Mc tiệc cưới, học làm mc đám cưới, video đám cưới hay nhất: ₪ Dân tộc Co
Showing posts with label ₪ Dân tộc Co. Show all posts
Showing posts with label ₪ Dân tộc Co. Show all posts

Thursday, July 7, 2016

Văn hóa cổ truyền dân tộc Cor: Từ những giá trị đặc trưng (Lý Phương)

 Múa cồng chiêng trong lễ hội ăn trâu. Ảnh: T.Hậu

Giữa đại ngàn với lớp lớp núi cao dốc đứng, sông suối chia cắt ở vùng cao Tây Trà, Trà Bồng (Quảng Ngãi) và Trà My (Quảng Nam) chính là nơi mà hơn 34 nghìn đồng bào dân tộc Cor sinh sống. Từ nguồn gốc, cuộc mưu sinh cho đến văn hóa vật chất, tín ngưỡng, tập tục và mạch sống tinh thần của người Cor đã được ông Cao Văn Chư - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, tìm hiểu, nghiên cứu một cách đầy đủ, trọn vẹn và chân thực nhất.

Đối với mỗi một dân tộc, câu hỏi về cội nguồn đều được đặt ra. Riêng đối với dân tộc Cor, trong lịch sử tồn tại và phát triển mang nhiều tên gọi khác nhau như: Cùa, Khùa, Của, Bồng Miêu… . Rất nhiều nhà nghiên cứu  đi tìm lời giải về gốc tích dân tộc Cor, nhưng đều thống nhất sự mặc định rằng người Cor từ thời thượng cổ vẫn cư trú ở địa bàn mà ngày nay đồng bào vẫn đang cư trú, không có sự dịch chuyển nào.      

Nói về chuyện con chim chèo bẻo, nhiều người không lạ gì loài chim này, bình thường như các loài chim khác. Nhưng trong tâm thức của người Cor, chim chèo bẻo tức chim plít là loài chim huyền thoại. Theo tâm niệm của người Cor, sáng tinh mơ, khi chim plít đậu trên ngọn cây gần làng, hót líu lo, đây chính là điềm lành. Trời nóng như lửa đốt, nương rẫy cháy khát sẽ có mưa rào. Lúa đang kỳ chín, bị châu chấu, cào cào cắn phá, sẽ có chim plít  chao lượn bắt mồi, bảo vệ cây lúa... Người Cor săn bắt nhiều loài chim, nhưng tuyệt nhiên không đụng đến chim plít. Cũng chính vì điều này, ngày nay trong lễ hội ăn trâu, người Cor đã tạo tác hình tượng chim plít trên cây nêu.  

Nói đến người Cor không thể không nhắc đến cây quế, loại cây trồng trở thành loại cây hàng hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây từ rất lâu đời. Ngày nay, cây quế được coi là cây góp phần xóa đói, giảm nghèo của đồng bào Cor.

Y phục, trang sức, cồng chiêng... của người Cor đều mang nét đặc trưng riêng có. Dân tộc Cor không có nghề dệt vải hay thổ cẩm, họ mua vải vóc và cải tiến, thay đổi để trở thành trang phục truyền thống của dân tộc mình. Trong lễ hội, nam giới thường dùng khố lễ hay áo dài lễ. Khố lễ là một tấm thổ cẩm hình chữ nhật, thường có nền đen, các dải hoa văn ngang dọc trên mặt vải, tua trang trí ở dọc biên và cuối khổ.

Phụ nữ người Cor uyển chuyển theo giai điệu múa cà đáo.

Trang phục lễ hội của người phụ nữ khá rực rỡ, áo váy mới, trên đầu dùng dải vải có thắt tua đỏ như cái mào gà thả ra trước trán và dùng lược cài hình bán nguyệt có thắt dải màu thả ra phía sau ót phủ xuống lưng, đeo các vòng ở cổ và chuỗi cườm ở vai, trên đầu tóc... “Y phục của người Cor rất riêng, đặc biệt là y phục nữ. Đối với trang sức cườm, trong khi nhiều dân tộc ở Trường Sơn Tây Nguyên chỉ dùng màu đỏ, vàng, còn người Cor có cả màu trắng, xanh. Cườm cổ, trên đầu tóc... kết rất công phu.  Về những nét riêng này chưa thể lý giải cụ thể, nhưng có thể là đặc tính thể hiện sự hiền hòa của một dân tộc”, ông Chư giải thích.

