồn thiên nhiên chứng tỏ vừa đủ để xã hội tồn tại và phát triển. "Vì thế có thể nói rằng, cho đến năm 1954, cộng đồng người Thái đã tạo lập được hệ sinh thái nhân văn của mình khá hoàn hảo. Điều đó có thể thấy rất rõ trong những điều khoản quy định phân vùng đất đai thành lệ luật bản mường. Nhưng kể từ khi có nương rẫy, mô thức văn hóa thung lũng luôn biểu hiện tính hai mặt: một mặt, nó đã đem lại cho con người khá nhiều sản phẩm, kể cả nhu cầu về lương thực mà đồng ruộng không đáp ứng được. Nhưng mặt tiêu cực của nó lại lớn hơn rất nhiều, đó là sự triệt phá rừng bừa bãi chỉ biết tước bóc tự nhiên, không cho nó có sức hồi sinh vô tận. Bên cạnh việc khai thác, do nhu cầu của đời sống con người đã phá vỡ thế luân canh truyền thống, rừng xanh bị san trụi, đã làm cho sự cân bằng hệ sinh thái nhân văn của thung lũng đứng trước nguy cơ bị phá vỡ một cách nghiêm trọng. Có thể thấy rất rõ điều này trong những năm gần đây. Văn hoá thung lũng được hình thành trong thời kỳ tiền công nghiệp đã bị lung lay đến tận gốc, do nạn bùng nổ dân số theo tự nhiên và cơ học. Xưa, "đất rộng người thưa" thì ngày nay "người đông đất chật". Những năm gần đây, tỉ lệ sinh của người Thái rất cao (Năm 1995 người Thái ở miền Tây Bắc mới có 22 vạn người, thì ngày nay riêng dân số Thái ở một tỉnh Sơn La đã có ngót 52 vạn) lại cộng thêm cả bà con người Kinh tới cộng cư trong thung lũng lòng chảo ngày càng tăng nhanh. Với một trình độ văn hóa thấp, nhận thức còn hạn hẹp, nghèo đói buộc người ta phải phá rừng để trồng lúa và hoa màu, tự túc lương thực tại chỗ đã làm cho văn hóa thung lũng đứng trước nguy cơ bị phá hủy. Người Thái bước vào cơ chế thị trường trong tình trạng thiên nhiên bị tàn phá trầm trọng. Trước tình hình đó, mặc dù đã phần nào nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề, của nạn khai phá rừng một cách bừa bãi dẫn tới thiên tai, hạn hán, lũ lụt. Họ đã sớm có ý thức khẩn trương trồng cây gây rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc nhằm cứu vãn môi trường tự nhiên. Tình trạng phá rừng của chính quyền, khai thác lâm sản một cách tùy tiện không ngăn chặn. Trong 5 năm (1996-2000) tỉnh Sơn La đã trồng mới được gần 5 vạn ha rừng, thì lại khai thác trên 20 vạn ha rường, nhu cầy kinh tế của nhà nước quá lớn trong khi ấy rừng có hạng, đặc biệt nhân dân khai thác đất không đáng kể bởi chỉ bằng con số thừa của nhà nước.

Văn Hóa Tây Bắc

Tuesday, April 26, 2016

Xuống mường hạ giới (Sầm Văn Bình)

Kho tàng truyền thuyết, sử thi của đồng bào dân tộc thiểu số khá phong phú. Từ chương trình học phổ thông, có "Trường ca Đam San" của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Ngoài ra, có Sử thi "Đẻ đất đẻ nước" của dân tộc Mường, Truyền thuyết "Quám tố mướng" của đồng bào Thái vùng Tây Bắc. Và với người Thái Nghệ An có Truyền thuyết "Xuống mường hạ giới" viết theo thể loại truyện thơ truyền thống của người Thái.

