Mc tiệc cưới, học làm mc đám cưới, video đám cưới hay nhất: ₪ Dân tộc Tà Ôi
Showing posts with label ₪ Dân tộc Tà Ôi. Show all posts
Showing posts with label ₪ Dân tộc Tà Ôi. Show all posts

Wednesday, July 27, 2016

Ca dao Người Tà Ôi (Hoàng Thị Vinh)

Cho đến nay, theo sự hiểu biết của chúng tôi, chưa có một công trình dạng sách nào nói về ca dao của người Tà một cách độc lập. Mà chỉ qua một số bài nghiên cứu nhỏ trên các báo và tạp chí ở địa phương, trung ương (1).
Đứng trước thực trạng đó, trong những năm qua, bằng sự cố gắng và sự nhiệt tình, chúng tôi đã tiến hành công việc sưu tầm, biên soạn ca dao của người Tà ôi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và vùng lân cận Quảng Trị. Càng đi sâu vào công việc chúng tôi thấy càng thú vị về một loại hình di sản văn hóa phi vật thể dần như bị lãng quên, phai nhạt.

Nếu như so với các dân tộc thiểu số khác ở Việt Nam thì kho tàng ca dao, câu đố, đồng dao, tục ngữ và trò chơi dân gian của người Tà ôi còn ít cả về số lượng lẫn nội dung. Chính vì điều đó mà công việc giới thiệu bộ phận di sản văn hóa tinh thần của người Tà ôi càng trở nên bức thiết hơn.
Một đặc tính rõ nét nhất của người Tà ôi là “Cho dù ngày cũ thiếu cơm, thiếu chữ, nhưng mọi thế hệ nối tiếp nhau qua đi vẫn trân trọng gìn giữ bản sắc phong phú độc đáo của mình thể hiện trong nền văn hóa văn nghệ dân gian đa dạng, hồn nhiên khỏe mạnh giàu tính chiến đấu và giáo dục truyền thống tốt đẹp của dân tộc”(2). Chính những truyền thống tốt đẹp đó mà ngày hôm nay thế hệ trẻ Tà ôi vẫn còn nghe được, xem được những câu ca dao, câu đố, đồng dao, tục ngữ và trò chơi dân gian đầy tính triết lí và nhân bản sâu xa.
Người Tà ôi gọi ca dao là Parnai tavear hoặc Pracăm nghĩa là những hát lối, thể loại này có một vị trí rất quan trọng trong sự hình thành nền văn hóa bản địa. Ca dao Tà ôi có lối thể hiện bằng các ngôn từ đằm thắm nhằm gửi gắm những tâm sự, tình cảm, nguyện vọng của mình qua các nội dung: Tình yêu đôi lứa; Than thân; Gia đình, quê hương, đất nước, con người; Phê phán thói hư tật xấu.
Cũng giống như ca dao người Việt hay ca dao của các dân tộc thiểu số anh em khác, ca dao về tình yêu đôi lứa của người Tà ôi cho chúng ta thấy được những bước đi, những tình huống thường gặp trong tình yêu. Đó là những giây phút lưu luyến trong tình yêu:
Da diết tưởng như lở núi
Mỏi mòn tưởng như trôi sông.
Hoặc:          
Người sao khỏe mạnh phi thường
Để tình em muốn thương.
Đối với người phụ nữ Tà ôi, khi yêu họ không thích người con trai hứa hẹn bằng lời vì họ sợ lời nói như gió thoảng mây trôi. Mà ngược lại họ mong có một vật gì đó làm chứng hoặc người con trai có thể làm một công việc gì đó có ích cho nhà gái là được:
Em không thích hứa bằng lời
Em không thích hẹn bằng miệng.
Khi đã yêu nhau rồi thì:
Yêu nhau quên cả mưa dầm
Yêu nhau quên cả đường về nhà Rông.
Trong tình yêu, trai gái Tà ôi thường có những lời hẹn ước sâu lắng, trữ tình nhưng lại rất chân thật:
Lời hẹn hai ta ở núi đá chênh vênh
Lời hẹn hai ta ở gốc cây ba nhánh.
Họ cũng có những lời thề thốt:
Đôi ta đã trao mật gửi gan
Đôi ta không nỡ bỏ, không đành rời nhau.
Tình yêu của họ cũng có thể vượt qua được những rào cản, định kiến xã hội, giàu nghèo, xấu xí, mồ côi, bệnh tật...
Thương nhau quấn quýt như sợi dây xe
Mười người lôi không đứt, mười người bứt không rời.
Để rồi mong được gặp gỡ, được ở bên nhau vĩnh viễn:
Chân như có gai, muốn chạy lên thượng nguồn tìm em
Lòng như có lửa, cứ muốn đến thượng nguồn gặp em.
Những câu ca dao trong tình yêu đôi lứa có những hình ảnh mới, đậm chất Tà ôi như:
Mặc dù em bé nhỏ nhưng anh vẫn thích
Mặc dù nghèo khó nhưng hợp lòng hợp dạ
Mặc dù xấu xí nhưng tốt bụng
Mặc dù cha mẹ ngăn cấm nhưng mình vẫn quyết lấy nhau.
Hoặc:    
Cồng chiêng anh đã sắm đủ,
Bạc tiền anh đã sẵn sàng.
Nếu như ở phần tình yêu đôi lứa đầy những câu mật ngọt, luyến lưu, nhớ nhung thì ở phần ca dao than thân lại mang một sắc thái khác. Ca dao mang chủ đề than thân của người Tà ôi sẽ là than cho cảnh góa bụa, lẻ loi, tăm tối của những kiếp người, cảnh đời, số phận, ví như:
Thương cảnh chúng ta tăm tối,
Cảm phận chúng ta lẻ loi.
Hoặc:                
Thân phận nghèo hèn mặc người ta đánh đập,
Phận nghèo hèn mặc người ta dọa giẫm.
Có đi sâu vào từng câu ca dao mới thấy hết những nỗi nhọc nhằn của tầng lớp dưới, đó là sự khinh miệt, nghèo hèn, tục lệ quá ư hà khắc, đói khổ và bệnh tật:
Tục lệ quá ư hà khắc,
Kẻ thù quá ư bóc lột.
Hoặc:                
Chúng tôi đây như một bó củi mót,
Chúng tôi đây như một cụm cuốc rựa.
Nhân vật được nêu trong các câu ca dao than thân thường là: phụ nữ, góa bụa, người nghèo, trẻ em, người xấu xí, người già...họ than thân để mong được sẻ chia, thông cảm, than thân để được cứu giúp, họ ước mong sao có một cuộc sống ấm no và hạnh phúc.
Trong môi trường sống của người Tà ôi, do khung cảnh núi rừng, sông suối hùng vĩ nên đã tạo cho người Tà ôi tính phóng khoáng. Gia đình, người thân, bản làng của họ luôn là đề tài muôn thuở và họ đã gửi gắm vào những câu ca dao thuộc chủ đề gia đình, quê hương, đất nước, con người. Nội dung của những câu ca dao này đều khẳng định một gia đình hạnh phúc là điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất:
Anh về coi sóc rẫy vườn,
Anh về nở rộ chiếc vòng đeo tay.
Trong gia đình còn có những mối quan hệ thân ruột khác như:
Không có bố như cung nỏ không có mũi tên,
Không có mẹ như phên vách không được đan lát.
Hoặc:                
Bố mẹ như ánh mắt soi đường,
Anh em như đôi chân, đôi tay làm lụng yêu thương.
Hoặc trong mối quan hệ cộng đồng làng bản:
Làm nhà thì làm chung tay chung sức,
Kiếm được sản vật rừng thì chia cho cộng đồng.
Dân làng tốt làm ấm lòng ấm dạ,
Anh em tốt xua tan nỗi vất vả, khó khăn.
Qua những câu ca dao dẫn chứng trên cho chúng ta thấy người Tà ôi rất coi trọng trách nhiệm cộng đồng, thể hiện rõ nét thông qua mô hình làm chung - ăn chung - ở chung để cho phù hợp với điều kiện thực tế địa hình hiểm trở, dốc núi cheo leo, khí hậu khắc nghiệt, hệ thống sông suối dày đặc và thói quen di canh, di cư của người dân.
Ở công việc săn bắt hái lượm cũng vậy, người Tà ôi xưa chủ yếu tổ chức săn bắt hái lượm theo tập thể dưới sự chủ trì của Areaih veel(3). Đối tượng tham gia thường là các trai làng, các bậc trung niên. Người phụ nữ chỉ tham gia vào các chuyến hái lượm cây trái trong rừng nhưng cũng rất hy hữu. Sản phẩm họ kiếm được đều được mang về làng chia đủ phần cho tất cả tùy theo số lượng người trong mỗi hộ.
Mối quan tâm đối với sản phẩm thu được của họ là các cụ già và trẻ con. Những đối tượng này thường được chia nhỉnh hơn, đặc biệt khi họ đang trong cảnh ốm đau bệnh tật. Vì theo quan niệm của người Tà ôi, các vị thần rừng, thần núi, thần sông, thần suối...dành sự ưu ái lớn nhất cho người già và trẻ nhỏ về các sản phẩm tự nhiên mà mình đang ngự trị thông qua bàn tay săn bắt hái lượm của đoàn người trong làng. Cho nên đoàn người lên rừng, xuống suối luôn phải làm tròn trách nhiệm được giao phó.
Vốn sống trong sự tương thân tương ái từ ngàn đời nay, người Tà ôi bên cạnh cùng hưởng chung sản phẩm làm ra và thu được, còn giúp nhau trong hoạn nạn. Điều này thể hiện ở chỗ, một người nào đó một mình vào rừng săn bắt, không may bị tai nạn, bị thú rừng chống trả hoặc bị trúng bẫy đặt sẵn của người khác được báo tin, cả làng dang tay cứu giúp, tháo gỡ không một chút câu nệ.
Khi nhắc đến thói hư tật xấu thì ở cộng đồng dân tộc nào cũng có, với nhiều hạng người khác nhau. Khảo sát số lượng câu ca dao ở mảng đề tài chúng tôi nhận thấy, người Tà ôi nêu ra những thói hư tật xấu thường gặp trong cuộc sống, thể hiện qua những câu ca dao như:
Phê phán thói lười biếng:
Chàm àm quanh hiên nhà,
Chềnh ềnh dưới gầm sàn.
Phê phán những kẻ tham ăn, tham uống mà còn lắm lời:
Hồng hộc tham ăn,
Hồng hộc tham mặc.
hoặc:                 
Đâu phải hồng hộc ta tham ăn,
Đâu phải hồng hộc ta tham uống.
Phê phán lối sống trơ tráo, lẳng lơ:
Gái hư thì cứ bẻ tay sau lưng,
Bà góa hỏng thì cứ hứng đựng.
hoặc:                 
Ghê rợn đàn óc nóc,
Bẩn thỉu đàn lóc trê.