Trong văn hóa của người Cor, lễ hội là một nhân tố nổi trội nhất, tiêu biểu như lễ cầu mưa, lễ ăn cơm mới, lễ hội ăn trâu... trong văn hóa Cor hàm chứa một tổng thể diễn xướng và nghi lễ mang đậm dấu ấn nguyên thủy với tư duy hồn nhiên, từ cách bài trí đến cách thức cúng, thực hiện nghi lễ và vui chơi. “Lễ hội dân tộc là sự hội tụ cao độ của tinh hoa văn hóa Cor, những gì hay nhất, đẹp nhất hầu như tập trung lại để từ đây, thông qua sự tham gia của các thành viên, lan tỏa trở lại cộng đồng”, ông Chư nhìn nhận

Trong số các lễ hội đặc sắc, lễ ăn trâu - lễ hội lớn của người Cor, được tổ chức vào khoảng cuối năm đến đầu năm sau, khi việc thu hoạch đã xong xuôi để mừng cho mùa màng bội thu, tai qua nạn khỏi và cầu mong thần linh phù hộ cho cuộc sống được yên bình, sung túc. Để tổ chức lễ ăn trâu, người Cor chuẩn bị rất công phu, đặc biệt là không thể thiếu cây nêu. Cây nêu của người Cor hết sức đặc biệt, không chỉ ở hình tượng chim plít mà còn chạm khắc nhiều hình ảnh hết sức công phu, tỉ mỉ, thể hiện sự giao hòa giữa con người và vũ trụ. Người Cor dựng nêu với ý nghĩ mời ông bà, thần linh về dự lễ cùng cháu con, dân làng.  

Quả đúng là văn hóa của người Cor hết sức phong phú và độc đáo. Còn rất nhiều yếu tố văn hóa mang tính đặc trưng riêng có của người Cor từ trong cuộc sống mưu sinh hằng ngày cho đến những tập tục, tín ngưỡng... Phải mất rất nhiều thời gian, nhà nghiên cứu văn hóa Cao Văn Chư mới có thể tìm hiểu tường tận, tổng thể giá trị văn hóa đặc trưng của người Cor. Từ sự dày công nghiên cứu, ông đã viết nhiều cuốn sách về văn hóa dân tộc Cor. Duy chỉ có điều ông cảm thấy tiếc nuối, trăn trở là một số giá trị văn hóa đặc trưng của người Cor đang trên đà mai một. “Vấn đề cấp bách hiện nay là phải bảo tồn các giá trị văn hóa của người Cor, ngay như trang phục, mái nhà truyền thống của người Cor cũng mất dần. Bên cạnh những giải pháp của cơ quan chức năng, căn cốt của vấn đề là tự thân mỗi dân tộc phải tự hào về nét đẹp văn hóa của dân tộc mình để biết cách gìn giữ”, ông Chư bộc bạch.

Lý Phương (sưu tầm)

Dân tộc Co (Lý Quảng Ninh)

Tên tự gọi: Cor, Col.
Tên gọi khác: Cua, Trầu.
Dân số: 33.817 người (theo kết quả điều tra dân số năm 2009 của Tổng cục thống kê)
Ngôn ngữ: Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khơ Me (ngữ hệ Nam Á), tương đối gần gũi các dân tộc khác trong vùng bắc Tây Nguyên và lân cận như: Hrê, Xơ Ðăng, Ba Na... Chữ viết ra đời từ thời kỳ trước năm 1975 trên cơ sở dùng chữ cái La-tinh. Hiện nay chữ viết này không không phổ biến nữa.

Lịch sử: Người Co cư trú rất lâu đời ở tây bắc tỉnh Quảng Ngãi và tây nam tỉnh Quảng Nam.
Hoạt động sản xuất: Kinh tế rẫy là nguồn sống chủ yếu, lúa rẫy là nguồn lương thực chính. Canh tác theo hình thức phát rừng, đốt, chọc lỗ tra hạt giống, tuốt lúa bằng tay. Kỹ thuật xen canh - đa canh trên từng đám rẫy và luân canh giữa các đám rẫy. Trầu không và quế của người Co nổi tiếng lâu đời. Ðặc biệt quế quý và nhiều là một nguồn lợi lớn: quế rừng và quế trồng. Rẫy quế của mỗi gia đình là loại tài sản quan trọng, thường 10 năm trở lên mới được thu hoạch. Nhờ bán quế, các gia đình có tiền mua sắm các gia sản được ưa chuộng (cồng, chiêng, ché, trâu, v.v... và nay thì xe, đài, đồng hồ, xây nhà, đóng đồ gỗ), đồng thời cũng chi dùng vào việc ăn uống, mặc, v.v... Hình thức dùng vật đổi vật được ưa thích.

