Mc tiệc cưới, học làm mc đám cưới, video đám cưới hay nhất: ₪ Dân tộc Giẻ Triêng
Showing posts with label ₪ Dân tộc Giẻ Triêng. Show all posts
Showing posts with label ₪ Dân tộc Giẻ Triêng. Show all posts

Tuesday, July 12, 2016

Người Triêng với cây đinh tút (Đàm Văn Sắc)

Dàn nhạc đinh tút của người Triêng

Qua bao đời nay, người Triêng vẫn lưu giữ nhiều vốn văn hóa quý, trong đó có âm nhạc truyền thống và đặc biệt giá trị của loại sáo đinh tút, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần.
Người Triêng (một nhóm địa phương thuộc dân tộc Giẻ-Triêng), nơi có nền văn hóa cổ truyền từ ngàn đời, hội đủ những đặc trưng của cư dân miền núi. Người Triêng sinh sống chủ yếu ở ba xã La Dêê, Ðắc Pre và Ðăk Pring thuộc huyện miền núi cao Nam Giang, Quảng Nam.

Mỗi khi tiếng sáo đinh tút thổi lên hòa cùng tiếng trống và cồng chiêng, âm thanh ấy lan tỏa, bay bổng vào ngõ ngách, trên các triền núi cao, nơi định cư của người Triêng, tạo nên một không gian văn hóa huyền ảo...
Già làng Zơrâm Ớt 84 tuổi, dân tộc Triêng, hiện ở thôn Ðăk tà Vâng, xã La Dêê, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết: Ðinh tút được làm từ cây trúc, loại này mọc rất nhiều ở vùng của người Triêng sinh sống, nhưng không phải cây nào cũng làm được đinh tút đúng kỹ thuật và cho âm hay. Ðinh tút của người Triêng gồm có sáu ống dài ngắn và lớn nhỏ khác nhau được làm từ thân cây trúc.

Người Triêng và cây đinh tút mùa xuân

Các ống đinh tút theo thứ tự từ lớn đến nhỏ và từ dài đến ngắn nhất: Piđu, piđy, chel, chắk, rơn 1, rơn 2. Mỗi cây đinh tút có một lóng và được giữ nguyên một mắt, đầu rỗng được vót hai bên tạo cho ống có dáng hình phễu để thổi. Muốn thổi được đinh tút, phải có sức khỏe và có kỹ thuật. Bộ đinh tút của họ hiện nay so với đinh tút truyền thống thì ống nhỏ và ngắn hơn, vì vậy có nhiều người biết thổi.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, muốn thổi đinh tút thì phải có từ tám người trở lên. Trong đó tám nghệ nhân thổi đinh tút tùy vào sở trường của từng người mà mỗi người phụ trách một ống, còn lại hai nghệ nhân hòa điệu cồng chiêng. Ðinh tút hay, hay dở là phụ thuộc vào người tạo ra nó, từ khâu chọn loại trúc đến việc thẩm âm là kinh nghiệm của nghệ nhân đó.
Ðinh tút là loại nhạc cụ không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt hằng ngày, trong lao động sản xuất, nhất là vào dịp mùa xuân. Ngoài ra, trong các dịp lễ hội của cộng đồng như: lễ lập làng, lễ mừng nhà mới, mừng cưới hỏi... và đặc biệt nó luôn có mặt trong lễ hội Choóc đăil truyền thống thường gọi là ngày hội đinh tút của người Triêng.
Người Triêng lớn lên trong tiếng đinh tút, tiếng sáo độc đáo này cũng góp phần làm nên những tình yêu đôi lứa.
Già làng Zơrâm Ớt cho biết thêm: Tùy thuộc vào từng bài đinh tút mà người thổi hòa âm với nhau theo ba hoặc bốn cặp một. Trong quá trình thổi đinh tút thì cặp đinh tút ngắn và nhỏ nhất sẽ thổi trước, kế đến là cặp trung, rồi đến cặp dài nhất cùng hòa âm với nhau thành tám điệu, gọi là tám bài đinh tút tương ứng gồm: Za zá, pê lách, túk chiêng hoong, troong zục, trơn lăil, zức zăih... hòa cùng những điệu múa tạo nên một dòng chảy không dứt làm cho hội đinh tút luôn tiếp diễn.
Sự chuyển hóa linh hoạt của những bài đinh tút và sự uyển chuyển của các cô gái Triêng trong bộ trang phục truyền thống đẹp nhất, với các bài múa và những điệu sáo đinh tút vang lên bên những thung lũng hẹp, núi rừng vào hội tạo âm thanh giàu cảm xúc, phóng khoáng làm cho tâm hồn người Triêng luôn được thoải mái, nhẹ nhàng...
Tiếng sáo đinh tút thổi lên, âm thanh của nó cứ bay bổng, lan tỏa trên các triền núi cao nơi định cư lâu đời của người Triêng hòa cùng trống, cồng chiêng vào núi rừng đại ngàn tạo nên một không gian văn hóa huyền ảo, thôi thúc mọi người tạm gác mọi lo toan của cuộc sống đời thường để cầu mong một năm an lành, hạnh phúc, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu và no đủ, mọi người thương yêu và đùm bọc nhau. 
Ngoài công việc nương rẫy, những lúc rảnh rỗi, họ đều dành thời gian để truyền nghề cho lớp trẻ và mọi người đều thích thú học để thổi loại nhạc cụ độc đáo này. Ðến nay, các xã như: La Dêê, Ðăl Pre và Ðăk Pring đã hình thành nên nhiều đội đinh tút như: Ðội đinh tút làng Ðăktà Vâng, Ðăk Chờđây, Ðăk Lôi, Ðăk Hlôil, Ðăk Ôốc, Ðăk Rế...
Nếu có dịp đến các vùng của đồng bào Triêng sinh sống vào mùa lễ hội, chúng ta vẫn còn nghe tiếng sáo đinh tút mọi lúc mọi nơi cứ bay bổng ngân nga ăn sâu vào tiềm thức và là thông điệp gửi gắm những điều tốt lành cho cộng đồng người Triêng. Ðây là dấu hiệu đáng mừng của cộng đồng này trong việc bảo tồn và phát triển vốn âm nhạc truyền thống.
Đàm Văn Sắc (sưu tầm)

Nghề rèn của người Giẻ-Triêng Kon Tum trong cuộc sống hiện nay (Triệu Minh Bắc)

Cũng như các nghề truyền thống khác của đa số người dân tộc thiểu số Kon Tum, nghề rèn (vanpẹk’tủ) của người Giẻ-Triêng chiếm một phần rất quan trọng trong sinh hoạt và cuộc sống của họ. Khi đời sống xã hội ngày càng phát triển như hiện nay, một vài buôn làng của người Giẻ-Triêng vẫn còn giữ được nghề truyền thống của ông cha mình để lại như làng Đắk Giá 1 - xã Đắk Ang - huyện Ngọc Hồi, làng Đắk Dấc - xã Đắk Môn - huyện Đăk Glei... Thông qua những bàn tay khéo léo của người thợ rèn, họ đã cho ra đời hàng trăm dụng cụ khác nhau như cuốc (niếc), dao phát (xà gạt)... mà kiểu dáng và chất lượng cũng rất đặc trưng.