Và một điều đặc biệt là, người Tà ôi cũng giống như người Việt, họ đề cao công lao trời biển của bố mẹ nuôi nấng con cái nên người và phê phán con cái nuôi bố mẹ trốn tránh trách nhiệm:
Bố mẹ nuôi con, êm ấm,
Con cái nuôi bố mẹ, nuôi ngẩng mặt nhau.
Câu ca dao này của người Tà ôi giống với câu ca dao của người Việt là:
Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng
Con nuôi cha mẹ kể tháng kể ngày.
Qua quá trình khảo tả ca dao Tà ôi chúng tôi nhận thấy những hình ảnh có trong ca dao Tà ôi đều mang những sắc thái riêng so với ca dao người Việt. Một điều cho chúng ta thấy rằng: ở những nơi có địa hình, địa vật đặc thù thì ca dao Tà ôi vắng bóng con thuyền, bến nước, cây đa mà trong khi đó họ lại đưa vào trong những câu ca dao các hình ảnh về núi đồi, rượu, nương rẫy và cồng chiêng.
Không gian và thời gian trong ca dao Tà ôi thường lấy cảnh núi đồi, nương rẫy, lấy thời gian buổi sáng là chủ đạo, tiếp đến là thời gian lễ hội và thời gian khi đêm về.
Ca dao Tà ôi cùng một lúc nó chuyển tải đến cho người thưởng thức thấy được nhiều nội dung phong phú như tình yêu trai gái, tình cảm mẹ con, tình yêu nương rẫy, núi đồi. Tất cả đều không nằm ngoài mục đích là hướng mọi người sống chan hòa với vạn vật và thời gian. Trong một chừng mực nào đó có sự tương đồng giữa nhiều câu ca dao người Tà ôi và người Việt, hy vọng rằng đó là một đề tài mới, khi có thời gian chúng tôi sẽ khảo cứu so sánh sâu hơn về mảng này.
Trước đây, người Tà ôi đang còn sống khép kín trong bức rào kiên cố của hủ tục, mê tín và còn hạn chế rất nhiều về kiến thức khoa học, đời sống kinh tế gần như lệ thuộc vào thiên nhiên và những thế lực siêu hình, nhân dân Tà ôi bị áp bức nhiều mặt, truyền thống cần cù trong lao động không đủ để có một đời sống kinh tế ổn định. Cho đến khi những quan hệ sản xuất, quan hệ xã hội cũ bị phá vỡ trước những bước tiến lên của đất nước, người Tà ôi đã nhanh chóng hội nhập với đời sống mới và điều này đã được họ gửi gắm qua những lời nói có vần, có lớp toát lên đầy đủ những điều mà họ suy nghĩ, họ muốn nói, căn dặn, khuyên răn. Ở trong họ có sự vui mừng, có sự căm giận, có sự cảm thông, có tinh thần lạc quan yêu đời đều lấy ca dao để giãi bày, để quên đi nhọc nhằn.
Tuy trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn nhưng đồng bào Tà ôi vẫn luôn tin tưởng thiết tha vào tương lai cuộc sống. Họ mượn các thể loại của văn học, văn hóa dân gian để gửi gắm những niềm tin ấy.
 Hoàng Thị Vinh (sưu tầm)

Ariêu Ping - Lễ hội độc đáo của dân tộc Tà Ôi ở Quảng Trị (Hoàng Thịnh)

Trong thời gian diễn ra lễ hội, nhiều hoạt động văn hóa truyền thống cũng được tổ chức, đặc biệt là lễ hội đâm trâu - một nghi lễ quan trọng để cúng tế thần linh, khấn cầu cho bản làng yên vui, đoàn kết, tương thân tương ái...
Tiếp đến, bà con sẽ dựng lên một ngôi nhà mồ để đặt những hài cốt được bốc từ các nơi khác nhau về. Sau đó, người ta sẽ tổ chức cải táng, quy tập phần mộ của người đã khuất thuộc tất cả các dòng họ trong làng bản đã được an táng rải rác ở các nơi trước đó về với ngôi nhà chung như khi họ đang còn sống để tiện thăm viếng, chăm sóc, hương khói. Đây được xem là mốc kết thúc vòng đời của một con người để họ thực sự yên nghỉ.

Hoạt động này minh chứng cho sự gắn bó bền chặt của dòng họ, bản làng trong cộng đồng dân tộc Tà Ôi lúc còn sống cũng như lúc về cõi vĩnh hằng và cũng là biểu hiện cho sự tôn kính, hiếu nghĩa của người sống đối với người đã khuất.

Có thể nói, lễ hội Ariêu Ping đã trở thành một nét văn hóa độc đáo trong tiến trình phát triển của dân tộc Tà Ôi ở Quảng Trị.

Đây là một hình thức giáo dục nhằm chuyển giao cho các thế hệ sau biết kế thừa, giữ gìn và phát huy những giá trị đạo đức truyền thống quý báu của dòng tộc.

Đồng thời, lễ hội còn thể hiện nét văn hóa tâm linh, sự tôn kính, hiếu nghĩa của người sống đối với người đã khuất góp phần khơi dậy truyền thống hiếu nghĩa, đoàn kết gắn bó bền chặt trong cộng đồng làng bản.

 Hoàng Thịnh (sưu tầm)

Độc đáo lễ cúng nhà mồ của Dân tộc Tà Ôi (Hoàng Hải)

Nghi lễ nhảy múa xung quanh nhà mồ.

Dân tộc Tà Ôi còn được gọi bằng những cái tên khác như Tôi Ôi, Pa Cô, Ba Hi hay Pa Hi. Người Tà Ôi quan niệm khi còn sống hồn con người nằm trong khoảng từ ngực đến đầu; lúc con người chết đi, hồn vẫn hiển hiện khắp nơi để mỗi khi không bằng lòng với ai thì sẵn sàng trở về quấy phá người đó.

Hồn cũng biết chuyện trò, biết gõ cửa, biết hóa thân vào trong những giấc mơ của người sống. Hồn người chết vẫn tác động đến người sống, có thể làm cho người sống ốm đau, nợ nần, mất mùa, đói kém. Lễ cúng nhà mồ của người Tà Ôi có bề dày hàng trăm năm nay đã khởi thủy từ quan niệm đó.
Tùy theo điều kiện kinh tế của người dân mà trưởng bản đề ra kế hoạch tổ chức lễ cúng nhà mồ to hay nhỏ. Niên hạn lễ cúng không được ấn định trước, thường thì 10-15 năm tổ chức một lần. Đi kèm với lễ cúng nhà mồ có nghi thức cải táng mồ mả. Người Tà Ôi cho rằng di cốt phải được cất bốc, quy tập về khu mồ chung của dòng họ, làng bản để con cháu quanh năm tiện bề hương khói và thể hiện đạo hiếu nghĩa, lòng tôn kính với người đã khuất. Lễ cúng này chiếm vị trí độc tôn trong tâm thức của người Tà Ôi nên dù có đi xa họ vẫn liên lạc với nhau trở về cúng tế cho phải đạo.

Trung tâm lễ cúng là cây nêu. Đây là nơi trú ngụ của các vị thần và hồn người quá cố mà con cháu mời về dự lễ; là không gian gặp gỡ, chuyện trò của các già làng, trưởng bản lân cận cũng như khách khứa được mời mọc. Trước khi lễ cúng diễn ra, cây nêu phải được chuẩn bị theo cách chỉn chu và sặc sỡ nhất. Mỗi người một việc. Người vào rừng chọn một cây tre già, cao, to, thẳng, lóng tre đều, không cụt ngọn, trên ngọn còn nguyên chùm lá tươi. Người chuẩn bị lồng đèn, cờ, lá phướn, chuông gió để treo phía dưới chùm lá tre. Khi cây nêu được dựng lên tại khu nhà mồ, không khí lễ hội đã thực sự rộn ràng, sau đó bà con lại bắt tay vào công việc làm nhà mồ cho người quá cố. Nhà mồ của người Tà Ôi được thiết kế theo lối kiến trúc cổ truyền Việt Nam, 4 cột gỗ chịu lực, mái trước cao hơn mái sau, từng mối nối liên kết với nhau bằng các con chạm hình đôi nam nữ khỏa thân, là dấu chỉ của ham muốn hạnh phúc và sinh trưởng bất tận trong kiếp nhân sinh hữu hạn. Độc đáo nhất chính là cách thức lợp mái nhà mồ. Các ống tre được chẻ đôi ra, kết lại thành 5 lớp theo hình thức úp ngửa, mỗi lớp mái được nối nẹp lại chắc chắn với nhau bằng dây mây rừng. Xong xuôi, từng hộ gia đình khiêng nhà mồ tới đặt ở khu mồ mả của bản làng gần khe suối, bốn mùa nước chảy bởi như vậy ở bên kia thế giới hồn người chết mới được mát mẻ, thanh thoát. Không phân biệt thứ bậc cao thấp, không phân biệt gái trai, già trẻ, cứ theo thứ tự nhà mồ người chết sau được đặt trước và ngược lại, đầu quay về phía núi, ngay hàng thẳng lối, trước sau như một.  

Nghi lễ nhảy múa xung quanh nhà mồ.
Khi công tác chuẩn bị lễ cúng đã xong, các gia đình cử người đại diện tiến hành bốc hài cốt của người quá cố mà trước đây đã được an táng tại khu rừng ma. Hài cốt được hốt hết vào tiểu sành, riêng những nấm mồ không tìm thấy xác, đồng bào vẫn tiến hành cất bốc theo hình thức cầu hồn. Họ để một ít thức ăn trên tấm khăn rồi dùng tên người quá cố khấn vái. Lúc côn trùng bắt đầu xâm nhập vào thức ăn, họ lập tức quấn vải lại kính cẩn đặt trong tiểu sành xem như người chết đã trở về. Khi hài cốt người thân được chôn cất xong ở khu mồ chung, lễ cúng của đồng bào Tà Ôi chính thức bắt đầu. 

Tiếng tù và, chiêng, khèn, thanh la, trống vang ầm trong suốt lễ cúng. Lễ vật để dâng tiến thần linh và hồn người quá cố phải là thực phẩm tươi sống trâu, lợn, gà, trầm hương, rượu, gạo, nếp, đậu xanh... Già làng sấp mình trước cây nêu nói dõng dạc: “Hỡi con dân Tà Ôi và anh em khắp xứ về dự lễ, chúng ta nguyện thề đoàn kết, suốt đời tương trợ lẫn nhau. Xin thần linh và người đã khuất chứng giám, chấp nhận lòng thành và tiếp tục phù hộ cho chúng tôi”. Lời thề vừa dứt, tục lệ “đánh trống chiêng nuôi người đã khuất” suốt 3 ngày 3 đêm chính thức bắt đầu. Chủ lễ và khách thập phương ăn uống, ca hát, nhảy múa cho đến giờ tan lễ.

Vượt trên những suy diễn mang tính phàm tục, lễ cúng nhà mồ của người Tà Ôi là nơi kế thừa và phát triển giá trị đạo đức truyền thống tộc người; là nét văn hóa tâm linh biểu thị lòng tôn kính, hiếu thảo với người đã khuất; khơi dậy tinh thần đoàn kết, ham muốn cố kết cộng đồng nơi các dân tộc anh em.

 Hoàng Hà (sưu tầm)

Trang sức thể hiện uy quyền của người Tà Ôi (Sầm Thị Phong)

Mã não của người Tà Ôi

Ngược lên miền tây tỉnh TT- Huế, từ sâu trong các bản làng, chúng ta vẫn bắt gặp đâu đó những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Tà Ôi. Trong đó, tục đeo mã não đã trở thành một biểu tượng của quyền lực, sự giàu có, sang trọng và có địa vị trong cộng đồng.
Trang suc the hien uy quyen cua nguoi Ta Oi

Mã não quyền uy
 Người dân Alưới nói rằng: Đến A Lưới mà không tìm hiểu về tục đeo mã não của người Tà Ôi thì coi như chưa đến. Mà tục đeo Mã não đang có nguy cơ mai một..

Để có những hạt mã não gìn giữ cho đến ngày hôm nay, gia đình cụ Kả Vế đã phải đổi bằng 3 con trâu làm của hồi môn cho con gái ngày cưới. Với những gia đình giàu to, của hồi môn là những chuỗi mã não theo con gái trong ngày cưới; giàu vừa thì phải có vòng đeo tay; còn khó khăn lắm cũng kiếm được đôi ba hạt làm của hồi môn. Qua năm tháng, những hạt mã não đã chứng kiến bao buồn vui, ái nộ… của thân chủ nó, lặng lẽ treo mình trên cổ các mẹ, các chị qua bao mùa rẫy! Những hạt mã não thường gắn liền với phong tục thách cưới của người Tà Ôi.

Trang suc the hien uy quyen cua nguoi Ta Oi

Người Tà Ôi luôn nâng niu những vòng mã não đã gắn với họ qua bao năm tháng thăng trầm của cuộc đời

Với những mẹ, những chị Tà Ôi đó là những vật vô giá không rời tay, gắn bó với họ suốt cả cuộc đời. Cụ Cả Hiệt (75 tuổi, thôn Vân Trình, xã A Đớt)- một trong những người hiếm hoi còn lại trong thôn giữ được 2 chuổi mã não cho hay, trong thôn Vân Trình giờ đây, không còn mấy phụ nữ còn đeo hạt mã não như cụ. Người giữ nhiều nhất cũng có đôi ba chuỗi mà thôi. Xưa mã não quý hiếm là thế nhưng nay chỉ cần ra chợ, bỏ vài chục nghìn là có ngay những chuỗi mã não đẹp vì thế từ lâu, mã não đã mất đi giá trị quyền uy và tâm linh của nó.