Trước đây người Co cũng dựng nhà mồ cho người chết. Ngày nay phần mộ chỉ được rào kín, phía trên che một chiếc chiếu. Cạnh dựng một cây cột nhỏ, cao chừng 1,5m, trên treo tấm vải đen và chiếc cột khác treo gùi - tượng trưng cho kho lúa, phần được chia của người đã khuất.

Chăn nuôi: Trâu, lợn, gà trước hết để cúng tế; chó hầu như nhà nhà đều có. Nghề dệt và rèn không phát triển. Ðồ đan đẹp và phong phú. Sản phẩm hái lượm và săn bắt có ý nghĩa không nhỏ trong đời sống người Co.
Ăn: Bữa ăn thông thường là cơm gạo tẻ, muối ớt, các loại rau rừng và thịt cá kiếm được. Trước kia, đồng bào quen ăn bốc. Ðồ uống là nước lã, rượu cần, nay nhiều người đã dùng nước chín, nước chè xanh, rượu cất. Tục ăn trầu cau chỉ được duy trì ở lớp người lớn tuổi, nhưng tục hút thuốc lá vẫn còn phổ biến.
Ở:Người Co sống tập trung ở Trà Bồng và Trà Mi thuộc tây bắc tỉnh Quảng Ngãi và tây nam tỉnh Quảng Nam. Nhà sàn dài, cửa ra vào ở hai đầu hồi. Trong nhà chia dọc thành 3 phần: lối đi ở giữa, một bên được ngăn thành từng buồng nhỏ cho các gia đình sinh hoạt riêng, còn một bên dùng làm nơi sinh hoạt chung (tiếp khách, họp bàn, tổ chức lễ hội, ăn uống đông người, đan lát, vui chơi...). Xưa kia thường mỗi làng ở tập trung trong một vài ngôi nhà kiểu này, dài có khi hàng trăm mét, bên ngoài có rào chắn và bố trí vũ khí để phòng vệ. Gần đây, khắp vùng người Co phát triển trào lưu từng gia đình tách ra làm nhà ở riêng, nhà trệt, dựng theo kiểu nhà người Việt ở địa phương, đã có nhiều nhà lợp tôn, lợp ngói, cả nhà xây nữa.
Mặc: Ðồ mặc của người Co chủ yếu mua của người Xơ Ðăng và người Việt. Theo nếp truyền thống, nam đóng khố, ở trần, nữ quấn váy, mặc áo cộc tay; mùa lạnh thì khoác tấm vải choàng. Bộ quần áo dài với khăn xếp du nhập từ đồng bằng lên từng được dùng trưng diện trong ngày lễ hội, nhất là những bô lão khá giả. Ngày nay, quần áo người Việt được dùng lan tràn, váy còn thấy một số phụ nữ mặc nhưng đều dùng vải công nghiệp. Các loại vòng trang sức cũng chỉ bắt gặp thưa thớt, đơn giản, không dễ tìm được những phụ nữ quấn nhiều chuỗi hạt cườm quanh đầu, quanh cổ tay, cổ chân, trước ngực và quanh thắt lưng như trước kia nữa.
Phương tiện vận chuyển: Người Co có các loại gùi tự đan dùng để vận chuyển rất tiện lợi, thích hợp với điều kiện đất dốc, rừng núi và suối. Mọi thứ đều bỏ trong gùi và gùi được cõng trên lưng, có 2 quai quàng qua đôi vai.
Quan hệ xã hội: Mỗi làng có ông "già làng" được mọi người kính trọng và nghe theo. Dân làng sinh sống trên một địa vực ổn định có ranh giới, việc chuyển dịch cư trú của làng cũng chỉ trong vùng lãnh thổ ấy. Trong làng thường có quan hệ thân thuộc qua lại với nhau: hoặc về huyết thống, hoặc do hôn nhân. Tuy mỗi gia đình làm ăn riêng, chiếm hữu riêng đất rẫy, nhưng tính cộng đồng làng khá cao. Xã hội truyền thống Co đã nảy sinh giàu - nghèo khác nhau, nhưng chưa phát triển các hình thức bóc lột: nô lệ gia đình, cho vay nặng lãi...