Trước tiên, tìm hiểu về lò thổi lửa (namk’tủ), người Giẻ-Triêng cũng như những dân tộc bản địa khác, lò rất đơn giản, họ lấy đất sét về đắp thành một ụ cao, lên rừng tìm 2 thân cây có đường kính chừng 20cm về khoét rỗng ruột (một số lò họ làm bằng thân cây lồ ô già) làm 2 ống đứng cao tầm 80cm, phía trong họ lấy da động vật bó một đầu thanh gỗ tròn tạo thành một pitong như ống bơm hơi, phía dưới có 2 ống lồ ô nhỏ (đường kính 5-7cm) được khoét thông suốt ép vào nhau gắn với 2 ống đứng (dài khoảng 1,2m) tạo thành 2 ống thổi lửa. Tất cả những ống tạo gió đều được cố định bằng đất sét. Công việc bơm hơi cần phải có một người chỉ đứng kéo đều 2 thanh gỗ nhịp nhàng để gió thổi ra đều đặn, còn người thợ rèn chỉ lo phần nung nóng thanh sắt để tạo dụng cụ lao động. Loại lò này tiện lợi ở chỗ những dụng cụ tạo ra nó dễ tìm, có sẵn từ thiên nhiên như lồ ô, gỗ, đất sét và khá dễ thực hiện, chỉ cần 2 người làm trong một ngày là có bệ lò để tạo gió. Tuy vậy vẫn có điểm bất tiện là nó không thể di chuyển linh hoạt và bắt buộc phải có 2 người làm, bởi thế ngày nay tuy không đặt mua những lò hiện đại ngoài thị trường nhưng họ cũng chế ra một loại dụng cụ mà vừa thổi lửa vừa có thể di chuyển và đặc biệt chỉ cần một người sử dụng, tiết kiệm được nhân lực. Họ lấy một cái vành (niềng) xe đạp hỏng, gắn cố định trên một bệ gỗ (khoảng 01m), chọn 2 thanh gỗ nhỏ (cao 50cm) gắn vuông góc với bệ, ở giữa tạo thành một trục cố định tâm, vành xe được hàn cố định thành một dụng cụ có thể xoay vòng, đầu bên kia bệ gỗ gắn cánh quạt tự tạo nằm trong một hộp sắt kín có một ống tròn nhỏ ở đầu để tạo gió, cánh quạt này cũng có thể quay quanh một trục, 2 thiết bị quay được nối với nhau bởi một sợi dây thừng, dụng cụ nhỏ gọn, di chuyển từ nơi này sang nơi khác, người thợ rèn cũng có thể một tay quay tạo gió, tay kia dùng kẹp gắp kim loại đưa vào lò nung.
Nét đặc trưng của người Giẻ-Triêng đó là kiểu dáng dụng cụ lao động của họ vô cùng tinh tế và sắc sảo, đa phần kim loại được lựa chọn rất kỹ. Tất cả những vật dụng họ đang sử dụng trong lao động hầu hết được tạo ra bằng một loại thép rất đặc biệt đó là mảnh bom được nhặt trên rừng hay được tìm dưới sông, loại thép này rất cứng và nặng, khó han rỉ, đến ngày nay họ vẫn có thói quen đi tìm mảnh bom vỡ để về làm dao, cuốc cho gia đình mình. Một điểm nữa là để tạo độ cứng và bền cho dụng cụ lao động, người thợ rèn đã tôi luyện bằng những phương pháp hết sức đặc biệt. Theo cụ A Dun (82 tuổi) thợ rèn lừ lúc 15 tuổi tại làng Đắk Dấc, xã Đăk Môn, huyện Đăk Glei, cho biết: ‘Trước đây các ông già trong làng thường tôi thép bằng lông và da con sơn dương, nung đỏ thanh kim loại đã được định hình, họ cọ sát nhiều lần vào tấm da, sau đó lại nhúng xuống nước, làm nhiều lần như vậy, con dao sẽ sáng và cứng, độ bền sẽ được lâu hơn’. Ở làng Đắk Giá 1 (xã Đắk Ang, huyện Ngọc Hồi), cụ A Hương (81 tuổi) (thợ rèn lâu năm) lại có một cách tôi thép riêng biệt, họ lấy mai của con cua đồng giã nát trộn chung với nước, loại nước này dùng để tôi nhúng kim loại mỗi khi chuẩn bị cho ra lò một dụng cụ nào đó. Theo quan niệm của người xưa, cách làm này thể hiện một sự yêu nghề và họ cho rằng làm như vậy chất lượng con dao sẽ được bóng như mai cua, vật dụng sẽ bền hơn, không bị mẻ, một số người họ lại tôi bằng muối, tuy nhiên vật dụng có tốt hay không cùng tùy thuộc vào nhiều yếu tố như thép, nhiệt độ của than, cách tôi...đó cũng là những kinh nghiệm của các cụ kể lại. Con dao được tạo ra từ đôi tay người thợ Giẻ-Triêng luôn có những điểm khác biệt đó là độ sáng, kiểu dáng đẹp, hoa văn tinh tế và rất sắc bén. Cán dao họ chỉ dùng một loại gỗ duy nhất đó là gỗ trắc, đầu tiếp xúc với chuôi có bọc đồng hoặc nhôm trông rất đẹp, còn về các dụng cụ khác như cuốc, niếc... họ sử dụng gốc tre già làm cán như các dân tộc bản địa khác, riêng cán rìu của họ lại có một lớp bọc bằng lô ô, có chạm hoa văn vô cùng đặc biệt và lạ mắt... Chính bởi điều đó, một số người từ các buôn làng khác, kể cả người Kinh thường xuyên đến đặt hàng, họ muốn sở hữu những vật dụng do chính tay người thợ rèn Giẻ-Triêng tạo ra...
Theo tìm hiểu một số lò rèn tại 3 làng của người đồng bào Giẻ-Triêng, đến ngày nay họ vẫn tạo dụng cụ lao động bằng phương pháp thủ công đơn giản với quy mô nhỏ, phạm vi từ nhà đến khuôn khổ trong buôn làng của mình, riêng lò tạo gió đã được cải tiến từ chất liệu đất và gỗ sang chất liệu thép. Một số gia đình (như gia đình cụ A Eo, 87 tuổi, làng Đắk Giá, xã Đắk Ang, huyện Ngọc Hồi) vẫn xem nghề rèn truyền thống của mình như là công việc bắt buộc gắn với cuộc sống. Trong đời sống ngày nay, họ vẫn có thói quen tự tạo cho gia đình những vật dụng cần thiết khi lên nương rẫy mà không cần phải mua. Được biết công việc này vẫn có người cháu là A Tuấn và một người trong dòng họ đã và đang tiếp nối nghề truyền thống của ông cha mình.

 Triệu Minh Bắc (sưu tầm)

Phong tục cưới hỏi của người Giẻ Triêng (Lý Hải Ninh)

Làng của người Gié Triêng gồm nhiều dòng họ, chủ yếu như: Căp Năng, E đuồt, Na Xó, Bluông, Bruốt, Khoông… Số thành viên trong làng không cố định mà phụ thuộc vào sự di chuyển liên tục của các gia đình nhỏ trong gia đình lớn. Một điểm cần lưu ý là những người cùng dòng họ không được có quan hệ hôn nhân.

Tính trung gian giữa mẫu hệ và phụ hệ trong gia đình của người Gié Triêng dựa trên sự bình đẳng nam nữ. Con trai sinh ra mang họ bố, con gái theo họ mẹ, đó là những nét nổi bật trong hôn nhân và gia đình của người Gié Triêng. Tuy nhiên, phần chủ động trong việc lựa chọn bạn đời lại thuộc về người con gái. Nếu cô gái yêu ai thì tìm cách đánh tiếng trước. Nếu người con trai không đồng ý, người con gái có thể nhờ bạn bè dùng vũ lực bắt cóc. Và nếu chuyện này xảy ra thì mọi người trong làng cũng không lấy gì làm ngạc nhiên. Trong trường hợp người con trai đồng ý, tối tối anh ta sẽ tự nguyện đến với cô gái. Ở xã Đắc Choong – Mường Hoong, người con gái đến tuổi trưởng thành được bố mẹ dựng cho một chiếc chòi nhỏ ở rìa làng làm nơi hò hẹn với bạn tình. Theo tập tục, người con trai chỉ được đến đó hẹn hò không quá 5 tối. Nếu quá thời hạn đó mà gia đình nhà trai chưa ngỏ lời với nhà gái thì làng có quyền phạt vạ 1 con heo và 10 ché rượu.
Thường thường, đôi trai gái yêu nhau luôn được bố mẹ ưng thuận. Sau đó hai bên gia đình sẽ chuẩn bị lễ cưới mà không tiết lộ cho người ngoài biết. Họ quan niệm lễ cưới được tổ chức càng bất ngờ bao nhiêu thì sau đó cuộc hôn nhân càng hạnh phúc bấy nhiêu. Hôm tiến hành hôn lễ, cô dâu bí mật trốn vào rừng để dân làng đi tìm và bắt về. Có lẽ tập tục này có liên quan đến tục cướp vợ xưa kia của vùng Gié Triêng. Sau khi bắt được cô dâu, lễ Bla lập tức được tiến hành. Trong buổi lễ, dân làng vây quanh những ché rượu cần. Cô dâu và chú rể được bố trí ngồi đối diện nhau trước mặt người chủ hôn. Người chủ hôn cầm tay đôi tân hôn đặt lên một con gà. Tiếp đến, mọi người có mặt đều chạm tay vào con gà đó. Nếu ai không làm như vậy đều không có quyền tham gia bữa tiệc. Con gà đó được giết thịt và nấu với cơm. Đôi tân hôn mỗi người được một nắm cơm và một miếng gan gà. Họ ăn rồi đổi cho nhau, sau đó uống chung một bát rượu cần để kết thúc nghi lễ thứ nhất. Lễ bla được tổ chức khác nhau tùy theo từng nơi. Ở Xóp Nghét, lễ này còn được gọi là “lễ ăn cơm canh” (gọi là tuôm xa boóc, xa xế). Hôm đó, cô dâu và chú rể được bắt về ngồi đối diện nhau trên chiếc chõng tre, trước mặt ông mối với một bát cơm và một bát canh. Đôi tân hôn thay nhau ăn bằng một cái thìa gỗ.
Ở vùng Xê Cang Máng, lễ bla được tổ chức đơn giản hơn. Hôm đó, người chủ trì buổi lễ đánh chiêng, tập trung dân làng tại nhà gái rồi cử một số thanh niên đi bắt đôi trai gái về. Theo tập tục, đôi trai gái phải nằm chung trên một chiếc chõng tre ở giữa nhà và đắp chung một chiếc chăn mỏng. Người chủ trì buổi hôn lễ bứt mấy sợi tóc của đôi tân hôn đó bỏ lên đầu nhau.
Tiếp đó là nghi lễ tava được tổ chức sau lễ bla vài tháng. Người ta làm thịt một con lợn, chia đôi cho hai bên gia đình làm tiệc mời làng. Ngược lại, mọi người cũng mang quà, rượu đến mừng gia chủ.
Nghi lễ thứ ba là talu, được tiến hành trong nội bộ hai gia đình. Thực chất đây là bữa cơm thân mật, nhận họ hàng, nhận thành viên mới của hai họ.
Sau đó nhiều tuần lễ, nhà gái mang củi sang nhà trai xếp thành từng đống lớn để làm lễ loong (củi). Người ta vẩy rượu lên những đống củi và khấn thần linh phù hộ cho đôi vợ chồng sinh được nhiều con cái, khỏe mạnh… Trong lễ này, nhà trai tặng nhà gái một số đồ đan, nhà gái tặng nhà trai những sản phẩm dệt, ở vùng Đắc Pét là sản phẩm của nghề gốm do chính tay phụ nữ làm ra.
Nghi lễ thứ năm là cheo yêng (rời bỏ nhà rông). Sau lễ này đôi tân hôn từ biệt ngôi nhà công cộng trở về chung sống với cha mẹ. Thực chất là buổi lễ tạm biệt những bạn bè mà trước đây họ đã cùng nhau sinh hoạt và ngủ đêm tại nhà rông. Sau lễ này, người chủ hôn dẫn đôi vợ chồng về nhà, đặt tay họ lên con lợn sẽ hiến sinh. Khi giết lợn, họ lấy tiết bôi lên giường cưới, với ngụ ý là cầu cho đôi vợ chồng ấy có được nhiều con cái.
Đây là một tập tục đẹp và khá độc đáo của người Gié Triêng, thể hiện quan niệm về hôn nhân và hạnh phúc gia đình, phần nào đó là sự đề cao quyền tự chủ của nữ giới trong việc lựa chọn bạn đời và quyết định hạnh phúc của chính mình.
Do ảnh hưởng chế độ mẫu hệ, nên người con gái Giẻ Triêng đến tuổi trưởng thành sẽ chủ động nhờ người bạn gái thân của mình tặng quà qua lại với người con trai mà cô gái để ý tới.