Hơn thế nữa, tục thách cưới của người Tà Ôi hiện nay không còn rườm rà, nặng nề như trước nữa nên mã não cũng không còn được dùng đến. Tuy nhiên, cùng với những chum, ché, chiêng… tồn tại đây đó trong các bản làng người Tà Ôi, tục đeo chuổi mã não đã tạo nên một nét văn hoá độc đáo, thể hiện quyền uy của những gia đình có vị thế trong xã hội. Nó còn mang bóng dáng của chế độ mẫu hệ tồn tại rơi vãi trong cộng đồng của người Tà Ôi.

Lớp trẻ chẳng mặn mà
Trong những ngày rong ruổi khắp các bản làng của vùng cao A Lưới, tìm những cụ bà còn giữ tục đeo mã não trên người đã khó, gặp được những phụ nữ trẻ đeo mã não càng khó hơn. Lớp trẻ người Tà Ôi không còn mặn mòi gì với hạt mã não nữa khi mà nó không còn mấy dính dáng đến vị thế xã hội của một gia đình hay chẳng còn hiện diện trong ngày cưới của những đôi nam nữ.

Trang suc the hien uy quyen cua nguoi Ta Oi


Mã não thể hiện quyền uy, vị thế của một cá nhân trong cộng đồng nay đã không còn Với họ, khái niệm “nhà giàu” (theo người Tà Ôi, đó là hình ảnh thu nhỏ như một vị vua của bản làng thời phong kiến) đã không còn nữa nên việc đeo mã não để thể hiện quyền uy, vị thế xã hội trong cộng đồng cũng không còn mấy ý nghĩa.
Mã não không chỉ là vật trang sức, qua nhiều năm tìm hiểu, nghiên cứu, đã phát hiện những hạt mã não còn có mặt trong các mô típ trang trí của tượng nhà mồ (dưới cổ bức tượng) và trên một số vật dụng sinh hoạt khác của người Tà Ôi như vải, a chói (vật dụng đựng đồ dùng của đồng bào vùng cao khi lên nương rẫy). Điều này chứng tỏ ngoài ý nghĩa vật chất, làm trang sức, những chuỗi mã não còn gắn với đời sống tâm linh, tinh thần của người Tà Ôi”.
Hiện nay, vẫn chưa thống kê được còn bao nhiêu cụ bà Tà Ôi còn giữ được nét văn hoá truyền thống độc đáo này nhưng chắc chắn rằng, người còn đeo mã não thì rất ít và lớp trẻ là thế hệ con cháu thì không còn đeo mã não nữa. Điều mất mát là theo luật tục của người Tà Ôi, khi chết một trong những vật dụng buộc phải chôn theo chủ nhân của nó là hạt mã não nên càng ngày loại trang sức này càng ít đi trong cộng đồng dân tộc người Tà Ôi.

Sầm thị Phong (sưu tầm)

Tết cổ truyền của người Tà Ôi (Nông Thị Hằng)

Thiếu nữ dệt zèng (vải thổ cẩm) chuẩn bị áo mới đón tết. Ảnh: HOÀNG SƠN

Trước đây, người Tà Ôi sống trên dãy Trường Sơn (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế) thường đón tết riêng theo nông lịch của họ. Họ ăn tết ngay sau vụ lúa, vào khoảng tháng 12, khi gạo Ra Dư đã đầy bồ.

Vài năm trở lại đây, tết cổ truyền của cộng đồng người Tà Ôi đã “góp gạo thổi cơm chung” với tết cổ truyền của người Kinh. “Ăn tết Acha Aza chỉ vui riêng trong dân tộc Tà Ôi, còn ăn tết chung với anh em người Kinh thì cái vui còn gấp bội” - già làng Quỳnh Hoàng (xã A Ngo) cho biết.

Phụ nữ làm chủ ngày tết
Dù vậy, người Tà Ôi vẫn giữ được nét đặc trưng ngày tết của dân tộc mình. Tết cổ truyền Acha Aza của người Tà Ôi chính là tết ăn cơm mới. Đây là ngày hội quan trọng bậc nhất vì nữ thần Lúa chính là mẹ Lúa, giúp dân bản có cái ăn, được mùa cũng nhờ thần mà mất mùa cũng do người quyết. Theo quan niệm của người Tà Ôi, thần Lúa là nữ thần nên người đàn bà trong gia đình đứng ra làm chủ lễ, thường đó là một nữ cao niên có uy tín với bản làng.
Với người Kinh, dấu hiệu mùa xuân đến là mai đào nở, là chim én bay về. Với người Tà Ôi, “khi chim pricoh kêu, lan rừng đua nở là dấu hiệu quan trọng nhất. Ngày xưa, đồng bào chúng tôi thường ăn tết cổ truyền ngay sau khi vụ mùa gặt hái xong, tức vào khoảng cuối tháng 12 âm lịch của người Kinh. Nhưng những năm gần đây, người Tà Ôi ăn tết cùng thời điểm với tết Nguyên đán” - anh Quỳnh Yêu (thôn 1, xã Hồng Quảng) nói.

Chuẩn bị lễ hội với trang phục truyền thống.

Tết ăn cơm mới thường diễn ra trong ba ngày đầu tháng của năm mới. Những ngày cận tết, người chồng lễ vật để người vợ hành lễ. Lễ vật gồm: một a điên (mâm có bốn chân) cơm nếp, năm ống cơm lam, năm ống thịt, thịt khô, năm ống cá, cá khô năm xâu, một bát cơm cắm trên một xâu cá nhỏ, một ít khoai từ hoặc khoai tía, đậu phộng, đậu a vải, một cây mía để nguyên lá, một chén kì cul (giống trầm hương) để xông cho thơm. Trước khi lễ gọi thần Lúa diễn ra, người ta thường bắc thang sẵn lên trần nhà, mâm lễ được đặt dưới cái thang đó. “Làm như vậy là để thần theo thang lên trần nhà, ở với lúa gạo, giữ lúa gạo cho mình” - già làng Quỳnh Át giải thích.

Khi lễ cúng bắt đầu, người phụ nữ chủ gia đình sẽ khấn vái liên tục, còn đàn ông lấy tấm vải zèng (vải thổ cẩm) đưa cho chủ lễ làm vật ký thác cho nữ thần Lúa. Chủ lễ cầm lấy tấm zèng vẩy nhiều lần lên trần nhà để yên vị hồn thần Lúa. Cũng trong ngày hôm đó, lễ Acha Aza được tiếp tục bằng việc cúng ở rẫy nhằm cầu mong các vị thần tiếp tục cho mùa bội thu. Gia chủ có rẫy thường treo 3-5 hàng lúa có nhiều gié được buộc chặt vừa to vừa no hạt.

Chén kì cul cháy gần hết cũng là lúc lễ cúng ở gia đình xong xuôi. Cả nhà cùng quây quần bên mâm lễ cúng ăn bữa cơm mới đầu tiên trong ngày tết với tình cảm gia đình thắm thiết.

Các món ẩm thực độc đáo
Ăn tết cùng thời điểm với người Kinh nhưng người Tà Ôi hiếm khi dùng các món mứt, hạt dưa, bánh kẹo... Dù giàu hay nghèo, gia đình vẫn phải có bánh nếp như a quát, adeep man, đệp peng và các món cơm lam. Thức uống có rượu mía, rượu cần, rượu đoác. Trong đó, nổi lên hai món ăn: món thịt rừng từ các con vật như dúi, chuột, nhím, gà, heo rừng... do đàn ông săn được và món cua suối do các thiếu nữ mò được.
Nếu không được mùa, người Tà Ôi sẽ tổ chức lễ hội đâm trâu. Ảnh: HOÀNG SƠN

Như một thông lệ, trước tết mấy hôm, các chàng trai thường vào những cánh rừng già để săn thú rừng. Họ chỉ đi gần để tránh rủi ro, đau buồn cho bản làng trong ngày đầu năm. Cách bẫy truyền thống là dùng nỏ, đặt bẫy để săn những loại thú bé, tránh bắt những thú lớn bởi người Tà Ôi quan niệm bắt thú lớn Yàng cũng không vui.

Thú rừng sau khi săn về được làm thịt sạch sẽ rồi hong trên bếp theo từng xâu nhỏ hoặc làm thịt ống. Thịt chuột sau khi làm sạch, ướp các loại gia vị như muối, ớt, tiêu rừng kèm theo một số loại rau củ thái nhỏ như sắn, môn thục, bắp chuối, rau rớn... trộn vào nhau, sau đó lèn chặt vào trong các ống lồ ô hay ống nứa rồi đem nướng. Nướng xong, các ống thịt được đặt ngay ngắn trong gùi để dành ăn trong những ngày tết.

Đầu con trâu được cắt ra để làm tế vật thiêng liêng. Ảnh: HOÀNG SƠN

Các thiếu nữ Tà Ôi đi bắt cua đá ở suối gần nhà, trong các hốc đá. Cua bắt về được làm sạch, sau đó tách vỏ cua ra làm hai phần. Sau khi cạo hết phần thịt riêng ra, họ nhét một ít đậu phộng và rau húng vào rồi đậy nắp vỏ lại, buộc chặt bằng dây lạt nhỏ. Tất cả được đặt vào một cái rổ nhỏ, để trên giàn bếp một đêm. Hôm sau, họ lấy xuống nướng ăn hoặc làm đồ nhắm với rượu, còn thịt cua thì kho nấu ăn với xôi.

Già làng Blúp A Măng (xã A Roàng) nói: “Ba ngày tết Acha Aza, người Tà Ôi rất mến khách. Có bao nhiêu rượu, cơm nếp, bánh, thịt ống, thịt khô đều mang ra đãi khách”.

Dấu ấn tâm linh
Người Tà Ôi cũng “Mùng 1 tết cha, mùng 3 tết thầy” như người Kinh. Ngày đầu tiên đầy dấu ấn tâm linh được dành cho các vị thần và tổ tiên. Ngày thứ hai, cả cộng đồng sinh hoạt với nhau. Thanh niên trai gái vui chơi trong ngày thứ ba.

Với mong ước một mùa bội thu và mưa thuận gió hòa, những người con của Yàng thường dành ngày đầu tiên của tết để hướng đến những vị thần. Họ khấn vái, quỳ lạy để rước điều may vào nhà. Tết ăn cơm mới chỉ tổ chức vào đúng dịp được mùa lúa, vui vẻ. Năm nào mất mùa, người Tà Ôi sẽ cúng Yàng bằng vật hiến sinh với lễ đâm trâu trong dịp tết. “Trong ngày này, họ tộc, gia đình làm lễ cúng thần Tro (thần Lúa). Trong ngôi nhà rông, từ 10 đến 20 gia đình sẽ góp lễ cúng gồm một a điên cơm nếp, một con gà luộc, một bát ki cul, một bát gạo” - anh Ploong Điệp (xã Đông Sơn) nói.

Tiếng cồng chiêng báo mùa lễ mới. Ảnh: HOÀNG SƠN

Với các lễ vật này, người chủ họ thắp kì cul, xông trầm rồi khấn vái cầu xin. Điều họ cầu mong chủ yếu hướng về vụ lúa mới, mong các vị thần linh phù hộ cho gia đình, họ tộc sang mùa rẫy mới được mùa, cầu xin mưa thuận gió hòa. Họ cầu cho dân làng không đau ốm, vật nuôi không bị chết... Việc đốt rẫy, dọn rẫy trong năm mới được nhanh như gió thổi, thú rừng không về quấy phá.

Ngày thứ hai, dân làng nô nức đến ngôi nhà rông giữa làng để xem lễ cúng cộng đồng. Đêm đến, hết thảy mọi người đều tập trung để nghe người già phát biểu ba bói, cà lơi, khuyên bảo con cháu lớp trẻ ăn ở có hiếu với cha mẹ, ông bà, nhớ ơn cha mẹ nuôi nấng nên người khôn lớn. Sau đó, mọi người xem lớp trẻ nhảy múa những điệu aza, za zả, cha chấp...

Ngày thứ ba của tết Acha Aza, thanh niên trong bản được vui chơi thoải mái. Tiếng khèn bè vang lên rộn rã, tiếng cồng chiêng hòa vào tiếng hát đối đáp. Nhiều đôi uyên ương cũng nhờ ngày mùng 3 tết mà nên vợ nên chồng. Đây cũng là thời điểm tổ chức các trò chơi dân gian như bắn nỏ, phóng lao, đá gót, kéo co, đu xà...