Ở bản "Xuống mường hạ giới" của người Thái Nghệ An, nếu chỉ đọc qua phần đầu, người đọc sẽ có cảm giác cho rằng "Quám tố mướng" và "Xuống mường hạ giới" là na ná như nhau. Đó là trong phần đầu nội dung đều có nhắc đến sự hình thành trời đất, khi mà "mặt đất bằng lá đa, bầu trời bằng vảy ốc"… Tuy nhiên, khi đọc sang phần sau thì sẽ thấy Truyền thuyết "Quám tố mướng" đi sâu vào phần lịch sử, diễn tả quá trình thiên di tìm các mường đất mới của Tạo Lò… Truyền thuyết "Xuống mường hạ giới" có một vài bản, tuy nhiên bản 645 (tạm gọi như vậy vì có 645 câu) có sự diễn tả đầy đủ và dẫn dắt chi tiết hơn.
Nội dung của "Xuống mường hạ giới" có thể phân chia thành nhiều "kỷ nguyên", phần đầu cũng nói về hình thành trời đất, phần giữa nói về sự khai phá lập bản dựng mường và phần sau nói về phân định tầng lớp cai quản bản mường cho đến thời phong kiến gần đây, và được tóm tắt như sau:
- Kỷ nguyên 1: "Bên trên chưa có trời, bên dưới chưa có đất. Đất nhão nhoét, bước đi chẳng được. Cả vũ trụ như ở chung trong một quả trứng. Đất đẻ (trứng) ra bắt trời ấp, trời không chịu. Trời đẻ ra bắt đất ấp, đất nhận lời. Mới có mảnh đất bằng lá đa, bầu trời bằng vảy ốc. Nước chưa biết chảy, lửa chưa biết cháy…". Sau đó Trời mới sai hai ông bà Pủ Cắp- Nhả Ké xuống trần. Họ trồng lên những cây đa, cây si đầu tiên. Lớp người ấy nhỏ như cái chìa vôi, chẳng làm được gì, vì bầu trời còn thấp nên họ chọc lấy "cùi trời" (bầu trời có cùi như cùi dừa!!!) để ăn, sau rồi chết hết. Hồn của họ biến thành những bông hoa trên đỉnh núi cao.
- Kỷ nguyên 2: Trời tiếp tục sai hai ông bà Ý Thư- Ý Thiếng xuống trần. Lúc này những cây đa cây si do hai ông bà Pủ Cắp- Nhả Ké trồng từ trước đã lớn lắm, che rợp cả trời. Hai ông bà Ý Thư- Ý Thiếng chặt cây si thần hết 3 năm không đổ, "chặt phía này phía kia liền lại, đốn phía này phía nọ lại nguyên". Họ cũng chết đi mà không hạ được cây si thần.
- Kỷ nguyên 3: Trời sai hai ông bà Pủ Dơ- Nhả Mày xuống trần. Họ xin đem theo rìu vàng rìu bạc từ mường trời xuống. Nhờ rìu đó sau 4 năm họ chặt đổ cây si thần. Khi chết họ trở thành các vị thần trông coi cổng rú mồ (nghĩa địa).
- Kỷ nguyên 4: Trời sai hai ông bà Ý Thi- Ý Thón xuống trần. Lúc này cây si thần đã bị chặt nên họ lấy cày bừa từ trên trời xuống, cày đất thành núi thành non như ngày nay ta thấy. Được trăm năm sau họ chết, hồn họ quay về trời.
- Kỷ nguyên 5: Trời sai hai ông bà Căm Ngọc- Căm Vá xuống trần. Con cháu họ ăn lông ở lỗ, sống chung chạ với nhau, không phân biệt vợ chồng. Họ suốt ngày tranh giành chồng/ vợ với nhau, chém giết lẫn nhau nên chết hết. Hồn của họ biến thành vàng thành bạc tụ dưới đất sâu.