Nếu chàng trai thuận tình, cô gái sẽ gửi lời mời cho chàng trai sang nhà Rông ngủ chung. Đêm đó, nếu chàng trai có giấc mơ xấu thì tình duyên sẽ không thành; nếu là giấc mơ đẹp, nghĩa đã hợp nhau, hai người liền về thưa với cha mẹ để nhờ người mai mối làm cầu nối cho cuộc hôn nhân.
Sáng ngày diễn ra lễ cưới, họ hàng nhà gái cõng củi (lễ vật không thể thiếu trong lễ cưới của người Giẻ Triêng) sang nhà trai do cô dâu dẫn đầu. Số lượng củi nhiều hay ít tùy theo số lượng người thân bên nhà chồng. Củi được nhà chồng chia cho người thân thích trong họ, giữ lại một phần để khi nào nhà có việc mới đem dùng chụm lửa, nhóm bếp. Chuyển củi xong, đôi trai gái cùng bố mẹ, họ hàng vào trong nhà đã có sẵn rượu, lợn, gà, gùi đựng đồ… để làm lễ, do người mai mối điều hành.
Lợn bên nhà trai do nhà gái chọc tiết. Họ hàng có mặt, người đứng sau đặt tay lên lưng áo người chọc tiết lợn, cứ vậy, người sau đặt tay lên áo người trước nối thành hàng dài để cùng cầu nguyện cho đôi vợ chồng trẻ và chính bản thân mình được khỏe mạnh, hạnh phúc, no đủ, không ốm đau…

Sau đó, nhà trai làm thịt lợn nấu nướng cùng các loại thực phẩm khác đem rượu, cơm lam ra cùng ăn uống. Sau khi ăn uống xong, ngoài việc nhà trai đem tặng nhà gái một đùi sau của con lợn, gạo, muối, ớt, bầu rượu…
Tất cả được bỏ vào gùi để nhà gái mang về. Người mai mối lại làm tiếp chủ lễ Tặng lễ vật. Đôi trai gái cùng bố mẹ đứng trước cái gùi đựng trang phục đã được cô gái chuẩn bị trước, họ hàng nhà gái lấy ra một chiếc váy đẹp nhất cho cô dâu mặc, sau đó mọi người lấy rượu trong ghè ra ống hoặc vỏ bầu mời nhau bằng lời hát, mời qua mời lại.
Nhà trai sẽ chuẩn bị những thứ như: Gùi, cuốc, rìu, rựa, ná… trước khi mang những thứ đó sang nhà gái, người cha căn dặn chú rể từ cách mài rựa cho sắc, cách lên dây ná cho căng… để chú rể sẵn sàng cho cuộc sống tự lập.
Sau khi nghỉ một ngày, họ hàng nhà trai cùng những người mai mối sang nhà gái, mọi lễ thức lại diễn ra như bên nhà trai. Nhà trai chọc tiết lợn bên nhà gái… mọi người lại ăn uống, hát đối đáp giao duyên chúc cho đôi vợ chồng trẻ sống hạnh phúc bền lâu.
Chú rể ở bên nhà vợ chừng một tuần, sau đó đôi vợ chồng trẻ chính thức về bên nhà trai để xây dựng cuộc sống riêng. Trước khi về nhà trai, đôi vợ chồng trẻ cùng nhau vác rựa, ná… lên thăm rẫy, coi như ra mắt người chủ mới của nương rẫy. Mẹ vợ bảo ban dạy cô dâu cách dệt vải, cài hoa…
Khi đôi vợ chồng từ biệt nhà gái về nhà trai, bố mẹ cô gái tặng cho đôi vợ chồng một cây cài cửa, giỏ muối bỏ bếp và con chó đưa chân. Đây là những vật có ý nghĩa mong cho tình cảm vợ chồng bền chặt, ấm tình.
PHONG TỤC CƯỚI HỎI CỦA NGƯỜI GIẺ TRIÊNG
Bước sang tuổi 15, các cô gái Giẻ Triêng bắt đầu hành trình đi “kiếm củi hứa hôn” để “bắt chồng”.


Nhiều củi tình yêu càng mặn nồng
Theo một người già nhất trong làng cho biết, con gái người dân tộc Giẻ Triêng ở cực Bắc Tây Nguyên khi bước qua tuổi 15 bắt đầu nghĩ tới việc vào rừng đốn củi để đủ điều kiện “bắt chồng”.
Mỗi lần lên rẫy, các bà mẹ lại chỉ dẫn tỉ mỉ cho các cô con gái bé nhỏ của mình cách nhận biết cây củi “hứa hôn”. Tiêu chí đốn củi nhiều, đẹp, đều đồng nghĩa với việc sau này tình yêu đôi lứa của cô gái này với chàng trai càng trở nên sâu nặng.


Theo phong tục người Giẻ Triêng, trước khi tiến hành nghi lễ “bắt chồng” thì người con gái phải đốn đủ 100 bó củi (dài từ 80 — 90 cm), điều này đã đi vào đời sống của mọi người hàng ngàn năm nay và trở thành “luật bất thành văn”.
Củi hứa hôn nhất thiết phải là cây dẻ, một loại cây mọc khá thẳng, vừa chắc phơi khô và cõng về nhà, khi đốt rất đượm than.
Khi đã chuẩn bị củi hứa hôn đồng nghĩa với việc đã biết tỏ tình. Củi hứa hôn là của hồi môn nhà con gái đem dành cho nhà trai.


Sau khi đã chuẩn bị đủ số lượng củi, cố tìm đến chàng trai mà mình “ưng cái bụng” để “đánh tiếng”, nếu chàng trai đồng ý thì buổi tối tự nguyện đến tâm sự với cô gái tại nhà Rông.
Theo phong tục ở đây, chỉ cần quan sát củi hứa hôn có thể đoán biết được phẩm chất, tài khéo léo của người thiếu nữ đó, giỏi giang hay vụng về. Cây củi được chặt bằng, bó củi đều nhau có nghĩa cô con dâu khéo tay.
Thiếu nữ phải dùng dao chặt củi thật tỉ mỉ thành 5 cánh nhưng từng thanh củi nhất thiết không được rời ra.
Theo tục trước đây, khi đi đốn củi hứa hôn, người con gái phải tự mình vào rừng tìm cây và đốn củi mang về, nhưng nay, người thiếu nữ có thể nhờ người thân giúp đỡ.


Theo tục lệ cũ, con trai khoảng 10 tuổi bắt đầu ngủ đêm tại nhà Rông, sau đó vài ba năm sẽ lấy vợ. Con gái chủ động trong việc hôn nhân của mình và sự lựa chọn của con cái được cha mẹ tôn trọng.
Trước khi lập gia đình, con trai phải biết đan lát, biết tấu chiêng cồng, các cô gái phải thạo đan chiếu, dệt vải (ở những vùng có nghề dệt). Cô gái phải chuẩn bị đủ 100 bó củi đẹp để nộp cho nhà trai trong lễ cưới.
Đêm tân hôn không được ăn trái cấm
Sau đám cưới, đôi vợ chồng trẻ được phép ngủ chung với nhau môt sạp nhưng tuyệt đối không được làm “chuyện đó" trong đêm tân hôn mà phải sau ngày cưới một năm, đôi vợ chồng trẻ mới được ăn trái cấm.


Từ xưa nay ai cũng vậy, ai chưa đủ một năm đã sinh con thì bị làng phạt vạ, nhẹ nhất là một con heo, còn nặng thì một con bò.
Các chàng trai người Giẻ Triêng sau khi tiến hành hôn lễ, phải cắp quần áo sang nhà gái làm phận nô tỳ, thường chàng trai phải ở rể 3 năm trở lên, coi đây là nghĩa cử báo đáp công nuôi dưỡng sinh thành của gia đình nhạc phụ.

QUY TRÌNH HÔN LỄ CỦA NGƯỜI GIẺ – TRIÊNG
Trong qui trình hôn lễ của người Giẻ – Triêng, sau khi tổ chức xong các nghi lễ trước hôn nhân , như : Lễ đính hôn (long), lễ hợp cẩn (bla), lễ trình làng (tava), lễ ra mắt họ hàng (talu)… …Và lễ giã từ nhà rông thì họ tiếp tục chuẩn bị tổ chức một số nghi lễ chính.