Người Co có nhiều loại cột đâm trâu, "cột phướn" là loại quan trọng nhất, với nhiều bộ phận, nhiều hoạ tiết hoa văn. Trong ảnh là vải mô típ trang trí trênlaval - một thành tố của cây"cột phướn"; được treo cao, chính giữa gian khách trong ngôi nhà gia chủ.

Cưới xin:Hình thức hôn nhân cư trú đằng chồng là phổ biến. Phong tục cho phép nếu vợ chết có thể lấy tiếp em hoặc chị của vợ, nhưng vợ goá không thể lấy em chồng; nếu 2 anh em trai lấy 2 chị em gái thì phải anh lấy chị, em lấy em; nếu con gái nhà này đã làm dâu nhà kia thì 2 - 3 đời sau nhà kia mới gả con gái cho nhà này. Con cô - con cậu, con gì - con già, con có chung cha mẹ đều không được lấy nhau. Cùng một gốc sinh thành, nếu là anh em trai thì đời chắt của họ hoặc sau đó nữa mới có thể lấy nhau, song nếu là chị em gái hay một gái một bên trai thì cháu hoặc chắt của họ có thể lấy nhau. Ðám cưới đơn giản, gọn nhẹ, không tốn kém nhiều, chỉ là dịp mọi người uống rượu vui chứng kiến đôi trai gái thành vợ, thành chồng.
Ma chay: Quan tài gỗ, đẽo theo kiểu độc mộc. Người chết được chôn trong bãi mộ của làng, đặt không xa chỗ ở. Tang gia "chia của" cho người mới chết, đưa ra mộ không chỉ vật dụng và tư trang của người ấy, mà cả ché, chiêng...
Thờ cúng: Những đỉnh núi cao được người Co gọi là núi Ông núi Bà. Họ cho rằng có "thần linh" trú ngụ ở đó. Hệ thống "ma" (ka muych) và "thần" (kơi, ma) rất đông: ma người chết bình thường, ma người chết bất bình thường, ma quế, ma cây đa, ma nước, thần bếp lửa... Bởi vậy, người ra có nhiều kiêng cữ và cúng quải gắn với sản xuất và đời sống.
Lễ tết: Người Co có nhiều lễ, lớn nhất là lễ có đâm trâu tế thần - đây cũng là ngày hội lớn trong làng. Ngoài ra, tết gắn với sự kết thúc một mùa lúa rẫy là dịp sinh hoạt nhộn nhịp. Trong hai dịp đó, các món ăn dân tộc, nghệ thuật dân tộc và trang phục dân tộc được thể hiện tập trung, khơi dậy văn hoá truyền thống.

Những ngày lễ hội, người Co thường dùng một chiếc trống nhỏ hoà nhịp cùng chiêng. Trống được bọc bằng da sơn dương, được khoét từ khúc gỗ.

Lịch: Cách tính ngày tháng tương đương với âm lịch của người Việt, nhưng chỉ có 10 tháng, tiếp đến là thời gian nghỉ ngơi sau vụ canh tác. Bên cạnh đó, người Co coi trọng việc xác định ngày tốt, xấu để thực hiện các công việc khác nhau.
Văn nghệ: Ưa thích âm nhạc, dùng bộ chiêng 3 chiếc là phổ biến: nhạc cụ còn có trống, các loại đàn nhị. Múa chỉ xuất hiện trong lễ đâm trâu. Các điệu dân ca Xru (Klu), Agiới được lưu truyền rộng rãi. Vốn truyện cổ khá phong phú, có huyền thoại, truyền thuyết, truyện ngụ ngôn... Nghệ thuật trang trí tập trung nhất ở cây cột lễ và cái "gu" trong lễ hội đâm trâu.
Lý Quảng Ninh (sưu tầm)

Dân tộc Co (Mai Hạnh)

Dân tộc Co có hơn 29.771 người, cư trú chủ yếu ở huyện Trà My (tỉnh Quảng Nam) và huyện Trà Bbồng (tỉnh Quảng Ngãi). Người Co còn có tên gọi khác là: Cor, Col, Cùa, Trầu. Tiếng Co thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khơmer. Dân tộc Co Co quan niệm vạn vật hữu linh, tin vào thần linh, tiêu biểu là thần lúa.