“Không khí ăn tết cổ truyền của người Tà Ôi luôn sinh động, mang đầy bản sắc. Tết Acha Aza đã làm cho văn hóa của sáu dân tộc anh em Pa Kôh, Tà Ôi, Pa Hi, Vân Kiều, Cơ Tu và Kinh sống trên đỉnh Trường Sơn thêm phong phú. Có thể nói, hiếm có cái tết nào như cái tết ở A Lưới khi sáu bản sắc của sáu dân tộc hòa quyện vào nhau làm nên cái chung, nhưng mỗi dân tộc lại có đặc trưng riêng” - ông Lê Dừa, nguyên Trưởng phòng Văn hóa, Thể thao và Du lịch huyện A Lưới, tự hào nhận xét.

Nông Thị Hằng (sưu tầm)

Sinh hoạt âm nhạc trong trình thức đám cưới của người Tà Ôi - Pacoh (Triệu Minh Bắc)

A Lưới là một huyện miền núi phía Tây tỉnh Thừa Thiên Huế, nơi đây là địa bàn cư trú lâu đời của ba dân tộc thiểu số thuộc nhóm ngôn ngữ Môn Khơme, mà trong đó, đông và tập trung nhất là dân tộc Tà ôi- bao gồm cả nhóm tự gọi là Pakoh- chiếm trên 80% tổng dân số của cả huyện.

Cũng như các cộng đồng tộc người cư trú dọc Trường Sơn, dân tộc Tà ôi còn bảo lưu, duy trì được những yếu tố văn hóa đặc sắc của tộc người, tiêu biểu cho cơ tầng văn hóa bản địa ở vùng lục địa Đông Nam Á.

Những hoạt động sản xuất của cộng đồng tộc người, tuy là vượt qua giai đoạn kinh tế cướp đoạt, đã tiến sâu vào giai đoạn kinh tế sản xuất với nền nông nghiệp lệ thuộc vào thiên nhiên, mà hình thái kinh tế chủ yếu là làm nương rẫy, ruộng vườn... nhưng hình thái săn bắt hái lượm vẫn mang đậm dấu ấn trong đời sống văn hóa của họ. Ở đó còn tiềm ẩn những tín hiệu văn hóa đặc thù liên quan đến sự giao thoa tiếp biến của truyền thống,  mà trong từng lĩnh vực, cần được tiếp tục nghiên cứu và giải mã.

Tuy nhiên, văn hóa cổ truyền dân tộc Tà ôi, cũng như các tộc ít người khác trong cộng đồng các dân tộc Việc Nam, như lời cảnh báo của GSTS Tô Ngọc Thanh: vốn dược sinh ra trong điều kiện của nền văn minh nông nghiệp lạc hậu và của xã hội chậm phát triển, đang bị thử thách gay gắt trước những yêu cầu của sự phát triển của xã hội hiện đại, mà trước hết là xu hướng công nghiệp hóa, đô thị hóa và toàn cầu hóa mọi mặt đời sống của con người. Vì vậy, nếu không quan tâm đến vấn đề văn hóa thì quá trình phát triển cũng đồng thời là quá trình hủy diệt văn hóa. Quá trình này, có một nhà nghiên cứu đã diễn giải cụ thể, thực tế và rất hình ảnh: xích lô về làng đã đưa xe kéo tay vào bếp. Máy bơm nhiều mã lực có mặt trên đồng ruộng thì gàu sòng, gàu giai ra đi. Ti vi, phim ảnh lên núi, thì người múa hát dân dã bỏ dần vốn cổ “cây nhà lá vườn” ...nói chung, như nhà nghiên cứu dân tộc học Nguyễn Văn Tiệp nhận định: đó là nguyên nhân làm rạn nứt các tập tục cổ truyền.

Việc chuyển từ ở nhà sàn sang ở nhà đất đã ảnh hưởng đến sự sắp xếp lại nơi ăn chốn ở; sự vắng mặt của ngôi Nhà Dài (dân tộc Tà ôi-Pacoh), là nơi bảo lưu rất rõ nét cơ cấu đại gia đình phụ quyền, đã tác động sâu sắc đến vấn đề hôn nhân và gia đình.

Quá trình hôn nhân của người Tà ôi thường diễn ra theo ba giai đoạn. Giai đoạn tiền hôn nhân. Giai đoạn hôn lễ, và giai đoạn kết thúc quá trình hôn nhân, trong đó hầu hết đều có sử dụng âm nhạc gắn bó với các bước của các lễ thức.

Cũng như đa số dân tộc ít người khác ở Việt Nam, các loại hình nghệ thuật của dân tộc Tà ôi chủ yếu tồn tại dưới dạng “phi vật thể” trong phương thức tổng thể nguyên hợp của văn hóa dân gian. Nó chỉ được lưu truyền qua trình diễn và ghi nhớ bằng trí nhớ con người. Trong đời sống của họ, âm nhạc luôn có mặt trong các sinh hoạt: trong nghi lễ tín ngưỡng, trong các lễ thức phong tục cũng như trong giao tiếp vui chơi... đã được phân định rõ nét về thể loại, chẳng hạn như điệu hát Ântoiq chỉ dùng trong đám cưới, và cũng chỉ ở giai đoạn tiến hành lễ thức cuối dùng, còn Karlơi thì hát trong các lễ thức ở giai đoạn đầu... Karlơi và Baboiqlà thể hát của người có tuổi, nhưng Karlơi được dùng rộng rãi hơn, trong giao tiếp, giáo dục khuyên răn con cái, vui chơi..., còn Baboiq thuộc về thể tự sự, nỗi niềm, gần với hát ru. Chachâp thì thường thích hợp với nam nữ thanh niên để trao gửi, giao duyên.

Nhạc cụ của người Tà ôi tuy đơn giản, thô sơ được chế tác chủ yếu bằng các nguyên liệu sẵn có trong thiên nhiên xung quanh họ như tre nứa, gỗ... nhưng không kém phong phú về chủng loại. Với trên mười loại nhạc cụ khác nhau có thể xếp vào các nhóm loại như: Nhóm hơi thổi gồm 6 loại: Areng, Tireel, Tale,Khên, Karyok ayol, Târkòi; nhóm dây gảy và kéo gồm 4 loại: Âmplưng, Abel, Âmpreng, và ânkoaiq; nhóm gõ gồm đàn: Ântoong, Koong, Tarlè, Xar và trống hai mặt da Arkư. Trong đám cưới, chỉ sử dụng một vài loại cho từng giai đoạn của quá trình hôn nhân.


Ở giai đoạn tiền hôn nhân, là sự tìm hiểu một cách tự do giữa nam nữ khi đến tuổi trưởng thành. Họ được phép hẹn hò nhau đến một chòi vắng trên rẫy hoặc bên dòng suối vào những đêm trăng sáng, gọi là “đi sim”. Những buổi đi sim như thế có thể hẹn trước, tuy nhiên nhiều lúc phải thông tin cho nhau bằng âm nhạc. Người con trai sẽ đến bên nhà sàn, chỗ cô gái thường ngủ, qua vách nứa mỏng manh, sử dụng một thứ nhạc cụ làm bằng đồng gọi là Ânkoaiq chỉ nhỏ bằng ngón tay cái, ngậm vào môi dùng vòm miệng làm hộp cộng hưởng và ngón trỏ điều khiển làm rung lưỡi gà tạo nên những âm thanh như tiếng ếch nhái, ễnh ương kêu trong đêm. Cô gái nghe được “tiếng lòng” ấy, liền nhẹ nhàng rời nhà theo người con trai đến chỗ hẹn hò.

Thổi sáo Areng tỏ tình trong tục “đi sim”

Trong đêm trăng sáng bên dòng suối giữa rừng, trong một chòi nhỏ họ ngồi bên nhau trao gửi ý tình. Ngoài ngôn ngữ bình thường, họ thường thổ lộ tình cảm bằng điệu hát chachâp hoặc bằng tiếng sáo Areng, tiếng đàn Âmplưng hoặc tiếng Khên.

Areeng được làm bằng một đoạn nứa nhỏ, ngắn khoảng 30cm, phát được 3 âm, đây là loại sáo dọc thường được trai gái sử dụng để trao gửi tình cảm cho nhau.

Đàn Âmplưng làm từ một ống tre có đường kính khoảng 8cm và dài khoảng 40cm, có hai dây bằng vỏ tre được tước ra từ chính ống tre đó, và dùng một miếng tre nhỏ khác làm ngựa đàn căng dây. Theo GSTS Trần Văn Khê, loại đàn ống tre này không chỉ có ở Việt Nam mà có mặt rất nhiều nước thuộc Đông Nam Á lục địa và hải đảo như: Mianmar, Philippin, Inđonêxia .v.v...

Khên là tên gọi của một nhạc cụ rất phổ biến ở các dân tộc miền núi phía Bắc Việt Nam: Khèn bè. Khèn của dân tộc Tà ôi ảnh hưởng khèn Lào, gồm 14 ống sậy được sắp xếp song song từng đôi một thành 7 hàng thứ tự từ ngắn đến dài. Khèn bè là một nhạc cụ thể hiện rõ nét yếu tố đặc trưng trong âm nhạc Đông Nam Á là thường sử dụng âm trì tục trong hòa tấu cũng như trong độc tấu ở một số loại nhạc cụ.

Qua nhiều lần tìm hiểu bằng các buổi tối đi sim, nếu đôi bên đã ý hợp tâm đầu thì họ trao tặng vật làm tin như chiếc vòng bạc đeo tay hoặc xâu chuỗi cườm.v.v...

Sau đó, người con trai chủ động trình bày với gia đình tìm người mai mối đến đặt vấn đề với gia đình bên gái. Việc đặt vấn đề có tốt đẹp, nhanh chóng hay không là tùy thuộc vào việc thõa mãn yêu cầu thách cưới của nhà gái. Nếu đã được thõa thuận về của cải thì sẽ nhanh chóng định ngày làm lễ cưới.

Giai đoạn làm lễ cưới, theo phong tục, được chia làm hai bước. Bước 1, được tổ chức tại nhà gái. Nội nhung và tính chất tựa như lễ hỏi của người Kinh, được gọi là “lễ bỏ của”.

Trong lễ này, nhà trai phải đưa đến một phần của cải đã thõa thuận và các vật phẩm khác như lợn, gà, xôi, bánh .v.v...

Hôn nhân của người Tà ôi ngày xưa nặng về tính chất mua bán với các tục tảo hôn, thách cưới rất nặng nề, nhưng được luật tục của cộng đồng thừa nhận. Vì vậy, cưới vợ đồng nghĩa với “mua vợ”, và do phải bỏ số của cải lớn theo yêu cầu của nhà gái, cho nên cô gái về nhà chồng phải quằn lưng làm lụng vất vả. Nếu không may chồng chết, người vợ không có quyền tái hôn với người nào khác, mà phải suốt đời ở lại như vật sở hửu của nhà chồng, và luật tục cổ truyền của người Tà ôi cho phép có thể tiếp tục tái hôn với người trong gia đình chồng, như lấy em trai hay anh trai chồng, thậm chí cả bố chồng, hoặc ngược lại con trai có thể lấy vợ lẻ của bố, cháu trai có thể lấy cả vợ của chú trong trường hợp bố, chú mất...

Trong lễ này, số của cải đã thõa thuận sẽ được xem xét, tính toán còn lại bao nhiêu mà nhà trai cho phép tiếp tục trả sau này. Đơn vị của cải này được nhà gái tính toán bằng số lượng hạt ngô...

Nếu không có gì trở ngại, cô dâu được phép theo họ ngà trai về luôn bên nhà chồng. Theo tục lệ, lễ này phải được diễn ra từ chiều tối,và cô dâu sẽ được đưa về lúc đêm khuya để tránh sự nhòm ngó của người khác, tránh điều rủi ro, vợ chồng sẽ không hạnh phúc. Lệ thường, thì sau 5, 7 ngày, hai vợ chồng còn phải trở lại nhà vợ để chính thức từ giã gia đình bằng 2 lễ thức phong tục, là cô dâu cắm một cây dao vào bếp, và ném đôi đũa xới cơm xuống sàn nhà, chấm dứt thời kỳ phụng dưỡng bố mẹ, để hoàn toàn thuộc về một gia đình khác.

Bước 2 trong giai đoạn này là sau khi cô dâu về nhà, sẽ diễn ra một cuộc lễ tại nhà trai để đón gia đình nhà gái. Nhà trai mời nhà gái những vật phẩm của mình. Phần này có một lễ thức mang tính ước lệ là đại diện 2 nhà nhúng mảnh lá chuối vào một bát rượu, biểu hiện sự nhất trí và giao kết giữa 2 họ... Nhà gái cũng mang đến đóng góp những vật phẩm của mình.