Quy trình hôn lễ chính này thường được người Giẻ – Triêng tiến hành trong giai đoạn từ tháng 10 đến tháng 11 hàng năm vì khi đó mới thu hoạch xong mùa màng (nông nhàn), điều kiện vật chất tốt, có nhiều thời gian rỗi, thời tiết thuận lợi và trời đẹp…. Quy trình hôn lễ này thường được tổ chức trong 3 ngày:
Ngày thứ nhất – Ngày chuyển củi – Ngày hỏi:
Củi cưới có vị trí quan trọng trong chuyện hôn nhân của người Giẻ – Triêng.
Củi cưới là của hồi môn, là lễ vật thiêng liêng do người con gái chuẩn bị trong thời gian chuẩn bị lấy chồng . Kết quả nhiều hay ít, xấu hay đẹp là biểu hiện về sự trưởng thành, khả năng làm chủ gia đình mẫu hệ của người con gái. Vì vậy, khi bước vào quy trình chính của hôn lễ, người con gái xin ý kiến của Già làng, gia đình chuyển đống củi cưới cô đã chuẩn bị sang nhà trai. Vì vậy, người Giẻ – Triêng còn gọi củi cưới là củi bắt chồng , củi cho chồng . Trong ngôn ngữ và thực tế, người Giẻ – Triêng không có ngày “ăn hỏi”, không có từ đám hỏi, họ có ngày chuyển củi sang nhà trai, là ngày cõng củi và họ coi đó là ngày hỏi, đám hỏi. Người cõng củi trong ngày này, ngoài cô dâu (bắt buộc) còn có các cô gái đã có chồng trong làng giúp cô (trừ các cô gái chưa chồng). Việc chuyển củi cưới, dù ít hay nhiều cũng phải chuyển xong trong một ngày, nếu quá nhiều, hoặc khoảng cách giữa hai nhà quá xa thì phải nhờ thêm nhiều người giúp. Chính vì lý do đó, nhiều cuộc chuyển củi cưới có đoàn người cõng củi khá đông, có khi đến trên 20 người. Khi lượng củi chuyển qua nhà trai được khoảng hai phần ba, một số đàn ông nhà gái tới chặt cây, đào lỗ chôn cột, chuẩn bị cho việc xếp củi vào ngày hôm sau.
Ngày thứ hai – Ngày xếp củi – Ngày cưới:
Ngày xếp củi được coi là ngày cưới nên cũng có nghi lễ trong khi xếp củi. Sau khi củi cưới đã được rã ra, sẵn sàng cho việc xếp củi, cô dâu phải lấy những thanh củi đầu tiên, tự tay đưa cho chồng, rồi người chồng mới chuyển chúng cho bố mẹ của mình để họ tự tay xếp lượt củi cưới đầu tiên lên dàn khuôn đã chuẩn bị sẵn (dàn đáy). Sau nghi lễ đó những người thân mới tiếp tục xếp củi cưới thành khối vuông vức. Theo phong tục của người Giẻ – Triêng, sau khi nhà trai nhận củi, đôi trai gái đó coi như đã thành vợ, thành chồng, họ không được quan hệ tình cảm (yêu) với người khác. Trong ngày xếp củi, nhà trai làm cơm đãi những người xếp củi và nhà gái. Hoàn tất việc xếp củi, phần nghi lễ trong quy trình hôn lễ coi như đã hoàn tất, phần còn lại chỉ là việc tổ chức tiệc cưới chiêu đãi làng và người thân.
Ngày thứ ba – Tiếp đãi khách và tiệc cưới:
Một việc rất quan trọng là cuối ngày xếp củi, hai bên gia đình phải (phong tục, bắt buộc) trồng cây nêu để thông báo với mọi người trong làng, khách ở gần xa biết việc tổ chức đãi tiệc và biểu diễn nghệ thuật dân gian trong dịp cưới. Việc làm cây nêu được Già làng hoặc những người thông thạo phong tục hướng dẫn, giúp đỡ. Không khí trong làng vào dịp này rất nhộn nhịp, người lớn thì bàn bạc cách thức tiến hành hôn lễ, chuẩn bị lương thực, thực phẩm để làm tiệc đãi khách. Các nghệ nhân tập lại các tiết mục nghệ thuật dân gian, trai gái thì chuẩn bị trang phục, cồng chiêng, nhạc cụ… và lo các việc khác phục vụ ngày cưới. Trẻ em thì phấn khởi vì được mặc áo đẹp, được xem văn nghệ… và quan trọng hơn là được ăn ngon. Vật chất đãi tiệc trong hôn lễ, quan trọng nhất là rượu cần. Vì vậy, tối thiểu nhà trai cũng như nhà gái phải chuẩn bị từ 20 đến 30 ghè (ché). Số rượu này một phần do gia đình chuẩn bị trước, một phần do người trong dòng tộc, người thân cho. Đối với thực phẩm, bò và heo được mổ thịt ngay trong đêm, một số thịt được nướng sơ rồi sau đó mới mang đi để chế biến thành các món ăn. Số thịt heo, thịt bò còn lại được xẻ thành từng miếng gần bằng nhau, xâu bằng lạt tre để làm quà chia đều cho bà con, họ hàng và cả khách thập phương đến làng vào dịp đám cưới. Việc làm tiệc cưới, không nhất thiết ngày thứ ba cả hai bên đều phải làm, nó tùy thuộc vào khoảng cách giữa hai gia đình gần hay xa, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế mỗi bên chuẩn bị ra sao.
Nếu hai bên cùng đã chuẩn bị tốt và họ cùng làng thì có thể tiến hành tổ chức tiệc cưới trong cùng một ngày. Khi đó, nếu ai có họ với bên nào thì sẽ đến bên đó trước, sau đó họ sẽ tiếp tục đến dự ở nhà bên kia. Đối với cô dâu, chú rể phải đi cùng nhau ở cả đôi bên, bên nào trước đều được để nhận lời chúc mừng hạnh phúc của mọi người. Trường hợp bên nào chưa chuẩn bị xong thì làm sau nhưng không được kéo dài quá thời điểm vợ chồng sinh con đầu lòng. Việc chưa tổ chức xong tiệc cưới thì coi như là vẫn còn nợ làng và nếu kéo dài tới quá khi sinh con đầu lòng thì vô cùng tủi hổ, dù sau này có trả được vẫn bị chê cười, thậm chí còn bị đòi hỏi thêm nhiều thứ khác giống như là bị phạt. Ngày nay, do kinh tế phát triển, tiệc tùng không quá linh đình nên chuyện nợ tiệc cưới gần như không còn nữa vì vậy ngay sau ngày xếp củi thì cả hai bên đều đã chuẩn bị chu đáo và cùng đãi tiệc mọi người. Đặc biệt, khách lạ khi đến làng người Giẻ – Triêng thấy có cây nêu, có đãi tiệc thì có thể vào bên trai hay gái đều được và luôn được đón tiếp chu đáo, không phải kiêng cữ hay phải có quà mừng gì. Không những thế, khi ra về lại còn được chia một phần quà như tất cả người thân trong làng, trong dòng họ. Biểu diễn nghệ thuật là nội dung không thể thiếu trong dịp cưới mà trong đó cồng chiêng có vị trí quan trọng. Khi việc ăn uống tương đối đầy đủ, họ bắt đầu hát, họ hát các bài hát có nội dung chúc mừng gia đình, chúc đôi bạn trẻ mau chóng có con, có cháu….
Cứ thế cuộc vui kéo dài tới chiều tối thì chiêng trống nổi lên, trai gái trong làng thay những bộ váy áo mới, mọi người đều trong trạng thái vui vẻ. Khi men say đã ngấm, họ tiếp tục nhảy múa, ca hát và nếu ai đó say quá thì có thể về hoặc kiếm chỗ nghỉ tạm để khi tỉnh lại tiếp tục ăn uống, hát và nhảy múa. Vào thời điểm biểu diễn nghệ thuật, khi âm vang của cồng chiêng trầm hùng vang vọng khắp núi rừng, thấm sâu vào lòng đất, kết hợp với các điệu xoang của các chàng trai cô gái trong trang phục truyền thống và rượu cần , đã tạo nên một tổ hợp các hoạt động. Khi rượu cần đủ ngấm, bước xoang ngất ngây trong tiếng cồng chiêng thì tâm hồn mỗi người dự cuộc vui ngày cưới càng thêm cởi mở. Con người, thiên nhiên, đất trời càng xích lại gần nhau, gắn bó với nhau và dường như họ muốn cỏ cây, muông thú, đất trời cùng say chung với mình, cùng vui chung với mình.

Củi hứa hôn và phong tục cưới hỏi của người Giẻ Triêng
Bước vào tuổi cập kê, các cô gái Giẻ Triêng bắt đầu hành trình đi kiếm “củi hứa hôn” để “bắt chồng”.
Đến các làng của người Giẻ Triêng ở Bắc Tây Nguyên, dễ thấy ở rất nhiều gia đình có những đống củi được cắt bằng nhau, xếp ngay ngắn ở đầu nhà, hoặc trước sân và được che chắn cẩn thận. Đấy chính là “củi hứa hôn” của các thiếu nữ Giẻ Triêng.
Theo phong tục của người Giẻ Triêng, khi bước qua tuổi 15, các cô gái bắt đầu nghĩ tới việc vào rừng đốn củi để đủ điều kiện “bắt chồng”. Mỗi lần lên rẫy, các bà mẹ lại chỉ dẫn tỉ mỉ cho con gái cách nhận biết cây củi “hứa hôn”. Tiêu chí đốn củi nhiều, đẹp, đều đồng nghĩa với việc sau này tình yêu đôi lứa của cô gái với chàng trai càng trở nên sâu nặng. “Củi hứa hôn” thường là những thân cây gỗ tốt, đượm than, suôn và thẳng (tốt nhất là thân cây dẻ) được đốn bằng nhau, phơi khô. Số lượng củi thường là 100 bó, chiều dài 1 mét và đường kính bó củi từ 40-50cm.

