Phong tục đặc biệt: Lệ chặt củi 'bắt chồng' ở Kon Tum (Mai Tuấn) - Mc tiệc cưới, học làm mc đám cưới, video đám cưới hay nhất

Tuesday, July 12, 2016

Phong tục đặc biệt: Lệ chặt củi 'bắt chồng' ở Kon Tum (Mai Tuấn)

Phụ nữ Jẻ -Triêng.
Con gái Jẻ -Triêng từ 10 tuổi được cha mẹ dạy vào rừng chặt củi, về xếp đống quanh nhà để đến tuổi cập kê có đủ củi đi 'bắt chồng'.
Dân tộc Jẻ -Triêng (còn có các tên gọi khác như Giẻ Triêng (T'Riêng), Vẻh, Bnoong (Mnoong), Cà Tang, Giang Rẫy, Tà Trẽ…), là dân tộc thiểu số cư trú chủ yếu ở Kon Tum và vài huyện miền núi giáp Quảng Nam.

Chặt củi 'bắt chồng' (hay còn gọi là củi hứa hôn, củi cưới) là tập tục lâu đời, mang nét đẹp trong văn hóa cưới xin của người Jẻ -Triêng.
Tư tưởng mẫu hệ in sâu vào suy nghĩ của người Jẻ -Triêng, họ đề cao quyền tự chủ của nữ giới kể cả việc lựa chọn bạn đời.
Vì vậy, trong tình yêu và hôn nhân, phụ nữ Jẻ -Triêng được hoàn toàn nắm quyền chủ động.

Trước đây, phụ nữ Jẻ -Triêng kết hôn rất sớm, khoảng 14, 15 tuổi đã phải đi tìm chồng.
Theo tục lệ, trước khi lấy chồng, người con gái phải thường xuyên vào rừng, đem về những bó củi to, chất dần quanh nhà để trong ngày cưới gùi mang sang nhà chồng.
Đó vừa là sính lễ dùng để đốt trong đám cưới, vừa là của hồi môn đặc biệt cô dâu dành cho cha mẹ chồng đun nấu nhiều năm sau đó và sưởi ấm khi giá rét.
Gỗ phải lấy từ loại cây thật thẳng, dễ chẻ, thịt cây nứt suông theo thớ dọc khi khô. Thông thường, họ hay chọn cây Dẻ (tiếng Jẻ -Triêng gọi là Xa-re).
Thiếu nữ phải dùng dao chặt củi thành 5 cánh nhưng không được rời hẳn ra. Không những vậy, đầu gỗ phải được gọt thật phẳng phiu và đẹp mắt.
Khi ưng chàng trai nào đó, cô gái sẽ thủ thỉ với ông mai, bà mối là người trong làng giỏi ăn nói và có cuộc sống vợ chồng hạnh phúc, nhờ họ đi nói lại với chàng trai.
Nếu chàng trai bằng lòng, họ hẹn gặp nhau ở nhà rông của làng để tâm tình. Nếu không, cô gái có thể nhờ bạn bè dùng vũ lực... bắt cóc người yêu.
Việc ngủ chung giữa đôi trai gái chỉ được diễn ra tối đa 5 ngày. Trong thời gian này, nếu cả 2 gặp được giấc mơ đẹp nghĩa là Yàng (Trời, Thần) đã đồng ý và có thể đi đến hôn nhân.
Nếu quá thời hạn đó mà gia đình nhà trai chưa ngỏ lời với nhà gái, làng có quyền phạt vạ 1 con heo và 10 ché rượu.

Nhà rông trong làng.

Trong khi lễ vật của cô gái là củi cưới, lễ vật bắt buộc của chàng trai Jẻ-Triêng cho nhà gái là 100 con chim, chuột khô, thú rừng... do chính chú rể vào rừng săn được.
Ngày gia đình nhà trai đón củi vô cùng long trọng và thiêng liêng. Hôn nhân của gái trai Jẻ-Triêng rất bền vững, rất hiếm có chuyện ly hôn.
Ngày nay, phong tục độc đáo này đã có nhiều thay đổi để bảo vệ rừng và phù hợp với luật pháp, ví dụ, con gái phải đủ 18 tuổi mới được kết hôn, nghiêm cấm việc trai gái ngủ chung trước khi cưới...
Việc tặng củi và săn thú rừng cũng chỉ còn là hình thức nhưng vẫn giữ gìn được những ý nghĩa thiêng liêng và nét đẹp truyền thống vốn có.
 Mai Tuấn (sưu tầm)

Share with your friends