Tiếp đến là phần diễn xướng. Nhà trai mời nhà gái cùng nhảy múa hát chúc mừng 2 bên trong điệu hát Karlơi rất được ưa chuộng.

Karlơi là một điệu hát khá hoàn chỉnh về cấu trúc. Một mô-típ âm điệu sử dụng tiếng đệm, được láy đi láy lại ở âm khu cao xuất hiện nhiều lần sau các vế kể, tạo thành một “đoạn điệp” làm cân bằng kết cấu âm nhạc. Giai điệu đơn giản nhưng đường nét quán xuyến theo thủ pháp nhắc lại ở các cao độ khác nhau trong một mô-típ tiết tấu có tiết phách rõ ràng của loại nhịp chẵn, làm cho điệu hát mang tính giai điệu cao, so với các điệu hát khác của dân tộc này. Điệu hátKarlơi thường được hát với nhiều nội dung khác nhau, rất dược ưa thích và thường phải nhún nhảy, lắc lư theo nhịp trống. Đây là một điệu hát không thể thiếu trong mọi sinh hoạt diễn xướng của người Tà ôi...

Trong lúc vừa hát Karlơi vừa lắc lư theo nhịp điệu, sẽ thực hiện một lễ thức kết thúc là đại diện 2 họ khoác áo cho nhau. Nhà gái khoác tấm “dèng” thổ cẩm (là loại vải dùng cho phụ nữ) lên vai đại diện nhà trai, mang ý nghĩa gửi gắm con gái cho nhà trai, nhà trai thì khoác cho nhà gái chiếc áo đàn ông.

Giai đoạn cuối cùng là tiến hành lễ “hoàn tất” (Pẩy Plồh). Theo các nhà nghiên cứu văn hóa-dân tộc học như Nguyễn Hữu Thông, Huỳnh Đình Kết, Nguyễn Xuân Hồng và Phan Thị Đào, giai đoạn này được xem như sự đánh dấu cô dâu đã hoàn toàn thuộc về nhà chồng. Phía nhà trai phải thanh toán trọn vẹn số của thách cưới đang còn thiếu. Lễ hoàn tất có thể tiến hành ngay sau lễ cưới đối với nhà chồng giàu có, nhưng có thể hằng năm sau mới tiến hành được nếu nhà chồng khó khăn chưa đủ của cải để trả món nợ thách cưới của nhà gái. Có khi con cái của 2 vợ chồng đã lớn khôn mới thực hiện được, thậm chí lúc còn sống chưa trả được, lúc chết đi thì con cái hoặc dòng họ góp sức làm để trả.

Tùy theo điều kiện mà lễ này được tổ chức lớn hay nhỏ, nhưng thường có quy mô không kém hơn so với lễ cưới. Bà con hai họ, láng giềng đông đủ hơn để ăn uống, vui chơi, cũng như để cộng đồng chứng kiến việc bán gã đã hoàn tất theo luật tục, cô dâu từ đây đã chính thức thuộc về gia đình nhà trai...

Khi nhà trai tuyên bố xin thanh toán hết số của cải còn thiếu, nhà gái cũng trao lại cho nhà trai một số của cải tượng trưng, chủ yếu là dèng, chiếu, một ít thực phẩm đựng trong ống tre... có ý nghĩa như của “hồi môn” cho con gái trong tục lệ của người Kinh. Có thể đây là sự giao thoa văn hóa chăng?

Diễn xướng trong giai đoạn này cũng được xem là một bộ phận của lễ thức... Lúc mọi người vẫn ăn uống vui vẻ trong tiếng cồng, tiếng trống, chủ nhà gái cất hát Karlơi chúc mừng nhà trai và công nhận con gái của chúng tôi từ giờ phút này hoàn toàn thuộc về nhà chồng, mong nhà chồng săn sóc con dâu để đừng ốm đau bệnh tật. Đại diện nhà trai hát đáp lại cảm ơn gia đình nhà gái đã nuôi nấng dạy dỗ con cái nên người, và đã cho con gái về làm vợ, làm nội trợ cho gia đình chồng...

Kết thúc phần diễn xướng, chủ của 2 họ lại làm thủ tục quàng áo cho nhau. Chủ nhà gái quàng cả tấm dèng thổ cẩm lên người chủ nhà trai và trao cho chủ nhà trai một con gà sống, đồng thời ôm nhau trong một cử chỉ thân thiện, mãn nguyện.

Buổi lễ kết thúc bằng lễ thức cuối cùng: hai bên nói lời cam kết bằng điệu hát Ântoiq.
Ântoiq là điệu hát đặc biệt của người Tà ôi, chỉ dùng trong đám cưới và cũng chỉ ở giai đoạn kết thúc. Đường nét giai điệu không uyển chuyển như điệu hátKarlơi mà gần với lối “hát nói”, nhịp điệu tự do tùy hứng. Nội dung của điệu hát Ântóiq là sự cam kết giữa 2 gia đình: Vợ chồng không được bỏ nhau, phải yêu thương nhau và gắn bó với gia đình chồng suốt đời. Nếu bỏ nhau phải bồi thường theo lệ làng.

Nhà gái hát cám ơn nhà trai đã bỏ của cải để cưới con gái, sau đó nhà trai lại hát về việc của cải cho con không được nhiều... mong nhà gái không đòi con lại, hai gia đình sẽ mãi mãi là sui gia giữ vững tình đoàn kết thân ái...

Đứng trước sự phát triển của xã hội hiện đại , những ngôi nhà Dài, nhà Gươl của các dân tộc thiểu số cư trú dọc Trường Sơn ở Thừa Thiên Huế, đã bắt đầu hiếm hoi. Các tập tục văn hóa cổ truyền chứa đựng trong nó, được sản sinh ra trong nền kinh tế rẫy nương, săn bắt đã dần dần mai một đi trong đời sống “ở đất bằng làm ruộng nước” với thiết chế “điện, đường, trường, trạm” như hiện nay. Giữa thời điểm này, một lễ cưới của người Tà ôi ít nhiều còn bảo lưu được các tập tục cổ, cũng như nghệ thuật diễn xướng gắn bó với nó, mang tính nguyên hợp của một loại hình... tưởng cũng là một điều may mắn cho công việc bảo tồn các biểu hiện văn hóa còn tiềm ẩn những tín hiệu, những yếu tố mang đậm chất văn hóa bản địa này.

Cũng cần nói thêm rằng, những trình thức trong đám cưới, điều do các người già điều khiển qua sự tái tạo lại bằng trí nhớ; những điệu hát ở mỗi giai đoạn trong lễ cưới, cũng do người già nhớ và hát; các loại nhạc cụ cũng do người già chế tác... Giới trẻ, hầu như vắng mặt trong đời sống tinh thần của quá khứ, và như thế, những sinh hoạt mang tính phong tục, tập quán đặc trưng của tộc người khó mà lưu giữ được vào ký ức văn hóa của họ, như ý kiến cảnh báo của các nhà nghiên cứu: “truyền thống văn hóa của một dân tộc sẽ chấm hết khi thế hệ cuối cùng lưu giữ nó chết đi”... Và điều này, đang đúng với thực trạng văn hóa của các dân tộc thiểu số miền núi ở Thừa Thiên Huế.

Triệu Minh Bắc (sưu tầm)

Tổng Quan Dân Tộc Tà Ôi (Dương Công Thức)

1.  Vài Nét Về Dân Tộc Tà Ôi
Dân số: 43.886 người
Ngôn Ngữ: Người Tà Ôi nói tiếng Tà Ôi, thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khmer, gần gũi với ngôn ngữ Ka Tu (Cơ Tu) và Bru (Vân Kiều)
Tên gọi khác: Tôi Ôi, Pa Cô, Ba Hi hay Pa Hi
Nhóm địa phương: Tà Ôi, Pa Cô, Ba hi
Địa bàn cư trú: Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Thanh Hóa, Quảng Nam