- Kỷ nguyên 6: Trời sai hai ông bà Tạo Vi xuống trần trồng cây cối, trồng song mây. Hai ông bà chết đi, con cháu lười nhác không chịu khai ruộng, suốt ngày chỉ đan lưới, làm bẫy săn bắt chim, cá, thú rừng về ăn. Chim quý Áng Vanh của Trời xuống trần mắc phải bẫy, Trời nổi giận làm ra chín mặt trời thiêu đốt dương gian. Người trần không chịu nổi, bàn nhau làm ná, làm cung tên bắn rụng 8 mặt trời. Còn lại một mặt trời sống sót trốn xuống biển nấp. Mặt đất trở nên tối tăm. Con người bàn nhau và cử Gà và Vịt đi tìm gọi Mặt Trời, mặt đất mới sáng trở lại.
- Kỷ nguyên 7: Trời sai hai ông bà Ắm Ết- Lang Chai xuống cai quản trần gian. Họ cũng lười khai phá ruộng nương, chỉ chuyên tâm làm bẫy, đan lưới. Rồng thần của nhà trời xuống trần vướng vào lưới bị họ đâm chết. Trời nổi giận làm gió mưa dâng nước thành nạn hồng thủy. Người trần gian chết hết. Chỉ còn hai chị em bám được theo quả bầu nổi lên đến mường trời. Họ xin làm tôi tớ cho nhà trời để kiếm cái ăn qua ngày. Về sau, họ chấp nhận ăn ở thành vợ chồng với nhau để sinh ra loài người. Khi sinh nở, người mẹ sinh ra mọi giống người, và cả các loài sên vắt, muỗi mòng, chim muông, và ma quỷ nữa…
- Kỷ nguyên 8: Trời sai Tạo Lò Kăm xuống trần gây bản dựng mường. Tạo Lò Kăm vâng mệnh xuống ngự ở núi Pu Quai (tức "Núi Trâu", ở xã Châu Kim, huyện Quế phong ngày nay). Tạo Lò Kăm xuống trần, các con vật như trâu, ngựa xin xuống theo cùng để giúp đỡ. Trời hỏi sao lại xin xuống trần như thế, các con vật tâu trình như sau: “Trâu: xin xuống trần để vai mang ách, chân giẫm ruộng trồng lúa, khi chủ mất xin được xả thân làm ma cho chủ; Ngựa: chân nhỏ không giẫm ruộng được, xin mang người trên lưng đi khắp nẻo gần xa; Hổ: tôi không xuống thì trâu bò không về chuồng, kẻ lười nhác không làm nhà dựng cửa; Vắt núi và đỉa: tôi không xuống thì người không phát đường quang, bạ chỗ nào cũng đi, bạ lối nào cũng lội; Muỗi: nếu tôi không xuống, con người sẽ không biết dệt chăn màn, con gái Thái về nhà chồng lấy đâu ra nệm đẹp…". Tạo Lò Kăm cũng được các con vật giúp để lấy được lửa về dùng, khai phá ruộng nương, xây dựng bản mường dài lâu…
Trong phần cuối nói về “Kỷ nguyên 8", cũng có đoạn nói về việc phân định nơi cai quản, nơi thờ cúng (các đền thờ cúng) ở từng mường. Trong "Địa chí huyện Qùy Hợp" cũng có lược trích một đoạn ở phần này. Tuy vậy, tôi cũng xin trích một đoạn trong truyền thuyết "Xuống mường hạ giới” trong phần phiên âm tôi đã được tham khảo:  "Lò Anh xuống ngồi ngự/ Lò Em xuống ngồi mường/ Căm Thướng xuống ngồi bản/ Chủ Căm Lạn xuống ngự núi Trâu/ Tạo Hai ngồi Đền Choọng/ Em Út ngồi Đền Ham/ Tạo Ba ở Mường Chai/ Anh Út Nhỏ xuống ở Chiềng Van…" (Chiềng Van: thuộc địa phận Thanh Hóa).