Dân tộc Co Co làm rẫy là chính, đồng bào trồng lúa, ngô, sắn và nhiều loại cây khác. Đặc biệt, cây quế Quảng là đặc sản truyền thống ở Trà My và Trà Bổng. Quế ở vùng người Co có chất lượng và năng suất cao được các địa phương trong nước và nhiều nơi trên thế giới biết tiếng. Hàng năm quế đem lại nguồn thu đáng kể cho người Co.
Từng làng của người Co có tên gọi riêng theo tên người trưởng làng hoặc tên sông, suối, tên đất, tên rừng. Trước đây, người Co còn ở nhà sàn dài, trong đó mỗi gia đình có một phòng riêng gọi là một bếp. Gần đây, người Co đã chuyển sang làm nhà trệt, nhà ngắn.
Người Co không dệt vải, vì vậy vải và đồ may mặc đều mua của nơi khác, phần lớn là mua của người Kinh và người Xơ-đăng. Theo sắc phục truyền thống, nam giới thường ở trần, đóng khố, nữ quấn váy, mặc áo cộc tay, yếm. Trời lạnh mỗi người khoác tấm vải dài, rộng. Đồng bào thích đeo vòng cổ, vòng tay, hoa tai bằng đồng hoặc bạc, nhưng thích nhất là bằng hạt cườm. Phụ nữ quấn nhiều vòng cườm các màu quanh eo lưng, quanh cổ và đầu.
Trong xã hội Co, các bô lão luôn được nể trọng. Ông già được suy tôn làm trưởng làng phải là người hiểu biết phong tục, giàu kinh nghiệm sản xuất và ứng xử xã hội, được dân làng tín nhiệm cao và thuộc dòng họ có công lập làng.
Thanh niên nam nữ Co được tìm hiểu nhau trước khi kết hôn. Việc cưới xin đơn giản, không tốn kém nhiều. Sau lễ cưới, cô dâu về ở nhà chồng. Trước đây, hầu như người Co không lấy vợ, lấy chồng thuộc dân tộc khác, nay dân tộc Co đã có những dâu, rể là người Kinh, Xơ-đăng, Hrê...
Người Co thích múa hát, thích chơi chiêng, cồng, trống. Các điệu dân ca phổ biến của đồng bào là Xru, Klu và Agiới. Các truyện cổ của người Co truyền miệng từ đời này sang đời khác luôn làm say lòng cả người kể và người nghe.

Mai Hạnh (sưu tầm)

Độc đáo trang phục của đồng bào dân tộc Co (Vi Đức Tuấn Anh)

Trang phục phụ nữ dân tộc Co huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam

Trang phục của đồng bào Co ở huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam thể hiện nét văn hóa đặc sắc riêng, hàm chứa giá trị sáng tạo, giá trị thẩm mỹ, nhân văn và tình cảm ứng xử trong cộng đồng.   
Sinh sống chủ yếu ở vùng đất Trường Sơn-Tây Nguyên, địa bàn huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam, nét văn hóa riêng, đặc sắc của đồng bào Co đã góp phần không nhỏ vào kho tàng văn hóa vật thể - phi vật thể trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Theo một số người già lớn tuổi dân tộc Co huyện Bắc Trà My kể lại: Xưa, trang phục dành cho phụ nữ Co thì có váy. Váy của phụ nữ thường là một tấm vải thổ cẩm có màu chàm đen. Chiều rộng khoảng từ 80 cm đến 1m, chiều dài khoảng 1m. Váy khi dệt xong được khâu lại làm cho váy có dạng hình ống. Tùy vào từng lứa tuổi mà phần chân váy được thêu thêm nhiều tua màu sặc sỡ. Và khi mặc vào, phụ nữ Co dùng dây thắt lưng quấn vào lưng để cho váy khỏi bị tuột.
Đi kèm váy là áo cộc tay màu trắng bạc. Khi dệt, hai tấm rời nhau rồi họ dùng chỉ khâu lại với nhau dạng chui đầu và xẻ cổ. Dọc theo thân áo là những đường viền hoa văn rất đẹp. Đây là loại áo rất được các thiếu nữ Co chưa chồng rất thích mặc. Còn đối với phụ nữ có chồng hoặc những người già lớn tuổi, họ thường mặc một tấm vải cũng màu trắng bạc gọi là yếm, có dáng chữ V. Khi mặc vào họ thắt dây quàng qua cổ và có dây thắt lưng.
Trang sức bằng cườm được xem là một trong những đặc điểm nổi bật của phụ nữ dân tộc Co. Cườm có nhiều loại lớn nhỏ khác nhau và có nhiều màu sắc nhưng màu hơn trội vẫn là màu xanh da trời được đính vào tua đầu dài của khố, cườm được xâu thành chuỗi vòng quấn nhiều vòng quanh qua trán, quanh cổ tay, cổ chân, và hông đối với phụ nữ. Ngoài trang sức bằng cườm ra, ở phụ nữ dân tộc Co họ còn dung đồ trang sức bằng đồng, bạc như vòng tay,vòng cổ, làm hoa tai…
Về trang phục đàn ông, nam giới Co đóng khố, ở trần. Có khố thường (tanon), khố lễ (tanon nhau). Khố là trang phục dành cho đàn ông Co có chiều rộng khoảng từ 25 đến 30 cm và có chiều dài khoảng 3m5 đến 4m tùy thuộc vào mỗi người. Khố đàn ông Co được dệt trên nền chàm đen, dọc theo thân khố là những dãy hoa văn như đỏ, vàng, xanh và hai bên chân khố được kết nối với những tua màu vàng. Khi đàn ông Co mặc vào có dáng hình chữ T. 
Vào các dịp lễ hội hoặc mùa lạnh có thêm tấm choàng (ra mak). Tấm choàng của người Co cũng được dệt trên nền vải thổ cẩm, có chiều rộng khoảng từ 0,8m đến 1m với trang trí nhiều dải hoa văn với các màu đỏ, vàng, trắng, hoa văn hình răng cưa hay hình học chạy song song theo chiều dài của tấm choàng. 
Khi người đàn ông Co khoát tấm choàng vào toát lên vẽ mạnh mẽ trông thật hoang dã. Ngoài ra, tấm choàng của đàn ông Co cũng có thể được họ sử dụng như một tấm đắp che thân khi mùa đông ở vùng Trường Sơn-Tây Nguyên lạnh giá.
Trang phục truyền thống của người Co còn hàm chứa giá trị sáng tạo, giá trị văn hóa, giá trị thẩm mỹ và cả giá trị nhân văn của cộng đồng. Trang phục truyền thống của họ còn ẩn chứa tâm lý, tình cảm của tộc người và mối quan hệ của tộc người với môi trường thiên nhiên xung quanh được đúc kết từ đời sống hằng này, từ lao động sản xuất và cốt cách mang đặc trưng văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc Co Quảng Nam.

Vi Đức Tuấn Anh (sưu tầm)

Dân tộc Co (Vi Đức Cường)

Tên dân tộc: Co (Cor, Col, Cùa, Trầu). Dân số: 27.766 người (năm 1999). Ðịa bàn cư trú: Huyện Bắc Trà My, Nam Trà My (Quảng Nam), huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi). 

Phong tục tập quán:
Tin vào thần linh, tiêu biểu là thần lúa. Trước đây, ở nhà sàn dài, nay đã chuyển sang nhà trệt, nhà ngắn. Trưởng làng là người hiểu biết phong tục, giàu kinh nghiệm sản xuất và ứng xử xã hội, được dân làng tín nhiệm cao.
Ngôn ngữ:
Thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khmer.
Văn hoá:
Dân tộc Co thích múa hát, thích chơi chiêng, cồng, trống. Các điệu dân ca phổ biến: Xru, Klu và Agiới.
Trang phục:
Nam giới ở trần, đóng khố, nữ quấn váy, mặc áo cộc tay, yếm. Trời lạnh mỗi người khoác tấm vải dài, rộng. Phụ nữ quấn nhiều vòng cườm các màu quanh eo lưng.
Kinh tế:
Làm rẫy là chính, trồng lúa, ngô, sắn... Ðặc biệt là cây quế Quảng

Vi Đức Cường (sưu tầm).

Dân tộc Co (Việt Hưng)

Tổng số dân;: 33.817 (2009)
Khu vực có số dân đáng kể: Việt Nam: Quảng Ngãi, Quảng Nam
Ngôn ngữ: Tiếng Co, tiếng Việt
Tôn giáo: Vật linh, tín ngưỡng dân gian
Dân tộc Co còn có tên gọi khác: Cor (Kor), Col, Cùa, Trầu. Người Co là một trong số 54 dân tộc ở Việt Nam.
Dân tộc Co nói tiếng Co (Cùa), một ngôn ngữ thuộc ngữ tộc Môn-Khmer.