Địa bàn cư trú
Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Tà Ôi ở Việt Nam có dân số 43.886 người, có mặt tại 39 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố. Người Tà Ôi cư trú tập trung tại các tỉnh: Thừa Thiên-Huế (29.558 người, chiếm 67,35% tổng số người Tà Ôi tại Việt Nam), Quảng Trị (13.961 người, chiếm 31,81% tổng số người Tà Ôi tại Việt Nam), Thanh Hóa (37 người), Quảng Nam (33 người)
2. Kinh Tế Truyền Thống
2.1.  Trồng Trọt
Dân tộc Tà Ôi sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt trên nương rẫy- nương rẫy đa canh và du canh, theo phương thức canh tác cổ truyền là: phát cây, đốt rẫy, trỉa hạt. Riêng nhóm Pa Hi có làm thêm một số ít ruộng nước, nhưng nguồn lương thực chính và hoa màu quan trọng, vẫn là sản phẩm từ trồng trọt trên nương rẫy. Cây lương thực chính là cây lúa nương, cây ngô. Trước đây đồng bào Tà Ôi trồng một vụ lúa nương – vụ mùa vào mùa hè thu (từ tháng tư đến tháng 11). Từ giữa nửa cuối của thế kỷ trước, đồng bào làm thêm vụ rẫy chiêm, gieo trồng vào tháng 2, thu hoạch vào tháng 7. Trong vụ mùa, đồng bào chuyên gieo trồng các giống lúa cổ truyền và trồng xen canh là các loại cây ngô, môn và các loại cây gia vị. Với vụ chiêm, đồng bào trồng lúa ba giăng và trồng xen canh. Với lúa ba giăng trong vụ chiêm là ngô, sắn, bầu bí, dưa, môn. Ruộng nước có xu hướng phát triển, nhất là những nơi gần nguồn nước, gần sông A Sáp.
Người Tà ôi trên rẫy (Ảnh minh họa)
Trên ruộng nước, mỗi năm đồng bào cấy hai vụ, với giống lúa mới, cho năng suất cao. Công cụ sản xuất chủ yếu vẫn là con dao, chiếc cuốc, gậy chọc lỗ và những con dao cũ, cùn được bẻ ngoặt đề như cái cào. Việc dùng cày, kể cả làm ruộng nước vẫn còn rất hiếm thấy. Nhìn chung, trong quá trình phát triển có nhiều tác động từ bên ngoài và những tác động đó đang có ảnh hưởng nhất định đến xu hướng phát triển của dân tộc Tà Ôi.
Người Tà Ôi là cư dân sớm có nghề làm vườn. Mỗi gia đình đều trồng một số loài cây ăn quả như mít, dứa, cam, bưởi, muỗm trong vườn gần nhà. Nghề làm vườn không chỉ tận dụng được lao động người lớn tuổi, trẻ em, mà còn tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình.
2.2. Chăn nuôi
Người Tà Ôi có truyền thống chăn nuôi trâu, bò, lợn. dê, gà… Đồng bào chăn nuôi trâu không để làm sức kéo, mà chủ yếu làm vật tế sinh cúng Giàng và sau đó là bán xuống miền xuôi hoặc bán sang nước Lào. Trâu, bò nuôi theo phương thức chăn thả vào trong rừng. Lợn, gà cũng được nuôi phổ biến trong từng gia đình. Mục đích nuôi là vừa làm vật hiến sinh thờ cúng, vừa làm nguồn thức ăn cho gia đình trong những ngày lễ tết, những dịp hội hè, lễ tiết.
Chăn nuôi vẫn là nghề phụ thuộc, chưa tách thành ngành nghề độc lập, nhưng nó được tính là một nguồn lực kinh tế quan trọng, cho những nhà nào chăn nuôi nhiều đại gia súc được coi là nhà giàu có, có vị thế trong quan hệ cộng đồng, xóm giềng.
2.3. Khai thác tự nhiên
Sinh sống ở miền Tây tỉnh Thừa Thiên – Huế và Quảng Trị, là vùng rừng núi, đồng bào Tà Ôi hết sức tận dụng khai thác các sản vật từ núi rừng. Đó là nấm khô, măng tươi, song, mây, mật ong rừng, các loại thảo dược. Đồng bào khai thác những sản vật này vừa để sử dụng như một nguồn thu phẩm quý giá, vừa để trao đổi, bán cho khách hàng ở ngoài chợ.
2.4.  Ngành nghề thủ công
Nghề dệt của người Tà Ôi (Ảnh sưu tầm)
Sinh sống bằng kinh tế tự túc, tự cấp, thì ngành nghề thủ công đương nhiên ít nhiều cũng cần và phát triển nhằm phục vụ cho nhu cầu gia đình. Trong dân tộc Tà Ôi, có hai nghề thủ công tương đối phát triển là nghề đan lát mây tre và nghề dệt vải, nghề rèn, nghề gốm. Đan mây tre là công việc của đàn ông, đồng bào đan những đồ gia dụng như giần, sàng, rổ giá, gùi, bồ đựng
thóc, ngô và các nông sản khác. Phụ nữ có làm nghề dệt, nhưng nghề dệt có xu hướng ngày càng giảm, do những khó khăn về kỹ thuật cũng như mẫu mã không cạnh tranh được với hàng xuôi và hàng từ Lào sang bán. Nghề rèn, nghề gốm trước đây khá phát triển, nhưng về sau cũng rơi vào tình trạng tương tự.
2.5. Trao đổi mua bán
Người Tà Ôi có quan hệ giao lưu buôn bán tương đối phát triển, nhất là ở huyện A Lưới. Đây tuy là vùng rừng núi, nhưng giao thông tương đối thuận tiện, có đường quốc lộ 49 chạy từ thành phố Huế lên thị trấn A Lưới, rồi đi một đoạn ngắn nữa là sang Lào. Ở thị trấn A Lưới – nơi địa bàn giao lưu hàng hoá giữa Lào và tỉnh Thừa Thiên – Huế, luôn có hàng xuôi xuống vùng đồng bằng và có hàng chuyển sang bên Lào. Còn người Tà Ôi có một số mặt hàng lâm sản được đem bán ở chợ như: nấm khô, măng tươi, ớt sấy, song, mây, các loại lâm sản có tính dược. Bán thuốc lá là nét độc đáo của người Tà Ôi ở chợ A Lưới. Đồng bào Tà Ôi ra chợ thường hay mua các mặt hàng công cụ sản xuất bằng sắt, mua đồ, mắm, muối, sành sứ, trâu giống. Chính sự hoạt động buôn bán nhộn nhịp ở chợ A Lưới đã góp phần thúc đẩy hoạt động kinh tế cũng như tư duy kinh tế của đồng bào Tà Ôi.
3. Văn hóa truyền thống
3.1. Làng
Làng của người Tà Ôi có cấu trúc hình tròn, cấu trúc làng này mang tính tương đối phổ biến ở cư dân Bắc Trường Sơn. Kiểu làng là hình tròn, giữa làng là nơi dựng nhà công trình công cộng – nhà gươl, nơi sinh hoạt chung của dân làng. Một nguyên tắc dựng nhà ở trong làng là đòn nóc các nhà đều hướng vào trung tâm (nhà gươl), nhưng không đâm vào nhau. Tuy nhiên cũng có trường hợp làng không theo hình tròn, mà là hình chữ nhật, hình móng ngựa, hình đường phố. Những trường hợp làng hình chữ nhật, hình móng ngựa thường không có nhà gươl, mà giữa làng là một cây nghi lễ để làm lễ đâm trâu của làng.
Trong mỗi làng Tà Ôi có một kruông wel – đất làng, bao gồm đất ở, đất làm rẫy và núi rừng để săn bắn, hái lượm cũng như khai phá rẫy mỗi khi có nhu cầu. Phạm vi đất làng được xác định bằng các mốc tự nhiên như một con đường, một cái đèo, một gốc cây cổ thụ, một chỗ ngoặt. Ranh giới giữa các làng được mọi người dân trong làng cũng như các làng lân cận biết rõ, tuy không có văn bản quy định, mà chỉ truyền miệng. Phạm vi đất làng thuộc chủ quyền của làng và coi như bất khả xâm phạm. Trong phạm vi đất làng, người dân có thể du canh, luân canh. Mỗi khi du canh, đồng bào thường làm chòi – su ở gần rẫy để tiện cho sản xuất và bảo vệ mùa màng khi vụ thu hoạch đến. Chòi đi theo rẫy là có tính tạm thời, còn nhà ở chính thức thì thường cố định hàng chục năm. Chỉ khi nào rẫy du canh quá xa nhà ở, có thể mới tính đến dời làng đó đi tìm đất dựng làng ở nơi khác.
Trong làng còn có sân làng và ngôi nhà rông là những cơ sờ vật chất chung của làng. Đây là nơi gặp gỡ vui chơi hàng ngày của người già và trẻ nhỏ; đồng thời cũng là nơi sinh hoạt nghi lễ của cộng đồng làng. Các nghi lễ tôn giáo của làng đều được thực hiện tại ngôi nhà rông. Mọi người dân trong làng đều có trách nhiệm đóng góp và tham dự.
Ngôi nhà rông của người Tà Ôi cũng như ngôi nhà rông của nhiều dân tộc ở Tây Nguyên, có chức năng làm nơi thờ cúng các vị thần linh chung của làng, tiếp khách chung của làng, làm chỗ ngủ cho các chàng trai chưa vợ và những người đàn ông góa bụa. Một số làng của nhóm Cô, Pa Hi không có nhà rông, thì chức năng thờ cúng được thực hiện như một miếu – parông. Miếu thường được làm trong rừng sâu, phía sau làng, gần đầu nguồn nước; hoặc ở cái lễ đàn được dựng ở giữa sân làng dùng cho hiến sinh trâu. Lễ đàn luôn được trang trí đẹp với yêu cầu thẩm mỹ cao. Khách chung của làng thì được tiếp ở gian chung – mong của ngôi nhà dài lớn.
Mỗi làng Tà Ôi là một đơn vị tự quản. Cư dân sinh sống trong làng thuộc về nhiều dòng huyết thống khác nhau. Mỗi dòng huyết thống sống trong nhiều ngôi nhà. Mỗi ngôi nhà có một người đứng đầu. Những người đứng đầu ngôi (nóc) nhà hợp thành bộ máy quản lý mọi công việc chung của làng. Trong bộ máy này có phân công công việc cho từng cá nhân, nhưng từng người vẫn tự lao động kiếm sống hàng ngày.
3.2. Nhà ở
Người Tà Ôi nói chung ở nhà sàn. Tuy nhiên có nhóm Pa Hi thì lại ở nhà đất. Một trong những nét đặc thù của nhà ở người Tà Ôi là mái hai đầu hồi có hình trỏn và trên mái, nơi tiếp giáp đầu đòn nóc với mái đầu hôi, đều có “khau cút”. Loại nhà có mái dầu hồi tròn là đặc trưng kiến trúc nhà ở của nhiều dân tộc nói ngôn ngữ Môn – Khmer ở miền Nam Việt Nam và Trung Đông Dương. “Khau cút” trên đầu hồi của nhóm Tà Ôi, có nét đặc trưng khác với các nhóm khác trong cùng dân tộc, là “khau cút” bằng gỗ, có hai hình đầu chim cu – age aku. Người Tà Ôi quan niệm rằng, chim cu là hình tượng tình yêu quê hương và tâm tính hiền hoà của dân tộc.
Nhiều nguồn thông tin cho hay, đến giữa thế kỷ XX ở vùng dân tộc Tà Ôi vẫn còn bóng dáng những ngôi nhà dài. Sách báo có đề cập đến ngôi nhà dài nhất, chứa đựng đến 50 cặp vợ chồng, cùng một nguồn gốc tổ tiên tính theo dòng cha. Trong ngôi nhà dài đó có một số cặp vợ chồng cùng con cái làm riêng, ăn riêng. Những gia đình còn lại, làm chung, ăn chung, dưới sự điều hành và quản lý của cặp vợ chồng gia trưởng. Ngôi nhà dài của cụ Hồ Rí ở A Roàng, huyện A Lưới tỉnh Thừa Thiên – Huế, dài đến một trăm mười tám mét, tồn tại đến năm 1992.
Nguyên vật liệu làm nhà của người Tà Ôi là gỗ, tre, nứa, lá, dây rừng để buộc. Đây là nguyên liệu thu hái tại chỗ, không mất tiền mua, mà chỉ mất công vào rừng kiếm lấy. Những ngôi nhà của dân tộc Tà Ôi cũng được dựng bằng kỹ thuật thủ công đơn giản, tận dụng cây thẳng, cây có ngoãm để làm xà, làm cột. Công cụ làm nhà chủ yếu là con dao, chiếc rìu. Không có thợ chuyên, là đàn ông, ai cũng có thể tham gia làm một công việc nào đó cho ngôi nhà.
3.3. Y phục, trang sức
Trang phục cổ truyền của người Tà Ôi cũng như trang phục cổ truyền của nhiều dân tộc Tây Nguyên, nhìn chung là đơn giản về kiểu dáng, mẫu mã, nhưng lại thiên về làm đẹp bằng cách trang trí hoa văn. Bộ y phục của nam giới gồm có một cái khố, một cái áo, và một tấm choàng. Bộ y phục cho phụ nữ gồm một cái váy với nịt lưng và một cái áo. Áo của nam và áo của nữ Tà Ôi đều cắt theo kiểu chui đầu, xẻ trên vai để chui đầu qua khi mặc. Áo nữ, thông thường không có tay áo. Nhóm người Pa Cô có tập tục, khi con gái chưa lấy chồng thì mặc váy dài quá đầu gối còn khi có chồng thì mặc váy ngắn ngang đầu gối hoặc trên đầu gối một chút. Tấm choàng được sử dụng khi thời tiết se lạnh. Tấm choàng thường có màu đỏ, còn váy, áo có màu nên là màu xanh chàm, nhưng trên đó có những mô típ hoa văn trang trí là những đường chỉ sọc đỏ.
Người Tà Ôi thường sử dụng hai hình thức trang sức: đeo đồ trang sức và xăm trên người. Những đồ trang sức đeo trên người Tà Ôi có bông tai bằng xương động vật hay bằng ngà voi. Bông tai có hình chóp nón cụt, có đường kính to, làm tai căng rộng. Đồng bào quan niệm người có tai to căng, xệ xuống là tai đẹp, là người phúc hậu. Đồ trang sức đeo còn được đeo ở cổ. Đeo ở cổ là những dây mã não màu nâu trong, chuỗi hạt cườm nhiều màu quấn thành nhiều vòng. Đeo ở cổ tay, cổ chân là những vòng bằng kim loại. Loại vòng chất liệu bằng đồng thau vừa là vật trang sức, vừa có ý nghĩa sự cam kết không chỉ ở dân tộc Tà Ôi, mà còn thấy ở nhiều dân tộc khác cư trú ở vùng Trường Sơn – Tây Nguyên
Xăm mình là hình thức trang trí được thực hiện ngay trên cơ thể con người. Hình thức trang trí bằng xăm mình không phổ biến cho tất cả mọi người. Chỉ có một số người dùng hình thức xăm để trang điểm Người ta thường xăm trên trán, trên lông mày, ở hai gò má, môi trên, môi dưới, cằm, cổ và có thể ở nhiều chỗ khác thuộc nửa trên của thân. Các mô típ xăm thường thấy là hình ngôi sao 5 cánh, hình mặt trời ở ngực nam giới; hình chữ vạn ở trên trán và má người phụ nữ; hình vuông và hình người cách điệu hoá ở trên trán nam giới.
Cũng thực hiện trang trí trên cơ thể, người Tà Ôi có tục cà răng. Trước đây, thanh niên nam, nữ hay cà 6 răng cửa thuộc hàm trên. Cà răng được thực hiện khi con trai, con gái bước vào tuổi dậy thì, đánh dấu là người đã trưởng thành, về mặt xã hội, sau cà răng được cộng đồng dan tộc đánh giá cao, có quyền tham gia công việc của cộng đồng với tư cách là người lớn, người trưởng thành.
Tục xăm mình và cà răng đã lùi sâu vào quá khứ, nó chỉ còn tồn tại dưới dạng ký ức của lớp người cao tuổi.