Thiếu nữ Giẻ Triêng chuẩn bị củi hứa hôn để “bắt chồng”

Người Giẻ Triêng cho rằng, chỉ cần quan sát củi hứa hôn có thể đoán biết được phẩm chất, tài khéo léo của người thiếu nữ đó, giỏi giang hay vụng về. Cây củi được chặt bằng, bó củi đều nhau có nghĩa cô gái khéo tay. Thiếu nữ phải dùng dao chặt củi thật tỉ mỉ thành 5 cánh nhưng từng thanh củi nhất thiết không được rời ra. Những thanh củi tình yêu này cũng chính là tài sản hồi môn đặc biệt của cô dâu dành để sưởi ấm cho cha mẹ chồng khi giá rét.
Sau khi đã chuẩn bị đủ số lượng củi, cô gái tìm đến chàng trai mà mình “ưng cái bụng” để “đánh tiếng”, nếu chàng trai đồng ý thì buổi tối tự nguyện đến tâm sự với cô gái tại nhà Rông. Trong thời gian đôi trai gái tìm hiểu nhau, một người có uy tín trong làng, không có họ hàng với hai gia đình chuẩn bị lễ vật đứng ra làm mai mối. Lễ vật bao gồm: Một hũ rượu nhỏ, hai chiếc cần (ống hút) để uống đem đến nhà trai hoặc nhà gái do người mai mối chọn (thường thì nhà chàng trai) và gọi người con gái đến cùng uống rượu. Sau khi đôi trẻ đã uống, cha mẹ của chàng trai sau đó là người mai mối cùng uống rượu chung vui. Cũng trong thời gian uống rượu và trò chuyện, người mai mối trình bày nội dung của buổi uống rượu hôm đó. Khi hũ rượu đã được uống cạn, cũng là lúc đôi trai gái thành vợ thành chồng.
Và, tất nhiên đêm về đôi trai gái được phép ngủ chung. Tuy là vợ chồng của nhau, được ngủ chung trong chiếc buồng nhỏ dành cho họ, nhưng trong thời gian một năm ngủ chung ấy, người con gái không được phép có thai. Nếu vi phạm quy định, đôi trai gái ấy phải chịu “hình phạt” của làng, sẽ bị đuổi ra xa cách làng hơn 2km, tự làm lều để ở và cũng không được ai quan tâm thăm hỏi đến họ.


Trong thời gian một năm đến ngủ chung ở nhà chồng, cô gái thường lên rừng cõng củi về cho gia đình chàng trai, thỉnh thoảng lại tự tay mình giã gạo mang đến cho “chồng”. Những người trong gia đình cô gái cũng giúp cô cõng củi về nhà tập kết và che chắn cẩn thận. Đến một ngày được xem là “ngày lành tháng tốt”, nhà gái cử người đến báo với nhà trai và tập trung họ hàng cõng củi đến nhà trai (chỉ cho phép cõng trong một ngày). Nếu gia đình nhà trai đã đi lên nương rẫy, đích thị chàng trai phải lên nương tìm gọi bằng được họ hàng về để tiếp đón nhà gái.
Không chỉ cõng củi cho gia đình chồng, mà nhà gái phải cõng cho anh chị ruột của chồng, là những người đã xây dựng gia đình ra ở riêng mỗi người 20-30 bó củi. Đáp lại tình cảm của họ hàng nhà gái, gia đình chàng trai cũng tập trung anh em lại, giã gạo, thổi cơm mời những người cõng củi ở lại “dự tiệc”. Ngoài ra, mỗi người tham gia cõng củi đều được nhà trai “tặng” một bộ áo quần, ít nhất cũng được một cái Kà Tu. Riêng anh em ruột của cô gái thì nhất thiết phải đủ mỗi người một bộ.
Sau ngày nhà gái đã cõng củi đến nhà trai, gia đình chàng trai chuẩn bị làm cơm mời nhà gái đến “dự tiệc”, để cảm ơn nhà gái đã cõng củi cho gia đình. Khi đến mời gia đình nhà gái dùng cơm, phải mang theo lễ vật là những chú chuột, chú chim đã được sấy khô chuẩn bị từ những ngày trước, số lượng từ 60-70 con tùy thuộc vào nhà trai. Sau hôm cõng củi và lễ mời cơm ấy, họ hàng hai bên mới chính thức trở hành “sui gia” và tiếp tục đi lại thăm hỏi nhau.

Phong tục tập quán của người Giẻ Triêng
Tái hiện một số hình ảnh lễ cưới của người Giẻ Triêng, tỉnh Kon Tum
Theo phong tục người Giẻ Triêng, trước khi tiến hành nghi lễ “bắt chồng” thì người con gái phải đốn đủ 100 bó củi và sản phẩm dệt để đem đến nhà chồng, điều này đã đi vào đời sống của mọi người hàng ngàn năm nay và trở thành “luật bất thành văn”. Ngày nay phong tục này vẫn còn được lưu giữ, nhưng do cần phải bảo vệ tài nguyên rừng nên số củi cũng được giảm bớt, nhưng ít nhất vẫn phải có từ 1 – 2 bó.
Theo quan niệm của người Giẻ Triêng, đây là những thanh củi “hứa hôn”, thể hiện phẩm chất, tài khéo léo, siêng năng của người con dâu. Phía nhà trai, nếu khá giả mang bò, chiêng, ché, nồi đồng và không thể thiếu đồ đan lát như gùi để tặng nhà gái. Trong lễ vật của nhà trai bắt buộc phải có chim, chuột rừng.
Lễ cưới được chính thức diễn ra dưới sự điều hành của người mai mối. Đám cưới phải được tổ chức vào ban ngày, mở đầu bằng việc chuyển củi từ nhà gái sang nhà trai.
Trong lễ cưới, người làm mai mối giết gà lấy tiết để cúng gọi các vị thần xuống chứng giám cho đôi bạn trẻ đã nên vợ nên chồng và phù hộ cho họ sau này làm ăn no đủ, sinh con đẻ cái khỏe mạnh, gia đình hạnh phúc.
Một sản phẩm dệt không thể thiếu mà nhà gái đem đến nhà trai đó là tấm dồ (Rơ moong), thể hiện tấm lòng của cô dâu dành cho nhà chồng. Còn, nhà trai tặng cho nhà gái gùi, đây là sản phẩm để khoe tài năng đan lát của mình với nhà gái, chiếc gùi mang nhiều may mắn và cô dâu tương lai sẽ luôn mang chiệc gùi chứa đầy hạnh phúc.
Người làm mai mối trao cho cô dâu, chú rể cần rượu, hai người cùng uống và đổi cần rượu cho nhau, họ cùng trao nắm cơm và cùng nhau ăn (mỗi người ăn 7 nắm), thể hiện sự gắn kết hạnh phúc bên nhau suốt đời.
Sau khi làm lễ xong, người mai mối kêu gọi dân làng đến cùng chia vui và chúc phúc cho cô dâu, chú rể. Họ cùng đánh cồng chiêng, uống rượu cần, hò hát, múa xoang …

Phục dựng lễ cưới của người Giẻ-Triêng
Ngày 9.7, Ông Phạm Cao Đạt, Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tại tỉnh Kon Tum cho biết, ngành văn hóa tỉnh đã lần đầu tiên phục dựng được lễ cưới của người dân tộc Giẻ-Triêng (nhánh Triêng) tại làng Đắk Răng, xã Đắk Dục, huyện Ngọc Hồi, Kon Tum.

Đoàn nhà trai đi đón dâu.