Trên đây là phần tóm tắt sự diễn tả khá chi tiết những "kỷ nguyên" trong văn bản truyền thuyết "Xuống mường hạ giới" của người Thái Nghệ An. Trong phần "phân định" có nhắc đến các đền thờ và các mường đất liên quan ở các huyện miền núi của Nghệ An, và cả huyện Thường Xuân (Thanh Hóa)…

Có ý kiến cho rằng, trước đây người Thái nhóm Tay Mương chỉ có hai dòng họ chính là họ Lò Căm và họ Vi (Hún Vi, Quán Vi). Có một số họ khác (…) được người Pháp đặt thêm trong thời phong kiến dưới sự cai trị của người Pháp, nhằm mục đích thuận tiện cho cai trị. Trong việc "chuyển đổi" đó, có cả việc xuất hiện họ Sầm (tức cũng là Lò Căm), và họ Trương (tức cũng là Hún Vi, Quán Vi). Tạm thời chưa cần phải đi tìm sự xác thực của ý kiến đó, mà hãy ghi nhận sự tồn tại và phát triển song hành của hai dòng họ truyền thống chủ đạo của người Thái Nghệ An: họ Lò Căm và họ Vi.
Có câu chuyện được truyền tụng trong cộng đồng người Thái, bao gồm cả trong hai dòng họ Lò Căm và Vi (chuyện thường mang một vẻ hài hước nhất định để tránh những căng thẳng, chia rẽ không cần thiết). Rằng là, tổ tiên dòng họ Vi được Trời sai xuống trước để cai quản trần gian (xem "Kỷ nguyên 6"), đến "Kỷ nguyên 8", sau khi họ Lò Căm cũng xuống trần, người của hai dòng họ có tranh cãi để phân định anh em. Trong khi tìm lý lẽ, họ Vi bị đuối lý nên phải chấp nhận làm bậc em… Tuy nhiên, thực sự là ông tổ của họ Vi xuống trần trước (từ "Kỷ nguyên 6"), sau khi chết về mường Trời thì được làm Then Vi, được đảm trách việc gác cửa lên mường trời. Then Vi không đồng tình với phân định của người hạ giới nên hễ cứ thấy người của dòng họ Lò Căm, khi hết hạn ở dương trần, hồn lên đến cửa vào mường trời thì bị Then Vi chặn lại, không cho qua. Hồn của người mang họ Lò Căm muốn qua được cửa trời thì phải có lễ cúng chuộc lỗi với Then Vi. Vậy là, con cháu người chết (họ Cò Kăm) luôn phải kiếm lễ vật, thường là một con lợn nhỡ cùng các thứ kèm theo, mời thầy mo về cúng nạp lễ cho Then Vi (gọi là "páng chuộc") thì hồn vía người chết mới qua được cửa trời (siêu thoát). Việc "chuộc lỗi" này được coi là việc bắt buộc phải có để hồn người chết được yên, cháu con mạnh khỏe…
Từ một câu chuyện truyền thuyết khởi từ hình thành trời đất và muôn loài, cuộc sống của người Thái Nghệ An, qua các lễ nghi liên quan đến sự sinh và tử của các thành viên cộng đồng, người ta vẫn thấy luôn tồn tại những sợi dây liên hệ dường như bén rễ từ trong câu chuyện huyền thoại và mọc nhánh vươn cành trong cuộc sống thực ngày nay. Truyền thuyết về sự hình thành và tiêu vong của các "Kỷ nguyên" là một sự liên tưởng vừa đủ để người ta thấy được nét khắc nghiệt của tự nhiên và xã hội đối với sự hình thành và phát triển của bản của mường. Từ đây người Thái dù thuộc dòng họ Vi hay Lò Căm… sẽ thấy thêm yêu hơn bản mường, quê hương mình- nơi mà ở bất cứ gò đất, đỉnh núi, con dốc hay dòng suối nào cũng mang dấu ấn của tổ tiên trong một hành trình lập bản dựng mường và tranh đấu sinh sôi qua hết Kỷ nguyên này đến Kỷ nguyên khác, và mãi mãi vẫn còn luôn như thế!
Sầm Văn Bình