3.4. Ẩm thực
Người Tà Ôi ăn cơm là chính. Cơm có cơm nếp và cơm tẻ. Gặp khi mùa màng thất bát, đồng bào ăn ngô, hoặc độn thêm khoai, sắn. Thức ăn thực vật thường ngày là rau rừng kết hợp với rau trồng trong vườn nhà. Ngoài ra đồng bào cũng hay ăn cá khô, mua ở chợ A Lưới, do thương gia từ dưới đồng bằng mang lên. Thức ăn có nguồn gốc động vật còn có các loại thịt trâu, bò, dê, lợn, gà, vịt. Thịt trâu băm nhỏ trộn muối ớt, tỏi nhét vào ống lồ ô để vài ba ngày đem ra ăn được đồng bào ưa thích.
Bánh sừng của người Tà Ôi (Ảnh sưu tầm)
3.5. Phương tiện vận chuyển
Cũng như các dân tộc khác, người Tà Ôi sử dụng gùi như công cụ vận chuyển hàng

3.6. Ngôn Ngữ
Chiếc gùi (Ảnh minh họa)
Tiếng nói: Tiếng nói của người Tà Ôi thuộc hệ ngôn ngữ Nam Á. nhóm ngôn ngữ Môn – Khmer. Ngôn ngữ của người Tà Ôi cũng như ngôn ngữ dân tộc khác trong nhóm này, có một vốn từ đặc thù, khác với vốn từ của các dân tộc Môn – Khmer ở phía Nam, điển hình là các số đếm từ 5 đến 9.
Chữ viết: Người Tà Ôi trong lịch sử chưa có chữ viết riêng.
3.7. Tín ngưỡng tôn giáo
Người Tà Ôi tin theo đa thần, quan niệm vạn vật hữu linh, mọi vật đều có linh hồn – thần linh. Các thần linh đều có tên gọi chung là giàng. Có nhiều loại giàng khác nhau như: giàng núi rừng, giàng sông suối, giàng đất làng. Người ta thờ giàng ở trong nhà rông của làng, hoặc trong một miếu trong rừng. Các giàng này, mỗi năm được cúng một lần bằng trâu. Nghi lễ này được gọi là a riêu giàng sự, do người đứng đầu làng làm chủ lễ.
Người Tà Ôi quan niệm người sống là có xác và có vía. Mỗi người sinh ra được cha mẹ cho một cái bát làm vật ký thác cho cái vía đó. Trong nhà có bao nhiêu người thì hiện diện bấy nhiêu cái bát. Con gái đi lấy chồng, đem theo bát của mình về nhà chồng, ở mỗi gia đình, các bát vía đều được tập trung thờ ở một bàn thờ đan bằng tre. Bàn thờ đó gọi là war. Chính vì vậy, vía còn được gọi bằng cái tên là giàng war.
Theo quan niệm của người Tà Ôi, cây lúa, cây ngô và các của cải khác cũng đều có giàng. Giàng sro là hồn lúa; giàng panuôl là hồn của các của cải, là hồn của những vật ký thác được thể hiện qua những hòn đá có hình thù kỳ lạ như hình người, hình con vật. Việc thờ cúng các giàng trên là việc của từng gia đình do người đàn ông đứng đầu gia đình chủ trì. Các hòn đá ký thác của thần được đựng trong một cái “sọt thờ”- (hay knih). Sọt này được treo ở đầu giường người đàn ông chủ nhà. Ở nhiều vùng người Pa Cô, vật ký thác còn gồm cả sừng nai, răng cọp.
Giàng sro – thần lúa của người Tà Ôi là nữ thần. Các vật ký thác của thần là váy, áo và đồ trang sức cho đàn bà. Việc thờ cúng hồn lúa cũng là việc của từng gia đình, nhưng do đàn bà đứng đầu gia đình chủ trì. Các gruh đựng những vật ký thác của thần được treo ở đầu giường người chủ sự – người mẹ lúa, trên một cái cột thiêng tại góc nhà. Hàng năm, người Tà Ôi có hai kỳ làm lễ cúng thần lúa: một là lễ apiêr tổ chức vào thời điểm cây lúa mọc cao bằng chiều dài ngón tay, để cầu mong cho cây lúa sinh trưởng được tốt; hai là lễ aja tổ chức vào thời kỳ thu hoạch lúa, cầu mong thu hái được trọn vẹn và cũng là để tạ ơn thần lúa. Trong hai lễ này, thì lễ aja được tổ chức quy mô lớn hơn và nhiều nghi thức đáng quan tâm hơn.
Nghi thức cúng lễ aja chia làm hai phần: phần thứ nhất cúng ở rẫy; phần thứ hai cúng ở trong làng. Nghi lễ thứ nhất cúng ở rẫy được thực hiện vào một buổi sáng sớm ngày đã chọn trước để bắt đầu suốt lúa đàn là một cái vòm kết bằng 4-5 khóm lúa ở chân rẫy của hai ba hàng lúa được chọn, là những cây lúa có bông mây hạt nhất. Các vật ký thác của hồn lúa và lễ vật được bày ra tại lễ đàn. Chủ lễ là người phụ nữ đứng đầu gia đình. Sau khi khấn lễ xong, chủ lễ suốt những nhánh lúa đầu tiên, sau đó những người trong gia đình đi theo mới được bắt đầu suốt. Người Tà Ôi có tập quán suốt lúa từ chân rẫy lên đầu rẫy. Phần thứ hai cúng tại trong làng. Trong lễ này người ta tổ chức một lễ hiến sinh lớn ở từng gia đình. Cả làng cùng tổ chức trong một ngày. Tại nghi lễ này, vật ký thác cũng được bày ra, đồng thời thêm vào đó một số bông lúa mây hạt nhất mới thu hoạch về. Người chủ trì nghi lễ cúng vẫn là người phụ nữ chủ gia đình. Đây là nghi lễ cuối cùng của một chu kỳ nương rẫy.
3.8. Lễ hội
Lễ mừng nhà mới của người Tà Ôi được tiến hành với một cây nêu cao được dựng lên trước cửa nhà; thầy cúng, đội cồng chiêng và rất đông đồng bào Pa Coh tham dự lễ cùng nhau nhảy múa trên nhà, dưới đất, trảy lửa đuổi ma quỷ để gia cư được yên ổn, người nhà an tâm làm ăn.
Lễ mừng nhà mới của người Tà Ôi
(Ảnh sưu tầm)
Sau lễ mừng nhà mới là lễ Cúng nhà mồ với rất nhiều các nghi lễ như: lễ hiến tế, lễ đâm trâu hoặc dê, lễ đưa Mả vào lăng, lễ Cầu kết… tất cả đều do thầy cúng điều hành. Lễ hội Ariêu Ping của người Tà Ôi đã có từ lâu đời và được duy trì cho đến tận ngày nay. Đây là một lễ hội bao hàm tổng thể cả đời sống văn hoá lẫn tâm linh. Người Tà Ôi quan niệm, xung quanh đời sống của họ luôn có các linh hồn song song tồn tại. Bởi vậy, Lễ hội Ariêu Ping được tổ chức nhằm tưởng nhớ và tỏ lòng tôn kính đến những người đã khuất, khơi dậy những nét đẹp văn hóa truyền thống tốt đẹp đã ăn sâu vào tiềm thức của đồng bào từ xa xưa.
Lễ hội Ariêu Ping không được ấn định niên hạn tổ chức cụ thể, thường đến mười năm mới tổ chức một lần căn cứ vào điều kiện đời sống và kinh tế của các hộ gia đình trong làng bản. Địa điểm tổ chức tuỳ thuộc vào sự bố trí của già làng đối với những thôn có nhiều mặt thuận lợi và đảm bảo việc đi lại của những người tham dự lễ hội…
Một số hình ảnh tại Lễ mừng nhà mới và lễ hội Arieuping của dân tộc Tà Ôi
Đầu tiên, đồng bào làm chung một ngôi nhà ở trung tâm để mời các già làng, trưởng bản lân cận, những vị khách quý tham dự lễ đến ở trong suốt thời gian lễ hội. Tiếp đó, các nghi lễ thờ cúng sẽ diễn ra theo phong tục của đồng bào Tà Ôi. Mọi người tham gia lễ hội nhảy múa xung quanh nhà mồ cho đến khi lễ hội kết thúc.
Trong thời gian diễn ra lễ hội, nhiều hoạt động văn hóa truyền thống cũng được tổ chức, đặc biệt là lễ hội đâm trâu – một nghi lễ quan trọng để cúng tế thần linh, khấn cầu cho bản làng yên vui, đoàn kết, tương thân tương ái…
Có thể nói, lễ hội Ariêu Ping đã trở thành một nét văn hóa độc đáo trong tiến trình phát triển của dân tộc Tà Ôi ở Quảng Trị. Đây là một hình thức giáo dục nhằm chuyển giao cho các thế hệ sau biết kế thừa, giữ gìn và phát huy những giá trị đạo đức truyền thống quý báu của dòng tộc. Đồng thời, lễ hội còn thể hiện nét văn hóa tâm linh, sự tôn kính, hiếu nghĩa của người sống đối với người đã khuất góp phần khơi dậy truyền thống hiếu nghĩa, đoàn kết gắn bó bền chặt trong cộng đồng làng bản.
3.9. Văn nghệ dân gian
Dân tộc Tà Ôi có một kho tàng văn nghệ dân gian phong phú: gồm các thể lại văn học, các loại hình nghệ thuật. Đáng chú ý là bộ nhạc cụ bao gồm dàn cồng chiêng, nhạc cụ thổi và nhạc cụ dây. Đàn cồng chiêng của người Tà Ôi được sử dụng chủ yếu trong lễ hiến sinh cúng giàng. Mỗi dàn gồm 6 cồng chiêng có núm và 6 tala- chiêng băng và một chagor – trống lớn. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, bộ cồng chiêng của người Tà Ôi và bộ cồng chiêng của các dân tộc Bru – Vân Kiều và dân tộc Cờ tu láng giềng rất giống nhau, nhưng lại rất khác nhau ở tiết tấu âm nhạc. Chính vì vậy, nếu nhìn hiện vật bộ cồng chiêng rất khó phân biệt là của dân tộc này hay dân tộc nọ, nhưng khi nổi hồi cồng chiêng lên thì ta nghe tiết tấu hoàn toàn khác nhau. Bộ nhạc cụ thổi và nhạc cụ dây cũng có nét tương tự như bộ cồng chiêng là rất giống nhau với bộ nhạc cụ của dân tộc láng giềng (Bru – Vân Kiều, Cơ Tu). Đó là cây đàn hai dây chcim preh, cây đàn một dây – ndro kéo băng cân; đó là những chiếc kèn môi – I awơt, những ống sáo areng dành riêng cho phụ nữ thổi.
3.10. Gia đình, dòng họ
Hình thái gia đình nhỏ phụ hệ là hình thái gia đình mang tính phố biến. Trong gia đình người Tà Ôi, quyền thừa kế tài sản thuộc về con trai. Người con trai trưởng có trách nhiệm chủ trì các nghi lễ thờ cúng tổ tiên và được ưu tiên ở nhà gốc – nhà của bố mẹ để lại. Khi còn ở nhà dài, thì con trai cả được ở gian sát với gian chung; em trai kể ở gian cuối của ngôi nhà; các em trai khác ở các gian giữa.
Trong quan hệ gia đình của người Tà Ôi, vai trò ông cậu – anh hoặc em trai của mẹ, có vai trò quan trọng trong việc tổ chức cưới xin cho các cháu – con của chị hoặc em gái của mình. Đối với cháu trai – con của chị hoặc em gái, ông cậu là người bán con gái mình cho nó; còn đối với cháu gái – con của chị hoặc em gái, ông cậu là người đứng ra gả chồng cho chúng. Theo phong tục người Tà Ôi, mỗi khi có việc gả chồng cho cháu gái ông thường được hưởng một phần tiền cưới.
Gia đình người Tà Ôi là gia đình nhỏ phụ quyền. Trong gia đình, người cha có quyền hành lớn giải quyết các công việc như sản xuất, làm nhà mới, tổ chức cưới xin, giao tiếp họ hàng, giao tiếp cộng đồng. Khi người cha mất đi, những điều đó thuộc về trách nhiệm người con trai cả.
Khi dựng vợ, gả chồng rồi, đôi vợ chồng trẻ đều tách ra ở riêng để sớm có cơ hội gây dựng một cơ ngơi riêng cho mình và hơn nữa cũng muốn khẳng định mình trong dòng tộc và trong cộng đồng.