Lễ cưới của người Triêng được chia thành 2 phần chính: lễ đám hỏi (Ta Vuy Treng) và lễ cưới (Che Chia). Theo phong tục của dân tộc Triêng, lễ hỏi được tổ chức vào ban đêm lần lượt từ nhà trai sang nhà gái và phải bí mật (chỉ có những người thật gần gũi với chú rể và cô dâu).
Theo quan niệm người Triêng vì sợ những người xấu bụng “lời ra tiếng vào”, tác động xấu đến tình cảm của đôi trẻ mà lễ hỏi mới phải bí mật. Tại lễ hỏi, người mai mối (Chekaăm la) khấn xin phép thần linh, bắt chéo hai cần rượu đưa cho đôi trai gái uống phép cùng với một con gà lớn là vật hiến sinh, và việc cắt cổ gà ở nhà trai phải được trao cho cô gái đảm nhận.
Sau khi tiến hành xong đám hỏi ở nhà trai, nhà gái đón nhà trai và người mai mối làm đám hỏi ở nhà mình. Theo phong tục, nếu đôi trẻ không ở cùng làng thì đám hỏi bên gái sẽ tiến hành vào đêm hôm sau. Từ đây, đôi trẻ sẽ có quyền gọi cha mẹ của 2 bên và xem người thân của 2 bên như của mình.
Lễ cưới được diễn ra sau lễ hỏi từ 7 – 10 ngày dưới sự giúp đỡ của cả cộng đồng trong làng. Theo tục lệ của người Triêng, thanh niên trong làng cùng vào rừng sâu, lên rẫy, ra sông bắt con dơi, con chuột, con chim, con mang, con cá… để chế biến, phơi khô chờ ngày đám cưới. Các cô gái thì thay nhau đi hái đọt măng, rau dớn, cây chuối non… và giúp cô dâu lấy củi.
Theo quan niệm của người Triêng, đây là những thanh củi tình yêu, là tài sản hồi môn đặc biệt của cô dâu dành để sưởi ấm cho cha mẹ chồng khi giá rét.
Theo phong tục người Triêng, đám cưới không được đánh cồng chiêng. Đám cưới phải được tổ chức vào ban ngày, mở đầu bằng việc chuyển củi từ nhà gái sang nhà trai.
Lễ cưới được chính thức diễn ra dưới sự điều hành của người mai mối. Lợn phải do nhà trai chuẩn bị và đại diện nhà gái chọc tiết.
Tại nghi thức này, mọi người đứng sau chạm tay vào áo người đứng trước và chạm vào người giữ con dao chọc tiết lợn với ý nguyện chúc phúc cho đôi vợ chồng trẻ và bản thân mình cũng được khỏe mạnh, hạnh phúc, no đủ.
Nhà trai tặng cho nhà gái một đùi sau của con lợn, ít gạo, muối, ớt và 1 bầu rượu để nhà gái gùi mang về.
Sau khi ăn uống no say, người mai mối tiếp tục tiến hành lễ Tặng lễ vật và nhà trai, nhà gái chúc nhau bằng hình thức đối đáp, giao duyên (còn gọi là Ning).
Theo phong tục, sau đám cưới nhà trai sẽ là đám cưới ở nhà gái. Nếu đôi trai gái không ở chung làng thì sau đám cưới nhà trai, 2 bên nghỉ 1 ngày rồi qua nhà gái tổ chức. Mọi lễ thức diễn ra tương tự ở nhà trai nhưng riêng lợn nhà gái chuẩn bị phải do nhà trai chọc tiết.
Sau khi tổ chức đám cưới, chú rể phải ở lại nhà gái 1 thời gian rồi mới đưa cô dâu về nhà mình ở hẳn.
Ngày đưa cô gái về nhà chồng, gia đình nhà gái thường tặng cho nhà trai 3 món quà gồm: cây cài cửa (Tạc hleng plo), giỏ muối để bếp (Bo tô plo) và con chó đưa chân (Cho yan Jôông).
Củi – Lễ vật bắt chồng của thiếu nữ Giẻ -triêng
Là một trong những tộc người sinh sống và cư trú lâu đời trên dãy Trường Sơn – Tây nguyên, người Giẻ – triêng đã sáng tạo nên một nền văn hóa vô cùng độc đáo với những phong tục tập quán, lễ hội mang đậm dấu ấn của nền văn hóa nương rẫy. Một trong những phong tục đó là tục cưới xin của người Giẻ – triêng với củi là vật định hôn.
Cũng giống như các dân tộc khác trên dãy Trường Sơn – Tây Nguyên, phong tục cưới xin của người Giẻ – triêng cũng có nhiều công đoạn, từ việc tìm hiểu đến hôn lễ. Khi trai gái Giẻ – triêng ưng nhau qua những điệu hát đối đáp thì nhà trai, nhà giá mới bắt đầu gặp mắt để lo cưới hỏi cho đôi lứa. Nhưng trước khi tổ chức nghi lễ cưới chính thì có các nghi lễ phụ khác như: lễ đính hôn, lễ hợp cẩn, lễ trình làng, lễ ra mắt họ hàng, lễ giã từ nhà Rông. Nghi lễ cưới chính của đôi trai gái Giẻ – triêng thường được diễn ra vào tháng 10 và tháng 11 hàng năm, khi mùa màng đã thu hoạch, của cải vật chất đầy đủ, người dân bản nhàn rỗi và thời tiết cũng thuận lợi

Theo phong tục xưa truyền lại thì, lễ cưới chính của người Giẻ – triêng thường được diễn ra trong 3 ngày với các nghi lễ như: lễ chuyển củi, lễ xếp củi và cuối cùng là tiệc đãi dân bản. Tại sao lại gọi là lễ chuyển củi, xếp củi, bởi theo các già làng kể lại thì từ xưa củi đã là vật hứa hôn của các cô gái Giẻ – triêng với chàng trai mà họ yêu. Các thiếu nữ Giẻ – triêng khi đến tuổi cập kê thường lên rừng đốn củi mang về nhà xếp thành bó dể sau này cõng về nhà chàng trai mà mình sẽ lấy làm chồng.
Củi hứa hôn có một vị trí quan trong trong hôn lễ của người Giẻ – triêng. Củi xấu hay đẹp, cong hay thẳng, nhiều hay ít thể hiện sự khéo léo, trưởng thành và khả năng làm chủ gia đình của người phụ nữ Giẻ – triêng. Ngày đầu tiên của hôn lễ chính là ngày chuyển củi mà người kinh thường gọi là ngày ăn hỏi. Trong ngày này, cô gái sẽ xin ý kiến của già làng, gia đình sau đó chuyển đống củi sang nhà trai. Đó gọi là củi bắt chồng, hay củi cho chồng.

Người cõng củi trong ngày này ngoài cô dâu còn có các phụ nữ có chồng trong làng giúp cô. Việc chuyển củi sang nhà trai, dù ít hay nhiều cũng phải chuyển xong trong một ngày. Nếu nhà cô trai và nhà gái quá xa mà củi hứa hôn lại nhiều thì cần thêm nhiều người giúp. Chính vì lý do đó, nhiều cuộc chuyển củi cưới có đoàn người cõng củi khá đông, có khi đến trên 20 người. Khi lượng củi chuyển qua nhà trai được khoảng hai phần ba, một số đàn ông nhà gái tới chặt cây, đào lỗ chôn cột, chuẩn bị cho việc xếp củi vào ngày hôm sau.
Ngày xếp củi được coi là ngày cưới nên cũng có nghi lễ trong khi xếp củi. Sau khi củi cưới đã được ngả ra, sẵn sàng cho việc xếp củi, cô dâu phải lấy những thanh củi đầu tiên, tự tay đưa cho chồng, rồi người chồng mới chuyển chúng cho bố mẹ của mình để họ tự tay xếp lượt củi cưới đầu tiên lên dàn khuôn đã chuẩn bị sẵn (dàn đáy). Sau nghi lễ đó những người thân mới tiếp tục xếp củi cưới thành khối vuông vức.

Theo phong tục của người Giẻ – Triêng, sau khi nhà trai nhận củi, đôi trai gái đó coi như đã thành vợ, thành chồng, họ không được quan hệ tình cảm (yêu) với người khác. Trong ngày xếp củi, nhà trai làm cơm đãi những người xếp củi và nhà gái. Hoàn tất việc xếp củi, phần nghi lễ trong quy trình hôn lễ coi như đã hoàn tất, phần còn lại chỉ là việc tổ chức tiệc cưới chiêu đãi làng và người thân.
Một việc rất quan trọng là cuối ngày xếp củi, hai bên gia đình phải (phong tục, bắt buộc) trồng cây nêu để thông báo với mọi người trong làng, khách ở gần xa biết việc tổ chức đãi tiệc và biểu diễn ngh ệ thuật dân gian trong dịp cưới. Việc làm cây nêu được Già làng hoặc những người thông thạo phong tục hướng dẫn, giúp đỡ.
Lý Hải Ninh (sưu tầm) 

Bếp trong đời sống người Triêng (Lan Phiếu)

Bếp của gia đình anh Blút Vớt người Triêng thôn Đắk Ốc, xã La Dêê, huyện Nam Giang, tinh Quảng Nam
Người Triêng ở miền núi Quảng Nam luôn xem bếp là một hình ảnh thân thương, nơi sinh sống của các thế hệ trong một gia đình. Và với họ, sự tồn tại hoặc suy vong luôn ảnh hưởng lớn đến đời sống, lao đống sản xuất, tín ngưỡng dân gian...của cộng đồng đều có mối quan hệ mật thiết với bếp của họ.
Nằm về phía Nam của dãy Trường Sơn hùng vĩ, giáp với nước bạn Lào,
trải dài theo trục của sông Thanh và sông Đắk Pring địa hình đã phân chia vùng cư trú của người Triêng(một nóm địa phương thuộc dân tộc Giẻ Triêng) tạo thành một hành lang nối liền với các bản làng của các anh em như: Cơtu và Ve trong vùng. Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, người Triêng sống tập trung ở các xã: La Dêê, Đắk Tôi, La Êê, Đắk Pring, Đắk Pre và một phần của xã TàhBing huyện miền núi cao Nam Giang với số dân khoảng 3.750 người. Tùy theo thế mạnh và phương thức sản xuất của từng làng nhưng qui tụ lại có nguồn nước quanh năm không cạn để uống, sinh hoạt gia đình và canh tác nương rẫy...Hôm nay, đến huyện miền núi Nam Giang các làng như: Đắk Rế, Đắk Ro ở nơi chót vót họ có thế mạnh về săn bắt và phát núi làm lúa rẫy, làng Kong Tơ Năng, Đắk Tà Vâng ở thấp có thế mạnh trồng lúa nước, làng Đắk Ôốc có thế mạnh làm rẫy, trồng trọt hoa màu và chăn nuôi, làng Đắk Zric trồng trọt và chăn nuôi...