Dân số và địa bàn cư trú
Dân tộc Co cư trú chủ yếu ở huyện Trà Bồng (tỉnh Quảng Ngãi), huyện Nam Trà My và huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam).
Dân số: Theo điều tra dân số 1999 là 27.766 người.
Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Co ở Việt Nam có dân số 33.817 người, cư trú tại 25 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố. Người Co cư trú tập trung tại các tỉnh:Quảng Ngãi (28.110 người, chiếm 83,1% tổng số người Co), Quảng Nam (5.361 người), Kon Tum (118 người).

Đặc điểm kinh tế
Dân tộc Co làm rẫy là chính. Người Co trồng lúa, ngô, sắn và nhiều loại cây khác. Đặc biệt, cây quế Quảng là đặc sản truyền thống ở Trà My. Quế ở vùng người Co có chất lượng và năng suất cao được các địa phương trong nước và nhiều nơi trên thế giới biết tiếng. Hàng năm quế đem lại nguồn thu đáng kể cho người Co. Tại các vùng Quảng Nam, Quảng ngãi, một thời đã trồng giống lúa Co, và lúa Trì trì. Có lẽ lúa Co là đó, là của người Co, Lúa Trì Trì là của người Chăm.

Tổ chức cộng đồng
Từng làng của dân tộc Co có tên gọi riêng theo tên người trưởng làng hoặc tên sông, suối, tên đất, tên rừng. Trong xã hội Co, các bô lão luôn được nể trọng. Ông già được suy tôn làm trưởng làng phải là người hiểu biết phong tục, giàu kinh nghiệm sản xuất và ứng xử xã hội, được dân làng tín nhiệm cao và thuộc dòng họ có công lập làng. Người Co xưa kia không có tên gọi của mỗi dòng họ, về sau người Co nhất loạt mang họ Đinh.

Văn hóa
Dân tộc Co thích múa hát, thích chơi chiêng, cồng, trống. Các điệu dân ca phổ biến của người Co là Xru, Klu và Agiới. Các truyện cổ của người Co truyền miệng từ đời này sang đời khác luôn làm say lòng cả người kể và người nghe.

Nhà cửa
Trước kia vòng rào làng được dựng lên cao, dày, chắc chắn với cổng ra vào đóng mở theo quy định chặt chẽ, với hệ thống chông thò, cạm bẫy để phòng thủ... Tùy theo số dân mà làng có một hay vài một nhà ở, dài ngắn, rộng hẹp khác nhau. Thường nóc cũng là làng vì rất phổ biến hiện tượng làng chỉ có một nóc nhà. Nay vẫn thấy có nóc dài tới gần 100m. Dân tộc Co ở nhà sàn. Dân làng góp sức làm chung ngôi nhà sau đó từng hộ được chia diện tích riêng phù hợp với nhu cầu sử dụng. Ngôi nhà có thể nối dài thêm cho những gia đình đến nhập cư sau. Dưới gầm sàn xếp củi, nhốt lợn, gà. Hầu hết người Co đã và đang chuyển sang làm nhà đất. Không ít người ưu kiểu nhà "xuyên trĩnh" ở đồng bằng miền Trung. Xưa kia, khi dân làng phát triển đông đúc mà việc nối nhà dài ngôi nhà thêm nữa không thuận tiện cũng không muốn chia làng mới thì họ kiến trúc kiểu "nhà kép", mở rộng theo chiều ngang. Như vậy là dân tộc Co đã đặt song song mặt hành mặt bằng sinh hoạt của hai dãy nhà, phần gưl của chúng ghép liền với nhau, tạo thành khoảng rộng dài ở giữa gồm gưl và truôk càn hai dãytum ở đôi bên.

Trang phục
Dân tộc Co không dệt vải, vì vậy vải và đồ may mặc đều mua của nơi khác, phần lớn là mua của người Kinh và người Xơ-đăng. Theo sắc phục truyền thống, nam giới thường ở trần, đóng khố, nữ quấn váy, mặc áo cộc tay, yếm. Trời lạnh mỗi người khoác tấm vải dài, rộng. Người Co thích đeo vòng cổ, vòng tay, hoa tai bằng đồng hoặc bạc, nhưng thích nhất là bằng hạt cườm. Phụ nữ quấn nhiều vòng cườm các màu quanh eo lưng.

Việt Hưng (sưu tầm)