Tuy nhiên đến giữa thế kỷ XX, ở dân tộc Tà Ôi vần có bóng dáng của đại gia đình. Đại gia đình thường có 4 – 5 thế hệ cùng sinh sống trong một ngôi nhà dài. Trong gia đình này chỉ có những người có quan hệ huyết thống tính theo dòng cha cùng sinh sống với nhau.
Về quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, có sự khác nhau giữa các thành viên trong gia đình lớn và các thành viên trong gia đình nhỏ… Trong đại gia đình, quan hệ giữa các thành viên chủ yếu là quan hệ có tính chất quan hệ dòng họ; còn quan hệ giữa các thành viên trong gia đình nhỏ phụ hệ chủ yếu là quan hệ huyết thống trực hệ, bao gồm quan hệ vợ chồng, quan hệ bố mẹ và con cái.
3.11. Tục lệ cưới xin
Người Tà Ôi thực hiện hôn nhân ngoại dòng tộc. Nghiêm cấm những người có quan hệ huyết thống kết hôn với nhau. Người Tà Ôi quan niệm, những người cùng một tổ tiên theo dòng cha là cùng một họ. Đã cùng một tổ tiên chung thì không được có quan hệ tình giao với nhau. Vi phạm quy định này là loạn luân – agam. Hôn nhân của người Tà Ôi là hôn nhân một vợ một chồng bền vững. Nếu có trường hợp lấy hai vợ cũng là những trường hợp ngoại lệ, chứ không phải là thông lệ. Cho nên dư luận cộng đồng thường chê trách những người đa thê.
Sau hôn nhân, người phụ nữ Tà Ôi phải về cư trú bên nhà chồng. Tục lệ cô dâu sang cư trú bên nhà chú rể sau hôn nhân là tiền đề, nhà trai phải trả cho nhà gái một khoản tiền đền bù thường là rất cao. Tục lệ cưới xin của người Tà Ôi gồm hai nghi lễ chính: nghi lễ thứ nhất là aboh – đập bếp và nghi lễ thứ hai là pei blô – mua cái đầu. Trong nghi lễ thứ nhất, nhà trai đưa đến nhà gái một phần tiền cưới; trong nghi lề thứ hai, nhà trai thanh toán nốt số tiền cưới còn thiếu.
Đi Sim (Ảnh sưu tầm)
Theo phong tục dân tộc Tà Ôi, trai gái đến tuổi dậy thì phải nhuộm răng, xâu tai, được tự do tìm hiểu người bạn đời. Họ có thế gặp nhau trên nương, trong các dịp hội hè, lễ hội,… Nhưng hình thức tìm hiểu mang nét đặc trưng của dân tộc Tà Ôi (cả người Cờ tu và Bru – Vrtn Kiều) là tục đi “sim”. Theo tục lệ này, thông thường vào các buổi tối tuần trăng sáng, các chàng trai – la lâu và các cô gái – cu môr, theo nhau vào rừng hoặc đến các nhà xu để trò chuyện thổ lộ tâm tình. Có khi họ tự động tập hợp lại thành tốp dăm, bảy người hay đông hơn lũ lượt từ làng này sang làng khác, để hò hẹn, tìm gặp nhau trò chuyện tình cảm. Đây hoàn toàn là một sinh hoạt lành mạnh, một nét đẹp. độc đáo trong văn hoá của người Tà Ôi. Buổi đầu đi sim, lúc nào cũng là đi tập chuyện tập thể, hát tập thể, nhưng khi có đôi nào đó “phải lòng nhau thì họ tự động tách ra thành đôi riêng lẻ, trò chuyện riêng tư. Khi đi sim. khi hát, các chàng trai, cô gái thường sử dụng nhạc cụ: sáo, đàn ta lư, kluII bè (một loại nhạc cụ của người Lào) với âm thanh rộn ràng, lôi cuốn. Ngoài ra, trong lúc đi sim, họ còn sử dụng các nhạc cụ như: krào, chiêng thích hợp với lối nói a cặm – lối nói bóng gió, một lối nói phổ biến và được ưa chuộng trong các cuộc đi sim. Trai gái Tà Ôi nhận biết các tín hiệu ngôn ngữ tình yêu qua các nhạc cụ này rất giỏi. Sau mỗi buổi đi sim, người con trai thường tặng cho người con gái những kỷ vật như: vòng hạc, chuỗi hạt cườm, hoặc một ít tiền. Nếu cô gái nhận kỹ vật đó có nghĩa là ngấm ngầm hẹn ước với chàng trai; còn nếu từ chối có nghĩa là không chấp nhận tiếp tục gặp lại nữa. Những kỷ vật mà cô gái nhận từ chàng trai, nếu vì một lý do nào đó, đôi trai gái không thành vợ chồng thì cô gái sẽ tìm cách hoàn lại. Cũng theo tập quán dân tộc, người Tà Ôi trong một thời điểm có thể làm quen, tìm hiểu nhiều đối tượng khác nhau. Bởi vì chỉ có vậy, họ mới tìm được cho mình một người tình lý tưởng – cà răm.
Qua các cuộc đi sim, khi đôi trai gái thực sự yêu nhau, chàng trai về nhà báo cho bố mẹ biết. Thông thường, bố mẹ chàng trai hoan nghênh tình yêu của con cái và nhờ ông mai bà mối – kanlrana đánh tiếng cho nhà gái biết. Kanlrana thường là ông cậu của chàng trai. Kanlrana có vai trò rất quan trọng, thay mặt nhà trai đi lại thăm hỏi nhà gái nhiều lần. Mỗi lần đến thăm nhà gái, nhất thiết phải có một món quà “tình cảm” nho nhỏ như: con gà, cân nếp, chai rượu. Trong đám cưới kanlrana là chủ hôn.
Khi được sự nhất trí hai bên gia đình, nhà trai sẽ tiến hành làm lễ ăn hỏi – poộc plô cam pav, lễ bỏ của – dò văn chính thức. Đoàn nhà trai đi ăn hỏi gồm có: người làm mối – kanlrana, chủ làng – ariay cầm kiếm bạc, bố đẻ chàng trai – a ăm, trưởng họ – xuất mu và em gái bố mang gánh đồ đạc của cải. Đoàn ăn hỏi nhà trai sẽ gặp chủ làng, trưởng họ, bố và ông cậu của cô gái bàn bạc thống nhất hai nội dung quan trọng là: ngày cưới và số của cải tiền bạc mà bên nhà trai sẽ trao cho nhà gái trong ngày cưới. Sau lễ ăn hỏi, quan hệ đôi trai gái được cả dòng họ thừa nhận là đã dính hôn, chỉ còn chờ lễ cưới chính thức.
Lễ cưới: Theo tập quán, người Tà Ôi không chờ làm xong lễ cưới nàng dâu mới về nhà chồng, mà cô ta có thể về nhà chồng ngay sau khi hai bên cha mẹ thoả thuận xong khoản tiền cưới. Sau khi ở nhà chồng khoảng 5-7 ngày, cô gái mới trở lại nhà bố mẹ đẻ cùng với chồng để tổ chức lễ cưới lần thứ nhất – lễ tăp aboh (lễ đập bếp). Thực hiện nghi lễ này, nhà trai phải mang sang nhà gái những đồ đã được thoả thuận từ trước như: trâu, bò, heo, gà, rượu, gạo tẻ, gạo nếp, cá khô, chiếu, thanh la, chiêng, ché,… Ngoài ra nhà trai còn phải chuẩn bị lương thực, thực phẩm cho hôn lễ tiến hành tại nhà mình. Cũng trong ngày cưới, không chỉ nhà trai mang của sang nhà gái, mà theo phong tục, nhà gái cũng phải mang của sang nhà trai. Nhưng phần nhà gái mang sang nhà trai lúc nào cũng ít hơn phần mà nhà trai mang sang nhà gái về số lượng và chất lượng. Hiện vật nhà gái mang sang nhà trai thường là: gà, cá, chim muông, rượu, một ít gạo tẻ. Ngày cưới không chỉ là ngày vui của đôi trai gái, mà còn là ngày vui của cả gia đình, của dòng họ, của bản làng, của cộng đồng. Chính vì vậy, hôn lễ thường kéo dài suốt hai ngày một đêm. Trong những ngày đêm đó, anh em trong dòng họ – mu, bà con trong làng đến vui chơi ca hát, kể chuyện, ăn uống. Những hình thức hát và kể chuyện phổ biến là: lối hát đối đáp bao hàm cả trách móc, khiêu khích hay ca ngợi; kể cho nhau những câu chuyện về tình yêu đôi lứa trong sáng, chung thuỷ như: chuyện Achul, chuyện nàng Ta Ngực, Kinhiêu, Anan,… Cũng trong nghi lễ cưới, đôi trai gái Tà Ôi phải thực hiện nhiều tục lệ phức tạp khác nhau như tục trao kiếm, tục rửa chân – pa rin, tục ăn cơm chung – cha chum, tục lại mặt,… Trong nghi lễ cưới, chú rể chỉ được ăn những thứ do nhà gái mang tặng như: gà, vịt, chim, cơm nếp, cá; còn cô dâu và họ hàng nhà cô dâu bắt buộc chỉ ăn những thứ do nhà trai mang đến như: trâu, bò, dê, lợn, cơm tẻ. Những quy định này được hai họ thực hiện một cách tự nguyện và rất nghiêm túc.
Ở lễ này, người con gái từ giã cha mẹ đẻ bằng hai lễ thức: cắm một con dao nhọn bằng sắt vào bếp nấu ăn của người mẹ và vứt xuống gầm sàn đôi đũa cả mà người mẹ vẫn dùng để ghế cơm.
Thực hiện xong các nghi lễ cần thiết, đoàn đón dâu xin đươc con dâu về nhà chồng. Trên đường rước dâu về nhà chú rể, đồng bào Tà Ôi rất kiêng thấy cây đổ, và tuyệt đối cấm việc người đi sau chạm chân vào người đi trước.
Nghi lễ pei blô – mua cái đầu: Lễ khơi là nghi lễ cưới lần thứ hai, để thanh toán phần tiền cưới còn lại và tạ ơn thần linh. Nghĩa đen của thuật ngữ pei blô có nghĩa là xong xuôi, trọn vẹn, tròn trịa. Tổ chức xong nghi lễ này là đôi vợ chồng thực hiện xong nghĩa vụ của cuộc đời đối với đôi bên cha mẹ, dòng họ, bản làng.
Lễ khơi: Là một nghi lễ rất tốn kém phải làm thịt nhiều trâu, bò, lợn, gà,… và bắt buộc phải có nhiều cá khô. Lễ khơi được tổ chức tại nhà trai, kéo dài ba, bốn ngày đêm. Trong lễ khơi, anh em bên nhà trai cũng như bên nhà gái từ khắp mọi nơi về họp mặt đông đủ, ăn uống, hát hò. nhảy múa, kể chuyện cho nhau nghe. Do lễ khơi cần nhiều của cài, cho nên lễ khơi thường không ấn định trước và thường kéo dài vài năm. Mặc dù nghi lễ khơi tốn kém, nhưng đã là phong tục thỉ nhất thiết phải làm. Ông bà, cha mẹ sống chưa làm được lễ khơi, thì sau khi chết, con cháu phải thực hiện cho bằng được. Bởi vì nếu không làm được lễ khơi, người chết sẽ không an lòng nơi chín suối, người sống thấy có tội với giàng, với ma, với bà con xóm giềng hai bên nội, ngoại.
3.12. Tập quán tang ma
Nhà mồ của người Tà Ôi (Ảnh sưu tầm)
Cũng như nhiều dân tộc khác, người Tà Ôi quan niệm rằng, con người khi sống có xác và có hồn. Khi chết đi phần hồn biến thành ma. Ma người mới chết chưa được cải táng gọi là giàng kumui; ma của người chết đã được cải táng gọi là giàng kane. Ma mới được thờ trong một cái miếu dựng ở trong rừng sâu. Cái miếu đó
gọi là đung kumui – nhà kumui; còn ma cũ được thờ tại nhà ở, trên một cái wa. Lễ cải táng- rơpớp là nghi lễ lớn nhất trong các nghi lễ thờ cúng tổ tiên của người Tà Ôi, đồng thời là một ngày hội lớn của dân làng và của các làng lân cận. Lễ cải táng với nội dung chính của nó là đào lấy hài cốt lên, rồi chuyển đến nghĩa trang cải táng chung của làng, chôn theo từng khu vực riêng của mỗi gia đình hay của mỗi dòng họ. Tuy nhiên về cách thức tổ chức thì làm rất linh đình, tổ chức ăn uống linh đình cho cả làng, ăn uống, vui chơi, ca hát, nhảy múa suốt mấy ngày đêm. Vì vậy, việc cải táng thường được tố chức chung cho cả làng và thường 5-7 năm mới cải táng một lần.
 Dương Công Thức (sưu tầm)