Đến nay, người ta biết đến ở người Triêng có nền văn hóa đặc sắc là bộ phận không nhỏ góp phần hình thành nên bức tranh tổng thể của văn hóa các dân tộc thiểu số trên dải Trường Sơn  - Tây Nguyên. Xuất phát từ đời sống lao động sản xuất, sinh hoạt, tín ngưỡng... mà người Triêng sở hữu những nét văn hóa độc đáo riêng. Chẳng hạn, cái bếp thiêng, và những quan niệm của họ về thần lửa.
 Xưa, người Triêng sống trên những dãy núi cao bằng nghề săn bắn, hái lượm và chặt, đốt rừng làm nương rẫy, đêm đêm đốt lên những đống lửa rất to để sưởi ấm và chống lại sự tấn công của thú rừng. Trải qua bao đời nay, hình ảnh ngọn lửa trở nên quen thuộc, gần gũi và đi vào tâm thức của cộng đồng người Triêng. Theo quan niệm cổ truyền, người Triêng luôn tin tưởng vào thần lữa. Trong làng, bất cứ nhà nào cũng phải có bếp lửa đặt ở giữa nhà chính để nấu ăn hàng ngày, phục vụ cho việc nấu cơm để cúng trong các lễ hội truyền thống như: lễ hội đâm trâu, mừng lúa mới, lễ hội Choóc đăil…và ngọn lửa cũng được đốt lên rực hồng để sinh hoạt, nhảy múa trong các dịp lễ hội. Hình ảnh của bếp là hiện thân của một vị thần may mắn phù hộ trong gia đình cần phải được tôn thờ. Bếp thiêng luôn đem lại sự bình yên cho dân làng, mang đến sự hòa thuận, cuộc sống ấm no hạnh phúc, tạo ra của cải vật chất dồi dào cho mỗi gia đình…


Đối với người Triêng, bếp luôn được chủ nhà bảo vệ hết sức cẩn thận và nghiêm ngặt, trẻ em, người lạ mặt tuyệt đối không được đến gần. Đặc biệt, không được sờ mó, lấy đũa hoặc cây củi gõ vào bếp, theo quan niệm vì làm như vậy là xúc phạm đến thần lửa sẽ có điều xấu đến với gia đình. Theo truyền thống, xưa các gia đình người Triêng sống cùng trong một ngôi nhà gồm nhiều bếp và mỗi gia đình nhỏ có một bếp riêng để nấu ăn. Vì vây, khi đặt bếp cho mọi thành viên trong nhà là việc làm hết sức hệ trọng và mang đầy ý nghĩa tâm linh. Trong gia đình, thường chủ nhà có tuổi mới đặt bếp. Sau khi thực hiện các nghi lễ liên quan, chủ nhà tổ chức giết heo, gà để cúng thần lữa trước khi các thành viên vào nhà ở và sinh hoạt nấu nướng. Nếu trong nhà có bao nhiêu thành viên(cặp vợ chồng) thì có bấy nhiêu bếp được đặt và lễ đặt bếp phải diễn ra trong một ngày. Bếp của người Triêng được kê 3 hòn đá lấy từ ba hòn đá ở trên rừng, nơi đầu nguồn có máng nước dân làng dùng để uống hằng ngày. Kể từ giờ phút ấy, mỗi gia đình nhỏ là người đại diện cho bếp riêng của mình và chịu trách nhiệm tổ chức các nghi lễ cúng liên quan theo phong tục của làng. Trong căn nhà dài, ngọn lửa trong bếp chính(bếp của tiểu gia đình người cao tuổi nhất) không bao giờ tắt. Đêm, sau bữa cơm tối, cả nhà ngồi quây quần bên bếp lửa chính. Ngọn lửa ấy không chỉ có giá trị sưởi ấm con người ta mà còn là vị thần chứng giám những điều giáo huấn mang tính dòng tộc, cộng đồng. Việc làm này đến nay đã ăn sâu vào tiềm thức mà còn nét văn hóa cổ truyền của người Triêng vùng núi Quảng Nam.
   Khi người Triêng chuyển cư hoặc dời làng đến nơi ở mới, việc di chuyển chỗ ở của người Triêng không tổ chức riêng lẻ từng hộ mà bắt buộc phải tập trung cả làng theo phán quyết của Hội đồng già làng và theo truyền thống, bao giờ họ cũng mang những hòn đá làm bếp trước đó để làm bếp cho nơi ở mới. Bếp lửa gắn liền với đời sống của người Triêng từ bao đời nay. Ngày nay mặc dù kinh tế phát triển và để phù hợp với môi trường sống mới nhiều cặp vợ chồng người Triêng sau khi cưới xong đã xin phép cha mẹ hai hai bên gia đình ra ở riêng và làm nhà riêng để ở nhưng nhìn chung những tập tục liên quan đến bếp luôn được người Triêng vùng núi Quảng Nam gìn giữ và bảo tồn.

 Lan Phiếu (sưu tầm)

Nghệ thuật dân gian Giẻ - Triêng (Vi Đức Hoàng)

Nói đến vùng văn hoá Tây Nguyên là nói đến không gian văn hoá cồng chiêng được diễn tấu trong mọi lúc, mọi nơi, ngân vang hoà quyện với núi rừng tạo thành bản nhạc bất hủ và đã trở thành bản sắc riêng.
Với tộc người Giẻ - Triêng ở Kon Tum thì nhu cầu về âm nhạc, múa hát không thể thiếu trong đời sống tinh thần của họ.

Sắc thái âm nhạc độc đáo
Nghe âm nhạc Tây Nguyên, dù là người không am hiểu chuyên môn, cũng đều nhận ra ngay sắc thái riêng và độc đáo của nó. Âm nhạc Tây Nguyên đã hình thành ngôn ngữ âm nhạc độc đáo, giàu bản sắc dựa trên một hệ thống thẩm mỹ cao và một tư duy âm nhạc khá phát triển. Về nhạc cụ, nó bao gồm tập đoàn khá đa dạng, tận dụng mọi khả năng sẵn có của tự nhiên tạo ra nhạc cụ có tính năng và hiệu quả cao, âm sắc đẹp, cường độ âm thanh với nhiều mức độ, cho ta một ý niệm về con đường hình thành từ thời cổ với óc sáng tạo lớn của con người.
Âm nhạc Tây Nguyên giàu âm thanh tự nhiên, phát hiện và sử dụng thành công chuỗi bồi âm tự nhiên, khiến cho âm nhạc toát lên một vẻ hồn nhiên, mộc mạc. Âm nhạc ở đây cũng tạo ra sự kết hợp hài hoà giữa cá nhân và mỗi người có thể thể hiện tài năng sáng tạo của mình, dàn nhạc giữa cá nhân và mỗi người có thể thể hiện tài năng sáng tạo của mình, thì dàn nhạc cồng chiêng là một hình thức hòa âm tập thể đạt trình độ cao, trong đó mỗi con người diễn xướng theo một mắt xích trong toàn bộ guồng quay âm nhạc.
Có một điều rất lạ và khá độc đáo của âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên nói chung, nhóm người Giẻ -Triêng nói riêng là: Nhạc khí cồng chiêng của các tộc người bản địa là họ không đúc và chế tác được mà mua từ các vùng khác tới và gắn liền với địa danh như Chiêng Lào là mua ở Lào. Chiêng Doanh là mua của người Kinh ở dưới đồng bằng và có khi họ còn đặt tên cho riêng của tộc người mình. Có một điều rất thú vị, mặc dù không phải là nơi làm ra cồng chiêng nhưng để phát huy giá trị sử dụng, phát sáng nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng không chính ai khác ngoài tộc người bản địa Tây Nguyên và thậm chí trong họ còn có một khả năng đặc biệt mà “trong cộng đồng các tộc người ở đây có những người (Pô chinh) có khả năng chỉnh lại âm thanh của cồng chiêng sao cho phù hợp với sở thích âm nhạc truyền thống của dân tộc mình”.
Nếu như cồng chiêng là loại âm nhạc mang tính tập thể, phục vụ trong các lễ nghi cũng như hội hè vui chơi giải trí thì các loại nhạc cụ như sáo, khèn, đinh tút, đàn môi... là để giải bày tâm sự, khi ngồi buồn giữa chòi rẫy hoang vu, khi muốn giao duyên kết đôi với ai đó, nó mang tính cá nhân nhiều hơn và nó thể hiện sự đa dạng về nhạc cụ, phong phú về thể loại của cư dân núi rừng Tây Nguyên nói chung và nhóm người Giẻ - Triêng nói riêng. Âm vang cồng chiêng đó làm nền nhạc cho các điệu múa mà chủ yếu là xoang.


Tính cộng đồng trong điệu xoang
Xoang là múa tập thể được múa trong các lễ hội của cộng đồng như lễ hội ăn trâu, mừng nhà Rông, mừng lúa mới, mừng sức khoẻ... số lượng và quy mô người tham gia phụ thuộc vào tính chất của nghi lễ và đặc biệt ở Tây Nguyên, bất cứ tộc người nào khi xoang cũng đi ngược chiều kim đồng hồ, “đó là chuyển động từ Đông sang Tây, từ dương sang âm, chuyển động mang theo yếu tố dương cầu mong sự phát triển”.
Nghệ thuật xoang của người Giẻ-Triêng cũng như các tộc người khác ở Tây Nguyên, nó thể hiện tính cộng đồng cao, tính đoàn kết không phân biệt nam nữ, lớn nhỏ, già trẻ, nếu họ thích thì cứ việc xoang, nói một cách khác là chất nghệ sĩ ở trong họ đã có sẵn, cứ có dịp là thể hiện ngay. Múa (xoang) của các tộc người nơi đây mang chất liệu khoẻ khoắn, hồn nhiên, mộc mạc, kết hợp cả động tác tay và chân chứ không chỉ động tác tay mềm mại như ở vùng miền khác. Phải nói rằng, cũng như các tộc người khác ở Kon Tum, riêng ở tộc người Giẻ - Triêng động tác múa thật khoẻ khoắn lộ hẳn trên những bắp tay, bả vai và di chuyển nhịp nhàng khéo léo của thân hình, bởi vì ở người phụ nữ Giẻ - Triêng họ chỉ mặc váy kéo sát nách. Chính điều đó mà chúng ta có thể quan sát từng động tác của họ thật điêu luyện và đẹp mắt. Xoang của người Giẻ - Triêng chỉ diễn ra khi có hội lễ nên chỉ có múa tập thể chứ không có múa cá nhân, đơn lẻ, mặc dù số lượng múa đông nhưng từng động tác tay, chân, di chuyển đều đồng bộ theo nhịp dàn cồng chiêng và trống (gar).
Nhìn chung, nghệ thuật dân gian của tộc người Giẻ - Triêng đều phản ánh nhân sinh quan, thế giới quan và xuất phát từ những sinh hoạt của cuộc sống đời thường hàng ngày đã hun đúc, phát triển lên và kết tinh thành một nghệ thuật dân gian mang đậm nét hương rừng Tây Nguyên và được người dân nơi đây vẫn bảo tồn, phát huy, truyền dạy lại cho thế hệ con cháu trong cộng đồng.

 Vi Đức Hoàng (sưu tầm)

Bánh đót biếu mẹ chồng của người Triêng (Lý Quảng Ninh)

Với tộc người Triêng (một nhóm thuộc dân tộc Giẻ Triêng), bên cạnh kho tàng văn học dân gian phong phú, đồng bào còn lưu giữ được phong tục cưới hỏi mang nét riêng biệt. Và tục làm bánh đót biếu mẹ chồng của con dâu Triêng là nét đẹp trong hôn nhân cũng không là một ngoại lệ.
Để hiểu rõ hơn về phong tục này, mới đây có dịp về huyện vùng cao Nam Giang (Quảng Nam) công tác, chúng tôi đã tìm gặp một số người già dân tộc Triêng ở thôn Ðắk Ốc, xã La Dêê, huyện Nam Giang, nơi còn lưu giữ được khá nguyên vẹn phong tục cưới hỏi của dân tộc Triêng.

Thể hiện tấm lòng của người con dâu đối với mẹ chồng
Theo tục lệ của tộc người Triêng, sau lễ cưới họ chưa vội có con mà lo làm việc để phụ giúp hai bên gia đình. Trong thời gian 1 - 2 năm người con gái Triêng có thể về ngủ ở nhà mẹ đẻ hoặc nhà chồng. Thời gian ngủ ở nhà chồng từ tháng 3 đến tháng 8 (âm lịch) cô con dâu thường lên rẫy phụ giúp gia đình nhà chồng làm cỏ, gieo trồng, vào rừng bẻ măng, xuống suối bắt cá... Thời gian ở nhà mẹ đẻ khoảng từ tháng 9 năm trước đến đến tháng 2 (âm lịch) năm sau.

Sau khi thu hoạch xong lúa mùa vào khoảng tháng 10 âm lịch. Ðây chính là thời gian mà mỗi năm, vào dịp làng ăn mừng lúa mới và tết Cha-kcha cổ truyền của người Triêng, cô dâu mới cưới tự tay mình giã gạo lúa mới (thứ gạo rẫy màu đỏ khi ăn có vị ngọt đậm, béo) và vào rừng hái lá đót về gói bánh.

Tuỳ vào khả năng kinh tế và sự hiếu thảo của con dâu và cũng tuỳ thuộc vào số thành viên anh em nhà chồng mà số bánh đem biếu có thể nhiều ít khác nhau. Nhìn chung, họ thường giã rất nhiều gạo, nhà ít cũng phải giã 1 gùi bánh (chừng 20 - 25 kg), nhà nhiều phải giã tới 2 - 3 gùi bánh. Khi việc gói bánh đã xong, người mẹ xếp từng cặp bánh đót vào gùi để con gái và anh chị chuẩn bị cùng đưa sang biếu thông gia. Thường họ biếu bố mẹ chồng chừng 50 - 100 cặp bánh đót; anh em trai của chồng mỗi người chừng 20 - 30 cặp; chị em gái chồng và cô, cậu, chú, bác của chồng mỗi người chừng 10 - 20 cặp bánh. Chính vì vậy, với những gia đình khá giả và có anh em đông thì gia đình nhà cô dâu phải giã, gói tới vài trăm cặp bánh.
Gắn kết tình thông gia: Ngoài bánh đót, nhà gái còn phải mang thêm 1 gùi gạo chừng 40kg đến biếu gia đình nhà chồng. Khi cô dâu và gia đình nhà gái đến thường được phía nhà chồng đón tiếp thịnh soạn, được mời cơm, rượu, thịt và khi ra về thường được phía nhà chồng biếu lại các loại thịt khô, như: Chim, nai, chuột, sóc, thịt heo, gà… và đôi khi có quần áo cho bố mẹ và các em nhỏ của cô dâu. Tục giã gạo làm bánh và biếu bánh đót cho nhà chồng của các cô dâu mới cưới người Triêng đã làm cho hai gia đình thông gia thêm gắn bó, tình cảm thêm thân mật, gần gũi. Việc giã gạo làm bánh cho nhà chồng của cô dâu mới cưới thường kéo dài từ 2 đến 3 năm.
Lý Quảng Ninh (sưu tầm)

Phong tục đặc biệt: Lệ chặt củi 'bắt chồng' ở Kon Tum (Mai Tuấn)

Phụ nữ Jẻ -Triêng.
Con gái Jẻ -Triêng từ 10 tuổi được cha mẹ dạy vào rừng chặt củi, về xếp đống quanh nhà để đến tuổi cập kê có đủ củi đi 'bắt chồng'.
Dân tộc Jẻ -Triêng (còn có các tên gọi khác như Giẻ Triêng (T'Riêng), Vẻh, Bnoong (Mnoong), Cà Tang, Giang Rẫy, Tà Trẽ…), là dân tộc thiểu số cư trú chủ yếu ở Kon Tum và vài huyện miền núi giáp Quảng Nam.

Chặt củi 'bắt chồng' (hay còn gọi là củi hứa hôn, củi cưới) là tập tục lâu đời, mang nét đẹp trong văn hóa cưới xin của người Jẻ -Triêng.
Tư tưởng mẫu hệ in sâu vào suy nghĩ của người Jẻ -Triêng, họ đề cao quyền tự chủ của nữ giới kể cả việc lựa chọn bạn đời.
Vì vậy, trong tình yêu và hôn nhân, phụ nữ Jẻ -Triêng được hoàn toàn nắm quyền chủ động.

Trước đây, phụ nữ Jẻ -Triêng kết hôn rất sớm, khoảng 14, 15 tuổi đã phải đi tìm chồng.
Theo tục lệ, trước khi lấy chồng, người con gái phải thường xuyên vào rừng, đem về những bó củi to, chất dần quanh nhà để trong ngày cưới gùi mang sang nhà chồng.
Đó vừa là sính lễ dùng để đốt trong đám cưới, vừa là của hồi môn đặc biệt cô dâu dành cho cha mẹ chồng đun nấu nhiều năm sau đó và sưởi ấm khi giá rét.
Gỗ phải lấy từ loại cây thật thẳng, dễ chẻ, thịt cây nứt suông theo thớ dọc khi khô. Thông thường, họ hay chọn cây Dẻ (tiếng Jẻ -Triêng gọi là Xa-re).
Thiếu nữ phải dùng dao chặt củi thành 5 cánh nhưng không được rời hẳn ra. Không những vậy, đầu gỗ phải được gọt thật phẳng phiu và đẹp mắt.
Khi ưng chàng trai nào đó, cô gái sẽ thủ thỉ với ông mai, bà mối là người trong làng giỏi ăn nói và có cuộc sống vợ chồng hạnh phúc, nhờ họ đi nói lại với chàng trai.
Nếu chàng trai bằng lòng, họ hẹn gặp nhau ở nhà rông của làng để tâm tình. Nếu không, cô gái có thể nhờ bạn bè dùng vũ lực... bắt cóc người yêu.
Việc ngủ chung giữa đôi trai gái chỉ được diễn ra tối đa 5 ngày. Trong thời gian này, nếu cả 2 gặp được giấc mơ đẹp nghĩa là Yàng (Trời, Thần) đã đồng ý và có thể đi đến hôn nhân.
Nếu quá thời hạn đó mà gia đình nhà trai chưa ngỏ lời với nhà gái, làng có quyền phạt vạ 1 con heo và 10 ché rượu.

Nhà rông trong làng.

Trong khi lễ vật của cô gái là củi cưới, lễ vật bắt buộc của chàng trai Jẻ-Triêng cho nhà gái là 100 con chim, chuột khô, thú rừng... do chính chú rể vào rừng săn được.
Ngày gia đình nhà trai đón củi vô cùng long trọng và thiêng liêng. Hôn nhân của gái trai Jẻ-Triêng rất bền vững, rất hiếm có chuyện ly hôn.
Ngày nay, phong tục độc đáo này đã có nhiều thay đổi để bảo vệ rừng và phù hợp với luật pháp, ví dụ, con gái phải đủ 18 tuổi mới được kết hôn, nghiêm cấm việc trai gái ngủ chung trước khi cưới...
Việc tặng củi và săn thú rừng cũng chỉ còn là hình thức nhưng vẫn giữ gìn được những ý nghĩa thiêng liêng và nét đẹp truyền thống vốn có.
 Mai Tuấn (sưu tầm)